Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Đột phá từ phân xã


(15/08/2006 10:52:47)

TTXVN có một thế mạnh mà không báo đài nào trong cả nước có được là mạng lưới phóng viên ở 64 tỉnh, thành phố với trụ sở làm việc khang trang, đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của thông tin TTXVN hiện nay vẫn thấp.

          Nguyên nhân một phần do tin, bài phân xã chuyển về Tổng xã hiện vẫn bị đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới thông tin. Nhiều thông tin còn đưa sau một số báo như Lao Động, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên,... Nội dung thông tin còn đơn điệu, cách thể hiện chưa mới, tin tiến độ, tin phản ánh khá nhiều trong khi tin phát hiện, tin nêu được vấn đề còn ít. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan rất quan tâm đến chất lượng thông tin từ các phân xã thậm chí chỉ mong trong một ngày TTXVN có từ 5 đến 10 tin có tính phát hiện, tin nêu được vấn đề mà chúng ta vẫn chưa làm được.


          Chúng tôi đã thống kê trong một tháng thì thấy phóng viên các phân xã trong cả nước viết trên dưới 3.000 tin, bài, trong đó có hơn 200 tin bài không được dùng do nội dung không mới, sơ sài, viết sau các báo, chậm so với yêu cầu thông tin. Tỷ lệ tin, bài đạt điểm chất lượng chỉ là 2,8 tin/phóng viên/tháng. Hiện tại, nhiều TTXVN ở các phân xã vẫn viết tin theo công thức, khuôn mẫu. Chẳng hạn, trong bài viết bao giờ cũng nói đầy đủ về thực trạng, tiềm năng, kết quả, rồi đến hướng phát triển những năm tới... Có đủ thứ vấn đề được đề cập trong một bài, có bài dài cả sải tay nhưng thông tin đem đến cho người đọc rất ít. Bên cạnh đó, tình trạng lấy lại tin của các báo vẫn thường xuyên diễn ra. Hiện tượng TTXVN bàng quan trước các vấn đề "nóng' đang xảy ra vẫn còn tồn tại. Chưa có nhiều phóng viên thật sự lăn lộn với cuộc sống, săn tìm thông tin để có những trang viết mang "hơi thở của cuộc sống", có tính phát hiện, nêu vấn đề. Đơn cử như trước tình hình hạn hán, sâu bệnh, dịch gia súc, gia cầm xảy ra, ngày nào Bộ biên tập cũng nhắc nhở nhưng thông tin của các phân xã vẫn nghèo nàn, ít tin bài sâu, đa phần chỉ đưa chủ trương của tỉnh như tăng cường, triển khai, nỗ lực..., chưa thể hiện được sự tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở "lật đi lật lại" từng sự việc để "nảy" ra vấn đề cần thông tin. Nguyên nhân chủ yếu có lẽ do tính chủ động, sáng tạo của phóng viên chưa cao, thiếu sự trăn trở, suy nghĩ và tâm huyết của người làm báo. Đây là điểm rất yếu mà phóng viên phân xã trong nước cần khắc phục.


          Một tồn tại nữa đó là hiện tượng "chẻ tin", viết tin, bài hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo. Vẫn biết rằng phóng viên phải dựa vào báo cáo và hội nghị nhưng phải biết phát hiện, tìm hiểu để từ đó có được những tin, bài nêu vấn đề mới. Bên cạnh đó vẫn còn khá phổ biến những bài viết về các tấm gương "người tốt việc tốt" nhưng lại thiếu chọn lọc, kỹ năng thể hiện vẫn theo lối mòn... Hoặc vẫn còn hiện tượng cùng một vấn đề mà cả trưởng phân xã và phóng viên cùng đưa tin hoặc có vấn đề vừa đưa tin tháng trước, tháng sau lại "xào" lại mà không có gì mới. Đơn cử như phân xã Hà Nội, ngày 7/6/2006, phóng viên theo dõi ngành viết tin "Hà Nội đẩy nhanh GPMB các dự án trọng điểm" thì ngay sau đó một ngày, đồng chí Trưởng Phân xã Hà Nội lại viết tin "Hà Nội tháo gỡ vướng mắc GPMB một số dự án trọng điểm". Để xảy ra sự việc này trước hết là trách nhiệm của đồng chí trưởng phân xã bởi đồng chí phóng viên theo dõi ngành làm  tin là đúng. Hơn nữa, Trưởng phân xã là người duyệt tin của phóng viên nên càng biết vấn đề nào đã đưa rồi. Chẳng cứ gì phân xã Hà Nội, nhiều phân xã khác cũng có tình trạng tương tự.


          Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi kiến nghị: Những vấn đề đã phân công cho phóng viên theo dõi thì để phóng viên đó viết tin. Các phân xã phải lập sổ theo dõi thông tin. Tin nào được trưởng phân xã duyệt thì mới phát, nếu phát trùng tin, bài thì trưởng phân xã phải bị trừ điểm.


          Để tạo bước đột phá trong công tác thông tin, cần sớm khắc phục những yếu kém trong công tác thông tin của các phân xã. Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng phong cách làm việc mới, mạnh dạn đổi mới việc xử lý thông tin của các phóng viên phân xã nếu không thông tin của ta sẽ tụt hậu, mất luôn cả mảng tin địa phương.


          Chúng tôi kiến nghị cơ quan nên thí điểm thực hiện ký hợp đồng với từng phóng viên: Tin, bài có chất lượng, được nhiều báo dùng thì trả nhuận bút cao. Ngược lại, tin, bài không được dùng thì không phải nhận xét trả lại. Mức thưởng, phạt như hiện nay đã có tác dụng nhưng chưa đủ sức làm thay đổi sự trì trệ tồn tại từ lâu nay đối với phóng viên phân xã. Không nên kéo dài tình trạng trả thù lao cho phóng viên theo kiểu ưu tiên số đông làm việc, chất lượng trung bình, được chăng hay chớ như hiện nay.


          Vấn đề thứ hai là công tác tiếp nhận nhân sự, đào tạo trưởng phân xã và phóng viên phân xã. Phần lớn các trưởng phân xã hiện nay đều đã ở độ tuổi khá cao nên mức độ năng động, xông xáo có phần hạn chế, một phần do chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng lại, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, ở lâu tại một địa bàn... Thực tế vừa qua cho thấy, việc luân chuyển, đề bạt một số phóng viên trẻ lên phụ trách, làm trưởng phân xã ở một số địa bàn như: Điện Biên, Cao Bằng, Thái Bình... giúp chất lượng thông tin khá hơn.


          Một vấn đề nữa là, phần lớn phóng viên không được đào tạo chuyên ngành báo chí, sau khi được tuyển dụng vào cơ quan là cử đi thường trú ở các phân xã ngay. Hiện tượng phóng viên trẻ làm việc đủng đỉnh, thiếu tinh thần trách nhiệm còn khá phổ biến. Nếu lại làm việc ở những phân xã không được sự giúp đỡ tận tình của trưởng phân xã, mạnh ai nấy làm thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin.


          Bên cạnh đó, công tác tổ chức ở phân xã hiện nay còn nhiều bất cập. Có địa bàn nhỏ, không phải vùng trọng điểm mà bố trí tới 3-4 phóng viên khiến nhiều khi phóng viên khó "kiếm" tin. Do đó, để hoàn thành định mức, phóng viên phải đưa tin cả những vấn đề vụn vặt, "vơ bèo vạt tép". Chúng tôi thấy đây cũng là vấn đề không kém phần quan trọng, cần có sự nhìn nhận, đánh giá, bố trí nhân sự cho hợp lý.


          Một vấn đề khác là công tác biên tập tin của các phân xã tại Tổng xã hiện nay còn bị chia cắt, phân tán chưa đồng bộ theo một hệ thống. Thậm chí, có biên tập viên do chưa hiểu tình hình địa phương nên xảy ra tình trạng biên tập sai tin của phóng viên. Có phóng viên viết tin khá hay về điểm Bưu điện văn hóa xã nhưng bị biên tập viên phê không dùng với lý do là không dùng tin... bưu điện xã. Ngược lại, nhiều phóng viên phân xã còn tư tưởng nghĩ rằng đã có biên tập viên chỉnh sửa nên còn cẩu thả khi viết tin bài. Thậm chí, có phóng viên còn nói: Phóng viên mà viết chuẩn rồi thì "món biên tập" sinh ra để làm gì? Phóng viên viết cẩu thả trong khi biên tập viên chưa sắc sảo thì làm sao nâng cao được chất lượng thông tin? Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải làm cho phóng viên hiểu rõ trách nhiệm của mình là hoàn chỉnh sản phẩm trước khi chuyển về Tổng xã đồng thời cần sớm đổi mới, sắp xếp lại khâu biên tập ở Tổng xã sao cho hợp lý, đồng bộ. Đây cũng là vấn đề cần làm để góp phần vào bước đột phá thông tin của ngành.

Nguyễn Sỹ Thủy
Thư ký Chi hội Phòng QLPXTN
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)