Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Đột phá từ chính mình


(15/08/2006 10:51:40)

Tôi cứ băn khoăn với tên gọi chuyên mục "Diễn đàn tạo bước đột phá mới trong công tác thông tin".

          Tạo bước đột phá mới là thế nào nhỉ? Sao không đột phá luôn mà chỉ tạo bước thôi? Nếu đã có bước đột phá mới thì bước đột phá cũ là gì? Lẩn thẩn giở Từ điển Tiếng Việt ra xem các nhà ngôn ngữ học giải thích từ "đột phá" ra sao thì thấy Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giải thích từ này có nghĩa là: "chọc thủng, phá vỡ một số đoạn trong hệ thống phòng ngự của đối phương để mở đường tiến quân". Thì ra là thế. Vậy "kẻ địch" mà chúng ta cần phải chọc thủng, phá vỡ để có thể nhanh chóng "tiến quân" vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin là gì nhỉ? Lại lẩn thẩn nghĩ và chợt nhận ra "kẻ địch" ấy không phải ai khác mà chính là...mình. Đột phá từ đâu nếu không phải từ chính mỗi con người, trên mỗi cương vị công tác của mình.

 

          Đại dương bao la cũng bắt đầu từ những con suối nhỏ. Uy tín, thương hiệu của TTXVN được tạo nên từ những con người cụ thể, ở những cương vị cụ thể. Nếu mỗi người thực sự làm tốt công việc của mình với tất cả tinh thần trách nhiệm và sáng tạo thì hẳn các sản phẩm báo chí chúng ta làm sẽ có chất lượng cao. Mỗi phóng viên, mỗi biên tập viên, mỗi cán bộ phụ trách đều tạo cho mình thương hiệu riêng thì gộp lại mới thành thương hiệu chung của cơ quan.

 

          Phải có sự tự ái nghề nghiệp, sự tôn trọng trong công việc thì mới luôn có ý chí phấn đấu để làm tốt hơn. Sự tự ái nghề nghiệp giúp ta vươn lên. Sự tự trọng giúp ta luôn phải hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể, chứ không phải làm cho có, hoặc để hoàn thành định mức, vượt năng suất... Với những người lãnh đạo, phụ trách đơn vị, sự tự trọng, tự ái nghề nghiệp lại càng phải cao hơn nữa, bởi đấy là sự tự ái cho cả đơn vị mình phụ trách.

          

          Nếu tự trọng, một phóng viên ảnh không thể gửi cho Ban biên tập những bức ảnh chụp không rõ nét, bố cục lộn xộn...yếu kém cả về nội dung và hình thức, hay phóng viên tin gửi về những tin vô thưởng vô phạt, viết lách cẩu thả, không có chút gì dấu ấn cá nhân hay sự tìm tòi phát hiện,...

 

          Những người làm công tác biên tập, duyệt bài, duyệt ảnh nếu vì thiếu trách nhiệm hay nể nang, "chặc lưỡi" cho qua, đưa những ảnh đó, tin đó lên mạng, lên mặt báo thì vô hình chung đã làm phương hại đến thương hiệu của cơ quan, bởi những sản phẩm báo chí ấy khi được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng thì không còn là của cá nhân nữa mà đã trở thành sản phẩm chung của TTXVN. Mỗi sản phẩm thông tin chúng ta làm ra từ những tin, bức ảnh cụ thể, đến lớn hơn là những tờ báo, tạp chí, bản tin, bộ phim đều phải vì uy tín của TTXVN và cao hơn nữa là uy tín quốc gia, nếu những sản phẩm đó tham gia vào công tác thông tin đối ngoại.

 

          Đạo đức nhà báo và trách nhiệm công dân-những từ tưởng như to tát nhưng lại là điều mỗi người làm báo chúng ta phải có trách nhiệm tuân thủ. Một bức ảnh có thể lay động hàng triệu con tim, tạo nên cả một phong trào ủng hộ hay phản đối. Một tin viết sai sự thật dù là khen hay chê đều có tác hại ghê gớm đến đối tượng được đề cập. Điều đó không phải không có ở cơ quan ta. Mới cách đây không lâu đã có một tin viết sai sự thật hoàn toàn về một nhà giáo ở Thanh Hóa bán đề thi và bị công an bắt quả tang. Thử hỏi tin đó ảnh hưởng thế nào đến uy tín, danh dự của người giáo viên đó? Rồi chỉ một dòng tiếng Anh dịch sai trên một tin về kinh tế đã ảnh hưởng cả đến quá trình đàm phán của Chính phủ ta ở tận bên Mỹ.    

 

          Vậy nên đạo đức và trách nhiệm công dân của người làm báo không phải là cái gì mơ hồ mà nó gắn liền với công việc hàng ngày của mỗi chúng ta. TTXVN có vai trò là một ngân hàng tin ảnh, Chỉ cần một tin viết sai sự thật thôi đủ làm ngân hàng đó mất tín nhiệm, mà như người xưa nói, mất tiền là mất ít, mất tín nhiệm là mất tất cả.

 

          Chúng ta luôn nói rằng TTXVN là dòng chủ lưu trong công tác thông tin. Chủ lưu có thể hiểu là dòng chảy chính, hoặc làm chủ dòng chảy thông tin để các dòng khác phải chảy theo mình. Nhưng chúng ta có làm được việc đó không, khi đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, mà bản thân chúng ta lại chậm đổi mới, Nếu không làm được vai trò chủ lưu để dòng thông tin ào ạt chảy qua thì có nghĩa là chúng ta đang chủ động lưu lại. Hẳn rất dễ thấy hiện nay, khi có sự kiện quan trọng xảy ra, mọi người đều đổ xô đi tìm báo Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... hay vào các báo điện tử Vietnamnet, Vnexpress... để đọc, chứ ít người xem báo Tin Tức hay mạng điện tử của TTXVN. Có những tờ báo sinh sau, đẻ muộn nhưng họ phát triển nhanh hơn ta rất nhiều. Điều đó có đụng chạm đến tự ái nghề nghiệp của chúng ta không?

 

          Đánh giá của Ban lãnh đạo cơ quan về công tác thông tin như sau: "trong công tác thông tin vẫn còn một số yếu kém, cụ thể là: chưa tạo được bước đột phá về chất lượng thông tin, thông tin có lúc chưa nhanh, ít tin bài phát hiện, nội dung chưa sâu, đơn điệu trong cách thể hiện, kém hấp dẫn, do đó tính cạnh tranh còn hạn chế... Những yếu kém đó tác động trực tiếp đến hiệu quả chính trị, kinh tế của thông tin, thách thức vai trò của TTXVN là dòng thông tin chủ lưu"... nhưng cũng năm 2005 toàn cơ quan có 5 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 11 Chiến sĩ thi đua ngành, 187 Chiến sĩ thi đua cơ sở, 109 tập thể Lao động xuất sắc, 88 tập thể Lao động Tiên tiến và 1018 Lao động Tiên tiến...". Chúng ta nghĩ sao về điều này? Tất nhiên trong cơ quan có rất nhiều người làm việc hết mình, rất xứng đáng với những phần thưởng họ đã nhận, nhưng nếu cơ quan toàn những người xuất sắc như thế thì sản phẩm làm ra cũng phải tương đương chứ? Như vậy có nghĩa chúng ta vẫn hình thức chủ nghĩa, nể nang trong sự đánh giá công việc, phẩm chất, năng lực của cán bộ. Vẫn có thói quen sợ mếch lòng và thích "vui vẻ cả làng". Như vậy người tích cực thấy mình cũng chẳng cần cố gắng nhiều làm gì, người không tích cực thấy làm thế cũng được rồi. Vì vậy cái sự đột...phá phải ngấm vào từng con người cụ thể, thành nhu cầu, áp lực phải vượt lên chính mình. Nếu không đột thủng được sự trì trệ bảo thủ, thói quen, tư duy làm báo lỗi thời thì làm sao có thể phá toang ra cho sự đổi mới tràn vào. Lẽ dĩ nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Hẳn chúng ta đều dễ nhận thấy ở chỗ này hay chỗ khác có không ít người khi phê bình các yếu kém, tồn tại của đơn vị mình đang công tác luôn phát biểu như một người ngoài cuộc mà không nghĩ rằng mình cũng là thành viên trong đó, cũng góp phần vào sự yếu kém đó và cũng có trách nhiệm phải khắc phục nó.

 

           Đột phá hay đổi mới nếu không có biện pháp, bước đi, có kế hoạch cụ thể, có kiểm tra việc thực hiện, có thường xuyên rút kinh nghiệm thì dễ trở thành khẩu hiệu mà năm nào ta cũng hô hào để rồi năm sau lại như năm trước. Theo tôi, để Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy TTXVN về đột phá trong công tác thông tin, có ba lĩnh vực phải cùng đổi mới:

 

          - Công tác tổ chức: Đây là khâu quyết định thành bại của một đơn vị. Chỉ có bố trí đúng người, đúng việc, đúng khả năng, biết trọng dụng người tài, biết tổ chức toàn bộ công việc một cách khoa học thì mới đảm bảo mọi công việc trôi chảy.

 

          - Công tác chuyên môn: Làm báo là một công việc vừa mang tính cá nhân lại vừa mang tính tập thể rất cao. Dây chuyền làm báo yêu cầu tất cả các khâu phải ở trình độ chuyên môn cao thì mới có sản phẩm cuối cùng hoàn hảo được. Từ định hướng tuyên truyền, việc thực hiện bài, ảnh của phóng viên, công tác biên tập, trình bày báo, in ấn... rồi khi báo đưa đến bạn đọc lại phải có công tác khảo sát nhu cầu của bạn đọc để quay trở lại cải tiến tờ báo cho phù hợp. Đấy là một vòng tròn khép kín mà công đoạn nào yếu đều làm cho cả dây chuyền yếu.

 

          - Cơ chế, chính sách: Cơ chế, chính sách phải phù hợp với sự đổi mới của báo chí, khuyến khích được người lao động, người thực sự có tài, có nhiều đóng góp cho cơ quan, tránh tình trạng tin, ảnh chạy theo số lượng chứ không phải chất lượng như hiện nay.

 

          Như vậy, để đột phá, đổi mới được công tác thông tin cần có sự khảo sát cụ thể, khoa học ở từng đơn vị làm công tác thông tin ở cả ba lĩnh vực trên xem mặt nào mạnh, mặt nào yếu, yếu ở chỗ nào, tại sao..., từ đó mới có thể đưa ra biện pháp phát huy cái mạnh, khắc phục điểm yếu một cách có hiệu quả.

 

          Nghề báo là cuộc đua tranh để trong cùng một sự kiện phóng viên có được những bức ảnh đắt giá nhất, những khoảnh khắc có một không hai, viết được những bài báo hấp dẫn nhất, khai thác được những khía cạnh độc đáo nhất đưa đến cho độc giả. Nếu bạn không cảm thấy day dứt khi cùng tham gia vào một sự kiện mà đồng nghiệp khác lại có được bức ảnh sáng tạo hơn, tìm được những góc độ tốt hơn, bài viết của họ hay hơn, sắc sảo hơn, có nhiều phát hiện mới mẻ hơn, thì bạn sẽ khó trở thành nhà báo giỏi. Để thắng trong cuộc đua tranh ấy, nhiệt tình, trách nhiệm không thôi chưa đủ, mà cần dựa trên nền tảng tri thức, phông văn hóa, kỹ năng làm báo. Những thứ đó không tự trên trời rơi xuống mà cần qua các khóa đào tạo và quá trình tự học bền bỉ. Nhà báo luôn phải tiếp cận với cái mới, tuyên truyền về cái mới, thậm chí phải dự báo được những cái sẽ diễn ra trong tương lai nên phải luôn cập nhật kiến thức mới cho mình. Điều kỳ lạ của kiến thức là càng học nhiều, đọc nhiều lại càng thấy mình biết...ít, giống như người càng leo lên cao lại càng nhìn thấy nhiều cái mình chưa biết. Do vậy việc học không bao giờ có điểm dừng. Làm việc theo kinh nghiệm chỉ có thể đi bước một, chỉ có tri thức mới giúp ta đột phá, bay cao, bay xa.

 

          Muốn TTXVN trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh trong tương lai như mục tiêu đã đề ra thì phải bắt đầu từ mỗi con người cụ thể từ hôm nay. Hãy đột phá trước hết từ chính mình.

Tiến Dũng
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)