Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tạo bước đột phá mới

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?


(15/08/2006 10:57:44)

Cuộc tọa đàm do Liên Chi hội Nhà báo TTXVN tổ chức mang tiêu đề “Làm thế nào để tạo bước đột phá trong công tác thông tin?”. Vậy thì thế nào là đột phá? Theo tôi nghĩ, khái niệm “đột phá’ ở đây hàm ý nói đến những giải pháp mang tính cấp bách nhằm tạo ra một bước ngoặt quyết định. Đột phá không có nghĩa là tất cả dàn hàng ngang tiến lên mà phải lựa chọn mục tiêu, lựa chọn lực lượng.

          Vậy để nâng cao chất lượng thông tin bằng hình ảnh thì chúng ta chọn mục tiêu nào để tấn công và tấn công bằng lực lượng nào?


          Để giải bài toán này, trước hết cần phân tích các khâu quyết định sự ra đời của một tác phẩm ảnh báo chí, đó là: Công tác chỉ đạo, công tác phóng viên và công tác biên tập.


          Tầm quan trọng của công tác chỉ đạo đã được chúng ta nói đến nhiều, bàn đến nhiều và dễ dàng nhất trí với nhau nên ở đây tôi xin phép không nhắc lại. Đối với lĩnh vực ảnh, công tác phóng viên có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì, khác với tin và bài, phóng viên dù có viết yếu thì qua bàn tay sửa chữa, nhào nặn của biên tập viên, sản phẩm cũng được "nâng tầm", thậm chí dở cũng có thể thành hay. Trong trường hợp đặc biệt, biên tập viên có thể viết lại toàn bộ. Song đối với ảnh, phóng viên đã chụp rồi thì biên tập viên đành chịu, không thể thêm bớt, sửa chữa gì được nữa (trừ động tác cắt cúp và chỉnh sửa chú thích). Khi đó, vai trò của biên tập viên chỉ còn dừng ở mức dùng hay bỏ tác phẩm đó. Song nếu là sự kiện quan trọng thì ảnh chụp yếu cũng phải dùng, vì ảnh thời sự không thể chụp lại được (điều đó lý giải phần nào có những ảnh còn non về tay nghề, song biên tập viên vẫn phải duyệt phát mạng).


          Công tác phóng viên giữ vai trò quan trọng và có tính quyết định như vậy nhưng thực trạng đội ngũ phóng viên ảnh hiện nay thế nào?


          Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, do được hình thành từ nhiều nguồn và do nhiều nguyên nhân khác nhau, số tay máy xuất sắc của Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí hiện nay chưa nhiều, trong khi đó, số tay máy trung bình lại không ít, thậm chí có cả những phóng viên tay nghề rất yếu nhưng Ban ảnh vẫn đang "phải dùng". Chụp ảnh báo chí thì sự kiện thường diễn ra chỉ trong phần trăm của giây, phóng viên không được phép cân đo, đong đếm nhiều về ánh sáng, bố cục. Như vậy, lôgích tất yếu sẽ là: Phóng viên giỏi thì ảnh chụp tốt (trừ trường hợp do yếu tố khách quan xảy ra đúng thời điểm chụp), phóng viên trung bình thì ảnh sẽ trung bình, tầm tầm, ít để tại cảm xúc và tác động đến người xem. Trong khi đó, đòi hỏi của người xem đối với ảnh báo chí có phần khắt khe hơn so với các loại hình báo chí khác. Một cái tin trung bình thì ít người có ý kiến vì độc giả chỉ cần có thông tin, song một bức ảnh trung bình thì rất dễ bị phê phán bởi vì ảnh báo chí vừa mang tính thời sự lại vừa mang tính thẩm mỹ. Cho nên, sự đòi hỏi nghiêm khắc của người xem là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiệm vụ của ảnh báo chí là phải phản ánh đầy đủ những sự kiện diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống. Vì thế, trong tổng số ảnh phát hàng ngày của Ban ảnh đương nhiên sẽ có những bức ảnh chất lượng không cao, chưa làm thỏa mãn người xem.


          Vậy thì giải pháp nào sẽ được lựa chọn? Ta hãy thử phân tích:


          Thứ nhất, việc nâng cao chất lượng tất cả phóng viên ngay trong thời gian ngắn là khó thực hiện.


          Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng phóng viên cũng là vấn đề cần tiến hành lâu dài và kiên trì.


          Thứ ba, chỉ phát những tác phẩm ảnh có chất lượng cao cũng là điều không khả thi vì như vậy, ảnh báo chí hàng ngày của chúng ta sẽ không làm tròn nhiệm vụ là phản ánh đầy đủ những sự kiện diễn ra hàng ngày (khác với một số đơn vị làm ảnh khác là họ có quyền lực chọn, ảnh chất lượng tốt thì đăng, không thì bỏ).


          Từ đó, có thể thấy rằng, hiện ta chưa có khả năng đảm bảo tất cả ảnh phát hàng ngày đều có chất lượng cao, vì vậy, cần chọn một mục tiêu vừa có tính khả thi, vừa có ý nghĩa quyết định.


          Theo tôi, có thể chia ảnh báo chí hiện nay làm hai loại:


          Một là, những bức ảnh phản ánh các sự kiện có ý nghĩa quan trọng, những sự kiên tác động lớn đến người xem và có khả năng được nhiều người truy cập.


          Hai là, những bác ảnh phản ánh các sự kiện cần thiết phải tuyên truyền song không quan trọng và có khả năng không được nhiều khách hàng truy cập.


          Phóng viên ảnh hiện nay cũng có thể tạm phân làm hai loại; Phóng viên có tay nghề khá, giỏi và phóng viên tay nghề không thuộc loại khá, giỏi.


          Việc bố trí lực lượng phóng viên hiện nay ở Ban được phân theo các chuyên đề, có nghĩa là: Phóng viên giỏi có thể được phân công chụp những sự kiện bình thường và phóng viên bình thường có thể được phân công chụp những sự kiện quan trọng. Một sự kiện quan trọng nào đấy, có tác động lớn, được dư luận quan tâm và lượng khách truy cập nhiều song lại rơi vào "chuyên đề" của một phóng viên tay nghề không thật xuất sắc thì đương nhiên bức ảnh có nội dung quan trọng ấy sẽ khó có khả năng đạt chất lượng cao.


          Vì vậy, theo ý kiến của tôi, trong khi chưa đủ điều kiện để nâng chất lượng toàn bộ ảnh báo chí thì ta cần phải chọn mục tiêu và lực lượng để đột phá. Theo đó, mục tiêu cần chọn để đột phá là những bức ảnh phản ánh những sự kiện được nhiều người quan tâm và quyết định đến uy tín của TTXVN phải đảm bảo chụp với chất lượng cao.


          Lực lượng dùng để đột phá là những phóng viên có tay nghề giỏi. Tạm gọi lực lượng này là đội đặc nhiệm có biên chế từ 3-5 người.


           Và cơ chế để lực lượng này hoạt động là: các phóng viên đặc nhiệm không chạy theo định mức mà được giao những đề tài cụ thể với những yêu cầu cụ thể. Đội được đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Ban (hoặc một Phòng đặc biêt), được ưu tiên trang bị về phương tiện hành nghề, phương tiên đi lại khi giải quyết những vấn đề thời sự nóng hổi và có chế độ thưởng phù hợp với việc trọng dụng người giỏi.


          Theo tôi, có hai phương án tổ chức đội đặc nhiệm:


          Phương án một là đội đặc nhiệm có biên chế chính thức gồm nhiệm vụ chính là chụp những sự kiện, hoạt động quan trọng, những đề tài cụ thể được giao và chụp bổ sung nguồn ảnh có chất lượng cao, có giá trị lưu trữ cho  Tư liệu ảnh TTXVN.


          Hiện nay, việc lưu trữ tư liệu của ta mới dừng ở mức thụ động, đó là lưu những cái ta chụp chứ chưa phải là lưu những cái ta cần. Bộ phận biên tập trong khi duyệt phát ảnh hàng ngày chỉ xem xét những gì cần đưa vào lưu tư liệu thì duyệt lưu chứ chưa chỉ đạo phóng viên đi chụp bổ sung những gì cần lưu trữ mà ta chưa có (hoặc có nhưng chất lượng chưa tốt). Ví dụ: Tư liệu rất cần những bộ ảnh chuyên đề về 64 tỉnh, thành, giới thiệu những nét đặc trưng về phong cảnh, con người, tiềm năng, thế mạnh kinh tế, đặc điểm vùng miền của từng địa phương hoặc bộ ảnh giới thiệu về từng ngành nghề, sinh hoạt của từng tôn giáo, đặc biệt là ảnh phản ánh những nét riêng mang tính đặc trưng của thời đại mà sau này cùng với sự phát triển của xa hội sẽ không còn như: Bơm xe ở Hà Nội, nghề đạp xích lô, xe đạp thồ, quán ăn vỉa hè, áo tơi chống nắng...Khối lượng các nội dung cần chụp rất đồ sộ, đòi hỏi ảnh phải có chất lượng cao song hiện nay ta chưa có lực lượng nào để làm.


          Đội này còn có nhiệm vụ chụp cảnh chất lượng cao theo yêu cầu của các đơn vị như Nhà xuất bản Thông tấn và các nhà xuất bản khác…


          Thực hiện tốt hai nhiệm vụ này sẽ tạo ra một nguồn ảnh chất lượng cao có khả năng kinh doanh tốt, đem lại thu nhập cho cơ quan, đơn vị.


          Ngoài ra, lực lượng này còn có nhiệm vụ  "săn ảnh". Hiện nay, hầu như tất cả phóng viên ảnh các nước đều đầu tư một phần công sức, thời gian nhất định cho việc "săn" những sự kiện bất thường, những khoảng khắc đắt giá trong nhiếp ảnh. Đó là một trong những yếu tố làm cho những bức ảnh trở nên sinh động, mang "hơi thở" thật sự của cuộc sống. Mảng ảnh này ở TTXVN chưa nhiều do cơ chế hiện nay dẫn đến việc phóng viên "chạy định mức" sẽ có lợi hơn về kinh tế. Đội đặc nhiệm không phụ thuộc vào định mức lại gồm những người tay nghề giỏi, say nghề sẽ có khả năng tạo được những bức ảnh đắt giá cho cơ quan. Tất nhiên sẽ có cách tính toán cụ thể để đánh giá hiệu quả lao động.


          Phương án hai là đội đặc nhiệm không có biên chế chính thức. Chỉ thành lập đội đặc nhiệm hoặc huy động từng thành viên đội đặc nhiệm khi cần chụp những sự kiên, hoạt động quan trọng đột xuất. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ, các thành viên đội đặc nghiệm lại trở về các phòng chuyên đề theo dõi ngành như trước.

Phạm Đình Quyền
Phó Trưởng ban Biên tập - Sản xuất ảnh
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)