Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập


(25/09/2006 11:22:37)

Thực hiện mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết của Đảng ủy TTXVN (19/5/2006): "Trong hai năm 2006 và 2007 của nhiệm kỳ này, phấn đấu tạo ra bước đột phá về chất lượng thông tin, bảo đảm tiêu chí thật nhanh, thật chính xác và hấp dẫn, đúng định hướng; phấn đấu khôi phục vị thế là dòng thông tin chủ lưu (theo cả ba tiêu chí: tính chính thống, số lượng và chất lượng); có khả năng cạnh tranh cao, được các phương tiện thông tin đại chúng tin dùng", Ban giám đốc VPĐD TTXVN tại TP.HCM đã đề nghị với Ban lãnh đạo cơ quan tổ chức công tác biên tập tin, bài của các Phân xã khu vực phía Nam ngay tại TP.HCM.

          Được Ban lãnh đạo ngành chấp thuận, Ban Giám đốc VPĐD TTXVN tại TP.HCM xây dựng đề án trình lãnh đạo ngành phê duyệt, NSTT có cuộc trao đổi với ông Lý Văn Tích, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Giám đốc VPĐD TTXVN tại TP.HCM.

 

          NSTT: - Thưa ông, dựa trên cơ sở nào mà BGĐ VPĐD TTXVN tại TP.HCM đề xuất việc tổ chức biên tập tin, bài của phóng viên phân xã các tỉnh phía Nam ngay tại TP.HCM ?

 

          Ông Lý Văn Tích: - Trước hết, chúng tôi dựa vào nội dung, tinh thần của Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng tháng 1/2006 và Nghị Quyết của Đảng ủy TTXVN tháng 5/2006 về mục tiêu tạo bước đột phá trong chất lượng thông tin đồng thời căn cứ đề án "Sắp xếp lại Phân xã trong nước" theo hướng tinh gọn, hiệu quả đã được lãnh đạo ngành thông qua nhưng chưa thực hiện được. Như vậy, có thể coi TP.HCM là "Phân xã khu vực" lớn với các vệ tinh là các phân xã phía Nam. Sau nữa, chúng tôi dựa vào chức năng, nhiệm vụ của VPĐD TTXVN là chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc về việc chỉ đạo thông tin của các phân xã và các hoạt động khác của ngành trên địa bàn quản lý. Thực ra, đây cũng không phải là việc làm mới. Sau giải phóng, tại TP.HCM, Thông tấn xã đã từng tổ chức khâu biên tập tin của phóng viên các Phân xã phía Nam.

 

          - Việc thực hiện công tác biên tập thông tin của các phân xã phía Nam tại TP.HCM có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

 

          - Triển khai công việc này tại TP.HCM chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp. Có thể, thời gian đầu sẽ có phóng viên hụt định mức, ảnh hưởng đến thu nhập. Với cách biên tập mới chặt chẽ hơn, đội ngũ phóng viên sẽ vất vả hơn, buộc phóng viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho "đứa con tinh thần" của mình. Thực tế hiện nay, vẫn có nhiều phóng viên phân xã làm việc theo phong cách cũ, rất đủng đỉnh và mang tính đối phó, chưa thực sự tâm huyết với nghề. Nhưng chúng tôi xác định, dù khó khăn cũng vẫn phải làm, khó mới phải suy nghĩ, bàn cách để làm. Nếu dễ thì ai cũng làm được và chẳng có gì phải đề xuất, phải bàn bạc nhiều.

 

          Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi cho rằng thuận lợi cũng không ít: Đề xuất này đã được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Bộ Biên tập nhất trí cao. Trong cuộc họp Đảng ủy mở rộng ngày 12/7/2006, hai đồng chí Đảng ủy viên đồng thời là Trưởng Ban biên tập tin Trong nước Vũ Xuân Bân và Trưởng Ban biên tập tin Kinh tế Nguyễn Minh Tuấn rất ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ biên tập viên cho bộ phận biện tập ở TP.HCM. Bản thân chúng tôi rất quyết tâm với công tác này vì đây là sự nghiệp chung của TTXVN. Hơn nữa, phóng viên các Phân xã B2 có truyền thống sẵn sàng ủng hộ cái mới và phá vỡ cách làm cũ. Họ luôn mạnh dạn, thẳng thắn phản biện (có khi rất gay gắt) và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện bằng được cách làm mới có chất lượng, hiệu quả và họ cũng luôn muốn chứng minh mình yêu nghề, tâm huyết với ngành.

 

          - Vậy theo ông, mục đích chính của việc tổ chức công tác biên tập ở TP.HCM là gì? Cách tiến hành ra sao và dự kiến thời gian thực hiện thế nào?

 

          - Theo thống kê của Phòng Quản lý Phân xã địa phương, mỗi tháng, phóng viên các Phân xã phía Nam gửi về Tổng xã khoảng 1.200 tin, bài. Việc biên tập số tin, bài này theo đúng nghĩa biên tập (có gợi ý, có định hướng, có dự báo...) là một áp lực lớn đối với đội ngũ biên tập viên ở Tổng xã hiện nay. Thực hiện biên tập tại TP.HCM thực chất là chia sẻ bớt áp lực với BBT tin Trong nước và BBT tin Kinh tế; kiên quyết gạt bỏ tất cả những thông tin kém chất lượng, những thông tin có tính chất báo đạo, đến hẹn lại lên theo hàng tháng, quý, năm. Việc biên tập thông tin tại TP.HCM nhằm mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng thông tin, tập trung mạnh vào hai tiêu chí nhanh và chính xác. Hai tiêu chí này sẽ tạo thêm động lực cho phóng viên, từ đó làm thay đổi phương thức tác nghiệp còn nặng chất công chức của nhiều phóng viên trong nước hiện nay. Phóng viên và biên tập viên phải làm sao rút ngắn khoảng cách thời gian từ khi sự kiện xảy ra đến khi thông tin đến công chúng.

 

          Chúng ta biết rằng, TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung là khu vực sôi động về kinh tế, văn hóa, xã hội; là nơi dẫn đầu nhiều phong trào trên nhiều lĩnh vực, cũng là vùng, miền mang đậm nét bản sắc về lối sống, văn hóa địa phương. Phóng viên và biên tập viên phải có sự hòa nhịp, ăn ý mới có thể chuyển tải được hơi thở của cuộc sống thấm đẫm chất vùng, miền của khu vực này vào những trang viết mà không bị địa phương hóa. Mỗi phóng viên cần đầu tư nhiều thời gian và công  sức hơn nữa vào việc tìm kiếm, "săn lùng" để phát hiện những thông tin hay, chất lượng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Loại bỏ những "cái" không phải là thông tin, động viên xứng đáng cho những thông tin chất lượng sẽ khuyến khích phóng viên dấn thân hết mình trong việc "săn" tin và hết mình với nghề. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt quy chế quản lý phân xã, đặc biệt là đối với trưởng phân xã. Trưởng Phân xã phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy chế và là tấm gương trong việc nâng cao chất lượng thông tin ngay từ khâu duyệt tin của phóng viên, chỉ đạo thông tin tại địa phương trước khi phóng viên gửi thông tin về biên tập.

 

          Để đạt được những mục đích trên mà mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng thông tin, Văn phòng đại diện TTXVN tại phía Nam phải tổ chức sắp xếp lại và quy tụ được đội ngũ biên tập viên từ các nguồn có sẵn là những người đã từng là phóng viên, nắm vững một số lĩnh vực, rồi tổ chức bồi dưỡng thêm kỹ năng biên tập cho họ; tiếp nhận sự hỗ trợ từ Tổng xã; hợp đồng với một số biên tập viên có nhiều kinh nghiệm, những nhà báo thạo nghề của một số tờ báo tại TP.HCM. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng quy chế trực biên tập theo ca, phục vụ kịp thời các bản tin hàng ngày và tiến tới phát online 24/24 giờ như mục tiêu của ngành đề ra; xây dựng quy chế về mối quan hệ Phân xã - Biên tập - Tổng xã. Phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật trang bị các thiết bị làm việc phù hợp, đáp ứng được yêu cầu biên tập và phát tin nhanh nhất. Xây dựng quy chế đãi ngộ xứng đáng cho những phóng viên và biên tập viên làm tốt trên cơ sở sửa đổi, bổ sung định mức thông tin đã có trước đây. Hoàn tất dự thảo đề án để trong tháng 8/2006 tổ chức cho các Trưởng phân xã B2 bàn bạc, thảo luận, tạo sự đồng thuận cao và báo cáo trước Hội nghị Phân xã Trong nước nhân dịp tổ chức Hội nghị toàn ngành để triển khai thực hiện vào thời gian đó.

 

          - Thưa ông, tất cả điều này liệu đã đủ làm thay đổi chất lượng thông tin của khu vực, góp phần tạo bước đột phá nâng cao chất lượng thông tin như mong muốn hay không?

 

          - Để nâng cao chất lượng thông tin như Ban Cán sự và Nghị quyết đảng ủy đề ra, không thể chỉ có một biện pháp mà đòi hỏi phải có chuyển biến đồng bộ, toàn diện. Tuy nhiên, nếu chờ đồng bộ thì biết đến bao giờ? Mỗi đơn vị hãy chủ động đề ra ít nhất một giải pháp mà mình cho là hiệu quả. Với tinh thần đó, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định công tác biên tập tin phía Nam chính là một trong những giải pháp góp phần làm thay đổi, nâng cao chất lượng thông tin trên từng địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng thông tin của cả khu vực.

 

          Vấn đề quan trọng hàng đầu khi triển khai phương án này là xây dựng một đội ngũ biên tập có kiến thức bao quát trên từng lĩnh vực, có khả năng thẩm định, chỉ đạo, gợi ý, định hướng thông tin thì mới mong đánh thức được tính nhạy bén, xông xáo của phóng viên vốn đang "ngủ quên". Làm thay đổi căn bản khâu biên tập và khâu tác nghiệp của phóng viên, chúng tôi tin chắc sẽ góp phần tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng thông tin như chương trình hành động và mục tiêu của Đảng ủy TTXVN đề ra.

PV
(Theo Nội san Thông tấn số 8-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)

Đột phá từ phân xã  (15/08/2006 10:52:47)

Đột phá từ chính mình (15/08/2006 10:51:40)

Vai trò của việc thẩm định, nhận xét tin bài của các phân xã trong nước.  (15/08/2006 10:49:30)

Cạnh tranh để đưa tin thời sự cập nhật trên địa bàn Thủ đô  (15/08/2006 10:48:42)