Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Lùn chuyển phỉng viân, biân tập viân - nhìn từ cơ sở


(14/09/2006 15:22:15)

Việc luân chuyển phóng viên, biên tập viên nằm trong chính sách luân chuyển cán bộ chung của Nhà nước và trên thực tế cơ quan ta đã thực hiện hàng chục năm nay. Tuy nhiên, dưới góc độ một phóng viên từng được luân chuyển đi thường trú ở 5 phân xã và cũng từng làm biên tập viên ở phòng tin Nông thôn, Ban Biên tập tin Trong nước trước đây, tôi xin nêu vài suy nghĩ của mình về vấn đề này để mọi người tham khảo.

            Nói chung, cán bộ thường ngại luân chuyển. Phóng viên ở cơ sở (nhất là phóng viên cao tuổi) càng ngại luân chuyển hơn, bởi lẽ, đặc thù của nghề báo là cần quen địa bàn, nắm được nhiều tư liệu và hiểu biết sâu về cơ sở mới có thể viết được nhiều tin, bài và viết có chiều sâu. Hơn nữa, ở lâu một chỗ sẽ trở thành "lão làng", tạo được "vị thế" ở địa phương, vừa thuận lợi cho làm việc, vừa khó bị "bắt nạt". Đó là chưa kể khi có gia đình ổn định, "vợ bìu, con ríu", phóng viên sẽ càng ngại đi, vì như thế, chẳng những bị chia cắt về mặt tình cảm, phải "nhân đôi" mức chi phí kinh tế, mà còn gặp khó khăn trên địa bàn lạ, phải thay đổi ít nhiều phương pháp làm việc. Tuy nhiên, ở lâu một chỗ, nếu không linh hoạt, năng động sẽ dễ nảy sinh tư tưởng chây ì, già cỗi, mất sự rung cảm trước thực tế sinh động và giảm sự say mê tìm hiểu cái mới, nhiều khi viết tin, bài chỉ dựa trên kinh nghiệm, tư liệu của mình, viết cho xong chuyện. Phóng viên ở lâu một địa bàn tầm nhìn cũng sẽ bị hạn chế, mang nặng tính địa phương, nên viết tin, bài sẽ thiếu tính toàn quốc, quốc tế (người ta gọi là tin làng, xã), nhất là đối với những người không chịu nghiên cứu, học hỏi về đường lối chính sách, tìm hiểu, phân tích các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế và ít khi đọc các văn bản chỉ đạo của cơ quan, của Ban Biên tập tin Trong nước. Không ít trường hợp phóng viên không đọc lại những bài viết của mình đã được sửa, đăng trên bản tin, nên thường mắc đi mắc lại những lỗi đã được biên tập, chỉnh sửa. Do vậy, cần luân chuyển phóng viên lên biên tập để hiểu được thực tế khó khăn trong khâu biên tập (nhất là ngày nào cũng phải biên tập hàng trăm bài dài hàng sải tay, câu chữ lằng nhằng như dây chão, trong khi áp lực về thời gian phát tin rất lớn) qua đó, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tầm quan sát, tư duy chọn đề tài và rèn luyện kỹ năng viết, kể cả về ngữ pháp, chính tả.

 

            Đối với công tác biên tập, những biên tập viên có thâm niên sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biên tập sẽ nhanh hơn, ít sai sót hơn. Tuy nhiên, "nếu ngồi" lâu quá sẽ giảm "cảm xúc nghề nghiệp" trước các bài viết, trước thực tiễn sinh động diễn ra tại cơ sở, nhiều khi làm cho bài viết của phóng viên trở thành khô khan, xơ cứng. Với cách làm việc theo giờ hành chính, biên tập viên dễ trở thành công chức theo kiểu: sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", làm cho xong việc. Những biên tập viên chưa từng đi phân xã hoặc rời phân xã đã lâu sẽ hạn chế trong nắm tình hình thực tế ở phân xã, không am hiểu đặc điểm, đặc tính, ngôn ngữ của từng địa phương, đặc biệt những vùng dân tộc miền núi hoặc các tỉnh miền Tây Nam bộ. Những biên tập có làm phóng viên nhưng chỉ là "tay trái" tại Tổng xã - không phải thực hiện định mức điểm viết tin, bài như ở phân xã - dù có hiểu về các bài viết hơn thì cũng khó có thể cảm nhận được thực tế khó khăn của phóng viên phân xã trong thời gian gần đây khi thực hiện định mức điểm mới của cơ quan. Nhìn chung cả nước, ngoài một số người thường xuyên viết tốt, viết nhiều, đạt nhiều điểm, còn phần lớn anh chị em chỉ mong sao đạt đủ điểm hoặc vượt chút ít (cả tổng điểm và điểm chất lượng) để khỏi bị phạt, trừ tiền thưởng; bị đánh giá tư tưởng, ý thức, thi đua. Cũng có những người viết cả chục tin nhưng vì không đủ điểm chất lượng nên đã mất hết tiền thưởng. Do vậy, anh chị em phóng viên ở địa phương thường "vắt chân lên cổ" để chạy định mức (như có người nói: Trước khi đi ngủ phải nghĩ ngày mai bắt tay viết về đề tài, chủ đề nào để đạt điểm chất lượng!). Đối với nhiều phóng viên, ý nghĩa của việc không được hưởng vài trăm ngàn tiền thưởng (nhuận tin) không phải ở khía cạnh kinh tế mà là sự xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp khi hụt định mức. Có những phóng viên đầu tư tâm huyết để viết bài lấy điểm chất lượng, trong đó, có những bài nêu được vấn đề mới, bắt kịp thời tiết chính trị nhưng nhiều khi bị biên tập viên, vì lý do nào đó, sổ toẹt tất cả hoặc biên tập "qua loa cho xong" bỏ mất những chi tiết hay, làm cho, dù bài có đăng nhưng phóng viên vẫn cảm thấy không hài lòng. Vì thế, cũng cần phải luân chuyển biên tập viên xuống phân xã để anh em hiểu được thực tế.

 

            Nhìn chung, phóng viên địa phương mong muốn có những biên tập viên có tâm huyết với nghề, có suy nghĩ đồng cảm với phóng viên khi biên tập. Một biên tập viên giỏi không chỉ sửa câu chữ đơn thuần mà còn phải giúp nâng cao tầm các tin, bài lên. Họ cần những biên tập viên chứ không cần các "quan chức biên tập" hách dịch; họ cần những người gần gũi, sẵn sàng trao đổi với phóng viên những điều chưa rõ, cần bỏ những gì trong bài; cao hơn nữa là phát hiện được một ý nào đó trong bài viết thực sự hay để gợi mở cho phóng viên viết lại, viết sâu về vấn đề đó. Còn biên tập viên cần các phóng viên địa phương viết thật ngắn gọn, có nhiều tin, bài hay, nêu được vấn đề, bố cục hành văn mạch lạc để dễ biên tập. Nếu trao đổi, luân chuyển cho nhau sẽ nâng tầm nghiệp vụ cho cả phóng viên và biên tập viên, qua đó, sẽ nâng cao chất lượng bài viết và uy tín của cơ quan.

 

            Nghề báo vốn là nghề nguy hiểm: Nguy hiểm trong môi trường làm việc (dễ bị đe dọa thậm chí bị sát hại khi viết bài chống tiêu cực); nguy hiểm cả trong sự non kém (hoặc sơ suất) về nghiệp vụ (viết sai một từ cũng có thể bị ảnh hưởng đến chính trị cả nước; mệt mỏi, lơ đễnh một chút để sai trong biên tập cũng có thể gây tai họa lớn) nên cần quan tâm nâng cao nghiệp vụ để hạn chế những sự cố nguy hiểm trên.

 

            Trên thực tế, có nhiều phóng viên địa phương muốn lên làm biên tập để thử sức mình, nâng tầm hiểu biết về nghiệp vụ, thay đổi không khí, biết được cuộc sống ở Thủ đô v.v...Ngược lại, cũng có cán bộ biên tập, cán bộ phòng rất muốn đi phân xã (có cán bộ phòng ở Nam bộ còn hùng hồn tuyên bố sẵn sàng đi làm trưởng phân xã ở bất kỳ tỉnh nào!). Thiết nghĩ, cơ quan cần xem xét và đáp ứng nguyện vọng trên. Việc luân chuyển cán bộ ở các cơ quan nói chung và ở Thông tấn xã chúng ta nói riêng càng ngày càng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả công tác. Qua luân chuyển phóng viên, biên tập viên, chúng ta sẽ chọn được nhiều cán bộ trẻ có năng lực toàn diện, nhanh nhạy, để bổ sung cho đội ngũ kế cận sau này.

Đồn Việt
(Theo Nội san Thông tấn, số 8-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)

Đột phá từ phân xã  (15/08/2006 10:52:47)

Đột phá từ chính mình (15/08/2006 10:51:40)

Vai trò của việc thẩm định, nhận xét tin bài của các phân xã trong nước.  (15/08/2006 10:49:30)

Cạnh tranh để đưa tin thời sự cập nhật trên địa bàn Thủ đô  (15/08/2006 10:48:42)