Thứ sáu, ngày 27/09/2024

Trao đổi - Thảo luận

Để tuyến tin trong nước trở nên hấp dẫn


(07/11/2006 14:58:02)

Từ trước đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng, các bản tin trong nước (bao gồm bản tin Trong nước và bản tin Kinh tế Việt Nam và Thế giới) chỉ là nguồn, là nơi cung cấp cho khách hàng là các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình nên không cần phải có cách thể hiện hấp dẫn (cả về nội dung và hình thức). Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, phương thức làm báo đã có những thay đổi nhanh chóng để cạnh tranh với các loại hình thông tin khác. Vậy làm thế nào để đổi mới thông tin của TTXVN, đặc biệt là tin trong nước, để tuyến tin này trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn?

          Nội san Thông tấn mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc về các vấn đề: Đổi mới phương thức viết tin, cách biên tập, trình bày bản tin,... với mong muốn để các bản tin trong nước của TTXVN ngày càng "đắt hàng".

Xu thế thông tin hiện đại trên thế giới

          Trong thời đại bùng nôt thông tin, có quá nhiều loại hình thông tin, giải trí cạnh tranh với báo in. Hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử... ngày càng phát triển với những tiện ích và đặc trưng riêng rất lôi cuốn người nghe, người xem. Bên cạnh đó, với nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, con người dường như có ít thời gian hơn. Một vài chục phút mỗi buổi sáng trước giờ đi làm, bên tách trà nóng, mọi người thường không đủ kiên nhẫn để đọc những bài báo dài dòng.

          Trước yêu cầu đó, báo chí hiện đại đã có những thay đổi đáng kể phù hợp hơn với xu thế thời đại, tạo ra nhiều phương thức mới để thu hút độc giả. Báo chí ngày nay không chỉ có chức năng thông tin mà còn có sự cân bằng giữa kênh thông tin và kênh chỉ dẫn, tư vấn cho độc giả. Báo in có xu thế chuyển từ khổ lớn sang khổ vừa và nhỏ giúp công chúng thuận tiện trong sử dụng. Hình ảnh con người xuất hiện trên mặt báo ngày càng nhiều hơn,... Kỹ năng làm tin hiện đại cũng có nhiều đổi mới so với cách làm truyền thống. Tin tức hiện đại tập trung đưa những vấn đề nóng hổi nhất của sự kiện lên đầu để độc giả chỉ cần lướt qua những dòng đầu tiên cũng có thể nắm được thông tin cốt lõi. Bên cạnh đó, tin tức hiện nay cũng chú trọng phần giải thích, phân tích, so sánh, phỏng vấn, câu trích dẫn cũng như tận dụng tối đa hiệu quả của ảnh, hộp dữ liệu và kênh đồ hình (biểu đồ, bản đồ, sơ đồ, đồ thị, bảng biểu).

 

Thực trạng các bản tin trong nước TTXVN hiện nay

          Có một thực tế là khi cầm các bản tin trong nước trên tay, có lẽ ai cũng cảm thấy "nhức mắt" bởi chỉ toàn thấy chữ là chữ! Dẫu biết rằng, đó chỉ là những bản tin, lại vốn chỉ mang tính chất là "nguyên liệu" cung cấp cho các báo, đài khai thác. Trên thực tế, từ những "nguyên liệu" này, các báo cũng ít khi sử dụng nguyên văn mà thường "chế biến" lại theo cách dùng của họ. Nguyên nhân một phần do mỗi báo có cách sử dụng riêng nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do tin trong nước của TTXVN hiện nay còn đơn điệu, phần nhiều chỉ phản ảnh sự kiện mang tính chất khách quan, thiếu sự phân tích, bình luận trong bối cảnh xã hội. Chưa kể trên các bản tin còn tồn tại nhiều tin tiến độ, báo đạo, biểu dương thành tích chung chung... Nội dung đã vậy, cách trình bày các bản tin trong nước hiện nay cũng chưa tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

          Từ thực tế này, có một vấn đề đặt ra: Liệu việc các khách hàng phải đầu tư thời gian để "chế biến" lại nguồn "nguyên liệu" có làm giảm sức mua những sản phẩm tin, bài của TTXVN hay không? Từ trước đến nay, TTXVN cũng chưa tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến khách hàng nào một cách quy mô để tìm hiểu những mong đợi của khách hàng đối với các sản phẩm tin, bài. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu chúng ta làm cho các sản phẩm tin, bài trở thành những "món ăn ngon" ngay từ đầu thì chắc chắn các bản tin này sẽ không chỉ còn là nguồn "nguyên liệu" nữa mà sẽ trở thành "món ăn ngay" thuận tiện cho khách hàng.

 

Làm thế nào để tin trong nước hấp dẫn?

          Ở đây, chúng tôi xin không bàn vấn đề phải viết cái gì để nội dung các bản tin trở nên hấp dẫn. Trong bài "Viết cái gì?" (đăng trên NSTT số 6/2006), đồng chí Nguyễn Quốc Uy, Quyền Tổng Giám đốc TTXVN, đã phân tích rất cụ thể vấn đề này. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin đề cập việc đổi mới cách thể hiện tin, bài và cách trình bày các bản tin sao cho bớt tính đơn điệu, tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn được nhiều độc giả.

          Thế mạnh của tin trong nước của TTXVN là có hàm lượng thông tin cao và đảm bảo tính chính xác. Tuy nhiên, như ở trên đã đề cập, cách thể hiện tin, bài còn đơn điệu, chỉ phản ánh sự kiện một cách đơn thuần. Trong khi đó, nhu cầu bạn đọc ngày nay là cần đi sâu vào phân tích, bình luận các sự kiện.

          Một ví dụ: Khi giá xăng dầu tăng, bản tin không chỉ đưa một tin đơn thuần thông báo sự kiện xăng dầu lên giá mà cần có sự phân tích những ảnh hưởng, tác động của sự kiện này đến các đối tượng và lĩnh vực trong xã hội. Để tin tức tăng thêm tính thuyết phục, cần có thêm những mẩu phỏng vấn nhỏ những nhân vật liên quan như: Một bộ trưởng về nguyên nhân tăng giá, phỏng vấn một vài người dân (cán bộ công chức, người lái xe ôm, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng tăng...). Bên cạnh đó, có thể vẽ một đồ thị thể hiện sự tăng giá xăng dầu trong thời gian qua.

          Một ví dụ khác, khi phản ánh về một trận lũ quét lớn xảy ra ở một huyện miền núi nào đó, tin tức không chỉ miêu tả trận lũ đó lớn như thế nào, gây thiệt hại ra sao mà nên kèm theo một sơ đồ vị trí xảy ra trận lũ đó (nằm ở đâu, khu vực nào bị thiệt hại nặng nhất) để giúp độc giả dễ hình dung hơn. Hoặc thay vì dùng vài trăm chữ để liệt kê tên các vụ tham nhũng, số tiền thất thoát của các dự án xây dựng tại một tỉnh nào đó, có thể vẽ một bảng biểu để thể hiện. Cách làm này vừa khoa học vừa hiệu quả, làm cho lượng chữ trong tin ngắn gọn hơn, giúp độc giả không cảm thấy nhàm chán.

          Một tấm ảnh, một mẩu phỏng vấn nhỏ, một vài câu trích dẫn, một hộp dữ liệu, một biểu đồ thích hợp đôi khi có giá trị hơn hàng ngàn từ ngữ. Chúng giúp cho tin, bài đỡ nặng nề hơn, có tính thuyết phục cao hơn, tác động tới bạn đọc mạnh mẽ hơn. Hình thức đưa tin này trên thực tế đã được nhiều báo như Lao Động, Thanh Niên, Tuổi Trẻ,... vận dụng có hiệu quả. Vấn đề đặt ra là có thể áp dụng được vào các bản tin của chúng ta hiện nay hay không?

          Có thể việc đưa ảnh vào các bản tin hiện nay là khó thực hiện, song việc đổi mới cách viết tin, cách trình bày như sử dụng câu trích dẫn, kênh đồ hình là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Cho dù trong tương lai, các bản tin này có thể chuyển thành bản tin điện tử thì việc đổi mới phương thức thể hiện cả về nội dung và hình thức vẫn đóng vai trò rất quan trọng để lôi cuốn khách hàng.

          Tại lớp  học "Nâng cao kỹ năng công tác biên tập" do TTXVN tổ chức vừa qua, PGS.TS Vũ Quang Hào, giảng viên Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH và NV và các biên  tập viên Ban Biên tập tin Trong nước, Ban Biên tập tin Kinh tế đã cùng thảo luận và "thử nghiệm" cách làm tin mới này. Một kết quả dễ nhận thấy là tuy cùng một nội dung thông tin nhưng với hai phương thức làm khác nhau đã cho ra những hiệu quả khác nhau. Tin được thể hiện theo cách hiện đại hấp dẫn hơn, câu chữ ngắn gọn, hình thức bắt mắt hơn (xem ví dụ).

 

Cần có sự đổi mới đồng bộ

          Để việc đổi mới cách làm tin thực sự có hiệu quả, cần phải có sự nhất quán, đồng bộ trong cả một bộ máy. Nghị quyết về Tạo bước đột phá tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh thông tin đã được Đảng bộ TTXVN thông qua, trong đó nêu rõ phấn đấu tạo bước đột phá về chất lượng thông tin, bảo đảm tiêu chí nhanh, chính xác, hấp dẫn, "đổi mới phương thức thể hiện, tạo sự hấp dẫn và bảo đảm tính hiệu quả bằng phương thức thể hiện". Các ban biên tập phụ trách các bản tin cũng đã khẳng định sẽ "đổi mới tư duy thông tin", tập trung "đa dạng hóa các loại hình và cách thể hiện thông tin". Như vậy là "đèn xanh" đã bật. Tuy nhiên, khâu đóng vai trò quan trọng nhất vẫn là đội ngũ phóng viên (những người trực tiếp làm ra sản phẩm thông tin) và biên tập viên (những người làm cho thông tin đó trở nên hoàn chỉnh hơn).

          Để áp dụng phương thức làm tin mới này, bên cạnh việc tổ chức các lớp học bồi dưỡng nâng cao về nghiệp vụ, trang bị cho phóng viên, biên tập viên những kiến thức, kỹ năng làm báo mới, các Ban Biên tập: Tin Trong nước và Kinh tế cần quan tâm, tạo điều kiện để phóng viên, biên tập viên tự đào tạo và trao đổi kinh nghiệm. Việc tổ chức các lớp học chỉ là trang bị những kiến thức cơ bản, vấn đề áp dụng và thực hành hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao hiệu quả công tác.

          Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, từ thế mạnh là nguồn thông tin rất phong phú, đa dạng, nếu chúng ta làm ra những sản phẩm tin, bài hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu khách hàng, chắc chắn những tin, bài mang thương hiệu TTXVN sẽ có mặt nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một vài ví dụ về cách đưa tin hiện đại:

Tin nguyên văn đăng trên bản tin kinh tế Việt Nam:

Thừa Thiên - Huế: nhiều thủ đoạn mới gây thiệt hại trong xây dựng cơ bản

          Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, mới đây, có 6 đối tượng trong Ban quản lý dự án tưới cây trồng trên cạn cho vùng cát huyện Phong Điền đã lợi dụng các sơ hở trong quản lý xây dựng cơ bản, không tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng định mức nhân công, cấp phối đất sai quy định và có hành vi cố ý làm trái các nguyên tắc quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước 403 triệu đồng. Ở dự án nước tự chảy tại A Lưới, giám đốc Xí nghiệp xây dựng Trường Sơn Lê Doãn Hải lại có hành vi lợi dụng các sơ hở trong khâu giám sát thi công, tự ý thay đổi chủng loại vật tư, vật liệu, nghiệm thu khống khối lượng với số tiền thiệt hại lên tới 51 triệu đồng. Còn ở dự án công trình giao thông nội thị ở xã Phú Đa (huyện Phú Vang), chủ đầu tư quyết toán sai quy định, vượt dự toán, gây thiệt hại 15 triệu đồng.

          Lĩnh vực xây dựng cơ bản hiện đang là 'hùm khế ngọt" cho các đối tượng tham nhũng đục khoét. Hiện nay, thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động triển khai việc thanh tra đối với việc giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án để chấn chỉnh công tác quản lý trên lĩnh vực xây dựng cơ bản. tại huyện Phú Lộc, thanh tra tỉnh đã phát hiện ban quản lý giải phóng mặt bằng huyện thẩm định đền bù thiệt hại về đất cho 3 hộ trong khu vực giải tỏa để xây dựng Khu nghỉ dưỡng tại Lăng Cô không đúng quy định, làm thất thoát ngân sách Nhà nước 324,52 triệu đồng. Tại huyện Quảng Điền, một số công trình có khối lượng công việc không thi công hoặc thi công chưa hoàn thành nhưng vẫn tiến hành nghiệm thu khống trước để chạy vốn; nghiệm thu sai đơn giá dự toán ở một số hạng mục công trình như việc trồng cây xanh tại thị trấn Sịa, mở đường vào vùng nguyên liệu sắn tại xã Quảng Lợi,... gây thiệt hại 46,5 triệu đồng.

          Theo ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND tỉnh thừa Thiên - Huế, tỉnh sẽ quyết tâm tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, trước hết tập trung xây sựng bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị các cấp đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian tới, tỉnh thừa Thiên-Huế sẽ chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng, đi sâu giám sát chất lượng thi công và hết sức chặt chẽ trong các khâu nghiệm thu thanh quyết toán để lập trật tự trong công tác xây dựng cơ bản, hạn chế những tổn thất về mặt kinh tế,...

 

Tin đã biên tập:

Thừa Thiên - Huế: Nhiều thủ đoạn "rút ruột" công trình xây dựng

          Nhiều thủ đoạn mới rút ruột công trình trong các dự án xây dựng cơ bản đã bị phát hiện trong các đợt thanh tra mới đây của các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 1 tỷ đồng.

          Hiện nay, thanh tra tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chủ động triển khai việc thanh tra đối với việc giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án để chấn chỉnh công tác quản lý trên lĩnh vực xây dựng cơ bản.

 

Ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế:

          'Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng, đi sâu giám sát chất lượng thi công và hết sức chặt chẽ trong các khâu nghiệm thu thanh quyết toán để lập trật tự trong công tác xây dựng cơ bản, hạn chế những tổn thất về mặt kinh tế".

 

Tên công trình

Thủ đoạn "rút ruột"

Số tiền thất thoát

Dự án tưới cây trồng trên cạn (huyện Phong Điền)

Lợi dụng sơ hở trong quản lý, không tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng định mức nhân công, cấp phối đất sai quy định, cố ý làm trái các nguyên tắc quản lý kinh tế

403 triệu đồng

Dự án nước tự chảy (huyện A Lưới)

Lợi dụng sơ hở trong giám sát thi công, tự ý thay đổi chủng loại vật tư, vật liệu, nghiệm thu khống khối lượng

51 triệu đồng

Dự án công trình giao thông nội thị (huyện Phú Vang)

Quyết toán sai quy định, vượt dự toán

15 triệu đồng

Xây dựng khu nghỉ dưỡng Lăng Cô (huyện Phú Lộc)

Thẩm định đền bù thiệt hại về đất cho 3 hộ trong khu vực giải toả không đúng quy định

324,52 triệu đồng

Trồng cây xanh, mở đường,... (huyện Quảng Điền)

Nghiệm thu khống các công trình có khối lượng công việc không thi công hoặc thi công chưa hoàn thành để chạy vốn; nghiệm thu sai đơn giá dự toán,...

46,5 triệu đồng

 

Tin nguyên văn đăng trên báo tin tức:

TP.Hồ Chí Minh: Chưa thể có tuyến metro trước năm 2013

          Mặc dù trong dự kiến quy hoạch giao thông đến năm 2020, TP.HCM sẽ có ít nhất 4 tuyến vận tải khối lượng lớn (metro) để đảm bảo nhu cầu giao thông từ các quận huyện vào trung tâm thành phố. Trong đó dự án khả thi nhất là tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Chợ Nhỏ - Suối Tiên đã được Chính phủ chấp nhận cho thành phố tiến hành nghiên cứu khả thi.

          Tuy nhiên, hôm qua, tại cuộc báo cáo giữa kỳ về dự án tuyến đường sắt này, Trưởng đoàn nghiên cứu dự án, ông Chiris Hyland cho biết: Tuyến đường sắt này sẽ khó hoàn thành trước năm 2013 như dự kiến ban đầu do việc di dời giải tỏa sẽ rất khó khăn nếu như các địa phương không định hướng và lập phương án ngay từ bây giờ; việc di dời cảng Ba Son cũng chưa biết bao giờ sẽ thực hiện.

          Về kỹ thuật các phương án thiết kế công trình ngầm trong khu vực trung tâm TP.HCM cũng chưa hoàn chỉnh nên việc điều chỉnh tuyến đường để tránh các công trình khác cũng rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Ông Hyland cũng đề nghị thành phố không nên tập trung 3, 4 tuyến xe điện ngầm tại trung tâm thành phố để dễ dàng hơn trong quy hoạch cũng như thi công công trình ngầm.

          Do Việt Nam chưa có kinh nghiệm thi công công trình ngầm, ông Hyland đề nghị nên giao toàn bộ việc thi công cho một nhà thầu nước ngoài.

 

Tin đã biên tập:

TP.Hồ Chí Minh: Chưa thể có tuyến metro trước năm 2013

          Tuyến đường sắt số 1 Bến Thành- Chợ Nhỏ- Suối Tiên sẽ khó hoàn thành trước năm 2013. Đó là ý kiến của ông Chiris Hyland, Trưởng đoàn nghiên cứu dự án tại cuộc báo cáo giữa kỳ được tổ chức hôm qua tại TP.HCM.

          Nguyên nhân là do việc di dời giải tỏa sẽ gặp khó khăn nếu như các địa phương không định hướng và lập phương án ngay từ đầu. Việc di dời cảng Ba Son chưa biết bao giờ sẽ thực hiện. Về kỹ thuật các phương án thiết kế công trình ngầm trong khu cực trung tâm TP.HCM cũng chưa hoàn chỉnh nên việc điều chỉnh tuyến đường để tránh các công trình khác rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

          Trong dự kiến quy hoạch giao thông đến năm 2020, TP.HCM sẽ có ít nhất 4 tuyến vận tải khối lượng lớn (metro) để đảm bảo nhu cầu giao thông từ các quận huyện vào trung tâm thành phố. Trong đó dự án khả thi nhất là tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Chợ Nhỏ- Suối Tiên đã được Chính phủ chấp nhận cho thành phố tiến hành nghiên cứu khả thi.

 

Ông Chiris Hyland:

          - "Thành phố không nên tập trung 3, 4 tuyến xe điện ngầm tại trung tâm thành phố để dễ dàng hơn trong quy hoạch cũng như thi công công trình ngầm"

- "Việt Nam nên giao toàn bộ việc thi công cho một nhà thầu nước ngoài"

Minh Anh
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một số đề nghị đối với các phân xã về công tác nghiệp vụ (07/11/2006 10:48:42)

Hình ảnh những gương mặt trong nhóm ảnh "Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung" (07/11/2006 10:17:56)

Báo Le Courrier Du Vietnam tạo bước đột phá trong công tác thông tin (12/10/2006 11:02:37)

Báo Việt Nam News trao quà và học bổng cho trẻ em nghèo (12/10/2006 11:01:45)

Một vài suy nghĩ về công tác tư liệu - báo chí (12/10/2006 09:22:00)

Những ý kiến tâm huyết đóng góp cho ngành (12/10/2006 08:51:27)

Số lượng tin, bài kinh tế tăng hơn trước (03/10/2006 10:13:50)

Cần phải thay đổi lề lối, tác phong làm việc (03/10/2006 10:13:00)

Từ chất lượng "đầu vào" đến nhu cầu học tập (03/10/2006 10:09:07)

Khai mạc triển lãm Nam Cao và tác phẩm qua nghệ thuật tạo hình (29/09/2006 10:16:40)