Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Việc áp dụng cách làm tin hiện đại còn "vấp" nhiều chỗ


(13/12/2006 10:30:06)

Có thể nói tôi là một trong những người may mắn được tham dự khóa học "Nâng cao kỹ năng công tác biên tập" được tổ chức tại TTXVN vừa qua. Nói may mắn vì khóa học đã giúp chúng tôi tiếp cận với cách làm tin hiện đại, cách trình bày vấn đề một cách hiệu quả và hấp dẫn nhất. Khóa học cũng giúp chúng tôi tự trang bị cho mình một "góc nhìn" để làm việc tốt hơn chứ không đơn thuần là việc trình bày, diễn giải lý thuyết một cách áp đặt.

          Hơn nữa, khóa học còn chỉ ra những nhược điểm trong cách thể hiện và biên tập  tin, bài như: Trình bày vấn đề loanh quanh, không đi thẳng vào chủ đề chính, chưa biết lựa chọn số liệu và chi tiết "đắt", trình bày tin chưa hấp dẫn người đọc... Nhưng hơn hết, khóa học đã chỉ cho chúng tôi biết mấu chốt của việc biên tập tin, bài là phát hiện ra những mâu thuẫn trong tin chứ không chỉ là việc chữa lỗi chính tả, đảo đầu đảo đuôi rồi cắt ngắn cho gọn bớt hay rút tít thế nào cho hấp dẫn nhất.

            Những biên tập viên ở Ban Biên tập tin Kinh tế được tham gia khóa học này đều cố gắng áp dụng tối đa những kinh nghiệm đã học được. Chẳng hạn như khắc phục thói quen "đặt bút là biên tập từ trên xuống dưới" bằng việc đọc kỹ để phát hiện mâu thuẫn trong bài và tìm ý hay nhất, chủ đạo nhất của tin để đưa lên đầu (mô hình tam giác lộn ngược). Hay như trong bài viết thay vì liệt kê một loạt những số liệu khó nhớ thì chúng tôi đưa ra hộp dữ liệu ở góc bài...

            Tuy nhiên, việc áp dụng cách làm tin hiện đại vào bản tin Kinh tế có rất nhiều chỗ "vấp". Chẳng hạn như vẽ sơ đồ, biểu đồ mô tả sự việc. Đây được coi là một trong những cách chuyển tải thông tin nhanh gọn, kiệm lời và rất hiệu quả. Tuy nhiên, với cách làm và trình bày bản tin như từ trước đến nay, chúng tôi khó có thể "nhét" cái sơ đồ (hoặc biểu đồ) vào bất kỳ chỗ nào trong đó. Nếu là một tờ báo, việc này chắc sẽ dễ dàng hơn.

            Trong việc biên tập tin phát mạng, khi áp dụng những phương thức mới, chúng tôi cũng gặp phải những phản ứng từ phía phân xã như cắt bài ngắn quá hoặc "báo cáo cũng phải có sai số chứ" hay một lời khen tặng rằng "Bài do Ban Kinh tế biên tập thì yên tâm quá rồi, vì sẽ không bị đào xới lung tung, lộn đầu lộn đuôi"!

            Thêm nữa, chúng tôi cũng bị "chơi vơi" khi cách trình bày tin mới cho phép dùng câu bị động như "Lễ động thổ cây cầu X đã được Bộ GTVT tổ chức ngày... tại..." trong khi nếu làm đúng như thế sẽ bị quy là hành văn không thuần Việt. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ sẽ còn cần nhiều khóa học khác để giúp chúng tôi không bị "chơi vơi" khi làm và biên tập tin.

Nguyễn Bích Thuận
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đổi mới theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu mang tính sống còn (13/12/2006 10:28:59)

Điều quan trọng nhất là thông tin phải nhanh và chính xác (13/12/2006 10:27:04)

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập (13/12/2006 10:24:39)

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay (13/12/2006 10:22:57)

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Thông tấn xã Việt Nam đoạt một giải khuyến khích và một giải tập thể về đề tài gia đình (08/11/2006 09:43:53)

Không được nói không với độc giả (08/11/2006 09:30:45)

Để tuyến tin trong nước trở nên hấp dẫn (07/11/2006 14:58:02)

Một số đề nghị đối với các phân xã về công tác nghiệp vụ (07/11/2006 10:48:42)

Hình ảnh những gương mặt trong nhóm ảnh "Bão số 1: Nỗi đau Miền Trung" (07/11/2006 10:17:56)