Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tạo bước đột phá mới

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập


(13/12/2006 10:24:39)

Trong nhiều năm qua, phóng viên TTXVN ở các phân xã trong nước đã có những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ.

            Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban lãnh đạo cơ quan, chất lượng thông tin của TTXVN còn chưa theo kịp nhu cầu, đòi hỏi của xã hội; phóng viên TTXVN còn chưa thực hiện tốt phương châm thông tin của ngành đề ra từ nhiều năm nay là "nhanh-đúng-trúng-hay". Từ thực tế đó, hơn bao giờ hết, TTXVN đang cần và rất cần tạo ra một bước "đột phá" mới trong thông tin để trở thành một tập đoàn truyền thông mạnh của quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, bản thân mỗi cá nhân phải trang bị cho mình một hành trang đầu đủ. Riêng với phóng viên phân xã ở Tây Nguyên, ngoài những yếu tố "cần" như bản lĩnh chính trị của người làm báo, tâm huyết với nghề, trình độ chuyên môn... chúng tôi thấy rất cần những phẩm chất sau:

            Một là, phóng viên phân xã cần phải có sự hiểu biết nhất định về "lai lịch" địa bàn mình đang thường trú để đón đầu được những thông tin thời sự sẽ diễn ra và kịp thời phản ánh. Bởi vì, ngoài những sự kiện bất chợt xảy ra theo kế hoạch như các cuộc họp hành lễ khởi công xây dựng công trình... thì còn có những dạng sự kiện thời sự mà chúng tôi hay gọi là " thời sự từ lòng dân", mà ta cần phải "nuôi dưỡng" và theo đuổi. Một ví dụ cụ thể mà phóng viên Phân xã Gia Lai đã làm được. Trong một chuyến công tác về huyện Ayunpa - nơi mẹ của tên phản động Ksor Kơk đang sinh sống - tiếp xúc với một số người dân trong làng, tình cờ chúng tôi phát hiện được mộ số chi tiết khá hay: Mẹ Ksor Kơk sắp làm lễ cúng Yàng khai trừ đứa con phản động ra khỏi dòng tộc và buôn làng. Thế là, chúng tôi hỏi ngày, giờ tổ chức và sau đó một tuần chúng tôi trở lại nhà mẹ Ksor Kơk. Đúng là lễ cúng Yàng đã diễn ra ngay tại nhà dưới sự chứng kiến đông đảo của người dân trong làng và kết quả là chúng tôi có một tin thời sự "nóng hổi", có giá trị gửi ngay về Tổng xã trong ngày.

            Hai là, phóng viên phân xã phải biết "cạnh tranh" thông tin với các báo bạn cùng đóng chân trên địa bàn bằng bản lĩnh của mình. Lâu nay, có không ít phóng viên phân xã chưa quan tâm đến sự "cạnh tranh" này, có nghĩa là báo bạn có và mình có là được, còn tin có trước hay có sau cũng chẳng quan trọng gì, thậm chí, để "sổng" một thông tin cũng chẳng sao rồi "đâu lại vào đấy". Có những sự kiện "nhạy cảm", phóng viên TTX còn chần chừ chờ kết luận của cơ quan chức năng mới dám thông tin trong khi các báo bạn đã đăng tải đầy rẫy với bản lĩnh riêng của họ. Tính thời sự của tin thông tấn, trong những trường hợp này, đã bị ảnh hưởng. Ở phân xã Gia Lai trước đây cũng đã xảy ra không ít trường hợp tương tự như vậy, đến khi Bộ Biên tập và các phòng ban chức năng hối thúc mới chịu làm và dám làm. Tình trạng này phân xã Gia Lai chúng tôi đang cố gắng khắc phục dần.

            Ba là, để có được những thông tin phong phú và sinh động đòi hỏi phóng viên phân xã cần phải có sự năng động thực sự mới đáp ứng được yêu cầu. Lâu nay, chúng ta thường hay nói với nhau về những tin, bài "nghèo thông tin". "Nghèo" là đúng bởi vì không ít phóng viên phân xã còn "cứng nhắc" trong khâu khai thác thông tin, tự làm "khổ" cho mình và "khổ" cho ngành.

Trong một hội nghị có biết bao nhiêu thông tin mới và hấp dẫn để khai thác, để truyền tải. Nếu phóng viên "chịu khó" ngồi lại để nghe ngóng và tìm hiểu sẽ lẩy ra được nhiều vấn đề từ chính những thông tin tưởng như giản đơn và ít giá trị. Có thể, ở thời điểm hiện tại, giá trị của thông tin chưa cao nhưng nếu phóng viên biết "nuôi", chờ thời điểm cùng với khả năng tiếp cận cơ sở, chúng ta sẽ có những tin, bài có giá trị cao. Nếu phóng viên đi dự một hội nghị lớn của tỉnh mà chỉ viết được một tin hội nghị đơn điệu thì uổng phí lắm, đó là chưa nói đến "tội" thiếu trách nhiệm trong thông tin của phóng viên phân xã.

Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu đối với phóng viên ở phân xã, khâu biên tập ở Tổng xã cũng cần có những chuyển biến tích cực hơn mới tạo nên bước "đột phá" trong thông tin. Trước hết, chúng tôi hoan nghênh và tin tưởng đội ngũ biên tập viên ở các phòng ban, bởi các đồng chí làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao. Những tin bài thời sự của phân xã gửi về đều được biên tập và xử lý nhanh tùy theo mức độ. Qua những tin, bài đã được biên tập, gọt giũa, chúng tôi cũng đã học tập được nhiều điều bởi sự ngắn gọn, súc tích, hình thức thể hiện thông tin hấp dẫn. Điều đáng mừng hơn là các đồng chí đã mạnh dạn loại bỏ những tin "vô thưởng, vô phạt" thường hay có trước đây. Mối quan hệ giữa biên tập viên và phóng viên phân xã có sự tôn trọng và gắn bó nhau hơn, thể hiện qua sự trao đổi thường xuyên về những nội dung trong bài viết chưa rõ ràng hoặc chưa hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có một số vấn đề cùng trao đổi với các biên tập viên cũng nhằm mục đích xây dựng là chính:

Một số ít biên tập viên ở BBT tin Trong nước còn thiếu trách nhiệm với những thông tin thời sự mang tính chất nhạy cảm ở vùng Tây Nguyên, nhất là những tin phát đêm. Có lần, phân xã Gia Lai phát tin về hoạt động của đoàn UNHCR tiếp xúc với một số bà con dân tộc thiểu số vượt biên trái phép hồi hương trở về buôn làng vào lúc 19 giờ, thì mãi đến gần trưa ngày hôm sau, đ/c Vũ Xuân Bân, Trưởng Ban Biên tập tin Trong nước mới gọi điện và hỏi lại một số vấn đề cho rõ để xử lý. Như thế thì quá muôn.

Biên tập viên ở các Ban cũng cần có cách nhìn nhận vấn đề thời sự mang tính đặc thù của từng vùng để có cách xử lý thông tin đúng mực và hợp lý hơn. Như ở Gia Lai đang có xu hướng đồng bào dân tộc làm lễ cúng Yàng từ bỏ tổ chức "Tin lành Đê gar". Phân xã có phát tin nhưng rồi biên tập lại bỏ đi không sử dụng với lý do "vấn đề nhỏ". Theo chúng tôi, đây là tin thời sự khá hay và thậm chí còn có thể có điểm chất lượng.

Một vấn đề nữa là giữa biên tập viên và hiệu đính ở cấp phòng, ban dường như "là một" có nghĩa là gần như biên tập viên biên tập tin, bài của phóng viên phân xã như thế nào thì phần hiệu đính cấp phòng, ban cũng duyệt như thế ấy trước khi cho phát mạng. Tôi cho đó là điều tốt, vì rằng cấp phòng, ban rất tin tưởng đội ngũ biên tập viên cấp dưới của mình về năng lực và trình độ. Tuy nhiên, có những lúc chưa đồng tình với khâu biên tập tin bài vì cắt bỏ nhiều yếu tố thông tin quan trọng, anh em phóng viên phân xã rất hy vọng và mong chờ khâu hiệu đính sẽ "xem xét" lại và cứu vãn phần nào bài viết của mình.

Văn Thông
Trưởng Phân xã TTXVN tại Gia Lai
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay (13/12/2006 10:22:57)

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)

Đột phá từ phân xã  (15/08/2006 10:52:47)