Thứ tư, ngày 08/05/2024

Tạo bước đột phá mới

Đúng và Hay


(15/01/2007 08:19:50)

Nội san thông tấn số 10/2006 đăng bài "Để tuyến tin trong nước trở nên hấp dẫn" của tác giả Minh Anh, trong đó tác giả có nêu thực trạng các bản tin trong nước của TTXVN hiện nay và đặt vấn đề "làm thế nào để tin trong nước trở nên hấp dẫn?"

Vấn đề này liên quan đến cả hai yếu tố là nội dung và hình thức của thông tin. Tuy nhiên, ngay trong bài viết trên, tác giả Minh Anh cũng đã giới hạn, 'ở đây, chúng tôi xin không bàn vấn đề phải viết cái gì để nội dung các bản tin trở nên hấp dẫn mà trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin đề cập việc đổi mới cách thể hiện tin, bài và cách trình bày các bản tin sao cho bớt tính đơn điệu, tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn được nhiều độc giả". Do đó, trong bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi về hai khía cạnh trên; đó là cách thể hiện tin bài và cách trình bày bản tin.

Thứ nhất, nói về cách trình bày bản tin. Có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức bản tin, kể cả các bản tin thế giới và trong nước của cơ quan ta bao nhiêu năm nay vẫn không hề thay đổi, do đó nó trở nên đơn điệu, khô khan, tẻ nhạt. Vì vậy cần phải cải tiến, đổi mới cách trình bày các bản tin sao cho bắt mắt hơn. Theo tôi, ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng căn cứ vào đối tượng phục vụ để xem xét một cách cụ thể.

Đối với các bản tin thế giới, theo tôi được biết, khách hàng là bạn đọc trực tiếp, tức là mục đích của người mua là để đọc và nắm thông tin. Như vậy, nhìn từ mục đích sử dụng, các bản tin này có chức năng gần như một tờ báo. Do đó, việc nghiên cứu, cải tiến cách trình bày, từ khổ giấy, loại giấy, cấu trúc bản tin đến chọn kiểu chữ, màu sắc..., làm sao cho bản tin đẹp và bắt mắt là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, đối với bản tin trong nước thì có hơi khác, nhất là đối với bản tin in "Tin trong nước", đối tượng chính mà chúng ta nhắm tới là các cơ quan báo chí. Với đối tượng này, các bản tin trong nước là nguồn tin để họ khai thác và sử dụng trên phương tiện của họ, có thể là báo in, báo hình, báo nói hoặc báo mạng... Vì vậy, yêu cầu hàng đầu là chất lượng thông tin chứ không phải là hình thức bản tin. Do đó theo tôi, cách trình bày bản tin chỉ cần sao cho khoa học, dễ khai thác và sử dụng là được: vấn đề cần tập trung là nâng cao chất lượng thông tin.

Chất lượng thông tin ở đây bao gồm hai yếu tố: Nội dung và hình thức. Nhưng, như đã đặt vấn đề ở phần đầu, trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đi sâu trao đổi về hình thức thể hiện tin bài, còn về nội dung xin được trao đổi trong dịp khác.

Về hình thức thể hiện hay nói nôm na là "cách viết", theo tôi, điều đầu tiên là phải "viết đúng". Ở đây, tôi xin chưa đề cập "đúng" về mặt nội dung mà mới chỉ đề cập "đúng" về mặt hình thức; tức là đúng về chính tả, ngữ pháp và logic. Đến đây, chắc có người sẽ đặt câu hỏi rằng: Phóng viên của chúng ta đều được đào tạo cơ bản, có thực tế công tác, tức là đều đã "có nghề", sao lại còn đặt những vấn đề có tính chất "a bê xê" (A B C) như vậy?

Đúng là như thế. Nhưng nêu ra vấn đề này là bởi vì khi đọc các bản tin của chúng ta, chúng tôi thấy không ít những tin bài vẫn còn nhiều lỗi chính tả và đặc biệt lỗi về ngữ pháp. Khi trao đổi vấn đề này, có một phóng viên, cũng không còn trẻ lắm, chép miệng cho rằng, vấn đề là nội dung thông tin có gì chứ "ba cái chuyện câu chữ không thành vấn đề".

Tôi đồng ý nội dung thông tin là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng tin bài. Nhưng nội dung và hình thức là hai phạm trù không tách rời nhau, không có hình thức nào không mang nội dung và không có nội dung nào không được biểu hiện thông qua một hình thức nhất định. Như vậy, hình thức sai tất yếu sẽ làm cho nội dung bị phản ánh sai lệch.

Một có gái dù có "đẹp ơi là đẹp" nhưng lại mặc váy ngắn cũn cỡn và cười hô hố trong một đám tang và nói "ọng ơi là ọng" thì chắc cũng chẳng có mấy người thích trò chuyện. Do đó, những lỗi thuộc loại "sơ đẳng" này trước tiên làm sai lệch thông tin, sau nữa, nó làm cho khách hàng không thiện cảm và nghi ngờ tính chính xác của tin. Mà khách hàng đã "không thích", nghi ngờ thì thật khó bắt họ phải sử dụng tin bài của mình.

Do đó, yêu cầu đầu tiên đối với phóng viên là phải viết đúng, đúng chính tả, đúng ngữ pháp..., tức là phải bảo đảm những yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, "đúng" mới chỉ là điều kiện "cần", muốn tin bài hấp dẫn thì phải có điều kiện "đủ", đó là tin bài phải "hay". Nhưng khái niệm "hay" có nội hàm rất rộng, bao gồm cả nội dung và hình thức. Ngay trong phạm trù hình thức ở trường hợp này cũng rất đa dạng bao gồm từ cách bố cục, đến câu chữ, văn phong...

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập một số yếu tố mang tính kỹ thuật mà như trong bài "Để tuyến tin trong nước trở nên hấp dẫn" tác giả Minh Anh nêu ra: Đó là cách sử dụng câu trích dẫn cũng như "tận dụng tối đa hiệu qủa của ảnh, hộp dữ liệu và kênh đồ thị". Theo tôi, tin bài trên bản tin rất nên sử dụng các cách thể hiện trên, sử dụng các yếu tố mà tôi tạm gọi là "mang tính kỹ thuật này" và xin bổ sung thêm phần "sapô" nữa.

Trước hết nói về ảnh. Đã có nhiều người trong nhiều dịp nói về vai trò cũng như hiệu quả tác động của ảnh trong truyền thông. Quan điểm của tôi là trong tin bài trên các bản tin rất nên có ảnh, nhất là những tin bài về sự kiện hoặc vụ việc. Tuy nhiên, không nhất thiết phải in ảnh lên bản tin mà có thể phát ảnh qua ngân hàng của Ban Biên tập và Sản xuất ảnh nhưng cuối tin bài có ảnh kèm ấy ghi rõ tên file và địa chỉ để khách hàng có thể truy cập khai thác ảnh cho tin bài họ cần. Đồng thời, trong nguồn ảnh phát mạng, nếu có tin bài đi cùng ảnh cũng ghi rõ có thể khai thác tin bài đó ở đâu.

Tất nhiên, để làm được việc này đòi hỏi phóng viên phải "tay bút, tay máy" thành thạo và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban tin với ban ảnh.

Về việc sử dụng hộp dữ liệu và kênh đồ thị, theo tôi hiệu quả của nó rất lớn và rất rõ ràng. Nó vừa giúp cho việc trình bày tin bài, trang báo được sinh động, không nặng nề, nhàm chán, vừa nhấn được những thông tin quan trọng. Nó cũng có thể giúp rút ngắn được tin bài và tránh tình trạng đưa quá nhiều con số vào tin bài khiến bạn đọc rất khó theo dõi và nắm bắt; đồng thời giúp bạn đọc có thể tiết kiệm được thời gian khi đọc báo (mà điều này rất cần thiết trong xã hội hiện đại).

Tuy nhiên, việc đưa các yếu tố này vào bản tin không nhất thiết phải trình bày như trên trang báo mà chỉ cần cung cấp những yếu tố này trong bản tin cho khách hàng là được. Thậm chí không cần vẽ biểu đồ, đồ thị cụ thể mà chỉ cần cung cấp đủ số liệu, thông tin và tập hợp những yếu tố đó một cách khoa học để cho các báo thể hiện thành đồ thị, biểu đồ là được.

Hiện nay, hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) các báo ít nhiều đều sử dụng sapô, các hộp dữ liệu, biểu đồ, đồ thị, vì vậy chúng ta phải cung cấp cho khách hàng cái mà họ cần.

Thuỳ Anh
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập (13/12/2006 10:24:39)

Tiếp tục đổi mới thông tin trong nước - Một yêu cầu cấp bách hiện nay (13/12/2006 10:22:57)

Nâng cao hiệu quả báo Tin tức (17/11/2006 09:18:30)

Tạo bước đột phá chất lượng thông tin từ khâu biên tập (25/09/2006 11:22:37)

Kiên quyết không viết và sử dụng những "cái" không phải thông tin. (15/08/2006 11:00:16)

Tạo bước đột phá bắt đầu từ tin thời sự trong nước (15/08/2006 10:59:25)

Làm thế nào để đột phá trong thông tin bằng hình ảnh?  (15/08/2006 10:57:44)

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức nhân lực  (15/08/2006 10:56:28)

Cần đẩy nhanh quá trình thực hiện và xử lý các tin thời sự  (15/08/2006 10:55:02)

Tin Tức tăng cường quan hệ hợp tác với các đơn vị thông tin ở TTXVN  (15/08/2006 10:53:54)