Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Tìm hiểu báo chí

Tây Nguyên qua một bài viết được giải cao


(15/01/2007 08:36:54)

LTS: Không phải một mà có tới 3 tác phẩm về Tây Nguyên cùng dự giải Báo chí năm 2006 ở thể loại tin, bài đối ngoại. Thế nhưng, vượt lên một cách xuất sắc, tác phẩm "Các dân tộc Tây Nguyên đại đoàn kết" của báo Le Courrier du Vietnam đã đoạt giải A với sự nhất trí cao của Ban Giám khảo. NSTT xin giới thiệu ý kiến của bà Tạ Thanh Hà, thành viên trong Ban Sơ khảo Hội đồng chấm Giải báo chí TTXVN năm 2006, về tác phẩm xuất sắc này.

            Trong một chuyến thâm nhập thực tế tại Tây Nguyên do TTXVN tổ chức nhân Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lần thứ nhất, hai nữ phóng viên của Le Courrier du Vietnam: Nguyễn Thị Hồng Nga và Cao Thị Hoàng Hoa đã khai thác tối đa chuyến công tác, cho ra một loại 13 bài, và sau đó năm bài đã được chọn tạo thành chùm bài dự thi.

            Không cần nhắc lại những khó khăn mà ai cũng biết nhưng có thể còn chưa hình dung ra hết ở vùng đất cao nguyên, nhất là những nơi đoàn đến là vùng thậm sâu thậm xa của Tây Nguyên, để thấy được công phu của các tác giả có chùm bài này. Hơn nữa, chùm bài được thể hiện bằng tiếng Pháp với văn phong đa dạng, cách thể hiện bằng ngoại ngữ rất đạt, vốn là mặt mạnh của Le Courrier du Vietnam trong thể loại phóng sự.

            Chùm bài bắt đầu bằng bài "Chúng tôi đã sai lầm" nói lên sự hối hận của những con người đã từng lầm lạc, vượt biên trái phép. Việc họ trở lại làng bản cũ là bằng chứng sinh động cho sức hút của quê hương, của gia đình, và ở đó chắc chắn phải có cuộc sống yên ổn và phát triển hơn nơi họ vừa đến để rồi thấy mộng ảo tan tành. Với người dân Tây Nguyên chân chất, không đâu bằng khoảng trời, khoảng rừng thấm đẫm truyền thống văn hóa dân tộc. Hơn nữa, sự trở về của họ cho thấy bà con anh em, chính quyền địa phương luôn cảm thông với họ, tạo điều kiện cho họ trở lại cuộc sống bình thường.

            Bốn bài viết sau trong chùm bài phác họa rõ hơn một Tây Nguyên đổi mới từng ngày, một Tây Nguyên với cuộc sống ổn định, ngày càng đầy đủ tiện nghi hơn, với cầu, với đường và các công trình thủy lợi. Người Tây Nguyên bắt đầu tự chăm sóc sức khỏe cho mình theo phương pháp hiện đại, an toàn, nhất là với phụ nữ và trẻ em.

            Điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh đó là bài "Tin học với người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk" (xem trong số Nội san này). Thật xúc động khi thấy trên vùng đất Tây Nguyên còn quá xa xôi với không ít người miền xuôi, hình ảnh những thanh niên nam nữ trong những bộ trang phục dân tộc khác nhau đang gõ bàn phím máy vi tính. Một hình ảnh đẹp đan xen truyền thống và hiện đại. Thanh niên Tây Nguyên ngày càng có trình độ học vấn cao hơn, lại còn có người sang làm việc tại Hàn Quốc trong một lĩnh vực còn mới mẻ ngay với các đô thị miền xuôi: tin học.

            Nhưng người dân Tây Nguyên không chỉ biết nâng cao dần đời sống của gia đình, làng bản mình, mà còn biết chia sẻ với những người có khó khăn. Thật cảm động khi có những con người tuy mức sống chưa phải là thừa thãi, vẫn chia sẻ đùm bọc những mảnh đời ít may mắn. Người miền xuôi lên, người ở vùng khác đến, đều chung sức xây dựng Tây Nguyên. Một bức tranh Đại đoàn kết các dân tộc.

            Bằng chùm bài "Các dân tộc Tây Nguyên đại đoàn kết", các nữ tác giả đã thể hiện rất đạt chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng mối đại đoàn kết 54 dân tộc Việt Nam. Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên đã thành công tốt đẹp. Le Courrier du Vietnam có quyền tự hào đã góp một phần nhỏ trong việc thể hiện thành công công cuộc chung của dân tộc.

 

Tác phẩm đoạt giải:

"Tin học với người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk"

Đắk Lắk là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên có một trường dạy nghề dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số. Đó là Trường đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk.

Trường Đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắc Lắc. (Ảnh: Nga - Hoa).

            HJơn Byá là một thiếu nữa dân tộc Giá Rai. Cô làm công tác văn thư tại xã Ea Rbin (huyện Lăk), một trong những xã heo hút nhất của tỉnh Đắk Lắk. Dân bản rất ngạc nhiên khi thấy cô thoăn thoắt mười ngón tay lướt nhanh trên bàn phím máy vi tính, in ấn các văn bản rất thành thạo. HJơn khoe: "Ở Trường đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk, ngoài tin học, em còn được học nấu ăn, trồng rau, dệt vải nữa cơ".

            Ngôi trường mà cô thiếu nữ dân tộc vừa nhắc đến trước đây là Trường Trung học Thủy lợi Tây Nguyên, được thành lập từ năm 1978. Năm 1992, trường nhận nhiệm vụ mới và đổi tên thành Trường đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk. Để có đủ số học sinh cho khóa học đầu tiên lãnh đạo nhà trường đã cùng các thầy cô đi tới 30 buôn làng trong toàn tỉnh, cùng với các cán bộ địa phương và già làng vận động được 50 em đi học nghề mộc dân dụng và học bổ túc văn hóa cấp III. "Mục tiêu trước mắt lúc đó là đáp ứng nguyện vọng của đồng bào về nhà ở: đó là thay những ngôi nhà tranh tre nứa lá bằng nhà gỗ. Phần lớn các em tốt nghiệp khóa đầu tiên hiện nay đã là nghệ nhân, thợ giỏi, thợ cả, hoặc là cán bộ lãnh đạo của xã, huyện", kỹ sư Phạm Ngọc Châu vui mừng nói, Thầy vừa là hiệu trưởng, đồng thời cũng là người có sáng kiến thành lập ra ngôi trường này.

Ba mươi thanh niên dân tộc sang Hàn Quốc

Lễ hội đâm trâu của người Ba Na.

            Nếu như chỉ có 50 em theo học vào năm 1992 thì săng năm học 2005 - 2006 này, trường đã đón 2.200 học sinh hệ dài hạn nội trú, với 40% là nữ, nhiều nhất từ trước đến nay, chưa kể 1.500 em học hệ ngắn hạn lưu động được tổ chức ngay tại buôn làng. Thầy Châu cho biết: "Chúng tôi đã thành công khi làm cho trường trở thành đa sắc tộc khi có tới 30 dân tộc thiểu số trong tổng số 44 dân tộc của toàn tỉnh Đắk Lắk". Hàng năm, trong số từ 200 đến 500 học sinh tốt nghiệp ra trường, có trên 100 thanh niên các dân tộc trở về làm việc tại địa phương. "Trường đã kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo các huyện, xã, buôn trong công tác tuyển sinh, đào tạo và đặc biệt là cho vay vốn (từ 0,5 đến 4 triệu đồng mỗi em) để hầu hết học sinh ra trường có việc làm tại quê hương, xây dựng quê hương bằng chính kiến thức của mình", thầy hiệu trưởng nhấn mạnh.

            Các khóa học tại trường kéo dài từ 1 đến 3 năm, tùy theo từng ngành nghề mà các em lực chọn. Ngoài việc được "nuôi" hoàn toàn, mỗi em còn được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng là 200.000 đồng, trích từ ngân sách tỉnh, thầy Châu cho biết. Ngân sách chi thường xuyên tỉnh cấp cho trường tăng từ 2,3 tỷ đồng năm 2001 lên 8 tỷ đồng năm 2005 và 9 tỷ cho năm nay. Chưa kể 5 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ bản. "Số tiền này không ngừng được tăng lên hàng năm", thầy Châu khẳng định.

            Đặc biệt, trường đã bước đầu có những biện pháp hỗ trợ tích cực học sinh dân tộc tham gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Từ tháng 10 năm 2005 đến hết năm nay, trường gửi 30 em đầu tiên sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực tin học và may mặc. "Tình hình của 20 em đi trước rất khả quan, mỗi em đã kiếm được từ 1.000 đến 1.200 đô la mỗi tháng. Điều này càng khích lệ 10 em đi sắp tới", thầy hiệu trưởng nói.

Giữa truyền thống và hiện đại

            Tại Trường đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk, không hề có ranh giới giữa việc học thủ công mỹ nghệ và các ngành nghề hiện đại, bởi học sinh đều trong trang phục dân tộc truyền thống. "Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt giữa ngôi trường này và các trường dạy nghề khác", thầy Châu nhận xét. Các phòng học vi tính của học sinh thiểu số cũng được trang bị đầy đủ dàn máy Compaq giống hệt máy của thầy hiệu trưởng. HJơn nói: "Em rất thích tin học văn phòng vì có thể soạn thảo văn bản một cách dễ dàng".

            Trong chuyến đến thăm Đắk Lắk vào tháng 6 năm 2000, Laurent Bridel, một sinh viên của trường Đại học tổng hợp Lausanne (Thụy Sỹ), đã không quên ghi lại những ấn tượng sâu sắc của mình trong cuốn sổ vàng của trường như sau: "Gỗ là một loại vật liệu gắn kết truyền thống và hiện đại. Chúng tôi hoan nghênh việc sử dụng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống để vừa phục vụ cuộc sống hàng ngày, vừa làm tôn vinh vẻ đẹp của địa phương và con người".

           

            * Năm 1999, Trường đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 15 trường trọng điểm tham gia Dự án giáo dục kỹ thuật và dạy nghề quốc gia.

            * Định hướng phát triển giai đoạn 2006 - 2010: Xây dựng và thực hiện tốt Dự án nâng cấp trường thành trường cao đẳng nghề trọng điểm quốc gia chất lượng cao, với quy mô 5.000 học sinh hệ dài hạn, 5.000 hệ ngắn hạn, học sinh thuộc 35 đến 40 dân tộc ở Tây Nguyên của Việt Nam và hai nước bạn Lào, Căm-pu-chia.

            * Trường có 7 khoa: Cơ - Điện - Xây dựng, Tin học-Ngôn ngữ - Kinh doanh, Nghệ thuật - Dệt may - Nữ công, Nông Lâm - Thú y, Chế biến lâm sản - nông sản - thực phẩm, Dạy nghề lưu động - Giới thiệu việc làm, Văn hóa - Kỹ thuật cơ sở - Dạy nghề phổ thông.

Tạ Thanh Hà
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006