Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Tìm hiểu báo chí

580 nhà báo bị thiệt mạng trong vòng 14 năm


(15/01/2007 09:01:47)

Kể từ năm 1992-2006, 580 nhà báo trên toàn thế giới bị thiệt mạng vì nhiệm vụ, trong đó, cao điểm là năm 1994 có 66 nhà báo hy sinh. Con số này được đưa ra bởi Uỷ ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ).

CPJ áp dụng những tiêu chí rất khắt khe khi điều tra và xác minh một vụ tử nạn của nhà báo. Một nhà báo được coi là hy sinh vì nhiệm vụ nếu nhà báo đó bị thiệt mạng trong một hành động trả đũa vì tác phẩm báo chí của anh ta; trong khi đang tham gia đưa tin chiến sự hoặc trong khi đang làm các nhiệm vụ nguy hiểm khác. Tuy nhiên, nếu nhà báo bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn hoặc bệnh tật thì sẽ không được coi là hi sinh vì nhiệm vụ, trừ khi vụ tai nạn đó do một hành động thù địch gây ra.

Những quốc gia thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột, nội chiến như: I-rắc, An-giê-ri, Bô-sơ-ni-a hoặc những nước có tình trạng phân biệt chủng tộc, tôn giáo như: Nga, Ta-gi-ki-sơ-tan bị coi là những địa điểm nguy hiểm nhất đối với các nhà báo.

CPJ cũng đưa ra một danh sách gồm 10 nước nguy hiểm nhất đối với các nhà báo là những nước có số nhà báo quốc tế hi sinh nhiều nhất. I-rắc là nước đứng đầu danh sách với 78 nhà báo quốc tế hi sinh trong vòng 14 năm. Tuy là nước đứng thứ hai nhưng An-giê-ri lại lập kỷ lục là quốc gia có số nhà báo quốc tế hy sinh nhiều nhất trong một năm. Đó chính là năm 1995 với 24 nhà báo hi sinh tại nước này.

 

10 nước nguy hiểm nhất đối với nhà báo

STT

Tên

Số lượng nhà báo hy sinh vì nhiệm vụ (1992-2006)

1

I-rắc

78

2

An-giê-ri

60

3

Nga

42

4

Cô-lôm-bi-a

37

5

Phi-lip-pin

29

6

Ấn độ

22

7

Bốt-sơ-ni-a

19

8

Thổ Nhĩ Kỳ

18

9

Rwanda

16

10

Ta-gi-ki-sơ-tan

16

 

T.H (tổng hợp)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006