Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Giảng viên báo chí Mia GrÖndahl:

Hãy đem cuộc sống vào ảnh báo chí


(15/01/2007 08:38:47)

Khóa học "Nâng cao kỹ năng phối hợp" (trong khuôn khổ Dự án nâng cao năng lực báo chí Việt Nam) vừa được Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin và tổ chức SIDA (Thụy Điển) phối hợp tổ chức, Giảng viên môn Ảnh báo chí là bà Mia Grondahl với 30 năm làm phóng viên báo hình và ảnh ở Thụy Điển, đã tham gia giảng dạy ảnh báo chí tại nhiều nơi như Palestin, bờ Tây dải Gaza, Srilanka... Đây là lần thứ ba bà đến Việt Nam giảng dạy theo dự án nâng cao báo chí, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Mia GrÖndahl về vấn đề ảnh báo chí.

            Một bức ảnh báo chí tốt phải hội tụ những yếu tố gì, thưa bà?

            Một bức ảnh báo chí tốt phải lập tức kéo theo người đọc vào trang báo, khuấy động cảm xúc, tác động mạnh đến tình cảm chứ không phải lý trí của người xem.

            Muốn thế, yếu tố con người trong ảnh phải là then chốt. Người xem và nhân vật trong ảnh phải có sự giao tiếp. Và sự giao tiếp tốt nhất trong ảnh chính là thông qua đôi mắt của nhân vật. Trong một bức ảnh báo chí tốt, nhân vật phải thể hiện được cá tính, câu chuyện qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ...

            Một bức ảnh báo chí tốt phải hội tụ được cả ba yếu tố: Sức sống, thông tin và ý nghĩa biểu trưng. "Sức sống" của ảnh được thể hiện bằng những yếu tố sống động, tự nhiên, gần gũi với cuộc sống. "Thông tin" có nghĩa là ảnh phải phản ánh được câu chuyện về ai, ở đâu, làm gì, bao giờ và như thế nào. Có nghĩa là người xem phải tiếp nhận được thông tin qua bức ảnh. Và "ý nghĩa biểu trưng" là các yếu tố phụ làm tăng tính biểu cảm của bức ảnh.

            Thế còn một phóng sự ảnh tốt thì sao?

            Việc lựa chọn chủ đề cẩn thận là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên một phóng sự ảnh tốt. Chủ đề càng cụ thể càng tốt. Khi xem một phóng sự ảnh, khán giả phải tiếp nhận được một nội dung cụ thể toát ra từ những bức ảnh. Mọi thứ trong ảnh đều phải rõ ràng, chính xác. Ví dụ" Làm phóng sự ở một ngôi làng, phóng viên không nên ghi lại những gì chung chung về ngôi làng đó mà có thể ghi lại câu chuyện về cuộc sống của một cá nhân điển hình nào đó. Thông qua những câu chuyện rất cụ thể, đời thường và gần gũi của nhân vật, người xem sẽ hiểu ra được nhiều điều, thậm chí nhiều hơn cả những gì tác giả muốn giãi bày.

            Mỗi ảnh trong phóng sự đều phải nói lên một khía cạnh câu chuyện, rất độc lập nhưng lại phải nằm trong một chuỗi logic của cả phóng sự. Phóng sự ảnh tốt là một chuỗi ảnh mà không có bức nào thừa.

            Để làm một phóng sự ảnh tốt thì phóng viên ảnh phải luôn đem theo bên mình cuốn sổ và cây bút để ghi chép. Mỗi bức ảnh cũng như một cái tin cũng cần hội đủ 5W (ai, ở đâu, bao giờ, việc gì đang diễn ra và tại sao?). Đây là điều bắt buộc.

            Việc lựa chọn một bức ảnh mở (ảnh đinh) là công việc đặc biệt quan trọng. Bức ảnh mở phải là một bức ảnh thu hút ngay sự chú ý của người xem, nói cách khác là phải gây được sự tò mò, khiến người xem không thể không tiếp tục theo dõi cả phóng sự. Để có được điều này, bức ảnh mở phải có đủ các yếu tố động, giao tiếp...Cũng như lời mở đầu cho một cuốn sách, bức ảnh mở càng hấp dẫn càng tốt, đặc biệt càng đơn giản càng tốt. Một bức ảnh mở đừng nên tham quá nhiều thông tin mà chỉ nên đóng vai trò gợi mở.

            Bà có nhận xét gì về ảnh báo chí ở Việt Nam?

            Trong những năm gần đây, ảnh báo chí Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, ngày càng xuất hiện nhiều ảnh tốt. Có nhiều trường hợp một bức ảnh đẹp được trình bày trên cả một trang báo A3. Việc sử dụng ảnh cũng đã linh hoạt hơn.

            Tuy nhiên, tôi thấy ảnh báo chí ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh báo chí vẫn còn nghèo nàn về nội dung và chưa có khả năng thu hút người xem. Có quá ít ảnh về đề tài cuộc sống, con người, đặc biệt những hình ảnh con người trong cuộc sống thường ngày, những con người đang ở quanh ta. Nói cách khác, khi xem ảnh, tôi chưa hiểu nhiều về con người Việt Nam. Hình ảnh những con người gần gũi, thân quen vẫn bị khuất sau các sự kiện, công việc. Và vì thế, ảnh báo chí Việt Nam rất thiếu sức sống. Đây là điều đáng ngại nhất.

            Có quá nhiều ảnh không nhìn thấy gương mặt của nhân vật trong ảnh. Và như vậy là không đảm bảo tiêu chí có sự giao tiếp trong ảnh. Bên cạnh đó, ảnh in quá nhỏ. Tôi đã được xem một bức ảnh chỉ bé bằng bao diêm mà trong đó có đến 12 gương mặt. Người đọc đã phải căng mắt ra tìm xem người mà mình cần biết ở đâu.

            Ảnh chân dung trên báo chí Việt Nam còn thiếu yếu tố sống, động. Con người dường như không có biểu hiện gì và vì thế chưa nói lên được cá tính, công việc và chưa làm người xem hiểu được nhân vật trong ảnh.

            Vậy theo bà, cần phải làm gì để cải thiện tình hình này?

            Theo tôi, trước hết, cần cải thiện cách đánh giá vai trò của những bức ảnh cũng như linh hoạt hơn trong việc sử dụng ảnh trên báo chí để các bức ảnh ngày càng thể hiện được giá trị và "sứ mệnh" thông tin của mình. 20 năm trước, báo chí Thụy Điển cũng có chung một tình trạng như báo chí Việt Nam hiện nay. Đó là việc chưa thấy hết được tác động to lớn của ảnh trong truyền đạt thông tin và sự hạn chế vai trò của phóng viên ảnh trong tòa soạn. Chúng tôi đã phải mất chừng đó thời gian để có được như ngày hôm nay.

            Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, Việt Nam sẽ chỉ mất khoảng 5 năm để có được những bước tiến như vậy nếu các bạn biết học hỏi, rút kinh nghiệm.

            Một tất yếu khi mà người đọc ngày càng có ít thời gian để đọc những bài báo quá dài thì báo chí sẽ phải cần nhiều ảnh hơn. Ở Thụy Điển và các nước Châu Âu, báo điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ và đi kèm với điều đó là khán giả của loại hình báo chí này đang có xu hướng thích xem ảnh hơn đọc bài. Vì vậy, vai trò của ảnh báo chí và phóng viên ảnh là rất lớn.

            Sau 5 khóa học (từ 2003 - 2006) mà SIDA tổ chức, tôi nhận thấy báo chí Việt Nam đang có một đội ngũ phóng viên ảnh rất cừ khôi. Họ rất tâm huyết với nghề và trong nhiều tình huống họ đã thể hiện rằng họ có thể hoàn thành xuất sắc công việc. Tôi nhìn thấy lòng yêu nghề trong mắt họ. Vì thế, điều mà tôi muốn nói là: Hãy cho họ khoảng trống để in ảnh.

            Xin cám ơn bà!

Lâm Khánh - TH (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tây Nguyên qua một bài viết được giải cao (15/01/2007 08:36:54)

Đúng và Hay (15/01/2007 08:19:50)

Ra mắt câu lạc bộ bạn đọc của báo Thể thao & Văn hóa (13/12/2006 14:17:17)

Tuyên bố của Liên đoàn báo chí quốc tế (IFJ) về quy tắc ứng xử của nhà báo (13/12/2006 11:01:25)

Lẫn lộn chức năng - Viết về pháp luật mà sai luật  (13/12/2006 10:52:58)

Nhanh, đúng, trúngâẠẩ nhưng còn chưa hay (13/12/2006 10:44:51)

Việc áp dụng cách làm tin hiện đại còn "vấp" nhiều chỗ (13/12/2006 10:30:06)

Đổi mới theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu mang tính sống còn (13/12/2006 10:28:59)

Điều quan trọng nhất là thông tin phải nhanh và chính xác (13/12/2006 10:27:04)

Phải chuyển biến ở cả phóng viên phân xã và khâu biên tập (13/12/2006 10:24:39)