Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa


(01/12/2016 09:46:56)

Một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ kéo dài bốn năm trong khi nhiệm kỳ của phóng viên thường trú chỉ có ba năm. Không phải phóng viên thường trú nào tại địa bàn Mỹ cũng có cơ hội chứng kiến và đưa tin về cuộc bầu cử thu hút sự chú ý của truyền thông toàn thế giới này. Nhà báo Hoàng Minh Nga, Trưởng CQTT tại New York, đã có những trải nghiệm thú vị chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhà báo Hoàng Minh Nga tác nghiệp trước tòa nhà Trump World Tower

Gặp gỡ giới học giả 
Tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều học giả Mỹ trong những sự kiện khác nhau. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc trao đổi về một đề tài cụ thể, tôi đều tranh thủ hỏi những đánh giá của họ về cuộc bầu cử Mỹ. Có người ủng hộ bà Clinton, có người không, song tất cả đều giống nhau ở một điểm là đều tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Donald Trump. 

Tôi đã từng khá hoang mang, tự hỏi tại sao ông Donald Trump - một nhân vật bị giới tinh hoa phản đối đến như vậy - lại có thể trở thành đối thủ ngang ngửa với một người giàu kinh nghiệm chính trường như bà Hillary Clinton.Thế nhưng, khi nghe lại tất cả các cuộc phỏng vấn, tôi phát hiện ra một chi tiết quan trọng, đó là hầu hết các học giả mà tôi gặp gỡ đều cho rằng bà Clinton xứng đáng làm tổng thống hơn chỉ vì bà có nhiều kinh nghiệm hơn.

Chụp ảnh lưu niệm với giáo sư Mette Christansen của trường đại học New York

Mặt khác, họ cũng thừa nhận, nước Mỹ đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về định hướng phát triển và cần phải có một sự thay đổi thực sự. Nhưng khi tôi hỏi tại sao không ủng hộ ông Donald Trump - ứng cử viên đang hứa hẹn đem lại sự thay đổi cho nước Mỹ - họ trả lời rằng thay đổi mà ông Trump đem lại nhiều khả năng là xấu vì ông Trump không có kinh nghiệm. 

Cách trả lời của họ khiến tôi có cảm giác rằng nhiều người trong giới tinh hoa của Mỹ không muốn công khai ủng hộ một nhà buôn bất động sản nhiều bê bối, không có phong thái phù hợp với vai trò đại diện cho một nước Mỹ luôn tự hào là hình mẫu cho cả thế giới noi theo. Thế nhưng khi đứng trước hòm bỏ phiếu, có lẽ nhiều người trong số họ đã “liều lĩnh” lựa chọn sự thay đổi.

Gặp gỡ người dân
Trò chuyện với dân thường đủ loại màu da, sắc tộc và tôn giáo càng khiến tôi tin rằng người dân Mỹ đang khao khát sự thay đổi. Tôi không chỉ biết được quan điểm của họ đối với cuộc bầu cử, mà còn phần nào hiểu được tâm tư của những người dân sống tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, song cuộc sống lại khá khó khăn.

Đơn cử như ở New York, người giàu thì siêu giàu còn người nghèo thì nghèo đến mức bần cùng. Không khó bắt gặp những người Mỹ, có cả da trắng lẫn da màu vạ vật trong cảnh màn trời chiếu đất ngay cả trong thời tiết lạnh giá dưới 0oC. New York không thiếu những khu căn hộ siêu cao cấp, những khu biệt thự xa hoa, song cũng đầy rẫy những khu ổ chuột, bẩn thỉu.

Người dân New York không thiếu cái ăn vì phúc lợi xã hội ở đây tương đối tốt. Thành phố có nhiều điểm phát thực phẩm miễn phí. Song tìm chỗ trú ngụ tại thành phố đắt đỏ nhất thế giới này vượt quá khả năng của những con người bị đào thải do không có trình độ chuyên môn và học vấn.
 
Nhiều người nghèo mà tôi tiếp xúc không đặt hy vọng vào các ứng viên có thể đem lại việc làm cho họ, bởi lẽ họ biết rằng đây gần như là một sứ mệnh khó khả thi. Những công việc lao động chân tay đơn giản rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp chấp nhận đồng lương rẻ mạt. Các công việc trong các nhà máy đã bị chuyển ra khỏi nước Mỹ và nếu chính phủ Mỹ có khôi phục hoạt động chế tạo ở trong nước thì dây chuyền sản xuất cũng được tự động hóa, không tạo ra được nhiều cơ hội việc làm cho họ. 

Một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam chia sẻ, ông không quan tâm đến việc ai sẽ trở thành tổng thống, bởi dù là ai thì cũng không thể chấm dứt được các cuộc chiến tranh phi lý hao tiền tốn của mà Mỹ đang can dự. Có lẽ sự hoài nghi về những thay đổi mà tổng thống thứ 45 có thể đem lại, bất luận ứng cử viên nào chiến thắng, là lý do khiến chỉ có hơn 50% số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. 

Những kỷ niệm vui, buồn
Kỷ niệm thú vị mà đợt làm tin bầu cử đem lại cho tôi là cuộc gặp gỡ tình cờ với một nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ và truyền thông Mỹ. 

Hôm đó, chúng tôi đang có mặt tại vườn hoa trước trụ sở Liên hợp quốc để làm phóng sự dư luận New York trước thềm ngày bỏ phiếu sơ bộ siêu thứ ba và bắt chuyện được với một người đàn ông nom rất trí thức. Người đàn ông cho biết ông tên là Mark Heprin, đảng viên Cộng hòa và cực lực phản đối ứng cử viên Donald Trump. Ông nói, nếu Trump trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa và giành chiến thắng cuối cùng thì đó sẽ là một thảm họa, điều này gây bất lợi cho Việt Nam trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông

Về đến nhà, chúng tôi tra Google cái tên Mark Heprin và rấy bất ngờ vì vừa phỏng vấn một nhà văn nổi tiếng, thành viên của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, đồng thời là một nhà bình luận chính trị tên tuổi. Khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã ngã ngũ, tôi viết thư cho ông và được trả lời rằng: “Tôi không bất ngờ, mà là sốc khi nhìn thấy trước những ngày hoàng kim sắp lụi tàn”. Tôi hiểu với ông Mark Heprin, một đảng viên Cộng hòa bảo thủ, những ngày hoàng kim là thời kỳ nước Mỹ chi phối và luôn tìm cách nhào nặn thế giới theo các quy chuẩn của mình. Cách đây ít hôm, New York Times đã có bài viết thừa nhận rằng việc tầng lớp tinh hoa của Mỹ chạy theo xu hướng nhào nặn thế giới theo ý của mình đã gây ra cuộc xung đột ngay trong lòng nước Mỹ, giữa những người Mỹ quyền lực và người dân thường.
 
Kỷ niệm không vui là hôm tôi phỏng vấn Giáo sư Jeanne Zaino của trường đại học Iona. Bà cho tôi hai lựa chọn: hoặc là phỏng vấn bà tại khu trung tâm New York vào ngay ngày hôm sau bầu cử, hai là tại trường đại học Iona ở ngoại ô New York vào ngày hôm sau nữa. Muốn có phân tích nóng của chuyên gia, tôi lựa chọn phương án một. Kết quả là, bà Jeanne dành cho tôi thời gian nghỉ giữa hai cuộc phỏng vấn trực tiếp trên kênh Fox News và BBC. Không kịp thu xếp địa điểm, tôi đành phỏng vấn giáo sư dưới mái hiên nhà trong lúc vì lúc đó trời mưa tầm tã. Bài học rút ra là cần phải chuẩn bị chu đáo ở mọi khâu trước khi tiến hành bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.
 
Phỏng vấn học giả, đặc biệt là tiếp cận người dân là cách để phóng viên thường trú có cái nhìn toàn diện hơn, không bị lệ thuộc vào thông tin đăng tải trên truyền thông Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không dễ dàng. Qua đợt làm tin bầu cử vừa qua, tôi rút ra vài kinh nghiệm sau: 
Thứ nhất, để tiếp cận được các học giả, nên tích cực đăng ký tham dự các buổi hội thảo, các cuộc họp báo vì sau mỗi sự kiện các diễn giả sẽ trả lời phỏng vấn trực tiếp báo chí. Sau đó, không quên gửi link sản phẩm tới học giả mình vừa phỏng vấn, chú ý theo dõi các bài viết của học giả và email đưa ra vài nhận xét, trao đổi. Như vậy có thể tạo được mối liên hệ lâu dài hơn.
Thứ hai, để tiếp cận người dân, luôn nở nụ cười thật tươi trước khi xin phỏng vấn, đoán tâm lý nhân vật để đặt những câu hỏi tiếp theo sao cho phù hợp. 
Thứ ba, đối với thông tin được đăng tải trên truyền thông Mỹ, chỉ nên coi là thông tin mang tính chất tham khảo, tránh chỉ dựa vào báo chí nước sở tại phân tích tình huống mà cần phải đặt dưới góc nhìn của lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc Việt Nam. Thường xuyên đọc những bình luận dưới các bài báo nổi bật của những tờ báo lớn, vì đây là một cách theo dõi sự phản biện của người dân trên khắp nước Mỹ. 
Và cuối cùng, không quên theo dõi các trang mạng xã hội, các diễn đàn lớn để nắm bắt xu thế dư luận nói chung tại Mỹ.

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)