Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Như một liều vaccine


(29/10/2021 10:26:39)

Ngay sau thành công của cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầu năm 2020, phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), đã triển khai loạt bài “Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để” như một hồi chuông cảnh tỉnh, kiến nghị các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách vào cuộc quyết liệt và sớm tìm ra giải pháp như một liều vaccine để ngăn chặn các hành vi xây dựng méo mó đang gây ra nhiều tai tiếng. Loạt bài đã vinh dự được trao giải B - Giải báo chí quốc gia năm 2020.

Ban tổ chức trao giải B cho tác giả Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus - TTXVN, với tác phẩm "Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để"

1. Đầu năm 2020, khi cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đang dồn tổng lực chống dịch COVID-19, lợi dụng thời gian này, không ít doanh nghiệp, dự án bất động sản đã huy động nhân lực, thiết bị, triển khai xây dựng các công trình khi chưa có quyết định, chủ trương đầu tư cũng như các giấy tờ pháp lý liên quan.
 
Điều đáng nói, thực tế trên chỉ là “phần nổi” của một quá trình buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua. Chỉ cần dạo trên các trang báo, ngay lập tức sẽ thấy, bên cạnh virus SARS-CoV-2 đang làm “chao đảo” đất nước, bấy lâu nay còn có một loại virus khác, cũng lan nhanh, khiến đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh, thành phố trăn trở; cử tri cả nước bất bình, lo lắng. Đó là virus loạn quy hoạch làm biến dạng cảnh quan đô thị.
 
Không thể phủ nhận, việc chạy đua với “bão” quy hoạch, phát triển “nóng” các dự án bất động sản trong nhiều năm qua đã đem lại lợi ích kinh tế nhất định. Song, thực trạng quy hoạch chạy theo nhà đầu tư hay nhóm lợi ích cũng đã và đang gây ra những hệ lụy đáng suy ngẫm, nhất là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; cảnh quan thiên nhiên bị phá nát, khó có thể phục hồi.
 
Những bất cập trên phần nào cho thấy, việc quy hoạch “nóng”, không hài hòa với bảo tồn là bước đi thụt lùi, nhất là khi hằng năm Nhà nước vẫn phải chi ngân sách cho việc sửa chữa, khắc phục hậu quả của hàng loạt dự án “phá” quy hoạch đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng như sạt lở núi, gây chết người…
 
2. Để hiểu rõ hơn thực trạng trên, đầu tháng 3/2020, giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 tại Việt Nam, tôi đã lên kế hoạch và quyết định đi thực tế tìm hiểu bức tranh xây dựng méo mó, cũng như sự tồn tại của những con virus đang ẩn sâu trong “cơ thể đô thị”. Từ đó, rộng đường dư luận hiểu vì sao tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, hay vô số đại dự án sừng sững gây nhiều hệ lụy, nhiều năm ầm ĩ và tốn biết bao nhiêu giấy mực nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
 
Theo đó, một trong những địa chỉ đầu tiên mà tôi hướng đến là khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP. Hồ Chí Minh - nơi biết bao gia đình đang sống yên ổn bỗng chốc phải tới ở trong những căn nhà tạm cư dột nát suốt 10-20 năm qua do hệ quả của “siêu dự án” phá vỡ quy hoạch. Trong quá trình tìm hiểu, tôi được nghe không ít người dân kể về những năm tháng cơ cực khi phải dành cả thanh xuân “cơm đùm, áo đúm” đi tìm chân lý và cả những ước mơ bình dị nhất là được dẫn con cháu trở về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của cuộc đời mình...  Nhưng sau tất cả, điều mà những người dân khốn khổ sống trong xóm tạm cư “tối” như cuộc đời họ nhận được vẫn chỉ là những lời hứa trôi theo năm tháng!
 
Điều khiến tôi trăn trở hơn là “siêu dự án” Thủ Thiêm bị phá vỡ quy hoạch dẫn đến biến dạng đô thị chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong “biển hồ đô thị”. Thực tế, trong suốt hai thập kỷ qua, tình trạng quy hoạch thần tốc, xây dựng trái phép, sai phép, vượt quy hoạch cũng lây lan nhanh như virus, với hàng loạt “đại” dự án tai tiếng như: công trình 8B Lê Trực, HH Linh Đàm ở Hà Nội; dự án vườn Vạn Tuế ở tỉnh Hưng Yên… Cùng với đó là hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án tâm linh đua nhau bạt núi, lấp sông, lấn biển ra đời.
 
Mang thực trạng trên đến gặp các cơ quan quản lý và giới chuyên gia kiến trúc, môi trường, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần cương quyết ngăn chặn “virus quy hoạch xây dựng” bằng những cuộc đại phẫu xử lý tận gốc sai phạm, để ổn định lại diện mạo đô thị, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
 
Nhà máy xi măng được quy hoạch ngay sát nhà dân ở tỉnh Nghệ An

3. Sau ba tháng triển khai, đầu tháng 6/2020, tôi đã hoàn thiện loạt bài viết Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để. Qua đó, chỉ ra hàng loạt lỗ hổng của Luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương.
 
Thông qua loạt bài này, tôi mong muốn mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể về thực trạng quản lý trật tự đô thị theo kiểu trên nóng dưới lạnh tại các địa phương; một hồi chuông cảnh tỉnh, kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết, cũng như hướng quản lý đô thị hiệu quả hơn. Đó cũng là “hồi chuông cảnh báo” cho các địa phương trên cả nước trong công tác đấu tranh, ngăn chặn những con virus làm loạn quy hoạch, méo mó đô thị đã và đang gây ra nhiều tai tiếng.
 
Điều đáng mừng là sau khi loạt bài được đăng tải trên báo điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Giang… đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các “siêu, đại” dự án sai phạm. Đồng thời, kỷ luật hàng loạt cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Qua đó, từng bước chỉnh đốn lại công tác quy hoạch, diện mạo đô thị, lấy lại niềm tin của nhân dân.
 
Kết quả trên đã phần nào cho thấy, dù loạt bài không phải là một thứ vũ khí lớn lao, đòi hỏi mọi thứ phải được điều chỉnh ngay theo quỹ đạo pháp luật, nhưng trước hết, cũng đã lập tức tạo ra được những tín hiệu khả quan, như một liều vaccine để ngăn chặn virus loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị./.

Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 10/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”: Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động (29/10/2021 10:24:53)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Tập trung cao, thao tác nhanh (29/10/2021 10:24:00)

TTXVN được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích trong công tác thông tin về bầu cử (28/10/2021 19:54:00)

Lần đầu tiên “xuất khẩu” công nghệ phần mềm (28/10/2021 19:49:37)

Kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2021): Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu - Tự hào là người của TTXVN (28/10/2021 19:48:30)

Kỷ niệm 67 năm ngày Báo ảnh Việt Nam ra số đầu tiên (15/10/1954-15/10/2021): Lan tỏa hình ảnh Việt Nam khắp năm châu (28/10/2021 19:43:58)

Tập huấn sử dụng công cụ sản xuất nội dung đa phương tiện (26/10/2021 09:23:45)

Giải báo chí quốc gia lần thứ XV -năm 2020: TTXVN được vinh danh 4 tác phẩm (25/10/2021 18:22:36)

Nâng cao hiệu quả phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương (25/10/2021 18:10:54)

Duy trì hiệu quả hợp tác với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (22/10/2021 16:28:54)