Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII năm 2022: Để không xảy ra một “Formosa thứ hai”


(05/07/2023 16:32:06)

Loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam đã vinh dự được trao giải A Giải báo chí quốc gia lần thứ 17 năm 2022. Nội san Thông tấn xin giới thiệu những chia sẻ của phóng viên Võ Mạnh Hùng, người trực tiếp đi vào hàng chục “điểm nóng” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, để triển khai loạt bài với hy vọng không để xảy ra một “Formosa thứ hai”.

Phóng viên Võ Mạnh Hùng (trái), báo điện tử VietnamPlus, tìm hiểu hoạt động khai thác khoáng sản xả thẳng nước thải ra môi trường trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, tháng 12/2022

“Ngăn” ô nhiễm bằng ngòi bút trách nhiệm
 
Một buổi tối đầu tháng 5/2016, tôi ngồi theo dõi thông tin về diễn biến của sự cố, thảm hoạ môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra. Trước mắt tôi là muôn vàn hình ảnh đau lòng, cả một vùng biển nên thơ kéo dài suốt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế bỗng chốc trở thành sự ám ảnh khi nước biển đổi màu ô nhiễm, cá chết dạt vào khắp bờ, bốc mùi hôi thối. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây ngưng trệ. Ngư dân, người kinh doanh, người làm du lịch đều bị ảnh hưởng.
 
Sau sự cố trên, qua đấu tranh pháp lý, lãnh đạo tập đoàn Formosa đã cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam và chịu đền bù thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân ven biển miền Trung với tổng số tiền lên tới 500 triệu USD. Doanh nghiệp cũng cam kết sẽ bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về môi trường. Cũng trong năm đó, một loạt sự cố môi trường đã liên tiếp xảy ra như: vỡ bể chứa bùn thải của nhà máy chì kẽm ở Cao Bằng; vỡ bờ bao chất thải titan tại Bình Thuận... khiến nhiều chuyên gia lo ngại, cho rằng “hàng rào” môi trường của chúng ta hiện đang ở mức quá thấp, có vấn đề.
 
Là phóng viên theo dõi ngành tài nguyên và môi trường, tôi nghĩ phát triển kinh tế mà “phá” môi trường là vấn đề không thể chấp nhận, cần phải ngăn chặn. Và dù không mới nhưng luôn là vấn đề mà bất cứ ai cũng quan tâm, nhất là khi môi trường xung quanh nơi chúng ta sinh sống đang bị “tác động xấu”, bị đe dọa và hủy hoại! Trăn trở từng đêm, tôi quyết định lên kế hoạch triển khai loạt bài này.
 
Tôi trực tiếp tìm hiểu thực tế hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, để ghi nhận thực trạng, “mổ xẻ” vấn đề, chỉ ra các lỗ hổng chính sách. Từ đó, đưa ra hồi chuông cảnh báo, cũng như các giải pháp căn cơ để góp phần hạn chế các sự cố môi trường tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
 
Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã chặt chẽ hơn. Song, “bức tranh môi trường” mà chúng tôi ghi nhận qua hàng chục chuyến đi thực tế từ năm 2016 đến nay vẫn đầy rẫy những gam màu ô nhiễm. Đó là hệ lụy từ hàng nghìn dự án mới ra đời vẫn giữ thói quen “phát triển trước, làm sạch sau”. Đó là vô số những “đại công xưởng” không tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường, ra sức “rút ruột” tài nguyên, khiến hàng ngàn ngọn núi trên khắp dải đất hình chữ S bị cạo trọc, khoét sâu…
 
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, công tác kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các nội dung cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp thường được thực hiện bằng “niềm tin”, mang tính hình thức, thông qua những chuyến “thanh tra đột xuất nhưng thông báo trước” cũng như thẩm tra kết quả thực hiện của doanh nghiệp ngay trên giấy. Đây là “lỗ hổng” rất lớn trong khâu quản lý, khiến nhiều nơi đơn thư vượt cấp cứ thế… kéo dài. Để rồi, người dân tại nhiều địa phương không chỉ phải chịu cảnh sống chung, sống mòn với ô nhiễm môi trường, mà còn phải chịu “nỗi sợ kết luận thanh tra”. Đó là khi sự thật về ô nhiễm được họ phản ánh vào những lá đơn, tâm thư gửi tới các cấp địa phương, cơ quan quản lý, nhưng kết luận thanh tra, kiểm tra lại luôn đứng về phía doanh nghiệp.
 
Cứ thế, tất cả những thông tin trên đã được ghi lại tỉ mỉ, chi tiết bằng “cuốn sổ nhật ký online” có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp qua từng tháng, từng năm.
 
Loạt bài tốn thời gian, buồn và lo lắng nhất
 
Trong quá trình triển khai, tôi đã trực tiếp lên ý tưởng, xây dựng đề cương, kế hoạch đi điều tra, tìm hiểu thực tế tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Những nơi mà tôi đặt chân tới có những thực trạng cũng như “điểm nóng” khác nhau, nhưng tất cả đều một hệ lụy là “phát triển đi đôi với huỷ hoại môi trường sống, khiến người dân sinh sống xung quanh phải đâm đơn phản ánh, kêu cứu...”.
 
Không ngoa khi nói rằng đây là loạt bài mà tôi đã dành rất nhiều tâm sức, tốn thời gian; buồn và lo lắng nhất. Có những “điểm nóng” do doanh nghiệp, cá nhân, nhóm lợi ích tổ chức “rút ruột” tài nguyên khoáng sản của quốc gia, do xả thải trộm, chui theo hướng “đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tôi đã phải mất rất nhiều chuyến đi qua từng năm. Chưa kể để tiếp cận được hiện trường, ghi lại được các hoạt động, hành vi làm hại môi trường (như xả nước thải, khí thải, khói bụi, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên...), tôi đã phải nhập rất nhiều vai khác nhau (công nhân tại khu công nghiệp, phu đá, người đi mua quặng, than, sinh viên nghiên cứu địa chất...) để tạo được niềm tin của các ông chủ doanh nghiệp, hay chủ mỏ khoáng sản…
 
Cũng có những nơi, khi mới nhắc đến, dò hỏi thông tin qua các đồng nghiệp, tổ chức nghiên cứu, tôi đã nhận được những lời căn dặn, cảnh báo về tính nguy hiểm khi tiếp cận thực tế, bởi luôn có các đối tượng “chim lợn” đeo bám khi thấy sự xuất hiện của người lạ. Đặc biệt, tại một loạt “điểm nóng” khai thác đá “có vấn đề” về quy trình khai thác, gây ô nhiễm nghiêm trọng ở làng nghề đá Yên Lâm, thủ phủ tuồn bán than lậu quy mô lớn tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh; hay “thế giới ngầm” khai thác quặng ở dưới lòng đất huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; “điểm nóng” về nổ mìn khai thác đá không đảm bảo an toàn lao động tại những mỏm núi tang thương khiến hàng chục người bị thiệt mạng tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nếu không may bị lộ danh phận, bị phát hiện, tính mạng của phóng viên sẽ gặp nguy hiểm.
 
Tuy nhiên, với trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, đặc biệt là trước những lá đơn đầy nước mắt và tiếng kêu cứu của người dân sinh sống xung quanh các “điểm nóng”, tôi xác định phải tìm mọi cách đi sâu vào điểm nóng, thay vì ở ngoài sáng quan sát, để có được bằng chứng xác thực nhất. Vì thế, có những chuyến đi, tôi phải mạo hiểm tiếp cận và thức trắng đêm để chờ thời điểm các nhà máy, khu sản xuất “nhả” khói độc, nước thải ra môi trường.
 
Trong quá trình tác nghiệp, tôi còn gặp không ít thách thức khi bị chính lãnh đạo các cơ quan quản lý cấp cơ sở (từ xã, phường đến tỉnh, thành phố) “tạo áp lực” bởi những mối quan hệ riêng… Vẫn luôn nghĩ và tự động viên rằng đây chỉ là “bài” đánh vào tâm lý và lãnh đạo tòa soạn luôn tin tưởng, động viên, nhưng thú thực, có những lúc, bản thân tôi cũng không khỏi hoang mang, lo lắng!
 
Phóng viên Võ Mạnh Hùng vừa lái xe, vừa lấy lưng làm điểm tựa để phóng viên Hoàng Đạt, báo điện tử VietnamPlus, ghi hình tình trạng ô nhiễm tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, tháng 12/2022

Vượt khó khăn, hướng tới sự thay đổi
 
Thế nhưng, mỗi khi thấy những khu dân cư chìm trong khói bụi, những bức tâm thư kêu cứu bởi những thảm cảnh đau lòng, tôi luôn tự nhủ phải “đào sâu” vấn đề, nắm chắc thông tin, nhất quán tư tưởng, lập trường để bảo vệ lẽ phải, không để bất kỳ “thế lực” hay yếu tố nào tác động, “bẻ cong”, làm sai lệch thông tin, che giấu sự thật. Đơn giản là bởi người dân phải sống chung, sống mòn với ô nhiễm, họ đã khốn khổ lắm rồi, chưa kể còn cả tương lai của rất nhiều đứa trẻ.
 
Với  kho thông tin “sống” sau gần 6 năm đi sâu vào thực tế tìm hiểu, cùng ý kiến chia sẻ, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường, đầu tháng 12/2022, tôi đã đề xuất với lãnh đạo phòng và lãnh đạo tòa soạn cử thêm hai phóng viên Hoài Nam (chuyên về ảnh) và Hoàng Đạt (chuyên video) cùng tôi trở lại một số “điểm nóng” để bay flycam, có thêm những thước phim mới và toàn cảnh nhất.
 
Trở về ngay sau chuyến đi thực tế, chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế”, gồm 5 bài viết, đi từ thực trạng quản lý, hoạt động vận hành, khai thác, các “lỗ hổng” nảy sinh từ chính sách, tới giải pháp cũng như các lời giải căn cơ nhất. Phóng viên Thanh Trà được phân công dựng bài Mega Story để kịp thời đăng tải trên báo điện tử VietnamPlus vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2022.
 
Trong loạt bài này, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt. Trong đó, phải thiết lập được “hàng rào” đạt chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng sinh sống xung quanh các khu công nghiệp, nhà máy. Các cơ quan quản lý liên quan cần đánh giá kỹ lưỡng cũng như đưa ra một số kịch bản ứng phó với các sự cố môi trường. Bởi các nhà máy hóa chất, xi măng, điện rác... nếu để xảy ra sự cố, lượng khí độc dioxin, duram “khổng lồ” sẽ phát tán rộng rãi ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Khi đó, sẽ là một “Formosa thứ hai” và nạn nhân là chính chúng ta và các thế hệ mai sau.
 
Để kiểm soát vấn đề trên, yêu cầu cấp thiết đối với các nhà máy là phải công khai, minh bạch liên tục các số liệu quan trắc tự động, để người dân được biết và tham gia giám sát; để cơ quan quản lý chủ động, kịp thời đưa ra biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn về môi trường. Đó cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, xu thế phát triển không thể đảo ngược để Việt Nam sớm hoàn thành các cam kết mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); qua đó hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống cho mọi người dân.
 
Điều đáng mừng là sau khi loạt bài đăng phát trên báo điện tử VietnamPlus, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, trên cơ sở đó đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp “rút ruột” tài nguyên, “phá” môi trường, đồng thời truy thu số tiền khai thác khoáng sản bất hợp pháp lên tới hàng chục tỷ đồng và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục vi phạm. Nhiều lá đơn, tâm thư kêu cứu của người dân cũng đã và đang được các cơ quan chức năng giải quyết. Không những vậy, trong quá trình triển khai, với thông tin phóng viên cung cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ghi nhận và sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022).
 
Niềm vui càng nhận lên khi loạt bài“Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” đã được trao giải A Giải báo chí quốc gia lần thứ 17 năm 2022. Với cá nhân tôi, đây là niềm hạnh phúc, cũng là động lực để bản thân luôn khắc nhớ, nỗ lực phấn đấu, cống hiến, phát huy bản lĩnh của người cầm bút Thông tấn xã Việt Nam trong cuộc chiến không tiếng súng ngày hôm nay./.

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-truoc-chay-chua-sau-hiem-hoa-pha-moi-truong-lay-kinh-te/838491.vnp


 

Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 6/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tọa đàm “Vai trò của thông tin đồ họa trong chuyển đổi số báo chí” (05/07/2023 16:20:35)

Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII năm 2022: Niềm vui ngày hái quả (04/07/2023 10:34:56)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2023 (03/07/2023 18:32:18)

Tập huấn phòng chống cháy nổ (03/07/2023 16:35:29)

Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (29/06/2023 15:31:02)

Thư cảm ơn của TTXVN nhân dịp 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (23/06/2023 21:49:17)

Tuyên dương học sinh giỏi và giao lưu Hè 2023 (23/06/2023 17:26:35)

Tiếp đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tân Hoa xã (23/06/2023 17:16:09)

Nâng cao kỹ năng làm báo đa phương tiện trên nền tảng số (23/06/2023 17:14:49)

Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023): Nhiều giải thưởng lớn tại các giải báo chí địa phương (23/06/2023 14:05:12)