Thứ tư, ngày 03/07/2024

Giải báo chí

Giải báo chí TTXVN 2023: Kịp thời cung cấp thông tin chính thống


(03/07/2024 09:42:13)

Với phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Đồng Tháp Huỳnh Nhựt An, chuỗi ngày tác nghiệp trong vụ việc giải cứu bé trai rơi xuống trụ rỗng bê tông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo, bởi điều kiện tác nghiệp khó khăn, đeo bám hiện trường trong nhiều ngày liền để kịp thời thông tin diễn biến sự cố hy hữu được dư luận đặc biệt quan tâm. Chùm 5 tin phản ánh sự việc này của phóng viên Huỳnh Nhựt An được Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2023 đánh giá cao vì tính thời sự, cập nhật, thể hiện đặc trưng của thông tin thông tấn.

Phóng viên Huỳnh Nhựt An tác nghiệp tại hiện trường vụ bé trai rơi xuống trụ rỗng bê tông, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, tháng 1/2023

1. Sáng sớm 1/1/2023 (thời điểm nghỉ Tết dương lịch), ngay sau khi nhận được thông tin bé Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012) rơi xuống trụ bê tông có đường kính 25cm, dài 35m tại công trình cầu Rọc Sen, tôi nhanh chóng có mặt tại hiện trường để nắm tình hình và triển khai tác nghiệp, thực hiện đủ 3 loại hình thông tin: ảnh, tin văn bản và truyền hình.

Là một trong số ít phóng viên có mặt sớm nhất nên tôi đã nhanh chóng tiếp cận được hiện trường, tranh thủ quay phim, chụp ảnh công tác cứu hộ của cơ quan chức năng và nhanh chóng có những hình ảnh, video “đắt giá”, có cả ảnh và video clip độc quyền thực hiện bằng flycam. Dần về sau, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp quản lý chặt chẽ hiện trường nên điều kiện tác nghiệp trở nên rất khó khăn.

Đầu giờ chiều 1/1, lực lượng chức năng khoanh vùng, dùng tấm cao su che kín hiện trường. Phóng viên chỉ được phép tác nghiệp tại khu vực cách hiện trường hơn 100m, không được phép dùng flycam để quay phim, chụp ảnh từ trên cao và chỉ được cung cấp thông tin “nhỏ giọt”. 

Suốt thời gian đầu của công tác cứu hộ, tôi và các đồng nghiệp luôn hy vọng một phép màu sẽ xảy ra, sẽ đưa bé lên mặt đất và còn sống sót. Tuy nhiên, “ngọn lửa” hy vọng càng ngày càng tắt dần...

2. Hiện trường xảy ra sự cố thuộc khu vực nông thôn, giữa đồng trống, không có nhà dân nên điều kiện ăn ở của phóng viên hết sức khó khăn. Việc cứu hộ diễn ra trong nhiều ngày, tôi phải ở lại để đeo bám hiện trường và đưa thông tin. Vì không muốn bỏ lọt thông tin cùng những hình ảnh đắt giá nên tôi và một số đồng nghiệp phải mượn tạm một căn chòi chứa thức ăn nuôi cá của người dân để làm “căn cứ” tác nghiệp.

Nơi sản xuất tin, bài là bất kể đâu, có khi ngồi bệt xuống đất cho nhanh, gọn. Lúc đầu, mạng internet và nguồn điện sạc thiết bị tác nghiệp là vấn đề nan giải. Chúng tôi phải chia sẻ với nhau những ổ cắm điện để sạc laptop, pin máy ảnh, điện thoại… Về sau, được sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, chúng tôi mới được cung cấp nguồn điện và internet ổn định.

Ban ngày, chúng tôi “ăn ké” cơm của lực lượng cứu hộ. Ban đêm, trải tấm cao su dùng đậy thức ăn cho cá để ngả lưng và chợp mắt. Những giấc ngủ chập chờn vì tâm lý hồi hộp, lo lắng cùng tiếng động cơ, âm thanh phát ra từ hiện trường cứu hộ khiến cơ thể rất mệt mỏi. Do thường xuyên di chuyển và đi công tác đột xuất nên trong ba lô của tôi luôn có sẵn thiết bị tác nghiệp và một số vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, vì gấp gáp đến hiện trường và tưởng rằng công tác cứu hộ sẽ nhanh kết thúc nên tôi không mang theo quần áo. Sau hai ngày ở hiện trường, do không có nơi tắm giặt, tôi đã nhờ được người quen mua quần áo mang vào và đến trụ sở UBND xã Phú Lợi để tắm nhờ. 

Cứ thế, tôi túc trực tại khu vực hiện trường suốt 4 ngày đêm (từ ngày 1-4/1) và chỉ rời hiện trường khi ngành chức năng thông tin bé đã tử vong, công tác đưa thi thể bé lên sẽ mất nhiều thời gian.

3. Trong thời gian quay về CQTT thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền những sự kiện khác, tôi vẫn tiếp tục theo dõi và đưa tin về công tác cứu hộ mỗi khi có diễn biến mới, thông qua đầu mối Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo địa phương và đồng nghiệp. Thỉnh thoảng, tôi trực tiếp quay lại khu vực cứu hộ để nghe ngóng tình hình rồi về.
 
Hiện trường vụ giải cứu bé trai rơi vào trụ rỗng bê tông sâu 35m ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, tháng 1/2023. Ảnh do phóng viên Huỳnh Nhựt An thực hiện

Ngày 18/1 (27 Tết nguyên đán), khi hay tin công tác cứu hộ gần hoàn thành, tôi trở lại hiện trường. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã chốt chặn từ vòng ngoài, phóng viên chỉ được tác nghiệp ở khu vực cách hiện trường khoảng 500m. Tôi tiếp tục ở nhờ nhà dân, túc trực tại khu vực gần hiện trường 2 ngày 2 đêm. Tôi đã có mặt trực tiếp và kịp thời quay phim, chụp ảnh khi thi thể bé được đưa lên mặt đất lúc 1 giờ 20 phút, ngày 20/1. Tâm trạng của tôi khi đó thật khó tả, mặc dù công việc của người phóng viên tại hiện trường đã hoàn thành…

Tổng cộng tôi đã gửi về Tổng xã 11 tin ảnh, 10 tin văn bản và 7 tin truyền hình liên quan đến sự kiện. Tôi chọn chùm 5 tin để tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2023, bao gồm thông tin từ lúc nỗ lực cứu hộ bé trai khi mới rơi vào trụ bê tông đến khi xác định bé tử vong và đưa được thi thể lên mặt đất, hoàn thành công tác cứu hộ (quá trình diễn ra vụ việc hơn 20 ngày). 

Vụ bé trai rơi vào trụ rỗng bê tông ở Đồng Tháp là sự cố hy hữu, được dư luận cả nước và quốc tế quan tâm. Cùng thời điểm này, một số đối tượng đã sử dụng hình ảnh của một số cơ quan báo chí đã đăng, phát kèm với nội dung không chính xác, sai lệch, suy diễn đăng lên mạng xã hội để “câu like”, “câu view”, gây nhiễu loạn thông tin. Trong bối cảnh đó, TTXVN đã kịp thời cung cấp thông tin chính thống, nhanh chóng giúp bạn đọc nắm được chính xác diễn biến vụ việc, tình hình cứu hộ, qua đó định hướng dư luận xã hội, phản bác lại những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội./.

Huỳnh Nhựt An - CQTT tại Đồng Tháp
Nội san Thông tấn số 6/2024