Thứ tư, ngày 26/06/2024

Tin trong ngành

Giải báo chí TTXVN 2023: Lời “khẩn cầu” trách nhiệm


(14/05/2024 14:13:52)

Sau hành trình dài tìm hiểu thực tế tại hàng chục “điểm nóng” sạt lở đất, đá trên cả nước cùng nỗ lực phân tích và tìm lời giải trách nhiệm từ giới chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đầu tháng 12/2023, phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã triển khai loạt bài "Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!" với hy vọng thức tỉnh mọi người cùng chung tay góp phần giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.


1. Những ngày giữa tháng 7/2023, trời mưa rả rích ở nhiều nơi trên cả nước. Sau mỗi trận mưa lớn, trượt, sạt lở đất lại dồn dập xảy ra, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, kinh tế mà còn “kéo theo” chết người. Điều quan ngại hơn, như chia sẻ của chuyên gia nghiên cứu về tai biến địa chất Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là “có vẻ như cả xã hội đang bị bất ngờ trước trượt lở đất, không biết thế nào mà ứng xử”.
 

Phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus, cùng đồng nghiệp tại khu vực sạt lở nghiêm trọng xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tháng 9/2023

Trước thực tế đó, nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo báo điện tử VietnamPlus, tôi nhanh chóng lên kế hoạch cho hành trình đi thực tế tại một loạt khu vực “điểm nóng” sạt lở ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để ghi nhận thực trạng.
 
Trong quá trình tác nghiệp, tôi đã chứng kiến và ghi nhận vô số hình ảnh, câu chuyện tai nạn thương tâm do sạt lở đất gây ra. Trong đó, nguyên nhân không chỉ mỗi thiên tai, mà còn bởi sự tác động của con người. Đó là tình trạng bạt núi, phá rừng làm nhà ở, khu du lịch, trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy tự phát; hàng nghìn điểm sạt lở đất ven đường giao thông do không được kè chắn. Có những vụ sạt lở nghiêm trọng, “cướp đi” hàng chục sinh mạng trước đó nhiều năm, nhưng đến nay vẫn còn hiện hữu nỗi lo, ám ảnh với người sống.
 
Con số tập hợp từ Tổng cục Thống kế trong 10 năm qua (từ năm 2014 đến tháng 10/2023) cho thấy, thiên tai đã làm hơn 2.110 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 170.000 tỷ đồng. Điều này càng khẳng định thực tế: trong “cuộc đua” phát triển, nếu cứ bạt núi, phá rừng, lấp sông suối, quy hoạch nóng vội… vì cái lợi trước mắt, mà không nghĩ hệ quả, thì thiệt hại về kinh tế, tính mạng phải gánh chịu gấp trăm lần cũng không bù đắp nổi.
 
Nêu ra thực trạng trên để thấy, muốn hạn chế thiệt hại bởi thiên tai, sạt lở, có rất nhiều việc phải làm; rất nhiều bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền và người dân cần phải tham gia. Hơn hết là cần khắc phục và loại bỏ tư tưởng “chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường”. Nếu không quyết liệt sửa sai hay ngăn chặn những hành vi tiêu cực gây hại tới núi rừng, sự sống, thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu ngày càng nhiều thiên tai mà trong đó có “bàn tay” con người. Nói thẳng là càng phá sẽ càng đau!
 
2. Trên cơ sở thông tin ghi nhận trong suốt gần 4 tháng đi thực tế tìm hiểu, cùng ý kiến của giới chuyên gia, lãnh đạo các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, đầu tháng 12/2023, tôi đã xâu chuỗi nội dung và xây dựng loạt bài chuyên đề Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!.
 
Đây là loạt bài khiến tôi rơi nước mắt nhiều nhất. Vì thế, sau mỗi chuyến đi, tiếp cận hiện trường, ghi nhận những vụ việc thương tâm, tôi luôn trăn trở và mong muốn loạt bài sẽ “thức tỉnh” được mọi người. Trong loạt bài, tôi không chỉ phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến tác động của thiên tai lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, mà còn phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp và gián tiếp. Từ đó, đề cập tới lời “khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai, cũng như đưa ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả và an toàn bền lâu nhất, để góp phần giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
 
Tác phẩm gồm 5 bài viết, được thể hiện theo hình thức Megastory, giúp độc giả tiếp cận những bài báo ấn tượng, hiện đại với nội dung chuyên sâu đầy đủ, giá trị và chính xác nhất.
 
Đáng mừng là ngay sau khi loạt bài đăng phát và được chia sẻ rộng rãi, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, rà soát các điểm nguy cơ sạt lở để kịp thời nắm bắt tình hình và khắc phục. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, tuyệt đối không chủ quan trước thiên tai, biến đổi khí hậu.
 
Đánh giá cao nội dung loạt bài, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, cùng với công tác cảnh báo sớm, các địa phương cần phải hành động sớm đối với các điểm nguy cơ xung yếu; kiên quyết di dời các công trình, nhà ở khỏi các điểm được đánh giá “tổn thương” cao do thiên tai. Trong năm 2024, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương triển khai “Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Đây là đề án lớn thực hiện trong 5 năm tới với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam.
 
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã ký ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và cơ quan thường trực thực hiện các nhiệm vụ về phân vùng rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống và lũ quét.
 
 

Về phía quốc tế, sau khi đọc loạt bài này, Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) - bà Ramla Khalidi cũng đánh giá cao vai trò tích cực của báo điện tử VietnamPlus trong việc đi sâu phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan; đưa tin về thiên tai lũ quét, sạt lở, cũng như tuyên truyền hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa một Việt Nam xanh, bền vững và tự cường hơn. Một số sáng kiến, hoạt động chính mà UNDP sẽ hỗ trợ là trồng rừng ngập mặn dọc các con sông ven biển; xây dựng nhà chống bão, trạm y tế an toàn; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm; đào ao chống chịu với biến đổi khí hậu; thúc đẩy thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu; hỗ trợ sinh kế bền vững; đào tạo năng lực cho cán bộ xã, lập kế hoạch dự phòng và cung cấp hỗ trợ về khung chính sách và pháp lý...

Võ Mạnh Hùng - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 4/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN 2023: Bài bản trong chỉ đạo và tổ chức thông tin (14/05/2024 14:11:47)

Chia sẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với học sinh Phú Thọ (10/05/2024 22:38:21)

Truyền thông đa phương tiện - công cụ thiết yếu trong thông tin đối ngoại (10/05/2024 14:43:55)

Phát động phong trào sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn (10/05/2024 14:40:41)

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những bức ảnh về Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 (07/05/2024 09:57:55)

Giải báo chí TTXVN 2023: Từ những câu chuyện thực tế (06/05/2024 10:11:31)

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt sách ảnh "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" (04/05/2024 14:38:09)

Giải báo chí TTXVN 2023: Tiếp cận lịch sử qua góc nhìn hiện tại (04/05/2024 14:33:42)

Giải báo chí TTXVN 2023: Chuyến công tác nhiều cảm hứng (04/05/2024 14:30:46)

Các đảng bộ, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề (04/05/2024 14:08:24)