Thứ ba, ngày 23/04/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Lời khẩn cầu từ dòng Đà giang


(04/05/2022 09:57:18)

Cuối năm 2019, tôi nhận nhiệm vụ về công tác tại Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Hòa Bình, một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, có những địa bàn ở xa phải đi mất nửa ngày mới đến nơi. Trong hai năm 2020-2021, tôi dành nhiều thời gian đi cơ sở, tìm hiểu con người, văn hóa, phong tục tập quán và sự phát triển kinh tế vùng miền của địa phương. Những ngày rong ruổi tại các huyện vùng cao khó khăn như: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc… đã giúp tôi lên ý tưởng thực hiện phóng sự ảnh về sông Đà.

Phóng viên CQTT TTXVN tại Hòa Bình Lưu Trọng Đạt trong một chuyến đi thực tế tại địa phương

1. Trải qua mùa khô và mùa mưa năm 2020, tôi tìm hiểu thấy mực nước thượng nguồn sông Đà, trên địa phận hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, bị sụt giảm nghiêm trọng. Các nhánh sông chảy về các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (huyện Đà Bắc) bị khô cạn, gây hậu quả nặng nề: thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, cá lồng bị chết hàng loạt… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân và cảnh quan môi trường. Cao điểm vào mùa mưa năm 2021, hầu như không xuất hiện lũ lớn, lượng nước về hồ Hòa Bình trên lưu vực sông Đà bị thiếu nghiêm trọng. Từ tháng 6 trở đi, mực nước hồ Hòa Bình không vượt qua mức 103m (mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua).

Với kinh nghiệm của một phóng viên ảnh đã nhiều năm theo dõi môi trường và biến đổi khí hậu, tôi nhận thấy đây là đề tài lớn, cần tuyên truyền, phản ánh trung thực, khách quan. Tôi đã lên kế hoạch, đề cương chi tiết cho một phóng sự ảnh về thực trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng của sông Đà, những hệ lụy của biến đổi khí hậu và sự tác động của con người đến sinh kế và môi trường sống tự nhiên khu vực lòng hồ Hòa Bình.

Tôi trao đổi về đề tài và quá trình thực hiện với Trưởng CQTT tại Hòa Bình Bùi Thanh Hải và lãnh đạo Ban biên tập Ảnh, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2021, ngoài việc đảm bảo thông tin thời sự tại địa bàn, tôi dành thời gian đi thực tế, đến những vùng có nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn cao, chịu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc.

2. Đầu tháng 7/2021 là chu kỳ lũ về hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, do lượng mưa ít, lũ hầu như không về trên các nhánh sông làm mực nước sông Đà trên địa phận tỉnh Hòa Bình xuống thấp. Cùng với đó là thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao lên tới 39-420C kéo dài trong nhiều ngày đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu oxy trong nước làm gần 30 tấn cá của các hộ nuôi cá l ồng tại các xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa của huyện Đà Bắc bị chết trắng sau một đêm.

Nhận được thông tin trên, tôi đã lập tức lên đường để có được những hình ảnh chân thực nhất về việc sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng, kinh tế hộ gia đình đang bấp bênh theo mực nước lên xuống của sông Đà. Tôi không khỏi ngậm ngùi khi chụp được hình ảnh người dân vớt lên những con cá chết nặng hàng chục cân, hay hình ảnh người dân mắt đỏ hoe ôm những con cá chết trên tay mà đau xót khi tài sản mất trắng sau một đêm và những nỗi lo trước mắt với những khoản vay nợ đầu tư phát triển kinh tế không thành… Nhận thấy việc phản ánh đề tài khô hạn tại hồ Hòa Bình không thể dừng lại chỉ một chuyến đi, những ngày tháng tiếp theo, tôi bám sát các nguồn tin từ cơ sở để xây dựng thành một đề tài xuyên suốt.

Tây Bắc đi qua mùa mưa đã không có thêm một cơn mưa nào và lũ cũng không về trên những nhánh sông chảy trên địa phận tỉnh Hòa Bình. Cao điểm vào tháng 11/2021, hàng loạt các nhánh sông Đà chảy về các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong… cạn trơ đáy, khô và nứt nẻ. Những lồng nuôi cá đã bị đẩy ra xa bờ; một số lồng cá không kịp di rời, những con thuyền đành nằm lại, rải rác trên lòng sông...

Trên nhánh sông chảy về xã Hiền Lương, lác đác những gốc cây nơi đáy sông nằm trơ trọi. Nếu như trước đây, những cây cổ thụ sừng sững nơi đáy sông không ai có thể nhìn thấy bởi sông Đà đủ nước, thì giờ đây, có thể đến tận gốc cây để ngồi chơi và bọn trẻ có thể leo trèo gỡ đi những tấm lưới bắt cá vướng lại trên ngọn cây khô.
 
Tác phẩm “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang” của tác giả Lưu Trọng Đạt được trao giải A thể loại Ảnh báo chí - Giải báo chí TTXVN 2021

3. Trong thời gian triển khai đề tài, khi tôi đang lần theo ven bờ sông tìm cách đi xuống khu vực lòng hồ khô cạn thuộc địa phận xã Hiền Lương, Đà Bắc thì đất bị lở, cả người và máy ảnh theo đất đá tụt xuống lòng sông khô cạn làm quần áo, máy móc lấm lem bùn đất. Sau khi bình tĩnh trở lại, tôi tiếp tục theo chân đôi vợ chồng nuôi cá lồng đến địa điểm mà anh chị kể 4-5 năm về trước nước ngập quanh năm với độ sâu khoảng hơn 10m. Thời điểm đó, tàu du lịch có thể đưa khách vào sát chân của những homestay ven sông, du khách tham quan lồng bè cá đông đúc; những buổi tối cả khu lòng hồ sáng trưng ánh đèn từ những lồng bè nuôi cá trên sông. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, tàu chỉ có thể neo đậu từ ngoài xa và cũng chỉ còn lác đác vài hộ nuôi cá lồng bám trụ…

Tôi đứng tại nơi mà chỉ vài năm trước còn là lòng sông mênh mông nước, giờ trở thành bãi trống đầy cát và đá sỏi. Tôi chụp những đàn bò chậm rãi đi dưới lòng sông hay những người dân chọn cách băng tắt qua lòng sông, dẫm lên đáy sông khô cạn để về nhà mà không khỏi cảm thấy lạ lùng. Tôi chụp những người đang đứng bần thần buồn bã bên những lồng bè mắc cạn, hay những đám cỏ chết khô trên bề mặt sông khô kiệt và nứt toác. Tôi như đang chụp chính một thực thể hiện hữu của thiên nhiên đang thoi thóp, với làn da khô khốc, cạn kiệt sức sống mà trong lòng dậy lên những xót xa và đầy bất an. Tôi cảm nhận một cách rõ nét những bất ổn nghiêm trọng về môi trường sống, cảnh quan đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu cùng sự tàn phá của con người.

Tôi thực hiện phóng sự ảnh Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang với mong muốn gửi một thông điệp đến cộng đồng về dòng Đà Giang nói riêng và tự nhiên nói chung đang bị cạn kiệt sức sống bởi biến đổi khí hậu và sự tác động quá mức của con người. Con người chinh phục được sự hùng vĩ, hung hãn của sông Đà bằng việc chặn dòng, thực hiện dự án thuỷ điện để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, sự tác động quá mức vào tự nhiên đang mang lại những hệ lụy khó lường, gây tổn hại môi trường sống, sức khỏe và sinh kế của con người. Thiên nhiên là yếu tố tồn vong của nhân loại và chúng ta cần phải dừng lại hoặc hạn chế sự tác động chủ quan của chúng ta vào môi trường. Giữ gìn và bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta./.

Lưu Trọng Đạt - Phóng viên CQTT tại Hòa Bình
Nội san Thông tấn số 4/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Chúng tôi được học, được làm và chơi với nghề (04/05/2022 09:56:03)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Tìm lời giải cho vấn đề “cố hữu” (28/04/2022 16:37:13)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Giải báo chí trong đỉnh dịch (28/04/2022 16:30:25)

Lễ trao Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam năm 2021 (28/04/2022 16:27:49)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Góp sức cho cuộc bầu cử thành công (28/04/2022 16:22:39)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Phản ánh thực tiễn bằng góc nhìn lý luận (28/04/2022 16:20:45)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Lan tỏa những điều tốt đẹp (28/04/2022 16:18:09)

Giải báo chí TTXVN năm 2021: Danh sách Giải báo chi TTXVN năm 2021 (28/04/2022 16:16:33)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng quý II/2022: Tập trung cao điểm cho tuyến thông tin SEA Games 31 (26/04/2022 14:54:07)

Cựu chiến binh Cơ quan khu vực phía Nam phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ (20/04/2022 17:40:21)