Thứ tư, ngày 01/05/2024

Tin tức trong ngành

Hòa nhập với bà con dân tộc


(01/04/2024 16:44:09)

Trú chân trên địa bàn rộng, hiểm trở, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều đặc thù về kinh tế, xã hội, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại Kon Tum đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, để trở thành những “người con” của bản làng. Dưới đây là chia sẻ của phóng viên trẻ Dư Toán, Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Kon Tum.

Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Kon Tum thực hiện phóng sự truyền hình “Người Xê Đăng tự làm thủy lợi” tại huyện Tu Mơ Rông, tháng 5/2023

Người con của bản làng

Kon Tum là tỉnh nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên, nơi sinh sống của cộng đồng 43 dân tộc anh em; trong đó có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là: Bahnar, J’rai, Xê Đăng, Giẻ Triêng, B’râu, Rơ Măm và Hrê. Dân số của tỉnh có khoảng 600.000 người, phân bổ rộng rãi trên 10 huyện, thành phố của tỉnh; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53%. Với điều kiện tự nhiên khó khăn, hiểm trở, nhiều đồi núi, dốc cao, việc tác nghiệp của phóng viên CQTT tại Kon Tum cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, khó khăn về điều kiện tác nghiệp không phải vấn đề lớn nhất, bởi chúng tôi còn một trở ngại lớn hơn rất nhiều, mà khắc phục được cũng là “chìa khóa” để có được những sản phẩm báo chí chất lượng gửi tới độc giả. Đó chính là trở ngại về văn hóa, trình độ nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

“Khoảng cách” giữa phóng viên với bà con đồng bào dân tộc thiểu số là điều hiển nhiên và anh em phóng viên CQTT tại Kon Tum đã xác định từ trước. Có những thời điểm, dù đã trao đổi trước với lãnh đạo địa phương, hẹn bà con ở nhà để phóng viên đến gặp, nhưng sáng hôm sau, bà con vẫn đi lên nương, lên rẫy để canh tác nông nghiệp với lý do “bận việc”. Không ít lần, chúng tôi di chuyển hàng chục, thậm chí cả trăm cây số bằng xe máy nhưng rồi lại phải quay về vì bà con không chịu gặp.

Một trong những giải pháp để có thể gặp bà con dễ dàng, thuận lợi nhất được các phóng viên CQTT tại Kon Tum đưa ra là thông qua ngành văn hóa, xác định chính xác thời điểm bà con tổ chức các lễ hội như: lễ bỏ mả, lễ mừng nhà Rông mới, lễ mừng lúa mới… Khi trực tiếp tham gia các lễ hội này, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được với bà con đồng bào dân tộc thiểu số để lấy thông tin, viết bài. Tuy nhiên, để bà con chia sẻ một cách cởi mở, thì phóng viên phải tự xem mình như một người của dân làng, cùng tham gia vào lễ hội như những cá thể sống trong cộng đồng.

Để hòa nhập với bà con, chúng tôi không chỉ tìm hiểu, làm quen với các yếu tố văn hóa, tâm linh, mà còn phải làm quen với ẩm thực, đặc biệt là rượu cần của đồng bào. Nếu đến một lễ hội, không uống ít nhất một “căn” rượu cần, thì chắc chắn hôm đó phóng viên sẽ ra về tay không, vì chẳng thể khai thác được điều gì cả. Rượu cần không giống với rượu gạo truyền thống của người Kinh, khi uống vào có vị ngọt, thơm nên rất dễ uống. Thế nhưng, khi đã “ngấm”, rượu cần sẽ khiến những người “ngoại đạo” khó kiểm soát được cơn say; thậm chí ngủ gục ngay tại sân lễ hội. Chính vì vậy, để tác nghiệp được trong các lễ hội, vừa hòa nhập với bà con, vừa “giữ mình” không bị “quá chén” là một kỹ năng mà chúng tôi phải thường xuyên rèn luyện.

Học tiếng của bà con

Để phần nào thu hẹp được “khoảng cách” giữa phóng viên với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, CQTT tại Kon Tum xác định, học tiếng của bà con sẽ giúp phóng viên gần gũi hơn. Như kế hoạch đã đề ra, cả ba phóng viên CQTT tại Kon Tum đã đăng ký lớp học tiếng Bahnar. Không thể tham gia lớp học ban ngày vì bận công việc, chúng tôi chọn phương án ngày đi làm, tối đi học. May mắn, lớp học tiếng Bahnar chỉ cách CQTT 300m, nên đúng 19 giờ hằng ngày chúng tôi lại “quá bộ” sang trường để học. 

Thực tế, học một ngôn ngữ trong vòng ba tháng thật không đơn giản. Chúng tôi được hướng dẫn học những thứ dễ nhất, để có thể trò chuyện với bà con bằng những câu nói đơn giản như: chào hỏi, giới thiệu tên tuổi, gia đình, công việc… Để luyện tập, trong sinh hoạt hằng ngày, khi trò chuyện với nhau, anh em trong CQTT thường nói bằng tiếng Bahnar cho mau thuộc. Nhờ những nỗ lực của mình, chúng tôi đã hoàn thành lớp học với chứng chỉ loại khá và có thể tự tin bắt chuyện với bà con dân tộc thiểu số bằng ngôn ngữ bản địa.
 
Dưới mái nhà Rông, những nét văn hóa đặc trưng của người Hà Lăng, làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được tái hiện với điệu múa Chiêu

Bà con dân tộc thiểu số ở Kon Tum tuy kinh tế khó khăn, nhận thức ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, nhưng tính tình hiền lành, chân thật, chất phác. Đặc biệt, nếu biết ngôn ngữ của bà con, chỉ cần bắt chuyện, thì bà con sẽ dễ dàng chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, về cả kinh tế lẫn văn hóa dân tộc. Điển hình nhất là khi gặp mặt, chỉ cần nói “Akâu ĩnh Toán” (tôi tên là Toán), thì từ những mô hình phát triển kinh tế hay, mang lại hiệu quả cao, đến những nét độc đáo trong văn hóa đều được bà con trò chuyện một cách thân tình, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về đời sống, sinh hoạt, kinh tế của bà con, có thêm nhiều chất liệu để tạo nên những tác phẩm báo chí hay, ấn tượng.

Cứ như thế, chúng tôi đã trải qua nhiều năm làm việc, học tập và sinh sống ở vùng đất Bắc Tây Nguyên này, hòa mình cùng với cộng đồng các dân tộc thiểu số để vừa trải nghiệm, vừa phục vụ cho công việc. Dần dà, đi đến đâu, bà con cũng thấy “quen quen”, cũng vui mừng chào hỏi như thể chúng tôi là những người sinh ra ở thôn, làng vậy. Anh em đồng nghiệp cũng hay gọi tôi bằng cái tên A Toán đậm chất Tây Nguyên. Như thể nói rằng, chúng tôi đến đây không chỉ để làm việc, mà chúng tôi - những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú - đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây./.

Dư Toán - CQTT Kon Tum
Nội san Thông tấn số 3/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hai công việc, một trách nhiệm (01/04/2024 16:42:39)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư và công trình “Thắp sáng địa chỉ đỏ” tại Tuyên Quang (01/04/2024 14:38:16)

Giải thưởng Cống hiến 2024: Vinh danh những gương mặt truyền cảm hứng, đóng góp nổi trội (27/03/2024 23:49:12)

Tổng giám đốc TTXVN tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Moskva (Liên bang Nga) (26/03/2024 16:47:34)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Triển lãm ảnh trực tuyến “Đoàn viên, thanh niên Việt Nam vững tin theo Đảng” (22/03/2024 15:56:17)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Sinh hoạt chuyên đề về chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ (22/03/2024 15:02:48)

Hội nghị đại biểu viên chức và người lao động TTXVN năm 2023: Giữ vững vai trò chủ lực trong môi trường thông tin sôi động, đa chiều (20/03/2024 19:17:20)

Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhận Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (18/03/2024 20:00:32)

Hội Báo toàn quốc 2024: TTXVN được trao 2 giải A  (17/03/2024 16:41:34)

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thông tấn xã Giải phóng (16/03/2024 23:17:57)