Thứ năm, ngày 28/03/2024

Văn nghệ

Hóa ra Tây cũng lắm thứ "kiêng" đầu năm mới


(13/02/2015 16:58:02)

Chuyến công tác dài ngày của chồng tôi tại châu Âu cho phép cả gia đình được đón một cái Tết ấm áp ở quốc đảo sương mù. Thật thú vị khi phát hiện ra, tại nước Anh xa xôi lại có những tục lệ đón năm mới tương đồng với phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt.

Rượu Whisky, bánh mì và than đá là những món quà truyền thống của người Anh trong dịp năm mới.

 

Tóc vàng, tóc đỏ - đừng có đi xông đất

Khi gia đình tôi được thưởng thức một bữa tiệc đầm ấm tiễn năm cũ và đón năm mới cùng gia đình Ian và Charlie tại Watchfield (Swindon, Oxfordshire), câu chuyện về phong tục, tập quán đón năm mới của người Anh mà Ian kể khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Hóa ra, phong tục đón năm mới của xứ sương mù lại có những điểm tương đồng với Việt Nam. Cũng như người Việt, người Anh tin rằng, người đầu tiên đến xông đất, xông nhà trong ngày đầu của năm mới sẽ ảnh hưởng đến vận hạn của những người trong gia đình suốt cả một năm. Ian kể: "Nếu gia đình nào bị một phụ nữ xông nhà thì họ tin rằng cả năm đó họ sẽ gặp những điều không may mắn. Nếu người phụ nữ đó lại có mái tóc vàng hoặc đỏ thì gia chủ sẽ càng xui xẻo hơn". Người Anh chỉ muốn đón một người đàn ông khỏe mạnh, tươi vui và có mái tóc đen đến xông nhà. Nếu không có tóc đen thì ít ra người đó phải có mái tóc sậm màu. Họ cho rằng, màu đỏ và vàng là màu của quỷ sứ và việc những người có màu tóc này xông nhà sẽ mang lại điều rủi cho cả gia đình.

Khi đến xông đất, người khách sẽ mang theo bánh mì, than đá, rượu whisky và tiền- những vật biểu trưng cho sự thịnh vượng và ấm áp- tặng cho gia chủ. "Sự hiện diện của những món quà như bánh mì, rượu whisky, tiền, ngầm chúc cho gia chủ có một năm no đủ, đầy tài lộc. Than đá giúp cho ngôi nhà luôn ấm áp, xua tan cái giá lạnh của mùa đông- thời điểm đón năm mới đôi khi nhiệt độ xuống âm độ C", Ian giải thích. Nhiều cửa hàng, vào dịp chuẩn bị đón năm mới, thường bày bán những chai rượu whisky nhỏ xíu (giống như chai rượu vodka Lúa mới người Việt Nam dùng để đi lễ); những túi than được đóng gói xinh xắn, bao bì đẹp để bán cho khách làm quà tặng dịp đầu năm.

 

Quét dọn ngày mùng một- sẽ mất lộc 

Khi nghe chúng tôi kể về tục lệ kiêng quét dọn của người Việt trong ngày đầu năm mới, Ross, một người hàng xóm của Ian, ngạc nhiên cho biết, người Anh cũng có tục lệ này.

Theo đó, vào ngày 30, 31/12 (cũng có thể sớm hơn) là nhà nhà quét dọn, sắp xếp và trang trí lại nhà cửa. Dù Giáng sinh đã qua nhưng cây thông Noel sẽ vẫn được đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà; thậm chí là nó sẽ được trang hoàng cho lộng lẫy hơn bằng những quả cầu, ngôi sao đủ màu sắc và đèn nhấp nháy. Những vật dụng cũ chưa kịp dọn đi trong kỳ nghỉ đón Noel, rác trong vườn cũng sẽ được các gia đình thu lượm, bỏ vào từng thùng theo quy định. Công ty thu dọn rác dành hẳn một ngày thu dọn các loại rác mà người dân thải ra trước ngày đón năm mới (ngày thường họ chỉ thu nhận các loại rác thực phẩm, rác tái chế và không tái chế; dịp cuối năm, họ mới thu rác vườn). Nhờ vậy, trước khi năm mới tới, các ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp từ trong nhà ra đến ngoài vườn. "Nhà cửa gọn gàng, sạch đẹp thì những điều may mắn sẽ đến. Chúng tôi không quét dọn trong ngày đầu tiên của năm bởi nếu làm như vậy thì những điều may mắn cũng sẽ theo đó đi khỏi ngôi nhà", Ross chia sẻ.

Nếu như người Việt có quan niệm "ăn tết"- các ngăn tủ lạnh của các gia đình đầy ắp thực phẩm vào những ngày đầu năm mới thì người Anh cũng "no ba ngày Tết"- trong các căn bếp của họ cũng ê hề thịt, rượu và các loại bánh. "Việc dư dả thịt rượu trong ngày đầu tiên của năm mới sẽ giúp cho gia đình tôi có một năm no đủ, thịnh vượng", Charlie hồ hởi khoe như vậy.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015