Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhà báo Võ Văn Quy:

Hy sinh vẫn không rời máy ảnh


(26/09/2006 10:25:51)

Nhà báo - Liệt sỹ Võ Văn Quy sinh ngày 1/2/1942 tại xã Viết Thuận, huyện An Hòa (nay là huyện Bình Đại), tỉnh Bến Tre. Ngay từ nhỏ, anh đã được cha là đồng chí Võ Văn Lân, bí danh Mười Thiện và mẹ là Bùi Thị Đào cũng là cán bộ hoạt động tại địa phương hướng dẫn hoạt động cách mạng.

Năm 1954, anh Quy theo cha tập kết ra Bắc và theo học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh xung phong về miền Nam. Anh Võ Thành Long anh trai Quy, kể cho chúng tôi nghe: 'Tôi gặp lại anh trai mình tại đoàn 81 Cục Hậu Cần miền đông Nam Bộ năm 1970. Lúc đó anh Quy là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng chuyên bám theo các sư đoàn chủ lực. Anh khuyên tôi nên tham gia vào đội hình chiến đấu của sư đoàn chủ lực vì đó là các quả dấm thép giúp ta giành nhiều thắng lợi trên chiến trường. nhưng cha tôi khuyên tôi nên làm công tác quân giới vì lúc này vũ khí cho chiến trường cũng là một khâu quan trọng trong lúc thế ta đang thắng'.
     Qua lời kể của anh Long, chúng tôi được biết, những lần gặp gỡ, anh Quy thường kể cho em trai nghe về những gian khổ, khó khăn của một phóng viên chiến trường. Trong nhiều chuyến công tác kéo dài hàng tháng, anh em phóng viên đã tranh thủ mọi lúc để chụp ảnh phản ánh về đời sống, sinh hoạt của vùng giải phóng. Cuộc sống thời chiến với cái chết luôn cận kề nhưng tình đồng chí, đồng đội của anh em cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng là nguồn động viên to lớn để mỗi người hoàn thành nhiệm vụ. Càng gian khó, anh em càng vững tin về ngày toàn thắng của dân tộc.

Bộ đội Giải phóng đang hành quân tại một địa điểm thuộc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia, năm 1969. (Ảnh: Võ Văn Quy).

     Xuân Mậu thân 1986, anh Quy cùng anh Thanh Hải (hiện nay là Phó Trưởng phòng ảnh B2) trực tiếp đi theo Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 để phản ánh mũi tấn công chủ lực của quân Giải phóng ở phía Tây Bắc Sài Gòn.
     Khi tìm hiểu về Liệt sỹ Phóng viên ảnh Võ Văn Quy, chúng tôi biết được thêm rằng, những tác phẩm của ông đã được giới nhiếp ảnh chiến trường trên thế giới đánh giá rất cao. trên tạp chí  'Images for Indochina' của tổ chức The Indochina Media Memorial Foundation (Quĩ tưởng niệm báo chí Đông Dương) có giới thiệu bức ảnh chụp một tốp  bộ đội giải phóng đang hành quân tại một địa điểm thuộc Tây Ninh, sát biên giới Cămpuchia năm 1969 cho thấy tính chân thực của đời sống chiến đấu những người lính Việt Nam (ảnh). Một bản sao của tấm ảnh này với kích thước 280x215mm có giá bán từ 150-200 bảng Anh.

     Nhìn lên bàn thờ, giọng anh Long trầm xuống khi kể về anh trai mình hy sinh: Là một người sống rất tình cảm, tuy ở xa nhưng anh Quy vẫn luôn day dứt nhớ quê hương. Khi được Thông tấn xã Giải phóng phân công về công tác tại Bến Tre, anh đã trực tiếp đi theo mũi truy kích của quân dân huyện Mỏ Cày để ghi lại những hình ảnh chiến đấu hào hùng của lực lượng cách mạng xứ dừa.
     Ngày 12/8/1972, anh Quy cùng đơn vị bộ đội địa phương chiến đấu truy kích địch. Trong lúc ghi lại cảnh chiến đấu của quân dân xã Tiên Thủy, huyện Mỏ Cày, anh đã bị một tên địch bắn lén. Anh ngã xuống mà tay vẫn nắm chặt máy ảnh. Đồng bào, đồng chí địa phương đã chôn cất anh trong niềm thương tiếc vô hạn một nhà báo dũng cảm.
     Sau ngày đất nước thống nhất, cả gia đình liệt sỹ Võ Văn Quy đều chuyển về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1977, gia đình đã đưa hài cốt anh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố. Nhớ về anh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn tự hào về một nhà báo cách mạng dũng cảm, hy sinh vẫn không rời tay máy./.

Ngọc Giang
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

15 năm một chặng đường phát triển (26/09/2006 10:23:16)

Kỷ niệm 5 năm thành lập NXB Thông tấn (2001-2006) 5 năm mới bấy nhiều ngày... (26/09/2006 10:19:05)

Kỷ niệm 15 năm ra báo Tin tức (17/6/1991 - 17/6/2006) 15 năm vì một thương hiệu tin tức (26/09/2006 10:15:02)

Về với Hòn Đất U Minh (26/09/2006 10:03:51)

Hồi ức Điện Biên (27/03/2006 15:40:01)

Hướng tới mốc son lịch sử: nửa thế kỷ báo ảnh Việt Nam (27/03/2006 15:40:01)

30 năm Thăm lại chiến trường (B2)  (27/03/2006 15:40:01)

Tìm thầy nơi bạn  (27/03/2006 15:40:01)

Công tác kỹ thuật chúng tôi luôn sẵn sàng!  (27/03/2006 15:40:01)

Phòng Thông Tin Điện tử: Ba tháng biết lẫy, ba năm biết...chạy dẫn đầu (27/03/2006 15:40:01)