Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020): Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”


(01/06/2020 16:14:39)

Rất nhiều người đã xúc động khi ngắm nhìn bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lâm Hồng Long (1925-1997). Tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Tuy nhiên, câu chuyện phóng viên ảnh Lâm Hồng Long ghi lại khoảnh khắc quý giá đó như thế nào thì không phải ai cũng biết. Nội san Thông tấn xin giới thiệu những tư liệu do nhà báo Đinh Chương (1932-2016) cung cấp cho tòa soạn về người đồng nghiệp đã cùng ông vinh dự được tháp tùng Bác Hồ khi là phóng viên TTXVN.

Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” do nhà báo Lâm Hồng Long chụp

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng khai mạc ngày 5/9 và bế mạc ngày 10/9/1960, tại Hà Nội. Tối hôm bế mạc, tại công viên Bách Thảo, nhân dân Thủ đô tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội.
 
Anh Lâm Hồng Long được cơ quan phân công bám sát Đại hội suốt mấy ngày liền, đã ghi lại nhiều hình ảnh lịch sử. Được tin Bác Hồ đến dự liên hoan văn nghệ với đồng bào Thủ đô yêu quý, tôi đến nơi đã thấy anh Long ở đấy từ lúc nào. Chốc chốc, các phóng viên ảnh lại kiểm tra máy móc, đồ nghề làm việc trong tư thế sẵn sàng. Không khí tưng bừng bao nhiêu, lòng chúng tôi càng hồi hộp bấy nhiêu...
 
Bác đã đến! Chúng tôi vội chạy về hướng Bác. Bác Hồ! Bác Hồ! Những tiếng hô lớn, tiếng vỗ tay rầm rập nổi lên không dứt. Người người chen chân, quấn quýt quanh Bác. Dưới những vòm cây cổ thụ xanh tươi, lung linh ánh sáng, Bác tươi cười đi một vòng chào hỏi mọi người. Bác vẫn mặc bộ quần áo vải giản dị với đôi dép cao su quen thuộc.
 
Đến bên dàn nhạc, Bác dừng lại và bước lên bục chỉ huy. Đồng chí nhạc trưởng trân trọng mời Bác chỉ huy dàn nhạc. Bác cầm đũa chỉ huy bắt nhịp bài Kết đoàn.
 
Anh Lâm Hồng Long kể lại, vừa loay hoay tìm góc chụp thích hợp nhất vừa nghĩ người chỉ huy dàn nhạc thường đứng trước mặt các nhạc công và quay lưng về phía thính giả. Bác cũng đang đứng như vậy. Phần đông anh em nhiếp ảnh cũng đứng ở phía nhạc công để chụp ảnh Bác. Lâm Hồng Long phân vân, chụp như vậy thì thấy được nét mặt của Bác, nhưng lại thấy cả bức phông tối sẫm của cây lá, không làm rõ được không gian, đặc điểm của một buổi biểu diễn âm nhạc.
 
Sau một hồi quan sát, anh phán đoán thế nào cũng có lúc Bác quay lại phía công chúng bởi Bác luôn quan tâm, gần gũi và hòa nhịp với niềm vui của quần chúng. Cho nên, anh chọn đứng phía sau lưng Bác, chờ đợi khoảnh khắc Người quay lại phía thính giả. Đúng như dự đoán, khoảnh khắc đó đã đến. Anh bấm máy vỏn vẹn được đúng một kiểu phim 6x6, tốc độ 1/50 giây, cửa điều sáng F.8, cự ly 5 mét dùng ánh sáng đèn flash.
 
Chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì anh Lâm Hồng Long là người duy nhất ghi lại được hình ảnh Bác đang chỉ huy dàn nhạc mà thấy rõ khuôn mặt Bác với dàn nhạc đang hòa tấu. Lo vì chỉ chụp được một kiểu phim, lỡ ảnh không đạt...
 
Đêm ấy, sau khi đưa phim đến cơ quan, về nhà Lâm Hồng Long cứ trằn trọc, thao thức mãi.
 
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại làm việc, nhìn rõ tấm ảnh chụp người nhạc trưởng vĩ đại đạt yêu cầu như mong mỏi. Mọi người vui mừng khôn xiết.
 
Trên ảnh người xem nhìn rõ gương mặt của Bác, đọc được tình cảm của Người và thấy được dàn nhạc đang bừng bừng, sôi nổi biểu diễn dưới sự chỉ huy của Bác.
 
Đây là bức ảnh có nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, người nghệ sỹ vĩ đại của Nhân dân ta, đang chỉ huy nhân dân, dân tộc ta diễn tấu bản nhạc hùng tráng của thời đại.
 
Dưới sự điều khiển tài tình của Người, nhân dân triệu người như một, từ Bắc chí Nam, kết thành một khối không gì lay chuyển được, mãi mãi tiến lên trong khúc nhạc kết đoàn, chiến đấu và chiến thắng.
 
Bức ảnh thời sự nhưng giàu giá trị nghệ thuật ấy cũng đã thể hiện những đức tính cao cả của Bác, trở thành chuẩn mực cho mỗi cán bộ, đảng viên: thân mật, gần gũi, chan hòa với mọi người. Bác đã đi xa nhưng Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Bàn tay dịu hiền của Bác vẫn bắt nhịp cho cả dân tộc ta cùng “kết đoàn” tiến lên xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác dặn.
 
Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ở đó, chân dung vị lãnh tụ hiện lên thật giản dị, gần gũi với thần thái ung dung, tự tại. Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm ấy mà mãi mãi là người nhạc trưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà báo Lâm Hồng Long thuốc lá thơm

Đinh Chương
Nội san Thông tấn số 5/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tiến tới Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Trong dòng chảy sáng tạo (01/06/2020 16:09:47)

Thông tin về dịch COVID-19: Những ngày không bình yên ở tâm dịch NEW YORK (01/06/2020 16:08:20)

Thông tin về dịch COVID-19: Trong “vùng đỏ” ở Moskva (01/06/2020 16:07:09)

Ra mắt cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh (01/06/2020 16:03:30)

Phát động giải thưởng “Dế Mèn” mùa đầu tiên (29/05/2020 09:24:56)

Trao tặng vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 tại Ninh Bình (20/05/2020 09:27:42)

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ, phóng viên báo VietnamPlus thăm làng Sen quê Bác (19/05/2020 16:16:43)

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự vẽ chân dung Bác Hồ trên trang báo in (19/05/2020 10:59:24)

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyên dương thanh niên tiên tiến tại nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập (18/05/2020 17:53:12)

Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi: Nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với quá khứ và thích ứng tốt với tương lai (15/05/2020 12:39:20)