Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!


(02/08/2022 16:13:51)

Nhắc đến chiến dịch giải phóng Quảng Trị, không thể không nhắc đến nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972), một người lính, một nhà giáo và là một nhà báo “tay ngang” dũng cảm, nhiệt huyết để thực hiện sứ mệnh ghi lại lịch sử bằng ảnh. Ông hy sinh khi đi cùng một mũi tiến công, đúng vào buổi sáng Quảng Trị giải phóng. Gia tài ông để lại là những bức ảnh rực lửa anh hùng, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của cả người trong ảnh lẫn người cầm máy ảnh. Nội san Thông tấn xin trân trọng trích đăng bài viết của Đại tá Trần Dũng (1926-2013), nguyên Trưởng phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về người đồng nghiệp thân thiết - nhà báo Lương Nghĩa Dũng.

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) tại chiến trường Quảng Trị

Có lệnh là đi, “Quân lệnh như sơn”, Lương Nghĩa Dũng mỗi lần nhận lệnh ra chiến trường đều nhẩm câu hát: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!”...

Có ai đó nhắc đến Lương Nghĩa Dũng, dù vui hay buồn, tôi đều nhớ đến hình dáng cao gầy, hơi gù, nước da mai mái vì sốt rét rừng. Chưa bao giờ anh từ chối chuyến đi nào, dù dài ngày hay ngắn ngày, chiến trường xa hay gần, một chiến dịch hay một trận đánh. Có lần ở đơn vị về, chưa kịp đặt ba lô xuống, thấy anh em chuẩn bị đi, Lương Nghĩa Dũng lại gạ: “Tiện thể sẵn ba lô, máy, phim đây, cho tớ đi ké luôn”. Thế là anh lại lên đường với chiếc xe đạp đầy sẹo, không phanh, không chuông và không chắn bùn. Các chiến trường ngày ấy từ miền núi xuống miền biển, khu 3, khu 4, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rồi chiến trường miền Nam, cứ chỗ nào ác liệt là thấy có Lương Nghĩa Dũng.

Mỗi lần nhận nhiệm vụ anh lại tất tả cầm tờ lệnh xuống hậu cần lĩnh ba lô, hai bộ quần áo dã chiến, mảnh áo mưa, đôi dép rọ, lương khô, bi đông, bát sắt... rồi vội vã sang quân y lĩnh thuốc sốt rét, đường ruột, B1, B12 và quan trọng nhất, không thể thiếu của người lính chiến đấu là một túi thuốc cấp cứu gồm: bông, băng, gạc, thuốc đỏ, thuốc sát trùng... Cùng với đó là lỉnh kỉnh những trang bị đồ nghề máy ảnh, phim, pin, thuốc tráng phim... Anh em phóng viên ảnh quân đội biết ơn các anh lãnh đạo Thông tấn xã đã dành những máy tốt nhất: Rolleiflex, Pentax, Canon cho các phóng viên quân sự. Anh cũng không quên mang theo chiếc Praktica cũ và đôi dép lốp đế đã mòn để phòng chiến trường xa, dài ngày, nếu máy tốt bị hỏng, có máy ảnh dự
phòng thay thế.
Nhà báo liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934-1972)

Là phóng viên Thông tấn quân sự (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) được biệt phái sang làm phóng viên chiến trường của TTXVN.

Sinh năm 1934 tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Hy sinh ngày 1/5/1972 tại xã Trường Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016.


Anh ra trận như “chú ngựa thồ” của dân công ra tiền tuyến. Chiếc ba lô nặng trĩu buộc phía sau, thắt lưng da to, một bên đeo súng ngắn, một bên bi đông nước, túi cứu thương, bao gạo, hai máy ảnh và đặc biệt chiếc “tê-lê” 500 to kềnh như khẩu súng chống tăng B40 của người lính đeo trên lưng. Anh em không bao giờ quên, ba lô của Nghĩa Dũng lúc nào cũng lòi ra chiếc điếu cày dã chiến dài hơn gang tay. Mỗi lần nghỉ dọc đường, Nghĩa Dũng chân co chân duỗi, châm thuốc rít một hơi thật đã, mặt lừ đừ, phà một hơi khói dài, chiêu ngụm nước.

Anh để lại nhiều hình ảnh đẹp của những trận địa phòng không, những quả đạn tên lửa vút lên không trung, những người lính xung kích, đoàn xe tăng ra trận, trận địa pháo của đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy, Cồn Cỏ, các chiến trường ác liệt ở Quảng Trị, Đường 9 - Nam Lào, cũng như cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng...

Cho đến giờ, tôi vẫn không sao quên được lần cuối tiễn Nghĩa Dũng ra trận vào đêm 26 Tết Nhâm Tý (1972). Năm ấy, Nghĩa Dũng, Vũ Tạo được cơ quan cho nghỉ phép về ăn Tết cùng gia đình, chuẩn bị ra Giêng đi chiến dịch Xuân - Hè ở Quảng Trị. Nhưng tối 26 Tết, có lệnh khẩn điều động cả hai anh đi gấp vào chiến trường. Tám giờ tối, tôi xuất phát từ Hà Nội về Phú Xuyên (Hà Tây cũ) đón Nghĩa Dũng. Về đến nhà Nghĩa Dũng ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung đã gần 10 giờ đêm, 4 đứa con anh lít nhít như trứng gà trứng vịt ngủ say trên chiếc phản gỗ, chị Nhiễu - vợ anh đi họp hợp tác xã chưa về. Nghĩa Dũng nhờ người đi gọi vợ, đồng thời chuẩn bị ba lô, đi ngay trong đêm vì còn phải qua Nam Định đón Vũ Tạo, rồi quay về Hà Nội lấy thêm trang thiết bị. Chị Nhiễu về, hai vợ chồng trao đổi với nhau mấy câu rồi chúng tôi lên đường ngay. Xe đậu trên đường quốc lộ 1, đi bộ từ nhà lên cũng mất hơn nửa tiếng. Làm vợ anh, với chị Nhiễu, chuyện đi gấp như thế này không phải lần đầu. Khác mọi lần, đêm ấy, chị đưa anh lên đến đường cái. Xe chạy, tôi đùa Dũng: “Có dặn dò gì vợ chưa?”. Dũng cười: “Có gì đâu, em chỉ nói, nếu tớ không về nhớ nuôi các con học hành đến nơi đến chốn”.

Gần sáng xuống đến Nam Định đón Vũ Tạo, tôi khoán “15 phút chuẩn bị, rồi lên đường ngay”. Vũ Tạo thu dọn quân trang chừng 10 phút đã xong, còn “thừa” mấy phút, tranh thủ nựng cậu con trai thứ hai mới 4 tháng tuổi đang ngủ ngon. Bị bố nựng mạnh, cậu con khóc ré lên rồi “bĩnh” cho bố một bãi đầy áo. Không kịp thay, Vũ Tạo lấy khăn gạt mấy vệt vàng vàng rồi nhảy lên xe. Chúng tôi lăn ra cười, Vũ Tạo bảo “để vậy cho thơm”. Ngày 30 Tết, tôi nhận được điện báo Nghĩa Dũng, Vũ Tạo đã vào đến chiến trường, nhập đơn vị chiến đấu và sẵn sàng vào trận.
 
Tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu” - Giải thưởng Nhà nước năm 2007 của nhà báo Lương Nghĩa Dũng

Họ là đôi bạn chiến đấu sống chết có nhau, nhưng chắc cũng chưa hẹn nhau điều gì. Vậy mà sau này, con trai Lương Nghĩa Dũng và con gái Vũ Tạo lại bén duyên vợ chồng. Mỗi khi ôm đứa cháu ngoại vào lòng, Vũ Tạo lại bồi hồi nhớ người bạn chiến đấu, nhớ chuyến đi vội vã không kịp ăn Tết của hai người.

Chiến dịch kéo dài, các anh cứ đi theo dòng chảy cuộc chiến. Những bức ảnh tới tấp gửi về, nóng hổi những trang báo. Có thể nói, ít có chiến dịch nào mà thông tin ảnh cập nhật nhanh đến vậy. Đầu tháng 5/1972, cùng với tin Quảng Trị giải phóng là tin Lương Nghĩa Dũng hy sinh. Lúc đầu, mọi người trong cơ quan chưa tin, thậm chí còn nói vui: “Mấy ông này... tin chết nhiều lần rồi!”. Nhưng lần này lại đúng là sự thật. Lương Nghĩa Dũng đã hy sinh khi đi cùng một mũi tiến công thiết giáp vào Nam Hải Lăng, đúng vào buổi sáng Quảng Trị giải phóng.

(Theo cuốn “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn”. Tiêu đề do NSTT đặt)

Trần Dũng
Nội san Thông tấn số 7/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Điện báo viên kiên trung (02/08/2022 16:06:30)

Đảng ủy Thông tấn xã việt Nam: Triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm (02/08/2022 16:02:42)

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và cuộc phỏng vấn dành riêng cho TTXVN (02/08/2022 15:59:32)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2022 15:37:01)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chiến khu Tây Ninh (26/07/2022 16:49:22)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Truy điệu và an táng hài cốt nhà báo liệt sĩ TTXVN Đỗ Văn Đạt (25/07/2022 17:14:49)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Đoàn thanh niên B1 thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ (22/07/2022 09:12:09)

Tuổi trẻ B2 hướng về biển đảo quê hương (22/07/2022 09:10:42)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Thăm gia đình liệt sĩ TTXVN (21/07/2022 16:06:59)

Quản trị hiệu quả thông tin thông tấn trên không gian mạng  (21/07/2022 15:50:10)