Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Bộ đội Cụ Hồ và những tấm lòng với dân


(05/01/2022 14:29:28)

Đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, những chuyến bay đưa kiều bào hồi hương về đến Việt Nam. Chính phủ, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ quốc phòng lập các khu cách ly tập trung cho kiều bào và học sinh hồi hương, đồng thời lập các tổ, chốt để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch COVID-19 lây lan qua biên giới. Những ngày đầu có dịch, nhiều người dân còn nghi ngờ, nhiều thông tin trái chiều xuất hiện gây hoang mang dư luận buộc báo chí, kênh Truyền hình Thông tấn phải vào cuộc, làm rõ và định hướng thông tin. Tôi đã có mặt tại các khu cách ly, chốt trực trên biên giới ngay khi dịch bắt đầu xuất hiện.

Phóng viên Truyền hình Thông tấn cùng các chiến sỹ biên phòng tại điểm chốt xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, tháng 12/2021

Nuôi dân, nuôi quân
 
Nhận được mệnh lệnh từ Hội đồng biên tập và lãnh đạo Trung tâm Truyền hình Thông tấn: tìm mọi cách có hình ảnh khu cách ly, ghi lại những câu chuyện sinh động để làm sáng tỏ những tin đồn đang lan tràn trên mạng xã hội, đồng thời phản ánh thực trạng anh em chiến sỹ trực chốt từ trong tết chưa được về nhà, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, để động viên gia đình các chiến sỹ, để nhân dân hiểu và thông cảm cho quê hương, tôi hào hứng lên đường làm nhiệm vụ. Nhưng cũng ngay lúc đó, nhiều luồng suy nghĩ nảy sinh trong đầu. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm, rất nguy hiểm, cả thế giới đang chao đảo vì chưa có thuốc chữa, thậm chí chưa có cả vaccine phòng ngừa.
 
Là phóng viên thời sự, tôi đã nhiều lần vượt bão, đứng trên con thuyền tròng trành, chứng kiến nước lũ dâng cao tận mái nhà, bộ đội phải dỡ ngói để đưa người dân bị mắc kẹt ra ngoài. Lúc về, trời tối đen như mực, sóng lớn dềnh nước tràn vào thuyền, cũng sợ đắm chứ, nhưng tự trấn an mình biết bơi, rồi cũng qua.
 
Có lần chui vào rừng vách đá tai mèo dựng đứng để phản ánh việc phá rừng ở Vườn quốc gia Ba Bể. Em quay phim nhắc nhở: trượt chân một phát là toi đấy anh ạ. Cậu ấy vừa nói xong thì trượt chân, mình cũng trượt vì đường trơn quá. Những cái rãnh gai ở đế giầy không đủ dài để ngoàm sâu xuống đất, mắc vào rễ cây hay đá. May mắn là lần ấy, hai anh em chỉ bị bầm tím và rách da, quần và giầy cũng rách, nhưng lại quên ngay để lao vào việc…
 
Lần này thì khác, chúng tôi đến những nơi có nhiều người đi từ vùng có dịch về và đang phải cách ly. Tôi chưa bao giờ sợ bị nhiễm bệnh nhưng trộm nghĩ, nếu không cẩn thận sẽ là vật trung chuyển mầm bệnh lây cho người khác. Nghĩ vậy, nhưng khi có mặt tại Trung đoàn 834 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, mọi thứ bỗng dưng tan biến. Ngoài cổng, các chiến sỹ công an huyện Tam Đảo đứng hai chốt trực nghiêm trang trong đồ bảo hộ kín mít. Thấy xe của đoàn đến, anh em nhanh nhẹn ra mở cổng, phun khử khuẩn và ghi khai báo y tế. Bên trong, chỉ huy đơn vị đang tất bật trao đổi công việc, phân công nhiệm vụ. Những cán bộ chiến sỹ vừa được điều động tới, mới chỉ kịp dựng ba lô dưới gốc cây đã nhanh chóng tập hợp đội hình, nhận nhiệm vụ tại khu cách ly.
 
Thấy đoàn phóng viên với máy quay phim, máy ảnh, nhiều du học sinh vừa trở về tối hôm trước đã nhanh nhẹn tạo dáng trước ống kính. Họ hồ hởi khoe, nếu không có chính sách đưa người về nước chắc nhiều người trong số họ đã không còn sống bởi hệ thống y tế nhiều nước đã vỡ trận. Nhiều người đã hết sạch thức ăn, phải nhịn đói trước khi được lên máy bay trở về quê hương. Họ hạnh phúc, biết ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội đã có chính sách kịp thời giúp họ những lúc có thể coi là bi đát nhất trong cuộc đời.
 
Mỗi ngày ba bữa ăn đủ dinh dưỡng, bằng với tiêu chuẩn của bộ đội: 57 nghìn đồng/3 bữa. Đến bữa, các chiến sỹ mang cơm lên tận phòng, đặt trên bàn và mời mỗi người tự ra lấy thức ăn. Ông Nguyễn Đức Quang, quê ở Thanh Hóa, thổ lộ: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình may mắn thế. Tôi sang Mỹ với con được 5 năm, cứ tưởng cuộc sống sẽ ổn định khi về già, thế nhưng dịch bùng phát. Cũng may được về quê hương. Nhìn các chú bộ đội phải nhường chỗ cho dân ở, dựng lều cắm trại ngoài vườn để ngủ trong lạnh giá mà thương các chú ấy quá”.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Chí, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc, phụ trách khu cách ly tập trung Trung đoàn 834, chia sẻ: “Kiều bào và du học sinh hồi hương nhiều quá nên chúng tôi phải dồn dịch chỗ ở để nhường cho dân. Chúng tôi ở lều, ở trại quen rồi còn kiều bào, các cháu học sinh phải được ở chỗ tốt vì họ vừa trải qua chặng đường dài”.
 
Phóng viên Vân Giang phỏng vấn người dân xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên,  tháng 12/2021

Để hậu phương bình yên
 
Rời Trung đoàn 834, chúng tôi đi thẳng lên biên giới, hướng về đồn biên phòng Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - điểm nóng về người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Men theo con đường dốc ngược dựng đứng giáp biên, chiếc xe Toyota Fortuner hai cầu bảy chỗ buộc phải dừng chân ở lưng chừng dốc. Thượng úy Đoàn Dũng, người được điều động từ Học viện Biên phòng lên chốt trước đó 3 tháng, nhắc chúng tôi: “Ai có nhu cầu điện thoại thì tranh thủ gọi vì lên đến chốt là không có sóng đâu. Từ đây lên đấy khoảng 2km nữa, chúng ta đi bộ nhé!”
 
Lên đến nơi chúng tôi mới biết, đây là điểm chốt khó khăn nhất của toàn tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai, với bốn không: Không đường, không điện, không nước và không sóng điện thoại. Nơi các anh dựng lều rộng khoảng 10m2, trên góc đồi trồng sắn. Cứ hai tiếng, tổ công tác lại đi tuần tra trên chặng đường rừng dài 5km. Màn đêm buông xuống, gió rít liên hồi rung chuyển cả chiếc lều. Hơi lạnh len vào cắt da cắt thịt. Trung tá Nguyễn Phúc Long, Đồn trưởng đồn biên phòng Mường Khương, đùa rằng: “Trời lạnh thế này, anh em đi bộ nhiều là đỡ lạnh”. Mỗi đêm, các chiến sỹ phải đi tuần khoảng 4-5 lần bởi nhiều lao động Trung Quốc vượt qua biên giới vào nội địa, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ có thể trở thành mầm lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, dù khó khăn nhưng anh em vẫn động viên nhau: “Ở tuyến đầu cố giữ để hậu phương được bình yên”.
 
Với hơn 200km đường biên, ngoài cửa khẩu chính, cứ có đường mòn, lối mở là Bộ đội Biên phòng Lào Cai lại lập chốt để kiểm soát người và phương tiện nhập cảnh trái phép qua biên giới. Với những công dân Việt Nam lao động tại Trung Quốc, tìm đường trở về nhà và không có giấy tờ tùy thân, Bộ đội Biên phòng lập danh sách, đưa họ vào khu cách ly tập trung.
 
Tròn một tuần ở các khu cách ly và biên giới Việt - Trung, chúng tôi trở về Hà Nội, mang theo những hình ảnh, những câu chuyện cảm động của những người từ “cõi chết” trở về kể lại. Những phóng sự: Bộ đội, công an nhường chỗ ở cho dân; Anh nuôi nuôi quân, nuôi dân; Kiểm soát chặt biên giới để phòng, chống COVID-19; Quân đội đảm bảo nhu cầu cho nhân dân tại khu cách ly”… lần lượt được phát sóng. Cũng từ đấy, những thông tin và hình ảnh trái chiều, sai sự thật trên các trang mạng xã hội dần ít đi, bởi dân hiểu, dân tin những chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội và xúc động trước sự chăm sóc ân cần, chu đáo của các anh Bộ đội Cụ Hồ./.

Vân Giang - Phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn
Nội san Thông tấn số 12/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021): 75 năm vang vọng lời hiệu triệu (05/01/2022 14:28:29)

Ký ức Hà Nội 1972 (05/01/2022 14:24:34)

5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”: Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động (05/01/2022 14:23:51)

Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (31/12/2021 17:04:53)

TTXVN và Đại sứ quán Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác truyền thông (28/12/2021 18:46:26)

Tăng cường phối hợp công tác với Ban Kinh tế Trung ương (28/12/2021 15:07:36)

Công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước và thế giới do TTXVN bình chọn (27/12/2021 11:12:55)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa (22/12/2021 21:30:27)

Phim tài liệu của báo Việt Nam News giành giải Nhất tại LHP phim ngắn của Mỹ (22/12/2021 17:40:03)

Đảng ủy TTXVN ra Nghị quyết về nhiệm vụ thông tin chiến lược trong tình hình mới (21/12/2021 14:17:28)