Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Học online thời giãn cách


(02/12/2021 17:20:58)

Trước yêu cầu cấp bách phải hoàn thiện chức danh nghề nghiệp và vị trí tuyển dụng trong năm 2021 cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, được sự đồng ý của Ban lãnh đạo ngành, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) đã phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức các khóa bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng III và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hơn 640 học viên trong tháng 9 và 10/2021. Điều đáng nói, việc dạy và học đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn đặc thù của thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, để kịp “cán đích” đúng tiến độ và đạt chất lượng.

Lệnh đặc biệt

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam diễn ra từ đầu tháng 5/2021 buộc Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Công văn yêu cầu tổ chức các khóa bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng III và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng “hỏa tốc” đến với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn trong những ngày nóng bỏng này. Nhận nhiệm vụ khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Trung tâm đã nhanh chóng đưa ra các phương án, đồng loạt “bấm nút” toàn bộ quy trình để xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ khi tổ chức các khóa học theo hình thức trực tuyến mà cánh phóng viên, biên tập viên quen gọi là “online”.
 

Một tiết học trực tuyến của lớp phóng viên hạng III, tháng 10/2021

Ngày 6/9, lớp học đầu tiên dành cho các phóng viên, biên tập viên khu vực phía Nam được khai giảng. Chia sẻ với những khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài ở phía Nam, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông đã thực hiện chính sách giảm học phí 50% cho 100 học viên các cơ quan báo chí ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi, 50 phóng viên, biên tập viên đầu tiên của TTXVN đã được hưởng chính sách này. Con số đăng ký tăng dần lên ngoài dự kiến. Cuối cùng, Trung tâm đã đàm phán với Trường giảm học phí cho toàn bộ 91 học viên của TTXVN khu vực phía Nam, trong đó có 46 phóng viên của các Cơ quan thường trú (CQTT).

Ngày 10/9, lớp học thứ hai khai giảng và là lớp học buổi tối đầu tiên tổ chức theo đơn đặt hàng của Trung tâm Truyền hình Thông tấn, với chương trình bồi dưỡng đi sâu về nghiệp vụ truyền hình, vừa đảm bảo khung chương trình theo quy định, vừa nâng cao nghiệp vụ cho 74 phóng viên, biên tập viên truyền hình ở cả ba miền.

Tại trụ sở của VNews, các vòng kiểm soát được thiết lập cùng phương án làm việc “ba tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn thông tin và sức khỏe cho phóng viên, biên tập viên. Nhờ khung thời gian học tập đặc biệt này, các phóng viên, biên tập viên truyền hình có điều kiện hoàn thành tốt công việc, không bỏ sót, lọt thông tin trong bối cảnh dịch bệnh, mà vẫn hoàn thành chương trình học tập. 

Buổi học thường kéo dài hai tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 19 giờ 30 phút. Nhưng cũng có những buổi, giảng viên và học viên say sưa thảo luận, các tình huống tác nghiệp liên tiếp được đưa ra trong sự hào hứng của học viên, khiến cả thầy lẫn trò quên mất cả thời gian. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây viết phóng sự sắc bén và đầy “lửa nghề”, đã chia sẻ những trải nghiệm hấp dẫn khi anh thực hiện các phóng sự về vụ chặt phá rừng pơmu lớn nhất Việt Nam trên dãy Hoàng Liên Sơn, nóc nhà Đông Dương... Lớp học hôm ấy chật kín, quân số đủ 100%, không một ai “thoát” ra giữa giờ. Cứ thế, muộn dần, một giọng nữ vang lên: “Thầy ơi, mười rưỡi rồi ạ!”.

Ngày 16/9, lớp học thứ ba - lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản cho 219 biên tập viên tiếp tục khai giảng. Nhiều ứng dụng công nghệ được khai thác triệt để trong “thời online”. Thay vì phải gửi đăng ký tham gia lớp học bằng văn bản, giờ đây, đường link đăng ký sẽ được gửi tới học viên qua Google Drive và hệ thống tự động cập nhật.

Trong bản đăng ký của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có hai lựa chọn để học viên tham gia: lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản. Số lượng học viên đăng ký là 219 người nhưng số lượng tài khoản chỉ có 193, phát sinh nhiệm vụ “truy tìm” 26 học viên thất lạc. Danh sách của Học viện chỉ có họ tên, năm sinh, tài khoản và mật khẩu khiến việc đối soát trở nên vô cùng bối rối khi bắt gặp nhiều tên giống hệt nhau. Và cuối cùng, 26 biên tập viên đăng ký nhầm lớp đã được đưa về đúng địa chỉ.

Liên tiếp trong các ngày 20/9, 27/9 và 12/10, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn đã khai giảng ba lớp nghiệp vụ báo chí và lớp bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng III.

Và đến ngày 12/10, lớp học thứ bảy, cũng là lớp học cuối cùng được khai giảng trong đợt cao điểm này. Những tưởng mọi việc đã đi vào guồng, không còn gì quá khó khăn thì bất ngờ xuất hiện yếu tố mới. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông quyết định ứng dụng phần mềm hệ thống đào tạo trực tuyến vào giảng dạy, học tập và thi, thay cho ứng dụng Zoom như các lớp trước đó. Các học viên bắt đầu làm quen với một phương thức mới: học online, thi online.
Bảy khóa học online cho hơn 640 phóng viên, biên tập viên với hơn 900 lượt học là những con số không nhỏ với lượng công việc rất lớn được Trung tâm nhanh chóng “vào cuộc”, đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác đào tạo của ngành. Có những ngày, cán bộ đào tạo như con thoi, tay máy tính, tay điện thoại liên tục cập nhật thông tin, trao đổi đến “nóng máy” sao cho việc tổ chức, sắp xếp lớp học được diễn ra thông suốt, nhịp nhàng, phù hợp với từng học viên.
 
Thích ứng linh hoạt
 
Lớp tập huấn công tác thông tin bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp tổ chức trên hệ thống đào tạo trực tuyến kết nối Tổng xã với các điểm cầu, tháng 4/2021

Hai năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các ứng dụng trực tuyến như Zoom, Cisco Webex, Microsoft Teams… được khai thác tối đa để phục vụ các lớp học trực tuyến. Thời điểm cuối năm 2020 và đầu 2021, TTXVN phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho 368 cán bộ cấp phòng, quy hoạch cấp phòng thuộc các đơn vị của TTXVN ở cả ba miền. Hình thức học trực tuyến kết hợp với thi trực tiếp, chủ yếu sử dụng ứng dụng Zoom, Cisco Webex vốn dễ thao tác và ứng cứu tại chỗ khi có sự cố.

Tuy nhiên, trong đợt cao điểm này, việc giãn cách xã hội được thực hiện triệt để, “ai ở nhà đấy”. Gần 20 phòng học ảo đã được các học viên tạo ra. Với không ít học viên, việc cài đặt rồi đăng nhập tham gia lớp học không hề đơn giản. “Mình vào lớp rồi, sao không thấy thầy cô giáo đâu?”, “Chị vào nhầm lớp rồi, link này cơ!”… là những câu hỏi và câu trả lời thường trực, hằng ngày trong các nhóm chat chung. Có học viên phải xin trường cấp lại mật khẩu đến 5, 6 lần mà vẫn không đăng nhập được. Gỡ khó và để tránh làm phiền trường, các học viên hướng dẫn nhau qua Zalo, Messenger, người biết giúp đỡ người chưa biết. Có học viên vì sợ trục trặc đã không dám thoát phần mềm, để nguyên hôm sau vào học tiếp.

Đợt này, tham gia học tập cùng với các phóng viên, biên tập viên trong nước còn có các phóng viên, biên tập viên thường trú ngoài nước ở khắp các châu lục. Việc bố trí thời gian tham gia lớp học cho các học viên ở nước ngoài được lưu ý và cân nhắc. Lớp học bắt đầu 8 giờ 30 phút thì đầu cầu Berlin (CHLB Đức) phải có mặt lúc 3 giờ sáng. Lớp học 14 giờ thì ở bên kia bán cầu, các học viên ở La Habana (Cuba) cũng phải xoay xở đủ cách để tham gia lớp học vào canh một, canh hai. Khó khăn là thế mà không ai vắng mặt một buổi điểm danh nào!

Các hình thức điểm danh cũng được linh hoạt rút kinh nghiệm qua từng khóa học trực tuyến. Từ việc điểm danh bằng cách tự động ghi nhận khi học viên đăng nhập hệ thống hay đánh số thứ tự - ghi tên học viên, điểm danh vào các thời điểm khác nhau trong buổi học… Nhưng có lẽ, phương pháp điểm danh mà học viên sợ nhất là việc phải trả lời các câu hỏi “đột ngột” của giảng viên. Chính nhờ những cách thức điểm danh đa dạng này mà các lớp học online càng ngày càng hiệu quả và tăng tính tương tác.

Kết thúc khóa học, học viên phải nộp bài thi viết và tiểu luận về trường theo thời gian quy định. Để tạo điều kiện cho học viên không phải đến trường nộp bài, Trung tâm đã phối hợp với đầu mối của các đơn vị thu bài tập trung rồi chuyển về trường. Riêng với các học viên ở TP. Hồ Chí Minh, các cán bộ làm công tác đào tạo của Trung tâm ở Hà Nội và Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng giúp rửa ảnh, in bài tiểu luận. Điều đặc biệt hơn nữa, càng gần tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các “phong thư” từ Australia, Cuba… liên tiếp được gửi về Trung tâm, trong đó là bài thi của các phóng viên TTXVN thường trú ở ngoài nước.

 Phối hợp ăn ý

Ban biên tập tin Thế giới là một những đơn vị có số lượng học viên tham gia đông nhất. Có khóa học, học viên phải thi cả ngày, mỗi buổi thi ba tiếng, nguyên cả phòng Media đi thi. Lãnh đạo Ban đã bố trí nhân sự phòng khác sang hỗ trợ phòng Media trong ngày làm việc đó. Trưởng ban biên tập tin Thế giới Đoàn Thị Tuyết Nhung chia sẻ, mặc dù có gặp một chút khó khăn khi bố trí nhân sự làm việc nhưng việc học online đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều phóng viên, biên tập viên của Ban được tham gia. Thậm chí, có bạn đang nghỉ chế độ thai sản cũng tranh thủ học liền ba lớp trong đợt cao điểm này.

Công tác tổ chức lớp học diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội được thành công và suôn sẻ có một phần không nhỏ từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo ngành, của thủ trưởng các đơn vị và nỗ lực của các học viên. Giữa tâm dịch, trong những ngày nóng bỏng, cùng với nỗ lực bảo đảm thông tin nhanh, chuẩn xác, kịp thời, các phóng viên, biên tập viên vẫn luôn bám lớp, theo đủ và đúng các buổi học của những khóa học online./.
 
Phóng viên báo Tin tức Nguyễn Quỳnh Như

Khóa học được tổ chức theo hình thức trực tuyến giúp các phóng viên, biên tập viên thường trú trong và ngoài nước dễ dàng tham gia. Việc trau dồi kỹ năng, học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới từ các chuyên gia, đồng nghiệp có kinh nghiệm tại các khóa học nghiệp vụ báo chí và bồi dưỡng phóng viên do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn tổ chức là rất hữu ích với phóng viên. Để làm tốt công việc của phóng viên, bên cạnh việc nắm chắc lý thuyết thì kỹ năng và kinh nghiệm xử lý những tình huống tác nghiệp cụ thể trong thực tế cũng hết sức cần thiết. Đây chính là những kiến thức mà các giảng viên giàu kinh nghiệm và tâm huyết đã truyền đạt lại cho học viên qua mỗi buổi học. Qua đó, góp phần nâng cao chuyên môn, kinh nghiệm, giúp phóng viên tự tin và vững vàng hơn trong công việc. 
Phóng viên CQTT tại Hà Nội Nguyễn Thị Cúc

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên xử lý vấn đề theo thói quen mà chưa hiểu rõ về quyền của nhà báo, “vô tình” bỏ qua những lợi ích chính đáng của mình. Có một điều mà các phóng viên đang công tác tại các CQTT phía Bắc luôn thấy cảm kích khi tham gia các khóa học, đó chính là sự chủ động, tạo điều kiện và hỗ trợ nhiệt tình của Ban giám đốc và các chuyên viên, phóng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn. Từ công tác tổ chức bài bản, khoa học đến việc chủ động cung cấp mọi thông tin liên quan đến lớp học, phối hợp đề nghị giảm trừ định mức cho phóng viên thường trú để các phóng viên yên tâm bám sát thông tin trên địa bàn và tham gia đầy đủ các khóa học online.
Phóng viên CQTT tại La Habana (Cuba) Lê Thu Hiền

Chúng tôi là những học viên phía Tây bán cầu, thức “xuyên đêm” bên màn hình máy tính để tham gia đầy đủ các buổi học. Trải nghiệm này, với tôi, còn khó quên hơn bất kỳ ai, khi mà thời điểm làm bài thi kết thúc khóa học và tiểu luận lại đúng vào ngày tôi lên máy bay rời địa bàn thường trú về nước sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Cảm giác tranh thủ đọc tài liệu ôn thi ở sân bay, trên các chặng dừng chân hay làm bài thi trong khu cách ly, chỉ một ngày sau khi đặt chân về nước thật sự khó tả. Với giấy bút đem về từ Cuba, tài liệu được các thầy cô và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn gửi qua email, tôi đã hoàn thành hai bài thi và tiểu luận của mình đúng thời hạn. Giờ đây, khi ngồi viết lại những dòng cảm xúc này, tôi cũng không hiểu bằng cách nào mình có thể làm được những việc vừa qua.

 

Nội san thông tấn số 11/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Nghề báo và sự học của nhà báo (02/12/2021 17:19:25)

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (02/12/2021 17:18:29)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Mười đêm trắng (02/12/2021 17:18:00)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Học viên F0 (02/12/2021 17:15:19)

Cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ lần thứ 6 - năm 2021 Phụ nữ Pháp ngữ, Phụ nữ kiên cường (02/12/2021 17:14:13)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (02/12/2021 17:08:55)

Công tác tổ chức, nhân sự  (02/12/2021 17:08:23)

Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm việc Ban thường vụ Đảng ủy TTXVN (30/11/2021 09:49:58)

Đưa Tủ sách Đinh Hữu Dư đến với học sinh vùng cao Thái Nguyên (29/11/2021 15:20:35)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII: TTXVN giành giải Đặc biệt (28/11/2021 23:01:16)