Thứ tư, ngày 03/07/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Nhà báo Võ Mạnh Thành, Trưởng CQTT Quảng Bình:

Làm báo cần nhất là sự chia sẻ


(20/01/2017 18:05:41)

Nhà báo Võ Mạnh Thành (bìa phải) cùng đạo diễn phim Kong Skull Island Jordan Vogt-Roberts khi bộ phim bom tấn được bấm máy tại Quảng Bình


Xin chào anh Võ Mạnh Thành. Mới đây trên trang facebook cá nhân, anh đã có những tổng kết thú vị về năm 2016. Anh có thể cho bạn đọc Nội san Thông tấn biết rõ hơn về những công việc năm qua được không? 

Nội san Thông tấn cũng quan tâm lướt facebook cá nhân của tôi ấy à? (cười). Trên đó, tôi có viết một số đoạn nho nhỏ, coi như để ghim lại nội dung tổng kết “trăm công, ngàn việc” của cá nhân, cơ quan, gia đình. 

Đúng là công việc của anh em thường trú thì nhiều lắm, tổng kết để thấy mình đã làm được gì và chưa làm được gì, để cố gắng hơn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tương lai. Tuy nhiên, công việc, kế hoạch này nho nhỏ thôi nên thật khó để kể, không khéo kể ra nhiều người cười cho thì ngượng lắm!

Năm 2016, miền Trung liên tục gánh chịu những hậu quả nặng nề do mưa lũ. Anh và các PV CQTT Quảng Bình đã xoay xở thế nào để hoàn thành nhiệm vụ thông tin của ngành? 

Giữa tháng 10 và đầu tháng 11, miền Trung, trong đó có Quảng Bình chịu cảnh lũ chồng lên lũ, khó khăn trăm bề. Đáng nói, lũ năm 2016 rất lạ, chưa có năm nào lượng mưa lũ lại khủng khiếp đến thế. Đồng Hới là thành phố ven biển, trước đó chưa khi nào bị ngập trên diện rộng, thế mà hai trận lũ lụt vừa qua những con đường ở đây đều trở thành sông, nhiều nhà bị ngập trong nước. Không chỉ Đồng Hới, bảy huyện, thị còn lại của Quảng Bình đều trong mênh mông sóng nước. 

Vậy nên, cũng như mọi người ở đây chúng tôi phải xoay xở, có điều chúng tôi không chỉ như người dân, cán bộ ở đây xoay xở để phòng chống lũ cho bản thân, gia đình, cơ quan mà còn phải xoay xở để hoàn thành nhiệm vụ của người PV kịp thời đưa thông tin, phản ánh để đồng bào cả nước cùng biết. 

Còn chuyện xoay xở ra sao thì khó kể lắm, bởi nó nhiều, không giống nhau, mỗi nơi, mỗi lúc đều phải có cách riêng, đôi khi sự xoay xở này được thực hiện nhờ kinh nghiệm bản thân, nhưng có khi đó là nhờ sự giúp đỡ của anh em, bè bạn, đồng nghiệp... 

Anh có thể cho biết cụ thể hơn được không?

Thời điểm lũ lụt, ba anh em CQTT Quảng Bình đều có gia đình. Thọ, Dung đều có con nhỏ dưới hai tuổi. Riêng Dung lại đang “bầu bí”, chồng là cán bộ biên phòng công tác xa nhà. 

Xác định hoàn cảnh Dung như vậy, nên chúng tôi quyết định phân công em ở lại cơ quan, đảm trách việc theo dõi, cập nhật thông tin chung. Còn tôi và Thọ thì đi về cơ sở, đến các vùng rốn lũ để kịp ghi hình, chụp ảnh, nắm rõ hoàn cảnh khó khăn, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân... 

Có nhiều khi chúng tôi bị nước lũ chia cắt mỗi người một nơi nhưng việc chỉ đạo, trao đổi, cập nhật thông tin, kế hoạch công tác vẫn diễn ra liên tục, thông suốt nhờ điện thoại hoặc mạng internet. 

Thời điểm này, chúng tôi liên tục nhận được sự động viên, chia sẻ, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Nhiều khi tôi nghĩ, không chỉ anh em chúng tôi đang tác nghiệp, phản ánh thông tin về lũ lụt thôi đâu mà còn có các đồng chí lãnh đạo nữa. Sự quan tâm đó là nguồn động viên vô cùng lớn, cổ vũ chúng tôi thi đua vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ…

Chính nhờ vậy, chúng tôi đã thực hiện công tác thông tin đạt hiệu quả cao với tính bao quát rộng, không để xảy ra trường hợp bỏ lọt hoặc sót thông tin quan trọng. Trong hai tháng 10 và 11/2016, mỗi PV tại CQTT Quảng Bình đều làm vượt định mức hàng chục lần. 

Từng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều cảnh đời, điều anh tâm đắc nhất là gì? 

Điều tôi tâm đắc nhất, suy nghĩ nhiều có lẽ là hai từ “chia sẻ”. Đi, đến và gặp những cảnh đời khó khăn, bất hạnh mới thấm thía hết hai từ “chia sẻ” trên nghĩa rộng của chữ “đồng bào”. 

Lũ lụt năm 2016, anh em chúng tôi gặp quá nhiều hoàn cảnh và thân phận người vùng lũ. Có người tuổi đã cao, đất thì gần, trời đã xa, vậy mà trước hậu quả thiên tai giáng xuống không cầm được lòng, xót xa khóc, nhìn đứt cả ruột… 

Hôm về xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới sau trận lũ lịch sử, tôi gặp chị Đặng Thị Ánh, một chủ trang trại có tiếng ở tỉnh Quảng Bình. Trận lũ lụt đã làm trang trại của chị tan hoang, hơn 1.200 con lợn và 700 con gà thịt bị nhấn chìm, thiệt hại ước tính lên đến cả chục tỷ đồng. 

Vốn là người kiên cường, có ý chí và hoài bão, nhưng trước mất mát, chị chỉ còn biết để nước mắt chảy dài, với bao sự khắc khoải, ấm ức, khó tả bằng lời. Cứ nhìn vào đó là tôi lại nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ họ hàng thân thích ở quê Lệ Thủy, cũng là một vùng chiêm trũng đang bị lũ lụt tàn phá. Những giọt nước mắt của người vùng lũ bỗng dưng trắng tay, bỗng dưng miếng cơm đang trên miệng, chiếc áo mặc trên người bị ông trời giật mất... 

Trên đường về lại thành phố Đồng Hới hôm ấy, chẳng ai nói được một lời. Tôi biết, tại thời điểm đó, ai cũng ao ước, cầu mong chỉ một điều là làm sao chia sẻ những mất mát mà người dân vùng lũ đang gánh chịu.

Là PV TTXVN thường trú tại địa bàn, không chỉ thạo viết tin, chụp ảnh, làm truyền hình, anh còn rất linh hoạt khi sử dụng facebook để truyền tải thông tin. Theo anh “chơi” với mạng xã hội, PV cần phải có những kỹ năng gì? 

Thú thực, nói cần kỹ năng gì thì tôi không dám. Facebook là trang cá nhân nên nhiều người nghĩ thích gì thì cứ viết, có lúc bâng quơ, trong một số chuyện vô thưởng, vô phạt tôi cũng làm vậy. Tuy nhiên, đối với một số vấn đề thì tôi rất thận trọng, cân nhắc. Tôi thường sử dụng facebook để dẫn đường link nguồn tin của TTXVN, vừa góp phần tuyên truyền, vừa để khẳng định vai trò, vị thế của ngành. Trong một số vấn đề, nhất là việc định hướng, nói lại cho rõ thông tin, cùng với việc viết tin, bài trên báo, tôi còn viết đoạn ngắn trên facebook để mọi người quan tâm cùng biết coi như đó là một kênh tuyên truyền. 

Trong đợt lũ lụt năm 2016 vừa qua, cùng với tin, bài trên báo chí của anh chị em CQTT tại Quảng Bình và trên facebook mà chúng tôi đã kêu gọi, kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện đến chia sẻ, cứu trợ cho bà con nhân dân vùng lũ…

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh năm mới tiếp tục có những thành công mới trong hành trình kết nối và chia sẻ của mình!
 


 

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trưởng thành từ phóng viên thường trú (20/01/2017 17:59:42)

Cơ quan khu vực phía Nam: Những khúc ca vui  (20/01/2017 17:25:17)

Ban thư ký biên tập: Nỗ lực, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ (20/01/2017 17:22:08)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vững bước phát triển (20/01/2017 17:17:44)

Truyền hình thông tấn: Đồng tâm, tăng sức nâng tầm Vnews (20/01/2017 17:15:12)

Báo Thể thao&Văn hóa: Tái cơ cấu để đẩy mạnh nội dung số  (20/01/2017 17:09:11)

Báo Tin Tức: Một Tin tức hành động (20/01/2017 17:05:40)

Ban biên tập tin Thế giới: Song hành hiệu quả thông tin và kinh tế (20/01/2017 16:59:16)

Ban biên tập tin Trong nước: Chỉ đạo nhạy bén, tạo nguồn thông tin đa dạng (20/01/2017 16:56:07)

Món quà ý nghĩa mừng năm mới  (05/12/2016 10:46:09)