Thứ năm, ngày 02/05/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Nhà báo Đỗ Quyên, Trưởng CQTT tại Jakarta (Indonesia):

Trưởng thành từ phóng viên thường trú


(20/01/2017 17:59:42)

Nhà báo Đỗ Quyên tác nghiệp trước trụ sở Ban Thư ký ASEAN

Vốn là “dân trong nước”, được lãnh đạo ngành cử đi thường trú ngoài nước, khi nhận nhiệm vụ, tâm trạng chị thế nào?

Cầm trên tay quyết định đi thường trú tại Indonesia, lần đầu tiên đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, lại nhận trọng trách là trưởng CQTT, nỗi lo lớn nhất của tôi là: Liệu mình có “làm được việc” không? Liệu có thể hoàn thành định mức, có đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về thông tin đa phương tiện của cơ quan hay không? Tác nghiệp trong nước, chinh chiến bao năm ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nội chính, ngoại giao, cũng quen rồi, giờ môi trường hoàn toàn khác, liệu có êm xuôi?!...

Ngày tôi rời Hà Nội đi nhận nhiệm vụ cũng là thời điểm cuối năm, khi mọi người, mọi nhà chuẩn bị đón Giáng sinh, năm mới và đón Tết cổ truyền dân tộc, trong lòng thật ngổn ngang.

Địa bàn mới, lĩnh vực hoạt động mới, giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, cách nào để chị nhanh chóng hòa nhập với môi trường báo chí bản địa?

Vừa tiếp cận địa bàn, tôi đã được “chào đón” bằng một sự kiện lớn, đòi hỏi chiến dịch thông tin dài ngày với cường độ cao: Chiếc máy bay AirAsia chở theo 162 hành khách và phi hành đoàn bị rơi tại biển Java, thuộc quần đảo Surabaya của Indonesia. Thế là vào việc! 

Gần một tháng theo đuổi sự kiện, săn lùng thông tin, kết nối phỏng vấn, dẫn hiện trường đều đặn mỗi ngày cho chương trình thời sự Vnews… Kết quả tôi đã làm quen và thân thiết được một mạng lưới phóng viên địa phương. Đó chính là thử thách đầu tiên nhưng cũng là cơ hội lớn cho người mới nhập cuộc như tôi. Sau đó, tại địa bàn đã liên tục có tới hơn 10 vụ tai nạn máy bay các loại của Indonesia cùng nhiều thiên tai như lũ lụt, động đất, chìm phà, cháy rừng… 

Đầu năm 2016, tại Indonesia xảy ra vụ khủng bố liên hoàn rung chuyển thủ đô Jakarta. Chị và các đồng nghiệp đã làm thế nào để kịp thời có những tin bài gửi về Tổng xã?

Tôi nhớ hôm đó là ngày 14/1/2016 (vâng lại là tháng một!) mấy chị em đi chợ mua đồ để chuẩn bị liên hoan chia tay phóng viên Trần Hiệp, đón phóng viên Trần Chiến sang tiếp quản. Vừa về đến cổng thì nhận được tin báo về vụ khủng bố liên hoàn ở trung tâm Jakarta, trên chính con đường vừa đi qua. Chúng tôi vội khoác máy lên người, bằng mọi cách nhanh nhất đến nơi vừa xảy ra sự việc. 

Mọi con đường dẫn đến trung tâm thành phố và hiện trường vụ khủng bố bị phong tỏa, thôi gặp gì đi nấy, cả xe ôm và đi bộ nhằm tiếp cận được hiện trường một cách sớm nhất. Ngồi sau xe ôm, tôi tranh thủ chuyển tin vắn đầu tiên về nhà, cùng với những bức ảnh hiện trường được một bạn phóng viên địa phương gửi cho. Điện thoại báo tin nhắn liên tục, hầu hết là tin hỏi thăm của bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Nhưng không còn thời gian trả lời, tất cả chúng tôi đều tập trung vào những diễn biến ở hiện trường để chuyển chúng thành tin, bài, ảnh, phóng sự gửi về Tổng xã.

Phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn

Thường trú tại nước ngoài, có nhiều dịp đi đến các địa phương, chuyến đi nào để lại ấn tượng với chị?

Cuộc đời phóng viên của tôi ở đây có những chuyến đi khá yên bình, nhưng không ít chuyến đi bão táp. Chuyến ra đảo Natuna là một câu chuyện nhiều màu sắc khó quên. Natuna là một trong những đảo xa nhất của Indonesia, lần đó diễn ra lễ trao trả ngư dân Việt Nam lần đầu tiên trên biển với số lượng lớn, 228 người. 

Từ đảo Natuna, chúng tôi phải thức trắng, đi từ đêm hôm trước vượt hơn 100 km đường rừng, núi để ra cảng và từ cảng theo tàu Indonesia ra xa 400km ngoài khơi vùng biển Natuna ngay trong đêm để kịp chuyển ngư dân sang tàu Kiểm ngư của Việt Nam lúc 4 giờ 30 phút sáng. 

Ghi hình trên biển, sóng to, gió lớn cộng với mưa to, người đứng không vững, chỉ lo máy bị va đập. Chúng tôi phải linh hoạt sử dụng các thiết bị, phóng viên say sóng, vừa quay, vừa phải bám chặt thành tàu để khỏi bị rơi máy. Cảnh ngư dân từ tàu của Indonesia chuyển sang tàu nhỏ phải nhờ hai người giữ phóng viên mới quay được, có cả ngư dân bị rơi xuống biển do sóng quá to. Vừa quay, vừa dẫn mấy đúp hình, đến sáng thì chẳng ai nói với ai được nữa, mỗi người tự “bò” về phòng.

Không chỉ có điểm nóng, sự kiện nóng, đất nước Indonesia hẳn cũng đem lại cho chị nhiều trải nghiệm thú vị với không ít những kỷ niệm vui?

Tất nhiên cũng có thật nhiều kỷ niệm vui, dường như tôi có chút may mắn ở đất nước đạo Hồi này. Nhắc đến Hồi giáo, mọi người thường e ngại, nhưng tôi lại thấy họ là những con người dễ mến, dễ gần, đặc biệt là rất trung thực và tốt bụng. Tháng lễ Ramadan, hai phóng viên vác máy vào Nhà thờ Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á để làm phóng sự, không hẹn trước, không quen biết, nhưng với vốn tiếng địa phương và quan trọng là sự may mắn, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của một thành viên Ban quản trị Thánh đường Istiqlah để hoàn thành phóng sự. 

Đi làm ở một nhà thờ khác gần khu Mengteng, tôi còn được tặng khăn trùm đầu để vào bên trong nhà thờ. Hay khi đi làm những phóng sự đời sống, được tìm hiểu cuộc sống của người Hồi giáo, chúng tôi cảm nhận được nhiều nét đẹp văn hóa trong phong cách sống của các tín đồ đạo Hồi cùng những lẽ sống giản đơn mà sâu sắc.

Chị cảm nhận như thế nào về công việc sau hai năm làm phóng viên thường trú tại nước ngoài?

Bận rộn và khá suôn sẻ. Sự khởi đầu bận rộn, kéo theo những ngày tháng đầy ắp sự kiện cuốn đi, khiến tôi không có nhiều thời gian để buồn, để lo, thậm chí là để rà soát lại danh sách thống kê tin, bài ở nhà gửi sang có đủ không… 

Cuốn lịch năm cũ sắp hết, cũng là thời điểm tròn hai năm nhiệm kỳ công tác tạm cho là khá suôn sẻ và thành công của tôi. Vừa trở về sau chuyến đi công tác hai ngày qua bốn đảo, tôi hiện đang có cả núi bài vở cùng các loại báo cáo tổng kết đang chờ… Không thể nhắc hết những gương mặt đồng hành, những sự kiện đã lên tin. Nhưng mỗi chuyến đi, mỗi người tôi gặp là một phần trong quãng thời gian tôi gắn bó với địa bàn Hồi giáo này. Với tôi, đi thường trú là bước trưởng thành quan trọng trong  cuộc đời phóng viên.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ. Chúc chị một mùa xuân mới hạnh phúc.

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cơ quan khu vực phía Nam: Những khúc ca vui  (20/01/2017 17:25:17)

Ban thư ký biên tập: Nỗ lực, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ (20/01/2017 17:22:08)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vững bước phát triển (20/01/2017 17:17:44)

Truyền hình thông tấn: Đồng tâm, tăng sức nâng tầm Vnews (20/01/2017 17:15:12)

Báo Thể thao&Văn hóa: Tái cơ cấu để đẩy mạnh nội dung số  (20/01/2017 17:09:11)

Báo Tin Tức: Một Tin tức hành động (20/01/2017 17:05:40)

Ban biên tập tin Thế giới: Song hành hiệu quả thông tin và kinh tế (20/01/2017 16:59:16)

Ban biên tập tin Trong nước: Chỉ đạo nhạy bén, tạo nguồn thông tin đa dạng (20/01/2017 16:56:07)

Món quà ý nghĩa mừng năm mới  (05/12/2016 10:46:09)

Phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng (01/12/2016 10:31:45)