Thứ tư, ngày 08/05/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng


(01/12/2016 10:31:45)

Ngày 27/10, tại Trung tâm thông tấn quốc gia, Câu lạc bộ báo chí trẻ thông tấn đã tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm cho phóng viên khi tác nghiệp tại hiện trường”. Nhiều nhà báo, từ những người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đến những phóng viên trẻ mới vào nghề, đã chia sẻ những gian khó, hiểm nguy, những kỹ năng thu thập thông tin khi tác nghiệp tại các điểm nóng, để có được những tác phẩm báo chí chất lượng. Ghi nhận của phóng viên Nội san Thông tấn từ buổi tọa đàm.

Phóng viên Hương Giang, Trưởng CQTT TTXVN tại Bruxells (vương quốc Bỉ), đưa tin về cuộc tập trận quân sự NATO tại Ba Lan

1. Nghề báo từng bị liệt vào danh sách 10 nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng lại càng phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy hơn. 

Phó TGĐ Ngô Hà Thái: Phóng viên TTXVN phải tăng cường đưa tin từ điểm nóng. Chúng ta cần khắc phục căn bệnh “nhà báo công chức” đã tồn tại một thời gian dài, làm giảm chất lượng và hiệu quả thông tin của ngành.
 
PV khi tác nghiệp tại hiện trường cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương. Họ không chỉ hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho phóng viên mà còn cung cấp thông tin, có ý kiến phản hồi về vấn đề mà báo chí đang đặt ra. Điều này phù hợp với nguyên tắc thông tin chính thức và chính thống của TTXVN. Với các tờ báo khác, họ có thể dừng lại ở việc nêu câu hỏi cho các cơ quan quản lý, nhưng với TTXVN, công chúng phải có câu trả lời từ các cấp chính quyền. Cấp này không đáp ứng được thì phải tìm đến cấp cao hơn.

Chia sẻ của các nhà báo có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp tại điểm nóng cho thấy: Mỗi lần tham gia thông tin điểm nóng, nhà báo luôn phải chuẩn bị tâm thế như bước vào một cuộc chiến. Việc người dân bị xúi bẩy, kích động, sẵn sàng lao vào đánh nhà báo, đập vỡ máy ảnh, máy quay là rất bình thường. Trong vòng vây, giữa các bên xung đột, nếu không nhanh nhẹn sẽ rất dễ dính “đòn”. 

Phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng cần hình thành thói quen đánh giá về sự an toàn của bản thân, bởi nếu không an toàn thì cũng không còn tác phẩm báo chí nào hết. Nếu nơi tác nghiệp có mối nguy hiểm nhất định, phóng viên cần có đồng nghiệp hoặc ê kíp đi cùng, có thể thông báo trước với cơ quan chủ quản, với địa phương hoặc đại sứ quán (nếu tác nghiệp ở nước ngoài) và chuẩn bị trước phương án dự phòng. 

Câu chuyện của phóng viên Mạnh Linh, Phòng ảnh Cơ quan khu vực phía Nam từ vụ cháy lớn ở một công ty hóa chất cách đây vài năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Để có được bộ ảnh ưng ý, anh cùng đồng nghiệp đã phải che chắn, bảo hộ rất cẩn thận mới có thể tiến sâu vào hiện trường, khi mà trước đó, một cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã ngất xỉu do bị ngợp hóa chất, dù cách đám cháy gần 500m. 

Giải thích nguyên do vì sao gần đây có nhiều nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp tại hiện trường, một số ý kiến thừa nhận: Bên cạnh nguyên nhân khách quan, không ít nhà báo khi tiếp cận hiện trường còn hung hăng, chưa khiêm tốn, giữ đúng vị trí của mình, thiếu sự tôn trọng từ cả hai phía.
Trưởng CQTT TTXVN tại Cairo (Ai Cập) Nguyễn Hữu Chiến đang tác nghiệp
về làn sóng bạo lực lan rộng ở thủ đô Cairo và các thành phố lớn của Ai Cập
Nhà báo Phạm Bích Hà, Trưởng CQTT TTXVN tại Paris, phỏng vấn người dân
tham gia cuộc tuần hành lịch sử phản đối khủng bố tại Paris, ngày 11/1/2015


2. Nhà báo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Tổng biên tập báo Tin Tức, đúc kết: Khi đi biên giới thì bám chặt bộ đội biên phòng; về địa phương thì bám chặt công an; còn đi vào điểm nóng thì bám các lực lượng chức năng, vì lúc nước sôi lửa bỏng, hễ có “biến” là nhà báo có mặt ngay. 
Các nhà báo phỏng vấn Biên đội trưởng Kiểm ngư 4 Vũ Đức Tạo ngay sau khi
HP 926 bị tàu Trung Quốc vây hãm và phun vòi rồng ngày 12/5 (nhà báo Văn Sơn, Trưởng CQTT TTXVN tại Đà Nẵng, cầm micro)

Nhiều ý kiến cho rằng, có mặt và đưa tin tại các điểm nóng, khu vực xảy ra xung đột, phóng viên một mặt cần giữ liên lạc thường xuyên, thông suốt với cơ quan báo chí, kịp thời báo cáo kế hoạch đưa tin để cơ quan có thể nắm bắt lịch trình, đồng thời cung cấp vật tư, thiết bị và đảm bảo về mặt an ninh cho phóng viên. Mặt khác, phóng viên cần xây dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp báo bạn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có thể giải quyết những khó khăn đột xuất, thậm chí mở hướng cho những trường hợp tưởng chừng như bế tắc.

Các mối quan hệ tốt đôi khi là “cứu cánh”, thậm chí quyết định thành bại của cả một chuyến tác nghiệp. Có nhà báo đi cơ sở, gặp những đối tượng rất khó tiếp cận, nhưng nhờ một cú điện thoại với cấp trên mà mọi việc bỗng chốc được khai thông. Và một điều quan trọng, phóng viên cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Khi có sự cố, nhất định phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm cách giải quyết.

Rất nhiều khó khăn, tình huống và kinh nghiệm tác nghiệp tại hiện trường đã được các nhà báo chia sẻ, trở thành bài học quý cho các nhà báo trẻ trong hành trang bước vào nghề. Qua mỗi dòng tin, bức ảnh, sứ mệnh đặt lên vai người làm báo là trách nhiệm công dân, là bản lĩnh nghề nghiệp, nhanh nhạy, kịp thời nhưng vẫn thận trọng trong từng câu chữ, trong cách thông tin, trong sự chân thật và khách quan.
Nhà báo Nguyễn Quang Vinh (đứng) và Trường CQTT TTXVN tại Điện Biên
Chu Quốc Hùng phỏng vấn người dân tại bản Huổi Khon
 
* Nhà báo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Tổng biên tập báo Tin Tức: Đi vào điểm nóng, ba cùng với dân, chính những lúc sáng tỏ nhất, tôi lại thấy thật khó để viết, thậm chí là không thể nói được gì. Xung quanh ta, những đối tượng gây bạo loạn, không phải là giặc mà là dân mình. Nhà báo lúc này phải đọc thật nhiều, hiểu được bản chất sự việc, để có thể phân tích, tìm câu trả lời chính xác, nhân văn nhất cho tất cả những phản ứng đó. Một nhà báo xông pha điểm nóng cần hội tụ ba yếu tố: Bản lĩnh vững vàng, tinh tường; đọc nhiều tài liệu để hiểu bản chất của vấn đề và bám sát hiện trường.

* Nhà báo Bùi Duy Trinh, nguyên Trưởng CQTT tại Moskva (LB Nga): Các đồng nghiệp quốc tế đã cứu chúng tôi một “bàn thua trông thấy” khi ở Crimea. Do không kịp đăng ký nên chúng tôi bị các thành viên ủy ban bầu cử từ chối không cho vào tác nghiệp tại điểm bỏ phiếu. Tuy nhiên, khi tới trung tâm báo chí ở Simferopol, chúng tôi được một anh bạn đồng nghiệp rỉ tai là ở gần đó, có điểm bỏ phiếu rất đông phóng viên tác nghiệp nên họ không “soi” thẻ đăng ký. Chúng tôi vội tới đó và đúng như lời mách nước, chúng tôi đã tiếp cận được các hòm phiếu để phản ánh, dẫn hiện trường và phỏng vấn người dân địa phương.

* Nhà báo Vũ Công Định, Trung tâm Truyền hình thông tấn: Cái khó của những đợt thông tin tại các điểm nóng, diễn ra trong một thời gian dài chính là việc đa dạng hóa thông tin, tìm chủ đề hấp dẫn để mỗi ngày thông tin một mới, tránh nhàm chán. Thời gian dài cũng đồng nghĩa với việc chủ đề dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, phóng viên cần đo lường mức độ thông tin sao cho phù hợp. Thực tế, trong đợt thông tin vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhiều đồng nghiệp do căm tức đối phương nên đưa tin rất căng thẳng, gây lo lắng, hoang mang, thậm chí có nguy cơ dẫn tới bạo động. Tôi nghĩ, thông tin không chỉ cần chính xác mà phải cân bằng nữa.

* Nhà báo Trịnh Xuân Tư, CQTT Điện Biên: Phải làm đến cùng, theo đuổi đến cùng vụ việc kể cả khi gặp rất nhiều sức ép. Đi tìm sự thật, để nói sự thật trong cơ chế thị trường lắm gai góc này, người làm báo cũng đối mặt với đủ gian nan, bởi đâu đó còn sợ nói ra sự thật, còn những cản phá khi nhà báo tác nghiệp. Loạt bài phản ánh về tình trạng phá rừng ở huyện Tủa Chùa kết thúc sau đúng một tháng chúng tôi lăn lộn, tốn rất nhiều công sức. Điều chúng tôi tâm đắc là sự thật đã chiến thắng, chính sự thật không thể chối cãi đã buộc huyện Tủa Chùa phải “tâm phục khẩu phục” thừa nhận.

 

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Từ những lá phiếu bầu Quả bóng vàng (07/11/2016 11:27:25)