Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Từ điểm nóng Trung Đông…


(01/12/2016 09:55:06)

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Ai Cập cuối năm 2012, một số anh em đồng nghiệp nói đùa với tôi rằng “đi đến đâu ở đó xảy ra chiến tranh”. Tưởng chừng chỉ là câu nói vui, nhưng khi được lãnh đạo cơ quan giao trọng trách đi mở Cơ quan thường trú tại Israel đầu năm 2013, vừa chân ướt chân ráo sang vùng đất thánh này, tôi đã cảm nhận được không khí chiến tranh nóng lên từng ngày.

Nhà báo Bùi Quang Hoàn tác nghiệp tại Modiin


1. Phương Tây cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến chống lực lượng nổi dậy. Washington tuyên bố hành động của Syria vượt qua giới hạn đỏ mà Tổng thống Barack Obama đặt ra, đe dọa an ninh Trung Đông và những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ có hành động quân sự chống Syria và chiến tranh có nguy cơ lan rộng ra khu vực, trong đó có nước láng giềng Israel. 

Quốc gia Do Thái này một mặt tuyên bố không tham gia chiến dịch quân sự của Mỹ, nếu có, trong khi tích cực chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Tình hình tại Israel đột ngột trở nên căng thẳng. Người dân đổ xô tới các điểm chính quyền cấp đổi mặt nạ phòng độc để sẵn sàng trong trường hợp đất nước bị tấn công bằng vũ khí hóa học. Nói cấp đổi là vì chính quyền đã cấp phát mặt nạ phòng độc cho người dân để đối phó với những cuộc chiến tranh trước đây, nhưng do thời gian đã lâu nên chất lượng có thể không đảm bảo nữa. 

Vừa hoàn tất các thủ tục liên quan tới việc mở CQTT, thuê trụ sở, tôi đã tham gia họp bàn với Sứ quán ta tại Tel Aviv về những phương án khẩn cấp nếu có chiến tranh xảy ra... Đây không phải là điều mới lạ đối với tôi sau khi trải qua những thời khắc nóng bỏng nhất tại Ai Cập và chứng kiến quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn, với các cuộc đụng độ đẫm máu liên miên. Tuy nhiên, lần này, chúng tôi gặp phải một tình huống khá trớ trêu. 

Những động thái và tuyên bố của Mỹ báo hiệu hành động quân sự chống Syria chỉ còn tính theo ngày, nhưng khi tôi và anh em Sứ quán liên hệ với công ty quốc phòng Israel sản xuất mặt nạ phòng độc, họ cho biết phải ưu tiên cấp phát cho người dân Israel trước, còn người nước ngoài phải đặt mua và thời hạn sớm nhất để có hàng là sau khoảng hai tháng. Rất may là sau đó, chúng tôi có thể thở phào vì không phải cần đến dụng cụ bất đắc dĩ này do Mỹ và Nga bất ngờ đạt được thỏa thuận vào tháng 9/2013 về tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria.

2. Không lâu sau, tháng 7/2014, Israel phát động cuộc chiến kéo dài gần hai tháng chống Dải Gaza do phong trào Palestine Hamas kiểm soát để trả đũa vụ sát hại ba thiếu niên Do Thái tại Bờ Tây. Trong lễ quốc tang ba thiếu niên này, với sự tham dự của tất cả những lãnh đạo cấp cao nhất của Israel tại nghĩa trang thành phố Modiin, chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên.

Địa điểm tổ chức sự kiện là một khoảnh đất nhỏ trên khu đồi nghĩa trang. Các nhà báo được bố trí tác nghiệp tại một triền đồi gập gềnh, chật hẹp và xen lẫn với người dân, nên việc tìm được một chỗ đứng cũng khó chứ chưa nói tới việc đặt chân máy quay. Sau khi cố gắng lấy hình tư liệu, chúng tôi cũng “điều đình” được với các đồng nghiệp khác để có chỗ dẫn hiện trường. Do máy đặt ở vị trí cao nên để ghi hình được, tôi phải đứng trên một mỏm đá nhỏ đặt vừa đủ một bàn chân. Với tư thế đứng như vậy giữa cái nắng mùa hè gay gắt ở Trung Đông cộng với việc những người xung quanh chen lấn, khiến cho việc bấm máy dù chỉ vài phút cũng vô cùng khó khăn. 

Nhà báo Bùi Quang Hoàn phỏng vấn Đại tá Richard Kemp, nguyên Tư lệnh quân đội Anh tại Afghanistan, trên biên giới Gaza vào cao điểm cuộc chiến ngày 29/7/2014

Đến khi xong việc, chúng tôi mới nhận ra là đang bị kẹt cứng trong một biển người lấp kín những quả đồi quanh khu nghĩa trang. Phải mất gần bốn tiếng đồng hồ loay hoay, chúng tôi mới thoát ra khỏi đám đông. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hãi hùng vì trên đường ra phải chứng kiến cảnh các đội y tế làm việc liên tục để cấp cứu những người bị ngất xỉu do nắng nóng, trong khi chúng tôi đã phải “chiến đấu” suốt từ trưa. Do xe chở phóng viên bị kẹt lại, nên chúng tôi phải vác đồ nghề và máy quay đi bộ khoảng 10 km đường đồi núi trong đêm để tìm xe.  

Sau đó vài hôm, ông Ron Paz, Trưởng phòng phóng viên phụ trách khu vực châu Á thuộc Văn phòng Báo chí Thủ tướng Israel, tiết lộ rằng: Ban tổ chức lễ tang đã hoàn toàn bất ngờ vì chỉ dự tính vài nghìn người tham dự, nhưng thực tế lên đến hơn 20 vạn người. Sự kiện này đã tác động sâu sắc tới xã hội Israel, đẩy tinh thần dân tộc lên cao và tạo áp lực rất lớn lên giới lãnh đạo. Chiến tranh chỉ còn tính theo ngày.   

3. Trong giai đoạn bạo loạn tại Ai Cập, tôi từng phải trải qua nhiều đêm căng thẳng không ngủ vì tiếng súng liên thanh suốt đêm và âm thanh từ những chiếc xe tăng hạng nặng lê xích khô khốc trên đường phía trước CQTT hay những lần lái xe 40 - 50 km ra sân bay vào lúc 4 - 5 giờ sáng trong giờ giới nghiêm để kịp đón, hỗ trợ làm thủ tục và đưa những thông tin cùng hình ảnh về các đoàn lao động của ta chạy loạn từ Libya tới nơi an toàn. Nhưng những trải nghiệm tại Israel lần này hoàn toàn khác biệt. 

Vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh với Dải Gaza, Israel đã tổ chức một hội nghị ngoại giao với các nước để thông tin về quan điểm của nước này về cuộc chiến. Giới chức Israel đã cố ý chọn địa điểm diễn ra sự kiện là thành phố cảng Ashdod, nằm trong tầm bắn và là mục tiêu “ưa thích” của rocket từ Gaza.

Trong thời điểm chiến tranh, việc đi lại khá nguy hiểm, nếu gặp còi báo động, phải lập tức bỏ xe để tìm nơi trú ẩn, nếu không kịp thì phải nằm rạp xuống đường. Chuyến đi diễn ra thuận lợi, nhưng khi đến nơi, chúng tôi mới biết là Tel Aviv vừa bắn hạ hai quả rocket ở gần khu vực Cơ quan thường trú. 

Hội nghị đang diễn ra sôi nổi thì bất chợt tiếng còi báo động vang lên. Gần như cùng lúc, không ai bảo ai, tất cả giới chức ngoại giao các nước đều đồng loạt hối hả chạy tìm phòng chống bom và lao ra cầu thang bộ. Sau vài tiếng nổ lớn, tòa nhà hơi rung nhẹ cùng với tiếng cửa kính lao xao. Nguy hiểm qua đi, cuộc họp tiếp tục nhưng không giữ được sự tập trung như trước nữa. Tôi vội nhắn tin cho trợ lý báo chí Bộ Ngoại giao Israel để xin phỏng vấn nhanh vị quan chức chủ trì hội nghị. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ cho tới khi về nhà gỡ băng, tôi mới giật mình: Hình đẹp nhưng mất tiếng. Sơ suất kỹ thuật này là sự cố rất đáng tiếc, dẫu biết rằng ở vào hoàn cảnh như vậy mọi việc khó có thể chu toàn. 

Trên đường tác nghiệp nơi đất khách, chúng tôi luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, vừa tác nghiệp vừa căng tai nghe tiếng còi báo động, chưa kể những lo lắng cho an toàn của người thân ở hậu phương Tel Aviv. Những chuyến tác nghiệp như vậy đã đem lại nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu, giúp cánh phóng viên thường trú chúng tôi có điều kiện rèn luyện bản lĩnh, rèn luyện nghiệp vụ làm báo, hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao.
 

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)