Thứ năm, ngày 02/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Lao tâm khổ tứ với "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh"


(14/06/2011 10:56:55)

Chùm phóng sự điều tra "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh" được giải A của ngành khiến tôi cảm thấy náo nức và tự hào như đứa trẻ đi học được điểm cao. Với tôi, chuyến công tác để thực hiện loạt bài này có lẽ là chuyến đi để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất trong "ba năm thường trú lưu đồn" ở phân xã Paris.

            Vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, phong trào người nhập cư bất hợp pháp vào Pháp để tìm đường sang Anh đột nhiên rộ lên một cách bất thường, trong đó có không ít người Việt Nam. Các trại tập trung người tị nạn ở vùng Nord-Pas-de-Calais (Tây Bắc nước Pháp) chính là điểm tập kết của các đối tượng trước khi tìm cách trốn sang Quốc đảo. Cho đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh ổn định trong khu vực, chính phủ Pháp đã quyết định mở các chiến dịch lớn nhằm kiên quyết xóa bỏ các tụ điểm này. Không tuần nào báo chí Pháp không có tin tức hoặc phóng sự về những vụ lộn xộn, hay những cuộc vây ráp của cảnh sát Pháp ở vùng Nord-Pas-de-Calais. Hàng tuần, Sứ quán Việt Nam tại Paris cũng phải tiếp đón và thẩm vấn nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp bị cảnh sát Pháp bắt giữ và đưa đến để xác minh nhân thân.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà (người cầm cốc) trong khu lều trại của những người Việt nhập cư bất hợp pháp

            Nhận thấy đây sẽ là một đề tài hay để khai thác, tôi bỏ ra gần một tháng để thu thập thông tin và tìm hiểu về thực trạng của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Nhiều lần tôi thử bắt chuyện với những người Việt bị cảnh sát Pháp áp tải đến Sứ quán Việt Nam tại Paris, nhưng đều không thành. Họ biết tôi là nhà báo, lại đi cùng người của Sứ quán, nên họ muốn giấu những thông tin cá nhân để khỏi bị đưa về nước. Do đó, tôi nghĩ phải tiếp cận với các đối tượng này ngay tại nơi họ ở và với một tư cách khác thì mới hy vọng nghe được những tâm sự của họ và có được những hình ảnh về cuộc sống của họ.

            Thật may mắn, vào dịp trước Tết Canh Dần 2010, tôi được một số bà con Việt kiều cho biết sẽ có mấy nhà hoạt động từ thiện mang quà Tết từ Paris lên Lille cho một nhóm người Việt nhập cư bất hợp pháp ở trên đó. Với suy nghĩ "muốn bắt cọp, phải vào hang cọp", tôi đã tìm cách liên hệ với nhóm hoạt động từ thiện này để xin đi cùng với tư cách một tình nguyện viên. Phải thú thực, đã có lúc tôi không khỏi lo cho sự an toàn của mình khi nghĩ đến cảnh thân gái dặm trường, đi hàng trăm cây số, mò vào nơi rừng rú để gặp những người tị nạn bất hợp pháp. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, một phóng viên muốn có những bài viết hay và sống động, không có cách nào khác là phải đi thực tế, đến tận hiện trường, thậm chí "sống cùng" nhân vật. Và thế là tôi quyết định lên đường. Để có thêm bạn đồng hành, tôi rủ anh Nguyễn Hưng, phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Paris, đi cùng.

           

            Một ngày ở với "người rừng"

            Vậy là sau một loạt cuộc điện thoại hẹn hò, kế hoạch đẩy tới, đẩy lui, ngày 28 Tết, chuyến đi cũng được thực hiện. Còn nhớ buổi sáng hôm đó, tuyết rơi nhiều lắm, phủ trắng xóa cả hai bên đường, cái lạnh thấu vào tận bên trong khiến cho tiếng nói cũng trở nên khô cứng. Đoàn của chúng tôi gồm hai bác Việt kiều đã lớn tuổi, thuộc tổ chức từ thiện "Hoa hy vọng" và hai nhà báo. Chúng tôi xuất phát từ Paris lúc tờ mờ sáng, bất chấp gió lạnh và mưa tuyết, nhằm hướng Lille thẳng tiến. Quãng đường dài 250km trở nên ngắn hơn, không khí trong xe cũng trở nên ấm cúng hơn nhờ những câu chuyện dông dài. Bác Xuân Phương cho biết, đã từng mang đồ tiếp tế đến cho một số người Việt nhập cư bất hợp pháp sống tị nạn ở các tỉnh Dunkerque và Calais, thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais, nơi có bến cảng và con đường ngầm dưới biển, nối Pháp với Anh qua eo biển Manche. Còn lần này, những người Việt mà họ đến giúp đỡ sống trong rừng Angres, cũng thuộc vùng này.

            Khi đến gần Angres, chúng tôi được một số anh chị tình nguyện viên người Pháp của tổ chức Migrants Fraternité đón và đưa tới cánh rừng, nơi có khu lều trại của những người Việt tị nạn. Những "người rừng" (cách mà báo chí và nhân dân địa phương gọi họ) tỏ ra rất vui vì được gặp "đồng hương Việt Nam" nơi đất khách quê người. Có lẽ vì chỉ biết chúng tôi với danh nghĩa là những nhà hoạt động nhân đạo, họ thân thiện và cởi mở hơn những người Việt bị bắt mà tôi đã gặp ở Sứ quán.

            Củi được bỏ thêm vào lò để tăng hơi ấm cho căn lều chính, những ly trà nóng được chuyền tay nhau, câu chuyện dần dà rôm rả hơn. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người ngồi nghe họ kể chuyện, nên những "người rừng" ở Angres không ngại ngần cởi mở, giãi bày. Những câu chuyện "ly kỳ và rùng rợn", những gian nguy, cơ cực mà họ phải trải qua được tôi ghi lại bằng điện thoại, khu lều trại nơi họ ở được thu vào ống kính như một bằng chứng xác thực về cuộc hành trình đến với "miền đất hứa". Các nam thanh niên không ngần ngại giới thiệu cho chúng tôi xem cái gọi là "phòng khách", "nhà bếp", "phòng ngủ", thực chất chỉ là mấy cái túp lều dựng tạm; những chiếc can đựng nước mà các tình nguyện viên chở đến hàng ngày để họ ăn uống và rửa ráy; miếng ván gỗ dựng tạm thành bàn bóng dành cho những lúc buồn rỗi; và cả một ban thờ nhỏ dựng sơ sài ở trước cửa lều chính, có lẽ để cầu xin sự may mắn mỗi khi họ ra đường tìm cơ hội sang Anh, hay để có chỗ dựa tinh thần khi thất bại trở về.

            Trong đám "người rừng", tôi đặc biệt chú ý đến hai cô gái còn rất trẻ, dáng vẻ rụt rè, e ngại và rất kiệm lời. Nhìn thoáng qua, họ có vẻ như là con gái nhà lành, từ bé chưa phải chịu vất vả, khổ sở bao giờ. Nhưng coi kỹ, có thể thấy trên khuôn mặt xinh xắn của họ vẫn còn vương lại những nét bơ phờ, lo lắng và cả sự hãi hùng. Để tìm cách bắt chuyện với các cô gái này, tôi đã khéo léo nhờ họ đưa đi vệ sinh. Gọi là nhà vệ sinh, nhưng thực ra cũng chỉ là tấm bạt quây tạm, cách xa khu lều chính. Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã bắt chuyện và biết được tâm trạng, cảnh ngộ của hai cô gái.

            Bữa trưa mà những "người rừng" thết đãi chúng tôi tuy chỉ có cơm với khoai tây xào thịt muối, nhưng không hiểu là do đói, lạnh, hay tại món ăn lạ mà tôi thấy vô cùng ngon miệng.

            Một ngày ở cùng những "người rừng", được mắt thấy tai nghe, được trực tiếp cảm nhận nỗi gian truân, vất vả của họ, tôi cảm thấy cái giá mà họ phải trả để tìm đến thiên đường thật là quá đắt.

 

            Chùm bài mang nhiều thông điệp

            Ra về với tâm trạng vừa giận, vừa thương, vừa xót xa, tôi quyết định phải viết, viết để độc giả trong nước biết được tình cảnh của những con người nhẹ dạ, đã cả tin một cách mù quáng vào cái viễn cảnh hào nhoáng mà những kẻ môi giới vẽ ra, để rồi tự đẩy mình vào một cuộc phiêu lưu đầy gian truân và cơ cực.

            Để có thêm thông tin về vấn đề người Việt nhập cư bất hợp pháp và có những cái nhìn từ nhiều phía, tôi đã liên hệ với cơ quan phụ trách các vấn đề nhập cư của Pháp, phỏng vấn các nhà chức trách của nước sở tại và đại diện của Nhà nước Việt Nam tại nước này.

            Chùm bài "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh" nhằm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn ôm ước vọng làm giàu ở trời Tây, là lời cảnh báo với đồng bào trong nước phải cảnh giác trước những mánh khóe dụ dỗ ngon ngọt của những kẻ đưa người trái phép hiện vẫn đang lén lút hoạt động, lừa gạt những người cả tin và thiếu thông tin ở trong nước.

            Qua các bài viết, tôi cũng muốn nói lên trách nhiệm và sự quan tâm của đại diện Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo hộ công dân, nỗi niềm và những khó khăn của họ trong việc xác minh nhân thân người Việt nhập cư bất hợp pháp, đồng thời nhằm phản bác lại sự chỉ trích của một vài nhà báo Việt kiều, cho rằng các nhà chức trách Việt Nam không quan tâm gì đến những thân phận trôi nổi này.

            Cũng qua bài viết, tôi muốn cảm ơn những tấm lòng nhân ái, sự nhiệt tình và cả trợ giúp về vật chất và tình cảm mà các nhà hoạt động nhân đạo Việt kiều và Pháp đã dành cho những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Chùm phóng sự điều tra "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh", sau khi được đăng trên báo Tin Tức và báo điện tử VietnamPlus, đã nhận được sự đánh giá cao từ phía dư luận trong và ngoài nước. Giải A cho phóng sự này là sự động viên lớn đối với chúng tôi, những người làm báo.

Nguyễn Thu Hà
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nâng tầm hệ thống Phân xã (13/06/2011 14:44:26)

Sử dụng font chữ (Typography) (12/05/2011 09:53:54)

Thành công của sự phối hợp nhóm (12/05/2011 09:43:13)

"TáỪổ hào ViáỪẬt Nam" - TáỪổ hào giành hai giáỨặi nháỨầt áỨặnh bÃắo chÃễ  (12/05/2011 09:37:37)

Dàn ý bài báo (15/04/2011 10:07:16)

Thực hiện theo trình tự: Nguyên tắc của trình bày báo (15/04/2011 10:05:19)

Những ánh đèn đêm (15/04/2011 10:02:03)

Chuýằ‡n nghỏằ cỏằĐa nỏằ¯ nhà bÃĂo Thông tỏºƠn (15/04/2011 09:59:45)

Phân xã Bình Phước: sau một năm tham gia Chương trình Hợp tác thông tin với địa phương (07/03/2011 11:43:29)

Các nguyên tắc cơ bản trong trình bày báo (04/03/2011 17:30:23)