Thứ năm, ngày 02/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Sử dụng font chữ (Typography)


(12/05/2011 09:53:54)

Typography là nghệ thuật sử dụng các kiểu chữ (font chữ), lựa chọn, sắp đặt các font chữ khác nhau trong một bài báo, trong tít và các phần khác của trang báo. Font chữ cũng chính là cơ sở cụ thể nhất của mối liên hệ giữa người làm báo và độc giả. Bằng việc điều chỉnh, thay đổi một hoặc nhiều tham số của font chữ, ta có thể đạt được một cảm nhận hoàn toàn khác với cùng một nội dung thông tin.

            Ví dụ: Trên trang Nhất của tờ báo, tầm ảnh hưởng của cũng một thông tin "giờ chót" sẽ khác nhau nếu nó được in bằng cỡ chữ (corps chữ) thông thường hoặc bằng chữ đậm và corps to hơn các tin khác.

            Ví dụ trên chỉ nhằm nêu rõ tầm quan trọng của những "chi tiết vụn vặt", thường bị bỏ qua trong thiết kế và dàn trang báo. Trên thực tế, sự khác biệt thường được tạo ra chỉ thông qua những điều chỉnh tham số "nho nhỏ", nhưng đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc cũng như mỹ quan của người thực hiện.

            Font chữ được chia thành các nhóm và được phân biệt nhờ kích thước (corps), độ đậm nhạt (bold/plain), độ rộng hẹp, góc nghiêng (italic/plain) và việc sử dụng ký tự in hoa (caps) hay in thường. Tùy theo đặc điểm hình dáng mà người ta chia chúng ra thành 5 nhóm font cơ bản:

            1- Font chữ không chân: Là các phông chữ kiểu "truyền thống", không có chân hay các chi tiết phụ trợ. Tiêu biểu của nhóm này là Helvetica, Frutiger, Futura...

            2- Font chữ Elzevia: Chữ có chân hình tam giác, với những nét mỏng theo kiểu thư pháp (calligraphy), với các đại diện thông dụng là Times, Garamond, Palatino...

            3- Font chữ Didot: Chữ có chân mảnh, vuông thành sắc cạnh (Bodoni, Acaslon...)

            4- Font chữ kiểu Ai Cập: Chữ vuông vắn, có chân hình chữ nhật, (Rockwell, Lubalin, Ameril, Courrier...)

            5- Font chữ tự do: Với nhiều biến thể đa dạng, nhiều phông chữ gắn với kiểu viết tay (script, Mistral...)

            Chỉ trừ các font chữ tự do, đa phần "sinh sau đẻ muộn" và được tạo ra để phục vụ nhu cầu của một số tạp chí hiện đại và các sản phẩm mang đậm tính văn hóa, cả 4 nhóm font còn lại nói chung đều đáp ứng được tiêu chí hàng đầu: Dễ đọc, và được sử dụng thông dụng trong trình bày báo. Việc chọn font nào, nhóm nào cho mỗi mục, mỗi bài là tùy ở từng tòa soạn, và phải dựa trên các quy tắc chung. Trong các ngôn ngữ sử dụng tiếng La tinh, người ta thường chọn font không chân (đơn giản hơn) cho những thông tin đa dạng "thực dụng", đọc nhanh, và ưu tiên nhóm Elvezia ("điệu" hơn) cho những ấn phẩm "văn hóa".

            Rõ ràng, việc quyết định lựa chọn một font chữ cho một phần nhất định trong tờ báo (text bài, sapô, tít, box...) cũng như cách thức sử dụng font chữ đó không thể được hiện một cách tùy tiện. Nếu như một tờ báo đã chọn font Arial, corps 11 cho text bài chính, đồng nghĩa với ưu tiên cho việc "đọc nhanh, đọc dễ" hơn là "kiểu cách", font chữ Arial corps 11 đó phải xuất hiện trong mọi bài chính (có giá trị tương đương) của tờ báo, như một dấu hiệu nhận biết riêng.

            Câu hỏi đặt ra là: Sử dụng bao nhiêu font chữ thì đủ cho một tờ báo?

            Về mặt hình thức, báo chí cũng vận động và thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ làm báo (chuyển từ sắp chữ chì sang chế bản trên máy vi tính, sự phát triển của tin học và nhiều font chữ mới ra đời...) Nếu như những năm 60-70 của thế kỷ trước, báo chí châu Âu cho rằng sử dụng nhiều font chữ mới là hiện đại thì ngày nay, đa phần các tờ báo có uy tín đều sử dụng rất ít (chỉ từ 1 đến 2) font chữ, và khai thác triệt để các biến thể (chữ hoa - thường, in thẳng - nghiêng, rộng - hẹp, đậm - nhạt...) để tạo nên các cấp độ thông tin khác nhau.

            Sự lựa chọn các font chữ trong tiếng Việt có hạn chế hơn, vì không có nhiều bộ chữ đảm bảo cùng lúc các yêu cầu về mỹ thuật và kỹ thuật (hiển thị dấu tiếng Việt). Đó cũng là lý do khiến đa số các báo Việt Nam "bằng lòng" với một vài bộ font cơ bản. Sự khác biệt, bản sắc thường chỉ được thể hiện thông qua việc "tinh chỉnh" các tham số cũng như sự kết hợp các font chữ, để tạo sự tương phản cần thiết giữa text bài và tít, giữa bài chính và box, v.v...

            Typography không chỉ đơn thuần là "đặt" chữ vào trang, mà như đã nói ở trên, là "nghệ thuật" sử dụng các font chữ sẵn có, tuân theo các nguyên tắc về "tiện nghi đọc":

            - Chữ in thường dễ đọc hơn chữ in hoa.

            - Chữ thẳng dễ đọc hơn chữ in nghiêng (italic).

            - Chữ thường dễ đọc hơn chữ đậm (bold).

            - Chữ đen trên nền trắng dễ đọc hơn chữ trắng trên nền sẫm màu (âm bản).

            Các trường hợp ngoại lệ đòi hỏi phải được tính toán kỹ (tác dụng đối với tờ báo, có thể sử dụng một cách có hệ thống hay không) và sử dụng có chừng mực (chỉ cho các text ngắn, đầu mục...)

            Đối với phần text văn bản, chiếm diện tích rất lớn trong trang báo, việc sử dụng đúng cách các font chữ sẽ giúp cho tờ báo của bạn mạch lạc và dễ đọc hơn. Nếu text được căn chỉnh không đúng cách, độc giả sẽ nhanh chóng mệt mỏi khi đọc nội dung bài báo. Trong ví dụ ở trang bên, có thể thấy nếu khoảng cách giữa các ký tự quá nhỏ hoặc quá lớn đều gây cảm giác "bất thường" và làm việc đọc khó khăn hơn. Cũng tương tự như vậy, khoảng cách giữa các dòng cũng phải được tính toán hợp lý. Trong tiếng Việt, do phải tính "khoảng thở" cho dấu, cả phía trên và dưới các ký tự, thông thường khoảng cách dòng cần lớn hơn corps chữ từ 1,5 đến 2pt. Ví dụ: khoảng cách dòng là 12pt cho corps chữ 10pt, 13pt cho corps chữ 11pt. Kinh nghiệm cho thấy, nhìn từ xa, một cột text được căn chỉnh hợp lý sẽ tạo thành một nền xám nhạt, không có các lỗ thủng (do ký tự cách nhau quá xa) hoặc các vạch trắng (do khoảng cách dòng quá lớn).

            Để thuận tiện cho việc thao tác trình bày, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng font chữ cho mỗi phần trong trang báo, các phần mềm vi tính dàn trang đều có chức năng tạo các định dạng kiểu chữ (style sheet): trong đó, mọi tham số liên quan đều được lưu lại. Đối với một tờ báo bình thường, ít nhất các file mẫu cũng phải bao gồm định dạng mặc định cho text văn bản, text bài minh họa, text tin, tít chính, tít phụ, sapô, chú thích ảnh, tên tác giả...

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thành công của sự phối hợp nhóm (12/05/2011 09:43:13)

"TáỪổ hào ViáỪẬt Nam" - TáỪổ hào giành hai giáỨặi nháỨầt áỨặnh bÃắo chÃễ  (12/05/2011 09:37:37)

Dàn ý bài báo (15/04/2011 10:07:16)

Thực hiện theo trình tự: Nguyên tắc của trình bày báo (15/04/2011 10:05:19)

Những ánh đèn đêm (15/04/2011 10:02:03)

Chuýằ‡n nghỏằ cỏằĐa nỏằ¯ nhà bÃĂo Thông tỏºƠn (15/04/2011 09:59:45)

Phân xã Bình Phước: sau một năm tham gia Chương trình Hợp tác thông tin với địa phương (07/03/2011 11:43:29)

Các nguyên tắc cơ bản trong trình bày báo (04/03/2011 17:30:23)

Thông điệp chính của bài báo (04/03/2011 17:27:21)

Những ngày đáng nhớ (04/03/2011 17:18:06)