Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chiến dịch thông tin Asian Games 16

Những ngày đáng nhớ


(04/03/2011 17:18:06)

Thực hiện chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan về đợt thông tin tại Asian Games 16, nhóm phóng viên và cán bộ kỹ thuật của TTXVN đã có đợt công tác khó quên trên đất Quảng Châu- Trung Quốc.

Nhóm có 6 phóng viên gồm một phóng viên của Ban Biên tập-Sản xuất ảnh, hai phóng viên của Truyền hình thông tấn, hai phóng viên của báo Thể thao&Văn hóa và một phóng viên phân xã Bắc Kinh (được tăng cường). Mặc dù ngày 12/11/2010 mới là thời điểm khai mạc Asian Games 16 nhưng do đội tuyển Olympic Việt Nam lên đường sang Quảng Châu từ ngày 5/11/2010, nên nhóm phóng viên của TTXVN đã phải khởi hành từ ngày 4/11/2010 để kịp chuẩn bị tác nghiệp.

Phóng viên TTXVN làm thủ tục tại Trung tâm báo chí quốc tế - Asian Games 16

Là đoàn phóng viên Việt Nam sang Quảng Châu sớm nhất nên ngay từ lúc lên đường, nhóm phóng viên TTXVN đã gặp một chút trở ngại tại sân bay Nội Bài. Theo quy định của Ban tổ chức (BTC) Asian Games 16, tấm thẻ tác nghiệp tại Asian Games có giá trị tương đương một thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc. Khâu làm thủ tục xuất cảnh của nhóm phóng viên TTXVN được hoàn tất rất nhanh, vì tất cả đều sử dụng hộ chiếu công vụ, nhưng một số đồng nghiệp đi cùng chuyến bay với chúng tôi vì sử dụng hộ chiếu phổ thông nên đã phải chờ đợi rất lâu mới được phép vào trong khu vực cách ly.

Khi sang tới sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu), cũng vì lý do đến Quảng Châu quá sớm nên nhóm phóng viên TTXVN đã phải "tiêu tốn" ở sân bay Bạch Vân hơn 4 giờ đồng hồ để bộ phận an ninh sân bay tiến hành các thủ tục kiểm tra trang thiết bị tác nghiệp của phóng viên (máy ảnh, máy quay phim), đăng ký số lượng cụ thể trang thiết bị mang theo (bao gồm cả nhãn hiệu, số serie và giá thực tế trên thị trường). Không những thế, các phóng viên còn phải làm cam kết là sẽ chỉ sử dụng số máy móc trang thiết bị này cho việc tác nghiệp tại Asian Games 16, ngoài ra không được sử dụng vào bất cứ mục tiêu nào khác. Chưa hết, rời sân bay về tới khách sạn mà chúng tôi đã đặt trước ở trung tâm thành phố Quảng Châu, người quản lý khách sạn từ chối tiếp nhận chúng tôi với lý do BTC Asian Games 16 yêu cầu toàn bộ các phóng viên đến tác nghiệp tại Đại hội phải ở tập trung trong làng báo chí, ngay cạnh làng VĐV, cách trung tâm thành phố khoảng 40km. Thế nhưng, trước khi sang Quảng Châu một tuần, phóng viên TTXVN đã liên lạc với đại diện của BTC Asian Games 16 và nhận được thông báo không còn chỗ trống trong làng báo chí. Sau này khi tìm hiểu, chúng tôi được biết ngay cả các phóng viên của Trung Quốc cũng đều phải ở tập trung trong làng báo chí trong thời gian diễn ra Asian Games 16, kể cả những người là cư dân Quảng Châu chính gốc, vì thế, việc các khách sạn từ chối tiếp nhận phóng viên nước ngoài cũng là chuyện dễ hiểu.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi mới thực sự bước vào cuộc chiến, khi tiếng Anh gần như không có đất sử dụng ở Quảng Châu, đặc biệt là với các bác tài taxi, nên việc tìm được địa điểm thi đấu hoặc tập luyện của đoàn thể thao Việt Nam là cực kỳ khó khăn. Việc di chuyển bằng tàu điện ngầm hoặc xe buýt cũng đã được chúng tôi tính đến nhưng vừa thực hiện đã phải hủy bỏ, vì dân địa phương sử dụng phương tiện công cộng quá đông và việc chuyển đổi giữa các tuyến xe tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Vì thế, việc thuê xe ô tô riêng vẫn là giải pháp tối ưu với chúng tôi, cho dù khá tốn kém. Nhưng để thuê được xe cũng không phải là việc đơn giản (vì trong thời gian diễn ra đại hội thì tại thành phố Quảng Châu còn có 4 hội chợ triển lãm nên có rất nhiều khách du lịch đến tham quan mua sắm vì thế giá thuê xe ô tô và các dịch vụ khác tăng gấp nhiều lần so với ngày thường).

Có được phương tiện di chuyển, chúng tôi tưởng như sẽ yên tâm tập trung vào công việc, nhưng chuyện kẹt xe, tắc đường tại thành phố công nghiệp này không "buông tha" chúng tôi. Có lần, phóng viên ảnh đã mất đúng nửa ngày mới đến được quảng trường Hải Tâm Sa dự lễ khai mạc Asian Games 16. Theo quy định của BTC, phóng viên ảnh phải có mặt ở Hải Tâm Sa vào lúc 14 giờ, trong khi đến 20 giờ mới diễn ra lễ khai mạc. Sau khi kết thúc lễ khai mạc, phải đến 2 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau tôi mới rời khỏi đảo Hải Tâm Sa trở về khách sạn được. Vì đã quá muộn nên chiếc xe chúng tôi thuê đã trở lại thành phố với lý do là hợp đồng chỉ thuê đến hết 23 giờ hàng ngày! Đang quá mệt mỏi thì thần may mắn bỗng mỉm cười. Thấy chúng tôi "đứng đường" gần một tiếng đồng hồ mà không bắt được taxi, hai anh cảnh sát đang làm nhiệm vụ gần đó đến hỏi, biết là phóng viên Việt Nam đến tác nghiệp tại ASIAD 16 đã vui vẻ lấy xe ô tô đưa chúng tôi về khách sạn.

Phóng viên Quốc Khánh, Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí tại ASIAD 16

Khi ASIAD 16 chính thức khai mạc vào ngày 12/11 thì tần suất hoạt động của chúng tôi được đẩy lên cao điểm. Đây là lần đầu tiên TTXVN cử một nhóm truyền hình đến tác nghiệp tại đại hội thể thao lớn nhất châu Á. Cả nhóm đã phối hợp khá nhịp nhàng trong việc di chuyển đến các địa điểm thi đấu để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những nụ cười, những giọt nước mắt đầy tiếc nuối của các VĐV đoàn thể thao Việt Nam.

Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu từ sáng sớm và chỉ kết thúc khi kim đồng hồ chỉ sang con số 12 giờ đêm. Nhưng các phóng viên trong đoàn không hề thấy mệt mỏi, thậm chí quên cả ăn uống để theo kịp các sự kiện. Vất vả là vậy nhưng ai cũng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc khi VĐV nữ Karatedo Lê Bích Phương mang về tấm huy chương Vàng duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 16. Những giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt VĐV và cả các phóng viên Việt Nam có mặt tại nhà thi đấu Quảng Đông. Tất cả hòa chung niềm vui hạnh phúc, hân hoan, tự hào đón chào lá cờ Tổ quốc tung bay trên khán đài danh dự và cùng hát vang Quốc ca trên đất nước bạn.

Có thể nói, trong những ngày tác nghiệp ở Asian Games 16, nhóm phóng viên TTXVN đã nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngay như chuyện phóng viên Truyền hình Thông tấn vì không có bản quyền nên không được sử dụng máy quay ở các địa điểm thi đấu chính thức, nhưng "cái khó đã ló cái khôn", các phóng viên đã phải vận dụng nhiều biện pháp khác nhau để vẫn có đủ tin, hình ảnh gửi về Tổng xã. Tương tự như thế, chỉ có một phóng viên ảnh trong khi lại có rất nhiều sự kiện quan trọng nên việc phải tỉnh táo cân nhắc các sự kiện để tiếp cận và tác nghiệp không phải là điều đơn giản. Luôn luôn ý thức được trách nhiệm của mình với cơ quan, tự hào vì "màu cờ sắc áo" của TTXVN, nhóm chúng tôi đã dần "hóa giải" được các khó khăn, trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ thông tin về một Á vận hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Quốc Khánh
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2011