Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Trò chuyện với các nhà báo nữ


(04/03/2011 17:12:28)

Dù làm công việc gì, ở vị trí nào, nữ cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN luôn khẳng định được vai trò của mình bằng chính khả năng, sức sáng tạo, sự nhạy bén, xông xáo, khéo léo và đầy tính nữ... Nội san Thông tấn đã gặp gỡ, chuyện trò với một số nữ cán bộ, phóng viên khu vực phía Nam trước thềm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Tìm hứng thú trong từng nhân vật, từng bài báo

Một nữ nhà báo thông tấn nhận được nhiều giải thưởng báo chí, một chủ tịch CLB "Phụ nữ và Xe hơi" với khả năng chinh phục những cung đường thăm thẳm xuyên suốt chiều dài đất nước và xuyên quốc gia đến những nước láng giềng, cả hai dường như vất vả thậm chí nguy hiểm đối với một phụ nữ. Vậy nhưng nhà báo Phạm Thị Thu Thủy, Phó Trưởng đại diện báo Thể thao&Văn hóa tại TP.HCM, vẫn rất nhẹ nhàng khi nói về công việc của mình.

Trên đời này, hình như không có nghề nghiệp nào lại an toàn và nhàn hạ cả. Nhưng nó sẽ trở nên an toàn nếu bạn trang bị cho mình đầy đủ sự hiểu biết, làm việc với sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm cao. Nó sẽ trở nên không vất vả, thậm chí là đầy hứng thú, nếu bạn đặt trong công việc ấy sự say mê.

Nếu lái xe mà hứng thú với từng cung đường đi qua, từng địa danh khám phá, những con người gặp gỡ trên đường,... thay vì nhăm nhăm chuyện lái xe, nhăm nhăm về đích thì quãng đường đi sẽ hào hứng và thú vị thay vì mệt mỏi, chán chường.

Chuyện làm báo, tôi nghĩ cũng không khác. Có bằng tốt nghiệp báo chí mà không lăn lộn với cuộc sống, không rèn luyện nghề nghiệp hàng ngày từ việc nhỏ như đi lấy tin đến viết bài báo thì chắc chỉ là nhà báo... giấy. Làm báo mà chỉ băn khoăn về nhuận bút, thay vì sống với những bài báo, những nhân vật mình tiếp xúc,... thì cũng dễ chán nghề, dễ bỏ nghề.

Tất nhiên còn rất nhiều điều thú vị để nói về nghề báo và chuyện lái xe (có thể vì tôi yêu chúng nên thấy ở đó có nhiều chuyện thú vị chăng?). Riêng đối với phụ nữ làm báo thì việc lái xe thậm chí còn an toàn hơn không lái xe. Này nhé, sức khỏe được bảo đảm bất kể đi mưa về nắng, an toàn bất kể đi sớm về muộn, và đặc biệt chị em nào thường say xe khi đi công tác thì tôi xin cam đoan rằng: hãy học lái xe- đó là bài thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa khỏi say xe! Song cũng xin mở ngoặc thêm rằng, biết lái xe hơi rồi, đừng quên đi xe máy, xe đạp và nhất là đi bộ. Cuộc sống và sự thật sẽ chỉ được nhìn rõ hơn, chuẩn xác hơn khi bạn nhìn nó với tốc độ chậm!

 

Không muốn là phóng viên "cày" đường nhựa

Sinh ra ở một miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ, trong gần 30 năm gắn bó với nghề báo của TTXVN, chị có tới 10 năm là Trưởng phân xã ở một tỉnh vùng sông nước ĐBSCL. Chính lòng yêu nghề, yêu ngành đã gắn bó nhà báo Phạm Thị Bình, Trưởng phân xã Vĩnh Long, với vùng Tây Nam bộ này như quê hương thứ hai của mình.

Làm Trưởng xã ở một phân xã có 100% là nữ, mà lại toàn là các nhà báo nữ có thâm niên (một cách nói tránh đi của nhà báo... không còn trẻ). Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đi, đi và viết vì không muốn mình trở thành phóng viên "cày" đường nhựa.

Những ai từng làm báo đều hiểu rằng: Làm báo như đi câu, không phải tất cả các chuyến đi đều viết được tin, bài. Phụ nữ đi công tác, tất nhiên phức tạp hơn nam giới, nhưng không thể không đi, đơn giản vì nghề báo là phải đi nhiều. Mà ai cũng có không ít những chuyến đi chỉ là để ghi nhận, để tích lũy tư liệu, để duy trì các mối quan hệ. Song không phải vì vậy mà không đi. Trên cơ sở những chuyến đi ấy khi làm tin, bài tổng hợp của cả tỉnh nhà báo mới có thực tế. Tất nhiên cũng có những tin, bài chỉ nắm tư liệu, tình hình từ đầu mối lớn. Nhưng riêng tôi, và cả phân xã luôn phải cân bằng giữa các chuyến đi cơ sở và những chuyến đi lấy tư liệu từ các ban, ngành tỉnh. Trong những chuyến đi ấy, tôi luôn tranh thủ để quảng bá, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, hướng phát triển của cơ quan cũng như các ấn phẩm của ngành để mọi người hiểu thêm về cơ quan TTXVN. Nếu không làm tốt việc đi công tác ở xã, ấp và việc duy trì các mối quan hệ với các đầu mối thông tin từ cơ sở, chắc tôi sẽ không có được những cú điện thoại từ nửa đêm, mờ sáng hoặc giữa trưa... giúp phân xã nắm bắt những thông tin, sự kiện quan trọng, đột xuất.

Tôi thường chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp: không gì vui hơn khi mình đi cơ sở, từ các "anh xã", "anh huyện" đến các chủ nhà vườn... đều rất hồ hởi trong việc tạo điều kiện và cung cấp thông tin cho "chị xã". Không gì vui hơn khi đi công tác, nơi mình đến họ biết mình là ai và làm công việc gì. Đó chính là một trong những nguyên nhân giúp tôi gắn bó lâu dài với vùng đất Vĩnh Long và xem đây như là quê hương thứ hai của mình.

 

Giữ lửa nghề bằng những chuyến đi

Là con gái của nhà báo Nguyễn Bá Hưng, nguyên Trưởng phân xã Khánh Hòa, người đã gắn bó cả cuộc đời với TTXVN, nhà báo Hải Yên, phóng viên báo Tin Tức, đã học được nhiều điều trong nghề báo từ cha. Với chị, ngọn lửa đam mê cháy mãi, kể cả khi đối mặt với bao áp lực nghề.

Từ lúc mới chập chững vào nghề, bố tôi đã giúp tôi rất nhiều về nghiệp vụ cũng như truyền ngọn lửa đam mê nghề báo cho tôi. Những lúc bàn về một sự kiện nào đấy, có khi chúng tôi tranh luận rất nhiều. Thường ông chỉ cho tôi những khía cạnh của vấn đề, giúp tôi nhận thấy viết như thế nào để thể hiện tin bài tốt nhất, phản ánh sự kiện chính xác và khách quan nhất. Không những thế, ông thường đặt chỉ tiêu cho tôi một tháng phải viết khoảng 20 tin bài trở lên. Trong khi đó, định mức của cơ quan đặt ra thấp hơn nhiều. Với bố tôi, làm báo phải biết tìm tòi chủ đề, phản ứng nhanh với sự việc đang diễn ra, chủ động trong công việc chứ không phải là hài lòng những gì mình đạt được. Bố tôi thường khuyến khích tôi nên đi công tác cơ sở mỗi tháng vài ngày để tìm hiểu địa phương, xem có vấn đề gì hay, nổi bật để viết. Chính nhờ sự chỉ bảo của bố, tôi đã "lớn lên" rất nhiều trong nghề.

Là một nữ nhà báo, đôi lúc áp lực công việc đè nặng trên vai, tôi cũng mấy lần "tắt lửa". Những lúc đấy, tôi thấy mình mệt mỏi, bí đề tài, viết bài sáo rỗng, thậm chí mất phương hướng. Khi đó, tôi nhớ lại lời khuyên của bố tôi và đã củng cố tinh thần bằng cách nghỉ phép đi chơi xa. Và những cuộc dạo chơi đây đó, đã giúp tinh thần tôi phấn chấn trở lại. Tôi nhận ra rằng, ngọn lửa đam mê nghề vẫn tồn tại trong tôi. Bởi những nơi đi qua, tôi đều thấy có nhiều chủ đề hay để viết, dù vấn đề đó hằng ngày vẫn diễn ra trước mắt chúng ta. Vì thế, khi trở về tôi thường có bài để nộp cho tòa soạn.

Đến nay, với 9 năm làm báo, trong đó có 3 năm thường trú ở phân xã Khánh Hòa, 2 năm thường trú tỉnh Bình Thuận và 4 năm làm báo tại tòa soạn báo Tin Tức, tôi nhận ra rằng, làm báo không nên chỉ biết "đứng yên" một chỗ, mà chúng ta phải luôn "di chuyển" để làm mới tư duy của mình. Bởi một lần đi là một lần sẽ có thêm nhiều kiến thức, nhiều chủ đề hay. Nếu tôi cứ mãi đứng một chỗ, sẽ bị sáo mòn câu chữ, sẽ không nhận ra nhiều điều thú vị dù hàng ngày tôi vẫn đi ngang qua chúng. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ đánh mất ngọn lửa đam mê nghề và sẽ mệt mỏi, nhàm chán nếu cứ đi mãi một con đường.

 

TTXVN là môi trường và cơ hội để tôi thực hiện ước mơ

Từ một nhân viên phát hành báo, Nguyễn Thu Trang, phân xã An Giang đã trở thành nữ phóng viên viết hàng trăm tin bài về nơi mình đang sống và nhiều năm liền được tỉnh An Giang tặng Bằng khen phụ nữ Hai Giỏi.

Từ sự gan dạ xông xáo của những phóng viên chiến trường mà tôi được nghe kể và được xem qua màn ảnh nhỏ truyền hình, nghề báo đã hấp dẫn tôi từ khi còn là một cô bé. Năm 1986, được nhận vào làm nhân viên văn phòng kiêm phát hành báo tại phân xã An Giang, tôi nghĩ rằng đây chính là môi trường và cơ hội để phấn đấu thực hiện ước mơ trở thành phóng viên của mình.

Qua các ấn phẩm mà mình phát hành, tôi hàng ngày tham khảo cách thể hiện tin bài trên báo trung ương, khu vực và đặc biệt là "gu" của TTXVN. Tháng Giêng năm 1989, tôi chính thức được đứng vào hàng ngũ phóng viên của ngành.

Tôi nhớ trong tháng đầu tiên làm phóng viên, Ban tin Trong nước chỉ sử dụng của mình 4 tin. Nhưng được mọi người động viên và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm nên tôi càng thấy vững tin và làm việc tốt hơn. Nghề báo là nghề đặc biệt, ngoài sự say mê, năng động, cần phải học tập rất nhiều, phải viết nhiều và quan trọng nhất là phải biết nhìn ra vấn đề, chọn lọc chủ đề tốt, có kiến thức xã hội, gần gũi với thực tế, vừa suy nghĩ tìm tòi cái mới, vừa biết tích lũy kinh nghiệm, thích nghi kịp thời. Vì thế, tôi luôn cố gắng sắp xếp việc nhà, việc cơ quan sao cho khoa học để có thêm thời gian theo học lớp báo chí, dần hoàn thiện kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu làm báo hiện đại.

Trong quá trình làm báo ai mà chẳng có những lúc vui, buồn. Vui khi sản phẩm của mình được Ban biên tập sử dụng nhanh, đến với dư luận kịp thời, thể hiện được hơi thở cuộc sống từ cơ sở, được các cơ quan truyền thông sử dụng lại rộng rãi, có tác dụng lan tỏa và hiệu quả cao. Buồn khi tin bị "ngâm" quá lâu, làm giảm hiệu quả thông tin và uổng phí công sức của phóng viên.

 

Chữ NHẪN làm đầu

Công việc được ví như là "Làm dâu trăm họ", vừa quản lý toàn bộ tòa nhà mới, vừa phải hoàn thành một khối lượng lớn công việc hành chính của cơ quan, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. HCM, đã khéo léo điều hành để mọi việc chu toàn.

Tôi luôn xác định công tác phục vụ không dễ, nếu không muốn nói là khó và rất đụng chạm. Nếu không thật sự tâm huyết, nếu sức chịu đựng không bền bỉ, nếu không biết lấy chữ NHẪN làm đầu, nếu không có đủ sức khỏe và không khéo thu xếp công việc gia đình ổn thỏa thì sẽ luôn bị rơi vào trạng thái căng thẳng, bởi ngoài vô số công việc không tên phải giải quyết hàng ngày, chúng tôi còn phải xử lý các công việc của các đơn vị yêu cầu, bất kể thời gian trong hay ngoài giờ, kể cả ngày lễ, Tết và thứ Bảy, Chủ Nhật. Chính vì anh em trong phòng thấy được những điều đó nên việc điều hành của tôi đã không còn là một việc khó khăn nữa. Thậm chí nếu không đủ người, tôi luôn sẵn sàng cùng làm với anh em (trừ việc lái xe).

Dẫu vậy, đôi lúc, cũng chạnh lòng bởi vẫn còn nhiều người chưa hiểu và chia sẻ được nỗi vất vả của chúng tôi. Chỉ một ánh mắt nhìn không thông cảm, một lời nói mát mẻ thôi cũng làm cho chúng tôi phải suy nghĩ, mà lỗi đâu phải là lúc nào cũng là của những người làm công tác phục vụ!

Chúng tôi luôn coi trọng công tác phục vụ dù chỉ là một việc nhỏ và BƯNG, BÊ, KÊ, DỌN thực sự là sự phục vụ tận tâm, chăm lo những công việc nhỏ nhất của cơ quan như các anh bảo vệ, trông xe, các anh lái xe, các chị lao công, các chị văn thư... vẫn lặng lẽ làm thường ngày. Chỉ làm tốt những việc nhỏ ấy thôi là chúng tôi đã góp phần gián tiếp hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan cũng như của các đơn vị trong Ngành.

 

Thành công là nhờ cả một bộ máy vận hành thông suốt

Là nữ Trưởng phòng Kỹ thuật duy nhất của TTXVN, lãnh đạo một đơn vị có tới gần 90% là nam giới, chị Phùng Duy Hồng Hương, Trưởng phòng Kỹ thuật Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ những bí quyết, để quản lý tốt đơn vị của mình.

 Công việc của phòng Kỹ thuật trôi chảy hay không là nhờ cả một bộ máy vận hành thông suốt. Mỗi cán bộ, công nhân viên chịu trách nhiệm một công việc. Như trong một dây chuyền hoàn chỉnh, mỗi người là một bộ phận: cần lái, tuốc bin, bánh xe,... thậm chí một con ốc vít cũng cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thực tế không phải là lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Hễ bộ phận nào trục trặc thì bản thân mình cũng phải lao vào tìm hiểu nguyên nhân và cùng với anh em tìm giải pháp khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt. Chính vì thế mà cả phòng, tuy phần đông là nam giới nhưng rất nhiệt tình hỗ trợ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng cần phải nói thêm là đơn vị tôi có những cán bộ rất giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà thiếu họ tôi không thể làm tròn công việc được giao như: Phó phòng - kỹ sư Nguyễn Minh Tâm, kỹ sư chính Lê Minh Tú, kỹ thuật viên Nguyễn Phương Nam...

Tôi cũng may mắn là có ông xã cũng đã từng là cán bộ của phòng Kỹ thuật 20 năm nên rất hiểu và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ khi phải có mặt tại cơ quan bất cứ khi nào. Anh ấy sẵn sàng gánh vác công việc "nội trợ" giúp tôi những lúc tôi buộc phải ở lại cơ quan ngoài giờ làm việc. Ngược lại những lúc có thời gian rảnh rỗi (hệ thống kỹ thuật ổn định) tôi đều đền bù cho chồng, con bằng những bữa cơm với món ăn luôn được chế biến ngon miệng, được cả nhà khen "không ăn cơm ở đâu mà ngon như mẹ nấu".

Từ cuối năm 2010 đến nay, chúng tôi đã xây dựng được giải pháp an toàn 24/24 giờ cho hệ thống thông tin liên lạc CQĐD TTXVN tại TP.HCM, đó là hệ thống dự phòng 100% cho kênh thông tin trục Bắc-Nam và mạng nội bộ khu vực CQĐD và quý 1/2011 tới đây là đảm bảo dự phòng 100% nguồn cung cấp điện cho hệ thống thông tin của cả CQĐD. Như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về công tác thông tin liên lạc tại khu vực này.

 

Công việc luôn làm tôi thích thú và mê say

Gần 16 năm công tác tại Nhà in TTXVN, được làm việc tại bộ phận Thiết kế chế bản in, khâu đầu tiên của quy trình in, chị Đặng Thị Bích Thủy, phân xưởng Thiết kế chế bản in - Công ty ITAXA, luôn cho rằng, chị đang làm một công việc đầy lôi cuốn.

Tôi biết đa số mọi người khi nghĩ đến ngành in là nghĩ đến một công việc khô khan, đầy bụi giấy, dầu mỡ, mực in lem luốc, hóa chất độc hại, nặng nhọc... và chỉ phù hợp với nam giới thôi. Trên thế giới, trong gần hai thập kỷ nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, ngành công nghiệp in là một trong những ngành đi đầu trong việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào thực tiễn sản xuất đòi hỏi người công nhân ngành in phải luôn học hỏi, nâng cao trình độ để làm chủ công việc, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.

Hiện với công việc đang làm, hằng ngày tôi tiếp nhận nhiều file của nhiều đơn hàng khác nhau, được thực hiện từ nhiều phần mềm khác nhau, từ các phiên bản khác nhau, từ những nhà thiết kế mà sự am hiểu về tạo file để in ấn có khác nhau...Như vậy, mỗi một trường hợp đòi hỏi phải có sự quan sát thật kỹ, nhận xét những khả năng xảy ra trong quá trình xử lý file, phải có kiến thức về các phần mềm đồ họa, các phần mềm dàn trang, bình trang điện tử, có kiến thức về in, làm thành phẩm... để từ đó chuẩn bị file thật tốt để đưa vào sản xuất nhằm làm giảm thiểu sai hỏng, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động. Những công việc này rất phù hợp với nữ công nhân, vì đòi hỏi tính cẩn thận, ham học hỏi.

Ngành in là một khâu trong dây chuyền tạo ra các sản phẩm văn hóa, phục vụ cho nền văn hóa đọc, giúp con người mở mang kiến thức, nâng tầm hiểu biết. Các ấn phẩm in có chất lượng về mặt hình thức cũng như nội dung là một kho tàng tri thức cho nhân loại. Được góp phần tạo nên những sản phẩm văn hóa tốt, có chất lượng cho xã hội, người công nhân ngành in cũng cảm thấy tự hào với công việc của mình.

Theo Nội san Thông tấn, số 02/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cần lắm sự hiện diện hiệu quả của phóng viên TTXVN tại các địa bàn (04/03/2011 17:01:26)

Thiết kế - trình bày báo và quy trình xử lý thông tin (12/01/2011 10:36:39)

Góc độ xử lý thông tin (12/01/2011 10:31:19)

Tiếng nói người trong cuộc (12/01/2011 09:52:59)

Các cấp độ đọc (16/12/2010 17:05:51)

Một số thể loại truyền hình (16/12/2010 17:03:33)

Không chạy theo số lượng, chú trọng viết tin có chiều sâu (16/12/2010 16:54:42)

Mở ra nhiều hướng phát triển (16/12/2010 16:07:21)

Nội san Thông tấn sẽ rất thiết thực nếu phát hành rộng rãi (16/12/2010 15:44:07)

TTXVN đoạt 5 giải, Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (08/11/2010 10:41:22)