Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nội san Thông tấn sẽ rất thiết thực nếu phát hành rộng rãi


(16/12/2010 15:44:07)

Ở dưới Măng-séc tờ Thông tấn có ghi dòng chữ "Nội san nghiệp vụ Thông tấn xã Việt Nam". Như vậy, vấn đề nghiệp vụ báo chí là mục đích và cũng là nội dung chính của Nội san.

Tôi nhớ khi còn công tác tại Thông tấn Quân sự, mỗi lần ra "Số 5 Lý Thường Kiệt" là Đại tá Trần Dũng, Trưởng phòng lại dặn "qua chỗ anh Trương Đức Anh xem có tờ Nội san hay tài liệu nghiệp vụ gì thì xin về". Nói như thế để thấy, ngay từ hồi ấy, Thông tấn Quân sự nói chung và bản thân tôi nói riêng rất coi trọng và trân trọng tờ Nội san, coi đó là một cách để trau dồi nghiệp vụ phục vụ cho công việc của mình.

Năm ngoái, có một đồng nghiệp công tác ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đến cơ quan chơi, thấy cuốn Nội san Thông tấn để trên bàn, anh tiện tay mở ra xem. Trong lúc tôi pha trà, anh lật từng trang, thậm chí có trang dừng lại chăm chú đọc. Tôi hỏi anh thấy thế nào, anh bảo có nhiều bài trong đó rất bổ ích; và anh muốn cũng làm một tờ nội san nghiệp vụ như vậy cho cơ quan mình. Nói như thế để thấy, tờ Nội san của chúng ta cũng được các đồng nghiệp bên ngoài trân trọng.

Cụ thể trong cơ cấu một số nội san, chúng ta thấy phần nghiệp vụ được dành một dung lượng lớn. Đó là các chuyên mục trên Nội san hiện nay như: "Trao đổi", "Phóng viên đi phóng viên viết", "Chúng tôi nói về chúng tôi", "Sổ tay phóng viên", "Cùng suy ngẫm", "Trò chuyện với nhà báo", "Chân dung nhà báo", "Câu chuyện nghiệp vụ", "Dọn vườn tin", "Dọn vườn ảnh", "Tìm hiểu báo chí thế giới". Đó là chưa kể đến nhiều chuyên mục xuất hiện trong từng giai đoạn như "Sổ tay phóng viên trẻ" trước đây hay các Diễn đàn như "Tạo bước đột phá mới trong công tác thông tin", "Làm thế nào để có tác phẩm báo chí đoạt giải quốc gia"...

Có nhiều điều để nói về các chuyên mục này như sự phong phú, đa dạng, sinh động, cụ thể; nhưng tựu trung lại có một điểm nổi bật: Đó là tính thiết thực.

Nói thiết thực vì hầu hết các bài viết về vấn đề nghiệp vụ báo chí trên Nội san đều không nặng về lý luận hoặc hầu như không tiếp cận vấn đề từ góc độ lý luận mà đi thẳng vào từng vấn đề cụ thể, từng khía cạnh cụ thể, từng nội dung cụ thể; thậm chí là từng tình huống cụ thể, từng chi tiết cụ thể và từng từ ngữ cụ thể. Qua đó mà nêu lên những vấn đề để giải quyết, để trao đổi kinh nghiệm, để giúp cho người đọc rút ra bài học hết sức cụ thể và hoàn toàn có thể áp dụng vào trong những tình huống cụ thể khi tác nghiệp.

Điều đó hết sức thiết thực đối với một phóng viên, biên tập viên khi mà ở các khoa báo chí trong nước, việc đào tạo thường nặng về lý luận, lý thuyết. Chẳng thế mà sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp được cấp bằng "Cử nhân" chứ đâu có được cấp bằng "Nhà báo"; điều đó cũng có nghĩa các khoa báo chí trong nước thiên về đào tạo những "nhà nghiên cứu lý luận báo chí" chứ không phải là những "người viết báo", càng không phải thiên về đào tạo những "người làm báo".

Nói như thế không phải tôi có ý phê phán chương trình đào tạo báo chí hiện nay (vấn đề này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo) mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều, từ cách đào tạo trên nên sinh viên báo chí khi ra trường thường có lỗ hổng lớn về tác nghiệp cụ thể, từ công tác phóng viên cho đến kỹ năng thể hiện hay xử lý các tình huống cụ thể về nghiệp vụ. Chẳng thế mà các cơ quan báo chí sau khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường thường phải làm nhiệm vụ "đào tạo lại".

Vì vậy, các bài viết, các chuyên mục cụ thể trên Nội san đã trở nên hết sức thiết thực bởi vì nó thực hiện nhiệm vụ "lấp lỗ hổng" ấy cho các phóng viên mới vào nghề. Không những thế, nó cũng rất có ích với những phóng viên đã quen việc, thậm chí với cả phóng viên lâu năm bởi không ai có thể dám chắc mình đã có thể nắm chắc tất cả những vấn đề trong nghề; nhất là khi xã hội đang phát triển rất nhanh trong tất cả các lĩnh vực với tốc độ "một ngày bằng hai mươi năm", thậm chí là hàng trăm năm.

Ngay cả mục "Truyền thống" và những bài viết mang tính chất hồi ký, gương của các thế hệ cha anh tưởng như chỉ là "ôn cố" nhưng người đọc cũng có thể học được những bài học về tinh thần vượt qua khó khăn, bài học về cách xử lý tình huống và cả cách xử thế, thậm chí là bài học về tác nghiệp trong những tình huống cụ thể.

Nói thiết thực còn bởi các bài viết đều gắn với bối cảnh làm báo của một cơ quan cụ thể: Đó là Thông tấn xã Việt Nam với những đặc trưng của một cơ quan Thông tấn nhà nước.

 

             Hiện nay Nội san mới được cấp phát đến cấp phòng, cấp phân xã; tức là mỗi phòng, mỗi phân xã được một cuốn. Vì vậy, khi tờ Nội san về đến đơn vị, một người (thường là trưởng, phó phòng) giữ lấy để đọc (mà thường là mang về nhà); thế là cả phòng coi như không biết đến Nội san. Nhất là phóng viên trẻ, đối tượng cần được đọc nhất thì lại là người khó tiếp cận với Nội san nhất. Trong khí đó, Nội san lại chỉ cấp phát chứ không bán.

 

Thiết thực là thế, tuy nhiên hiệu quả mà Nội san Thông tấn tạo ra lại chưa được cao.

Bằng chứng rõ nhất là rất nhiều vấn đề đã được trao đổi trên Nội san, nhất là các lỗi đã được rút kinh nghiệm rất cụ thể trong các mục "Trao đổi", mục "Dọn vườn" nhưng vẫn cứ lặp lại đầy rẫy trong các tin, bài được phát, được đăng trong các bản tin, trên các báo của cơ quan. Đơn giản như sự lầm lẫn giữa "giá bán" và "giá thành", giữa công suất điện (W, kW) với lượng điện tiêu thụ (kWh), giữa điện áp (V, kV) với công suất biểu kiến (kVA)... Những lỗi thuộc kiến thức phổ thông và đã được rút kinh nghiệm nhiều lần trên Nội san nhưng phóng viên, biên tập viên vẫn lặp lại cái sai ấy. Điều đó có nhiều nguyên nhân: Hoặc do phóng viên chủ quan không biết tự trau dồi nâng cao trình độ nghiệp vụ, hoặc do sự vô tâm nghe trước quên sau; nhưng có một nguyên nhân khách quan là có ít phóng viên, nhất là phóng viên trẻ được tiếp cận với Nội san.

Mỗi số Nội san dù còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện tính thiết thực của nó như trên đã trình bày; đồng thời nó cũng là sự lao tâm khổ tứ của các cán bộ, phóng viên, BTV Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn, là công sức, tâm huyết của các cộng tác viên, của toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên trong toàn ngành... Tuy nhiên nó lại chưa phát huy được hết tác dụng và hiệu quả của mình thì quả là điều đáng tiếc; và trên phương diện nào đó còn là một sự lãng phí.

Vì vậy, theo thiển nghĩ của tôi, Lãnh đạo ngành và nhất là Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn có thể nghiên cứu, xem xét để tờ Nội san đến được với đông đảo phóng viên, biên tập viên trong ngành, nhất là những phóng viên trẻ để có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể: Có thể mở rộng diện cấp phát hoặc cho phép bán Nội san cho các đối tượng có nhu cầu để vừa tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được với Nội san, vừa tạo điều kiện để Nội san nâng cao chất lượng để phục vụ bạn đọc tốt hơn, hiệu quả hơn. 

Bùi Văn Doanh (Phó Tổng biên tập báo Tin Tức)
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

TTXVN đoạt 5 giải, Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (08/11/2010 10:41:22)

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng 03 (08/11/2010 10:36:54)

Lỷã­t xa gõãưn (08/11/2010 09:21:32)

Những ngày đầu làm truyền hình (08/11/2010 09:19:01)

Các nhà báo TTXVN chiến đấu chống kẻ thù bằng vũ khí riêng là tin tức  (04/11/2010 10:41:00)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp (24/09/2010 14:14:46)

Ánh sáng trong truyền hình (24/09/2010 13:57:04)

Những điều ghi nhận (24/09/2010 09:30:00)

Truýằn thỏằ‘ng là Ä‘iỏằƒm tỏằ±a vỏằ¯ng chỏº¯c cho phÃĂt triỏằƒn  (23/09/2010 17:24:56)

Âm thanh truyền hình (05/08/2010 15:28:49)