Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ánh sáng trong truyền hình


(24/09/2010 13:57:04)

Đôi điều cần biết Đôi điều cần biết Nhiệt độ màu: Khi người ta đem một vật thể đen thuần nhất (vật thể hấp thụ ánh sáng 100%)...

            ..đốt nóng lên thì vật thể đó sẽ phát sáng ra các phổ màu tương ứng với nhiệt độ đốt (nhiệt độ thấp thì có màu đỏ, nhiệt độ cao thì có màu xanh). Nhiệt độ đó được gọi là nhiệt độ màu t0. Nhiệt độ màu được đo bằng độ Kelvin (K).

Nguồn sáng và độ sáng: Khi ánh sáng chiếu vào một vật thể, vật thể đó sẽ hấp thụ một số bước sóng ánh sáng. Phần bước sóng còn lại không được hấp thụ sẽ phản chiếu ra ngoài không gian và tác động đến mắt người. Lúc đó, mắt sẽ nhận những tia phản xạ này rồi phân tích màu sắc và độ sáng của nó.

Trong truyền hình, người ta gọi màu của vật thể là một nguồn sáng màu, vì nếu không có nguồn sáng thì không có màu. Các nguồn sáng màu có độ sáng tối khác nhau. Do đó, khi sắp xếp các vật thể trong một khuôn hình, yêu cầu độ chói giữa các màu trong khuôn hình không được vượt quá mức chênh lệch 15 lần đối với máy thường và 30 lần đối với máy tốt (hiện đại).

 

Một số loại đèn chiếu cho camera video

Có 4 loại đèn chiếu chính:

Đèn Key (Key light) là đèn dùng để tạo ra nguồn sáng chính, chiếu sáng cho chủ thể (đối tượng).

Đèn Fill (Fill light) là đèn phụ dùng để xóa các bóng đổ do đèn chính tạo ra giúp tạo nên tổng thể ánh sáng cho bối cảnh.

Đèn Back (Back light) là đèn sau dùng để chiếu từ trên cao phía sau nhân vật, nhằm vào đỉnh đầu và vai của nhân vật để làm nổi bật nhân vật hay chủ thể.

Đèn Set (Set light) là đèn phông, dùng để chiếu vào phông nền phía sau nhân vật, đẩy hậu cảnh ra xa nhân vật.

           

Các phương pháp chiếu đèn

Dùng một đèn:

Khi chiếu sáng bằng một đèn, không được để đèn quá gần chủ thể vì dễ gây ra hiện tượng dư sáng làm cháy nám nhân vật. Khi chiếu sáng, ánh sáng phải tỏa đều không tập trung. Đối với hình ảnh nghệ thuật cần sử dụng ánh sáng dịu, êm thì ta sử dụng tấm filter (chắn sáng) hoặc chiếu gián tiếp (chiếu vào tường, trần)

Dùng hai đèn:

Gồm có đèn Key và đèn Fill. Nguồn sáng chính sẽ do đèn Key tạo ra, còn đèn Fill sẽ hỗ trợ cho bối cảnh và xóa bóng đổ do đèn Fill tạo ra nhưng đồng thời không tạo ra bóng mới. Vì vậy, cường độ đèn phụ phải thấp hơn đèn chính (hoặc dùng Filter để giảm độ sáng).

Nguyên tắc chung khi chiếu đèn là không chiếu trực diện mà chiếu xéo một góc so với hướng nhìn và so với mặt đất.

Dùng nhiều đèn:

Khi chiếu bằng nhiều đèn thì đèn Key vẫn là nguồn sáng chính chiếu sáng cho chủ thể. Đèn Fill là đèn phụ, xóa bóng và tạo ra ánh sáng bối cảnh làm đầy bối cảnh. Đèn Back sẽ được đặt ở trên cao phía sau nhân vật, rọi vào phần vai và tóc của nhân vật tạo bề nổi cho nhân vật nhưng không được quá sáng để tránh làm mờ khuôn mặt của nhân vật. Đèn Set sẽ rọi vào phông nền phía sau nhân vật nhằm tách phông nền ra khỏi nhân vật, tạo chiều sâu cho cảnh.

Lưu ý: Khi dùng nhiều đèn, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng có bóng. Người ta còn có thể sử dụng các đèn nhỏ để chiếu tập trung vào phần mắt để đặc tả nhân vật.

 

Những điểm lưu ý khi chiếu đèn:

Những vật nhẵn bóng sẽ phản chiếu ánh sáng mạnh hơn những vật nhám, gồ ghề.

Tông màu xanh cho cảm giác lạnh và tông màu đỏ cho cảm giác nóng.

Trong khi chiếu sáng thì luôn lấy màu da làm chuẩn để đo sáng.

Không được sử dụng đèn huỳnh quang hoặc đèn thủy ngân để chiếu sáng cho phim vì phổ tần không phù hợp với nguồn sáng trong camera video.

Phông nền càng trang trí ít màu càng tốt vì nhiều màu quá sẽ bị lem màu.

 

Bảo quản đèn:

Khi di chuyển đèn không được va chạm mạnh nhất là khi đèn còn đang nóng.

Khi cấp nguồn cho đèn phải bảo đảm ổ cắm và dây cáp điện phải được nối chặt. Tuyệt đối không được sờ tay vào đèn đang nóng hoặc nguội vì sẽ làm hỏng lớp hóa chất được nhà sản xuất tráng trên mặt đèn.

 

N.S
Theo Nội san Thông tấn, số 8+9/2010