Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Khỉa lùn huấn phỉng viân ảnh bổ ích


(05/08/2010 15:24:16)

Hàng năm, Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí thường cùng với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn tổ chức các lớp luân huấn cho những phóng viên ảnh mới vào nghề đi khảo sát thực tế, tiếp cận với cách chụp ảnh báo chí.

Tôi đang công tác ở Phòng ảnh tại Cơ quan đại diện TP. Hồ Chí Minh, vừa rồi đã được ra Hà Nội, cùng với 4 phóng viên ảnh khác, dự một lớp luân huấn như thế. Cách dạy và học của lớp học này đã để lại cho mỗi chúng tôi những bài học đáng nhớ và những kỷ niệm khó quên trong thời kỳ đầu làm báo của mình.

 

Lên Tây Bắc...

Theo chương trình học, đúng 6 giờ sáng ngày 16/6, chúng tôi được đi thực tế ở vùng Tây Bắc. Người trực tiếp hướng dẫn mấy lính mới chúng tôi là anh Thanh Hà, phóng viên phòng Văn xã của Ban ảnh. Trên đường đi, chúng tôi được anh Thanh Hà phổ biến chương trình chuyến đi kèm theo lời dặn dò phải theo đúng kế hoạch, nếu không sẽ không kịp thời gian. Đến Sa Pa trời đã tối, chúng tôi tìm chỗ nghỉ để sáng mai bắt đầu công việc.

 

Được tham gia lớp luân huấn về ảnh, bản thân tôi đã học được vô vàn kiến thức cực kỳ bổ ích về nghề báo, về kỹ năng tác nghiệp của một phóng viên ảnh mà khó có nhà trường, sách vở nào dạy được.

 

Sáng ngày 17/6, Trưởng phòng Văn hóa - Du lịch huyện Sa Pa cử Khánh (người dân tộc H’Mông) đưa chúng tôi vào xã Nậm Cang, cách Sa Pa 40 km về phía Đông Nam. Nậm Cang là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nhưng là một vùng đất đầy tiềm năng, thoát nghèo và làm giàu từ cây thảo quả, đặc biệt ở xã có nghề chạm bạc, một nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ. Tây Bắc đang vào vụ cấy lúa nước, cánh đồng lúa bậc thang trải dài, nắng vàng lấp lánh xuyên qua những đám mây rớt xuống những ngọn núi chập trùng, nhấp nhô khiến những phóng viên ảnh rất phấn chấn.

Ngày 18/6, 7 giờ sáng chúng tôi đến xã du lịch Tả Phìn, cách thị trấn Sa Pa 12 km. Xã Tả Phìn là tuyến du lịch cộng đồng với thế mạnh là vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo cùng với nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của đồng bào H’Mông, Dao. Chúng tôi thu thập thông tin và chụp ảnh Nghệ nhân làm trống Lý Phủ Quyện, trạm y tế xã, nghề thêu tay và du lịch cộng đồng... sau đó về Lào Cai để chiều đi Bắc Hà, kịp có mặt tại cuộc đua ngựa Bắc Hà mở rộng...

Sáng 19/6, hàng ngàn khán giả là người dân địa phương, khách du lịch trong và ngoài nước, đã có mặt tại sân vận động thị trấn Bắc Hà, để làm cổ động viên cho hơn 60 vận động viên "kỵ mã" không chuyên của 11 xã trong huyện. Chúng tôi tản ra, mỗi người chọn một chỗ đứng riêng. Tôi chưa chụp các cuộc đua, nên muốn thử sức với nghệ thuật lia máy, thể hiện tốc độ. Tôi chụp say sưa nhưng vẫn chưa thấy ưng ý những gì mình thể hiện. Nắng vùng cao đẹp nhưng rát mặt, biến da tôi thành một màu cà phê sữa...

Ngày 20/6, trước khi trở về Hà Nội, chúng tôi đi chụp chợ phiên Bắc Hà. Mỗi người được cho tự do thể hiện theo sự sáng tạo của riêng mình. Chợ phiên Bắc Hà giàu bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc, có khu mua bán sản phẩm may mặc thủ công, vật lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp của người dân tộc; có góc mua bán gia súc (chủ yếu là ngựa, trâu, bò); rồi chợ ẩm thực với món rượu ngô và thắng cố nổi tiếng của vùng cao. Tôi mê mải chụp trong khung cảnh náo nhiệt của chợ phiên.

 

...Và tới vùng Đông Bắc

Trở về Tổng xã, nhóm chúng tôi được lãnh đạo Ban BT-SX ảnh báo chí yêu cầu đem hết những gì đã chụp ra để nhận xét, góp ý. Sau hai ngày nhận xét kỹ càng từng tác phẩm của từng học viên, rút kinh nghiệm chuyến đi Tây Bắc, chúng tôi được tiếp tục đi luân huấn tới vùng Đông Bắc.

Sáu giờ sáng ngày 23/6, xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi đi Quảng Ninh, người hướng dẫn chuyến đi này là anh Minh Đông, Phó phòng Kinh tế của Ban. Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi đến cảng Cái Lân. Đây là "cơ sở" của anh Minh Đông, vì vậy chúng tôi được lãnh đạo Hải quan tạo điều kiện hết mức để tác nghiệp. Chúng tôi làm việc rất nhanh. Hơn 11 giờ trưa, công việc đã xong, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Công ty tuyển than Cửa Ông và 15 giờ đi tiếp đến cơ sở khác, sau đó đến huyện Đầm Hà lúc chiều buông. Bầu trời Đông Bắc sáng rực với những đám mây ngũ sắc làm tôi mê mẩn, quên đi nỗi mệt của một ngày làm việc, đi lại dưới giữa cái nắng gắt của mùa hè.

Ngày 24/6, chúng tôi tác nghiệp tại hồ chứa nước Hà Động, trên đường đi Móng Cái và vào Trạm kiểm soát Liên hợp km15 - Bến tàu Dân Tiến để khai thác chủ đề hải quan bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu...

Ngày 25/6, chúng tôi làm việc với Biên phòng cửa khẩu Móng Cái. Nhóm chúng tôi say sưa với công việc của mình, mong muốn phản ảnh chính xác về vùng biên sôi động này. Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp cận Trung tâm chợ Móng Cái và được tự do sáng tác. Tôi khẩn trương tìm cho mình một chỗ đứng để chụp toàn cảnh thị xã Móng Cái rồi vội vàng xuống bến Ka Long chụp ảnh bốc xếp hàng hóa xuất khẩu. Ở đây trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp. Cây cầu Ka Long rêu phong cổ kính đã hớp hồn tôi, khiến tôi chụp không biết chán.

Ngày 27/6, chúng tôi thức dậy rất sớm để trở về Hà Nội, kết thúc một chuyến luân huấn. Vừa đi vừa quan sát thực tế, vừa học, vừa hành với sự chỉ bảo tận tình của người hướng dẫn là cách học hiệu quả nhất đối với một phóng viên ảnh còn ít kinh nghiệm như tôi. Những điều tôi học được trong hai chuyến đi thực tế lên Tây Bắc và tới miền Đông Bắc chắc chắn sẽ giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm việc từ nay về sau của mình với vai trò là một phóng viên ảnh thông tấn.

Kim Phượng
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010