Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tác nghiệp ở phân xã nước ngoài:

Vài "kinh nghiệm" mọn


(06/07/2010 13:06:03)

Mấy chục năm theo nghề, ngoài việc làm tin hàng ngày, chưa một lần tôi phải đắn đo hay từ chối bất cứ đề nghị viết bài nào, dù đó là bài đơn lẻ, hay loạt bài theo yêu cầu của các ấn phẩm trong cơ quan, hay báo ngoài, nhưng quả thật, "đơn đặt hàng" lần này của Nội san Thông tấn làm tôi hơi "run", mà không thể từ chối. Run vì sẽ "múa rìu" sao đây trước các bậc "thợ", từng "chiến đấu" đủ nơi, từ tổng xã đến các phân xã, cả trong và ngoài nước.

Vì thế, chỉ xin coi những gì viết dưới đây về cách tác nghiệp ở phân xã nước ngoài (PXNN) như một chia sẻ (tạm gọi là kinh nghiệm) với các đồng nghiệp trẻ, nhất là các bạn chuẩn bị đi thường trú nước ngoài lần đầu, và cũng chỉ dám hy vọng có ai đó gói ghém một vài tâm sự ấy vào hành trang sang xứ người, xem như bài viết đã thành công.

         

            Sẽ không sai khi nói rằng đi PXNN là tới một môi trường công tác khác hẳn với tất cả những gì ta đã quen thuộc trước đó, kể cả ở Tổng xã, lẫn các PX trong nước. Đấy là nơi rất xa lạ về ngôn ngữ, văn hoá, con người, phong tục tập quán, cách thức làm việc,... và đặc biệt rất xa sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo, cho dù bây giờ sự lo lắng về đường truyền đã... xưa rồi. Và nữa, nơi ấy rất cần, đúng hơn là bắt buộc, phải thông tỏ ngoại ngữ (hai, ba hay nhiều hơn càng tốt), am hiểu (bao nhiêu cũng vẫn thiếu) các lĩnh vực của đất nước, khu vực, nơi đặt PX, và cũng đừng quên cập nhật các thông tin trong nước. Ngoài ra, đương nhiên phải có sức khỏe, biết lái xe hơi, hoạt ngôn trong giao tiếp, cùng các tố chất của nhà báo, và cả nhà ngoại giao nhân dân nữa. Được như thế, khi nhận quyết định đi công tác PXNN, chắc sẽ đỡ "run" hơn, nếu không...

            Sang địa bàn mới, nên nhanh chóng tìm hiểu địa phương, làm quen giới báo chí cả nước ngoài và sở tại, đọc sách báo, rồi "lăn" ra chợ, vào khu dân cư, nhà thờ, trường học, v.v.. để biết thêm về lối sống, nền văn hoá, phong tục tập quán của xứ người. Nếu thực sự muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải làm như thế, còn nếu với ai đó, những việc vừa kể là "nói khoác", hay "không tưởng", vì riêng chuyện ổn định giấc ngủ do "lệch múi giờ" đã mất cả tuần, rồi làm quen đường sá lại "xơi" thêm một vài tháng nữa, thì dám chắc hết nhiệm kỳ 3 năm, biết được nước ấy có bao nhiêu dân, mấy chục tỉnh, đã là... giỏi rồi, mơ đâu đến chuyện trở thành chuyên gia (tạm gọi như thế) về nơi ấy.

            Một trong những thước đo cuối cùng đối với một phóng viên ở nước ngoài là số tin, bài (cả âm thanh và hình ảnh) ta làm được, trong đó, chất lượng bao giờ cũng được chú ý nhiều hơn. Để có được những tin, bài "đúng" và "trúng", theo tôi, ngay từ khi mới sang, ta phải biết rõ đâu là những vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước ấy, khu vực ấy, đang được ở nhà quan tâm, rồi suốt nhiệm kỳ, ta cứ "xoáy" vào nó (tất nhiên, các vấn đề ấy có thể thay đổi, mất đi, hay thêm cái mới). Thí dụ, ở Trung Đông "của tôi", nó là: Xung đột dân tộc, tôn giáo; lợi ích, mâu thuẫn và sự chi phối của các nước lớn; khả năng chiến tranh, hòa bình; Quan hệ liên Arập hay vấn đề hạt nhân,... Ngoài ra, chúng tôi vẫn thường xuyên có những bài viết đơn lẻ, hay loạt bài về đời sống văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán, danh thắng, v.v của vùng ấy cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả.

 

Phóng viên phải thể hiện cho được sự có mặt tại chỗ của mình ở nước sở tại, và đấy mới là cái mà lãnh đạo ngành mong muốn, yêu cầu khi cử phóng viên đi thường trú ở nước ngoài.

 

            Khả năng cảm nhận, thu thập thông tin thực địa khi làm việc ở nước ngoài là điều rất quan trọng, để từ đó ta mới có được những tin bài phân tích chuyên sâu hay dự báo tình hình một cách hấp dẫn nhất, sát thực nhất. Thế mạnh này dường như chỉ thuộc về những ai có mặt tại chỗ và rất say mê, dám lăn xả với công việc. Để làm được như thế, phải giao du rộng, quen biết nhiều tầng lớp xã hội nước sở tại, không sợ khó khăn, kể cả nguy hiểm, và chỉ như thế mới có thể đi được nhiều để biết lắm thứ, rồi mới có cái để viết tin, làm bài hoặc tin âm thanh, hình ảnh cho Trung tâm Nghe nhìn (nay là Trung tâm Truyền hình Thông tấn) của ta hoặc VTV, VOV, chứ nếu chỉ chăm chăm vào "xào xáo" mạng này, tạp chí kia, e rằng các đồng nghiệp ở Tổng xã sẽ làm nhanh hơn ta, tốt hơn ta. Tôi vẫn nhớ như in lần tự lái xe (cũ nát lắm) vượt hơn nghìn cây số đến tỉnh Al-Menya, sào huyệt của Tổ chức "Anh em Hồi giáo" đối lập ở Ai Cập. Ba ngày ở đấy, cảnh sát không rời tôi một bước, nhưng chỉ để bảo đảm an ninh (miễn phí), tuyệt nhiên không "nhúng" vào việc tác nghiệp, để rồi tôi có được những tư liệu rất quý về lực lượng này, hiểu biết thêm về chính trường nước sở tại, giúp ích nhiều cho công việc lúc ấy và cả bây giờ lẫn về sau nữa.

            Ở đâu cũng vậy, để "moi" được thông tin của người khác là cả một "nghệ thuật", và xin đừng quên câu tục ngữ "Ông có chân giò, bà thò nậm rượu". Để các cuộc tiếp xúc, lấy tin có hiệu quả, nhất là thông tin từ các đồng nghiệp, xin đừng đánh xe đi khi mình không có gì để nói với người ta, hoặc không biết nói chuyện gì với họ. Muốn thế, cần tìm hiểu cặn kẽ về một vấn đề nào đó, ít ra ta cũng phải nắm 70-80% về nó, rồi qua những câu chuyện trao đi, đổi lại, người đối thoại "cho" ta thêm phần còn lại, thế đã là may lắm rồi. Ngay những thông tin về đất nước mình cũng thế, trước mỗi cuộc tiếp xúc, nên cập nhật tối đa, vì biết đâu đấy, người đối thoại, có thể vì xã giao, hoặc do nhu cầu có thật, muốn tìm hiểu về Việt Nam, và trên thực tế, tôi đã gặp rất nhiều người như thế, nếu không trả lời được, sẽ rất... ngại, để rồi họ sẽ nghĩ... đủ thứ về ta, và chắc chắn không muốn "thò" ra cái gì cả. Nói đến đây, lại nhớ chuyện hồi 1986, tôi và anh bạn bên Ban Đối ngoại Trung ương, làm việc trong Đại sứ quán nước ta ở Xyri, đến tặng quà ông chủ bút tờ Tishreen (Tháng Mười), rất quý Việt Nam, nhân ngày Quốc khánh của họ. Đang vui chuyện, bỗng dưng ông ta cao hứng hỏi tên gốc của cây cầu thép do Pháp xây dựng qua sông Hồng ở Hà Nội. Quả thật, trước đấy tôi đã biết, nhưng bị "dồn" bất ngờ, không thể nào nhớ được, ngoài cái tên Long Biên, chỉ đủ để ông, vì phép lịch sự, ậm ừ cho xong. Thế rồi, về đến gần ĐSQ (hồi ấy hai bên ở chung), tôi mới kêu ầm lên trong xe cái tên Đu-me (Doumer). Vừa xấu hổ vừa tiếc, song âu cũng là bài học nhớ đời, nhất là những khi hành nghề ở nước ngoài.

            Tất nhiên, ít dòng vừa kể so với những hoạt động rất đa dạng của một phóng viên thường trú ở nước ngoài, như cách nói của người Ai Cập, chỉ như giọt nước trên sông Nin, song do khuôn khổ bài báo có hạn, xin tạm dừng, và rất sẵn sàng chia sẻ tiếp nếu được các Quý đồng nghiệp trẻ ưu ái đọc đến tận dấu chấm hết này.

Phạm Phú Phúc
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bước bứt phá lên mô hình Tập đoàn truyền thông quốc gia (06/07/2010 13:04:12)

Tiếp lửa truyền thống anh hùng (08/06/2010 09:49:22)

Danh sách Ban chấp hành Liên chi hội nhà báo ttxvn khóa vi (2010 - 2015) (08/06/2010 09:19:35)

Vì mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh (12/05/2010 11:42:56)

Cả 4 thể loại đều có giải A (08/04/2010 10:44:03)

BCH Liên chi hội nhà báo họp hội nghị mở rộng (08/04/2010 10:40:56)

Toàn cảnh về một thế giới bất ổn (08/04/2010 10:21:16)

Một vài tiêu chí cơ bản về BỐ CỤC HÌNH ẢNH (08/04/2010 10:18:16)

Khung Chương trình dự kiến của TRUYỀN HÌNH THÔNG TẤN (08/04/2010 10:16:21)

LƯỢNG THUÊ BAO TUY CHƯA NHIỀU NHƯNG RẤT KHẢ QUAN (08/04/2010 10:09:55)