Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một vài tiêu chí cơ bản về BỐ CỤC HÌNH ẢNH


(08/04/2010 10:18:16)

Bố cục hình ảnh là sự sắp xếp các thành phần hình ảnh trong một khuôn hình để tạo nên một tổng thể hài hòa, cốt yếu làm nổi bật chủ đề (đối tượng). Bố cục hình ảnh dựa vào đường nét hình ảnh, biểu mẫu có tính đặc trưng mà con người đã thấy hoặc biết.

            1. Bố cục đường nét:

            Trong bố cục hình ảnh thì bố cục đường nét là đơn giản nhất. Đó là những đường viền quanh các vật thể, các khung cảnh hoặc dùng tưởng tượng trong không gian. Mỗi đường nét bố cục mang một ý nghĩa riêng:

            Thẳng đứng là những đường viền quanh vật thể trong một khuôn hình. Những vật thể, khung cảnh mang dáng dấp thẳng đứng có ý nghĩa tượng trưng gợi ý về sức mạnh, sự trang nghiêm;

            Đường cong nhẹ có độ nét mỏng và mờ, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự dịu dàng, nữ tính;

            Đường cong mạnh có độ nét dầy và in rõ, gợi ý cho sự vui tươi, mạnh mẽ;

            Đường cong dài mang ý nghĩa cho sự yên tĩnh, nghỉ ngơi, sự trầm lặng;

            Đường chéo đối nhau mang ý nghĩa tượng trưng cho sự xung đột, hỗn loạn, mất trật tự;

            Đường tam giác cân biểu tượng cho sự vững chắc.

 

            2. Sắc điệu (tone) và độ tương phản (contrast):

            Những cảm xúc của người xem được tạo nên do phần lớn ảnh hưởng của những sắc điệu (tone màu) và độ tương phản đậm nhạt khác nhau giữa những vật thể - khung cảnh - màu sắc.

            Sắc điệu sáng tạo cảm giác vui vẻ nhẹ nhàng;

            Sắc điệu tối cho cảm giác nặng nề ảm đạm;

            Độ tương phản rõ ràng làm nổi bật lên hình ảnh chủ thể với cảm giác cô đơn, lạnh lẽo;

            Độ tương phản mờ nhạt khiến chủ thể có khối dạng không rõ nét so với nền xung quanh, gợi cảm giác u buồn, huyền bí, thiếu sức mạnh.

 

            3. Sự cân bằng hình ảnh:

            Tạo cho người xem cảm giác ổn định, dễ chịu. Sự cân bằng phụ thuộc vào những yếu tố sau:

            Vị trí vật thể: Hình ảnh bên phải màn hình tác động vào người xem mạnh hơn bên trái; ở phía trên màn hình mạnh hơn ở phía dưới (có hấp lực hơn với thị giác người xem);

            Màu sắc vật thể: màu nóng (đỏ, cam) mạnh hơn màu lạnh (xanh, tím);

            Kích cỡ hình ảnh: Vật thể có kích cỡ lớn hơn sẽ mạnh hơn vật thể nhỏ;

            Hình dạng vật thể: Vết chân tròn in trên cát (của anh thương binh chống nạng) sẽ gây chú ý hơn so với dấu chân bình thường.

 

            4. Thẩm mỹ trong khuôn hình:

            Trong truyền hình, cần nhớ quy luật 1/3. Theo đó, khuôn hình được chia thành ba phần đều nhau:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

            Ta gọi bốn đường trong hình là các đường mạnh. Bốn điểm giao nhau của các đường gọi là bốn điểm mạnh. Không bao giờ chia khuôn hình thành hai phần đều nhau như một số người vẫn nghĩ.

Khi nhân vật nghiêng đầu nhìn về phía nào, ta phải để không gian trống ở phía đó (gọi là looking room);

            Không cắt cúp hình nhân vật ở các khớp nối của cơ thể như mắt cá chân, cùi chỏ, đầu gối (xin xem bài "15 khuôn hình của truyền hình", Nội san Thông tấn số 12/2009);

            Không để những vật thập thò ló vào khuôn hình;

            Không để nhân vật đạp hoặc ngồi trên khuôn hình. Không để cây mọc trên đầu nhân vật hoặc những góc cạnh của hậu cảnh đè lên đầu nhân vật;

            Tiền, trung, hậu cảnh phải có đủ trong khuôn hình;

            Lưu ý: Góc chính diện rất khó có hậu cảnh, thường phải lấy theo góc xéo, trung cảnh sẽ là chủ thể. Nếu quay không khéo thì tiền và hậu cảnh sẽ phá rối khuôn hình.

Theo Nội san Thông tấn, số 3-2010