Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Học xong thấy tự tin hơn


(08/02/2010 16:14:05)

Ngày đầu tiên của lớp học "Nâng cao kỹ năng viết báo hiện đại" tổ chức ở Cơ quan đại diện TP. Hồ Chí Minh, khi thấy Ban phụ trách lớp chuẩn bị bút màu, giấy, báo, sách ảnh, một số phóng viên đã rất ngạc nhiên. Thậm chí cách bố trí chỗ ngồi với bảng tên rõ ràng từng người cũng tạo ra tâm lý khá căng: lớp học sao giống chỗ họp hành!

Có học viên còn nghĩ là học báo chí hiện đại thì phải phát cho mỗi người một máy vi tính xách tay để xài thì mới đúng. Thế nhưng chỉ qua vài giờ, không khí lớp học đã sôi động với bài mở đầu về "8 yếu tố cần thiết viết tin hiện đại" đầy tính thuyết phục của PGS. TS Vũ Quang Hào. Hai ngày học làm báo theo xu hướng hiện đại trôi qua thật nhanh. Nhiều "mẹo mực" trong cách làm tin, làm bài hiện đại đã được giảng viên tận tâm chia sẻ một cách thấu đáo. Anh Phan Văn Đông, Trưởng phân xã Lâm Đồng, phóng viên thuộc diện có nghiệp vụ chắc tay đã bộc bạch rằng đây là lớp học chất lượng cao, rất thiết thực đối với phóng viên phân xã.

            Lớp học về sản xuất tin, phóng sự truyền hình được tiếp nối. Thầy Vũ Quang Hào đảm trách phần dạy về kỹ thuật viết cho truyền hình, phương pháp tư duy hình ảnh. Những chuẩn mực của nghiệp vụ làm báo hình được giảng viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần với câu nói rất chân tình: Các bạn là những phóng viên truyền hình thông tấn, vì vậy ngay từ đầu phải có tư duy về những quy tắc và nguyên tắc của báo hình, về chuẩn mực của kênh "CNN Việt Nam".

            Chuyển sang phần thực hành quay phim, dựng phim và chọn chủ đề và tiến hành làm tin, phóng sự truyền hình, chúng tôi được tiếp cận với giảng viên, nhà báo Nguyễn Văn Vinh, người trực tiếp tham gia kíp phát hình đầu tiên của Đài truyền hình Việt Nam, hiện là phóng viên truyền hình của Reuters tại Việt Nam.

 

 

Sau những giờ học chất lượng cao, một tư duy mới về báo chí hiện đại, kỹ năng làm thông tin truyền hình đã được xác lập với một niềm tin: các phóng viên phân xã sẽ tạo ra những sản phẩm thông tin chất lượng cho ngành.

 

 

            Không nói nhiều, nhưng đã giải thích thì học viên phải tâm phục khẩu phục, đó là "lối dạy" của phóng viên truyền hình dày dạn kinh nghiệm này. Ngoài những trang thiết bị truyền hình thuộc loại chất lượng, thầy Vinh còn mang đến lớp và truyền cho học viên niềm say mê nghề nghiệp.

            Hai ngày làm quen với máy quay phim, cùng chương trình dựng phim, một số học viên đã ngứa chân ngứa tay muốn thực hành ngay. Lập tức ba đề tài khác nhau được thầy Vinh giao cho ba nhóm là: Tham lam, Kẻ cắp, Sảng khoái. Nhóm trưởng nhóm I là anh Văn Sơn, Trưởng phân xã Đà Nẵng, bốc thăm được chủ đề "Kẻ cắp"; nhóm II do anh Lê Hiền, Trưởng phân xã Trà Vinh làm trưởng nhóm bốc thăm được chủ đề "Sảng khoái"; nhóm III của anh Đoàn Mạnh Dương, Trưởng phân xã Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đề "Tham lam".

            Để thực hiện các chủ đề, cùng với việc vận dụng bài giảng của thầy Vũ Quang Hào về tư duy hình ảnh một cách kỹ càng thì việc phối hợp các thành viên trong nhóm rất quan trọng. Sau một ngày thực hiện, với chi phí không nhỏ cho các buổi cà phê trước cổng Cơ quan đại diện cũng như bố trí cảnh ăn uống tại căn-tin, các thành viên nhóm I và III vẫn loay hoay với những khuôn hình và phân cảnh. Nhóm II nhờ có sự phân công rõ ràng theo đúng bài bản đã học nên nhanh chóng hoàn thành sản phẩm "Sảng khoái". Khi trình chiếu, cả lớp đã nhất trí đề cử "Sảng khoái" đứng vị trí số 1.

            Điều mà chúng tôi học được nhiều nhất là ý kiến nhận xét hết sức sắc sảo về bố cục, ánh sáng, tư duy logic của hình ảnh. Đây là cơ sở để học viên tiến lên nấc thang cao hơn: Làm bài tập về phóng sự truyền hình. Ba chủ đề thời sự lại được thầy Vinh giao cho ba nhóm: Nhóm I đi làm về du lịch TP.HCM cuối năm; nhóm II không khí chuẩn bị đón Giáng sinh; nhóm III (được thầy trực tiếp đi cùng) xuống một cơ sở nung lò đất ở ven đô.

            Lần này, kỹ năng làm việc theo nhóm đã được thể hiện nhuần nhuyễn hơn. Mỗi thành viên các nhóm được chủ động đề xuất kịch bản, được tự quay lại cảnh theo ý tưởng của mình miễn sao không xa chủ đề được giao. Có nhóm đã thức cả đêm để dựng hình và đọc lời bình. Kết quả trình chiếu ba sản phẩm phóng sự cho thấy chất lượng quay phim đã khá hơn, tư duy hình ảnh bài bản, sắc nét hơn. Phóng viên tham gia lớp học phấn khởi và tự tin rằng có thể thực hiện được ngay thông tin truyền hình nếu được trang bị máy quay kịp thời. Thậm chí nhiều phóng viên còn chủ động đề nghị được cài đặt phần mềm Avid Liquid để thực hành trước cho nhuần nhuyễn kỹ năng dựng phim trong khi chờ cơ quan trang bị máy quay.

Giáng Thăng
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên phân xã học làm truyền hình (08/02/2010 16:11:33)

Động tác máy trong truyền hình (08/02/2010 16:02:24)

Tin thời sự trong nước đã có chuyển biến rõ nét (08/02/2010 15:56:51)

Một số nhà báo tuổi Canh Dần (08/02/2010 15:39:33)

15 khuôn hình của truyền hình (04/01/2010 11:10:06)

Quan hệ giữa hình ảnh và lời thoại trong truyền hình (04/01/2010 11:03:13)

Chúng tôi làm tinâẠẩ di động (04/01/2010 11:01:31)

Cải cách công tác tham mưu và tổng hợp, một đòi hỏi cấp thiết (04/01/2010 10:57:26)

Phân xã Kiên Giang thông tin tốt, nhưng chưa ấn tượng (04/01/2010 10:55:59)

PHÁT ĐỘNG GIẢI BIẾM HỌA BÁO CHÍ VIỆT NAM LẦN 2- CÚP RỒNG TRE (27/11/2009 10:19:56)