Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chúng tôi làm tinâẠẩ di động


(04/01/2010 11:01:31)

Dù còn không ít khó khăn trong thời gian đầu triển khai dịch vụ, thông tin di động, nhưng chúng tôi luôn tin rằng con đường TTXVN đang đi là đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển thông tin. Đây chính là cơ hội lên ngôi của Ngân hàng thông tin thông tấn với các tiện ích dữ liệu và dịch vụ nội dung phong phú, đa dạng vốn có.

            Mọi thứ bắt đầu trong sự ngỡ ngàng khi chúng tôi được cử tham gia buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất tin cho mạng điện thoại di động, cụ thể là nhà mạng MobiFone. Là những biên tập viên đã có 5-10 năm kinh nghiệm làm báo, nhưng quả thực chúng tôi thấy mình bắt đầu từ con số 0 khi tiếp cận mảng dịch vụ thông tin mới này.

            Chuẩn bị cho buổi tập huấn, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu qua bạn bè về dịch vụ nội dung số của điện thoại di động. Hầu như tất cả đều nhìn nhận đây là dịch vụ kinh doanh giải trí, đơn thuần cung cấp các kiểu nhạc chuông, hình nền, games, hay tiêu cực hơn là thông tin để cá độ bóng đá, dự báo kết quả sổ xố... Bản thân chúng tôi rất mù mờ về những dịch vụ này và càng lạ lẫm hơn khi được biết sẽ phát những tin tức chính thống của TTXVN lên các mạng di động.

            Sau buổi tập huấn, chúng tôi bắt tay làm thử nghiệm cho dịch vụ LiveInfo của MobiFone. Lo lắng nhiều nhưng háo hức cũng không kém. Có nhiều lý do: Đây là kênh thông tin hoàn toàn mới, hình thức thể hiện, đối tượng khách hàng khác xa những gì đã làm quen thuộc nhiều năm qua, vì vậy không thể không có sức ép. Nhưng chính cái mới, cái lạ, cái thách thức đó lại là yếu tố hấp dẫn chúng tôi.

           

            Để khách hàng chịu bấm phím "OK"

            Toàn bộ nội dung là tiếng Việt không dấu, dài tối đa 450 ký tự, tít tin tối đa 13 ký tự, đó là những quy định cơ bản, bất di bất dịch của dịch vụ LiveInfo. Chính vì vậy mà chuyện "vò đầu bứt tai" để cho ra những cái tít vừa đúng quy định kỹ thuật, lại phải truyền tải được thông tin để khách hàng ít nhất biết mình sẽ được nhận sản phẩm gì, là điều thường thấy khi chúng tôi làm tin cho "dế yêu". Nhiều khi phải nhắm mắt mường tượng xem từ ngữ mình chọn có khiến mọi người hiểu sai hay không, và rồi cũng nhiều lúc tủm tỉm một mình khi phát hiện những tình huống rất "ý nhị" về ngôn ngữ.

            Nếu như trong nội dung bản tin chúng tôi phải hết sức cắt gọt để được một sản phẩm ngắn gọn, súc tích, thì để mã hóa nó, đưa lên mạng gửi tới khách hàng, chúng tôi lại phải trải qua vô số thao tác mà ban đầu chưa quen, khâu này hao tốn của chúng tôi không ít thời gian. Những ca làm việc ban ngày tỉnh táo thì không sao, chứ ca đêm nhiều khi "lơ mơ" bấm nhầm trình tự một chút thôi là lại phải "dò dẫm" từ đầu.

            Những điều kể trên mới chỉ là những vướng mắc đơn thuần về mặt kỹ thuật, khó tránh khỏi khi bắt tay vào bất cứ dịch vụ mới nào. Khó khăn lớn nhất chúng tôi phải vượt qua đó là "đổi mới tư duy" cho phù hợp với những yêu cầu, đặc thù riêng của dịch vụ mới. Tin tức phát cho mạng di động tuân theo quy luật của thị trường: Cung cấp cái người sử dụng cần chứ không thể chỉ bán cái mình có. Ngoài đòi hỏi tin phải hấp dẫn, nóng hổi, yếu tố thiết thực, hữu ích cho đời sống phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy, khách hàng mới chịu bấm phím "OK", cũng tức là bỏ tiền túi ra mua thông tin của mình trong khi họ có thể tiếp cận miễn phí hàng loạt nguồn thông tin khác. Để rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ, hàng ngày chúng tôi đều theo dõi sát lượng truy cập từng tin, qua đó nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Còn nhớ một kỷ niệm vào những ngày đầu làm quen với dịch vụ LiveInfo: hôm đó, cả nhóm cùng "ồ" lên khi kiểm tra báo cáo truy cập thấy tin Điển hình kinh doanh giỏi hay tin Mỹ có thể ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên có lượng truy cập rất thấp, trong khi tin Cháy kho sơn Gia Lâm hay Xăng sắp tăng giá lại vô cùng "hút khách".

           

            Sự cố mạng, tin nóng thành tin "ôi"

            Được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, cùng sự động viên nhiệt tình của các đồng nghiệp, chúng tôi đã nhanh chóng làm quen với công việc mới và dần dần thấy tự tin hơn. Lúc nào cũng tâm niệm rằng chỉ cần cố gắng, nỗ lực, bảo đảm nội dung thật tốt, chất lượng tin thật hay, tít đặt hấp dẫn là sẽ có truy cập cao. Tuy nhiên, trải nghiệm rồi mới hiểu thêm cần nhiều điều khác nữa khi triển khai một loại hình dịch vụ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thông tin di động.

            Một hôm, làm xong ca đêm và phát tin vào 6h00 sáng, Nam ung dung đi ăn sáng, an tâm mình đã kịp gửi tin tới khách hàng đúng "khung giờ vàng". 8h00 về kiểm tra hệ thống truy cập mới tá hỏa: mạng phát lên toàn tin cũ từ hôm trước, tuyệt nhiên không thấy cái tin mới nào cả. Vội vã báo sang đầu mối MobiFone, chờ kỹ thuật bên đó kiểm tra mới biết máy chủ quá tải, không tải được file mới nên đến giờ cứ tự động phát lại nội dung cũ. Lúc này, các nhà cung cấp nội dung khác cũng dồn dập phản ánh về MobiFone. Thế mới thấy máy móc hiện đại cũng "hại điện" thật. Chờ kỹ thuật khắc phục được thì đã mất quá nửa ngày, qua mất cả hai "khung giờ vàng". Chuyện trục trặc kỹ thuật như vậy không phải hiếm. Nhiều hôm, từ sáng tới trưa chỉ thấy nhúc nhích được vài lượt truy cập, liên lạc với đầu mối MobiFone, họ nhẹ nhàng trả lời: "Không phải do bên TTX đâu, do vấn đề kỹ thuật nên nhà cung cấp nội dung nào cũng bị tình trạng như vậy". Lý do chính là gần chục trạm phát của MobiFone gặp sự cố, đang phải sửa chữa, nên không gửi được tin đến cho khách hàng. Những lúc như vậy, chúng tôi tiếc công sức mình thức đêm làm thì ít mà day dứt vì "lỗi hẹn" với độc giả thì nhiều.

           

            Vẫn tin và hy vọng

            Rộn rã vui vì được tham gia một kênh thông tin đa phương tiện hoàn toàn mới, góp phần tạo ra những "giá trị mềm" làm tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mạng di động, đó là tâm trạng chung của cả nhóm chúng tôi, dù phải đều đặn hàng đêm ôm chăn gối lên cơ quan làm tin. Ba tháng tập dượt vừa qua, những điều chúng tôi rèn luyện được nhờ làm tin di động thật không ít, đó là tính chủ động trong công việc, linh hoạt trong ứng phó khi xảy ra các sự cố; tinh thần phối hợp làm việc nhóm; kỹ năng theo dõi, báo cáo thường kỳ hiệu quả công việc... Đến nay, chúng tôi không còn bị bó hẹp trong mảng tin thế giới mà đã mở rộng làm quen với mảng tin trong nước, có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn các vấn đề kinh tế để đưa tin thị trường hàng ngày, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

            Dù còn không ít khó khăn trong thời gian đầu triển khai dịch vụ, nhưng chúng tôi luôn tin rằng con đường chúng ta đang đi là đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển thông tin. Số liệu thống kê của MobiFone năm 2009 cho thấy có tới 70% thuê bao có nhu cầu sử dụng các dịch vụ nội dung, và 23% trong số này sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ. Nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền điện thoại di động được coi là tương lai của viễn thông, đặc biệt khi dịch vụ 3G phát triển mạnh. Đây chính là cơ hội vàng để các tiện ích dữ liệu, các dịch vụ nội dung lên ngôi. Và với vị thế là một hãng thông tấn nhà nước, một ngân hàng thông tin đồ sộ, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này.

                       

Dịch vụ LiveInfo

 

            Dịch vụ LiveInfo tự động gửi thông tin đến điện thoại di động dưới dạng tiêu đề tin hiển thị ngay trên màn hình. Sau 20 giây nếu không được đọc, tin sẽ tự động mất đi để nhường chỗ cho những dòng tin tiếp theo. Phương thức hoạt động của LiveInfo khá đơn giản. Khách hàng sẽ nhận được một tiêu đề tin trên màn hình điện thoại của mình khi điện thoại ở chế độ rỗi. Để đọc nội dung bản tin hoặc tải các nội dung liên quan, khách hàng bấm Chọn/OK. Lúc đó, điện thoại sẽ hiển thị một danh mục thông tin nhỏ gắn với tiêu đề tin vừa được phát với nhiều lựa chọn cho khách hàng như đọc chi tiết bản tin, tải âm thanh và hình ảnh, tin tức có liên quan tới bản tin này hay nhận bản tin tiếp theo.

            Thông tin trên LiveInfo được phát từ 7h30 sáng đến 11h đêm. Để sử dụng LiveInfo, khách hàng cần sử dụng SIM đã tích hợp sẵn dịch vụ LiveInfo của MobiFone, hoặc truy cập vào trang web của MobiFone để tải phần mềm dịch vụ LiveInfo về máy (đối với những máy dùng hệ điều hành Symbian).

 

Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cải cách công tác tham mưu và tổng hợp, một đòi hỏi cấp thiết (04/01/2010 10:57:26)

Phân xã Kiên Giang thông tin tốt, nhưng chưa ấn tượng (04/01/2010 10:55:59)

PHÁT ĐỘNG GIẢI BIẾM HỌA BÁO CHÍ VIỆT NAM LẦN 2- CÚP RỒNG TRE (27/11/2009 10:19:56)

TRAO GIẢI CUỘC THI ẢNH "VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI" (27/11/2009 10:17:32)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)

10 giờ tác nghiệp cho 2 phút tivi (27/11/2009 09:16:43)

ĐỊNH HÌNH MỘT HƯỚNG ĐI (27/11/2009 09:05:39)

Học nghề và rèn nghề (27/11/2009 08:49:14)

Phát động cuộc thi viết "Người Việt yêu hàng Việt" (15/10/2009 16:40:54)

Văn hóa công sở (15/10/2009 16:24:37)