Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Học nghề và rèn nghề


(27/11/2009 08:49:14)

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, để cạnh tranh thông tin đòi hỏi nhà báo phải có tư duy thông tin nhanh, phản xạ nghề nghiệp linh hoạt. Đối với nhà báo của một hãng thông tấn quốc gia, các yêu cầu trên càng trở nên cấp thiết. Tin phát ra mà không nhanh, không liên tục cập nhật, mang tính định hướng dư luận và không hấp dẫn thì làm sao có được khách hàng. Khách hàng truy cập ít (và sau này là tỷ lệ người xem truyền hình thông tấn thấp), đồng nghĩa với việc sức lan tỏa của thông tin TTXVN chưa cao.

            Nhưng để làm được tin nhanh, lại trúng và có sức hấp dẫn trong hiện thực ngồn ngộn thông tin như hiện nay quả là điều không hề đơn giản. Khó nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Nếu quyết tâm học và thường xuyên luyện nghề, rèn nghề, cộng thêm với niềm đam mê nghề nghiệp thì tin chắc rằng sẽ thành công. Người viết bài này được biết có nhà báo buổi đầu chỉ có lòng đam mê nghề, không hề học báo, nhưng quá trình rèn luyện thực tế và tự học ngoại ngữ từ các lớp buổi tối, đã vươn lên là tổng biên tập một tờ báo đối ngoại hàng đầu Việt Nam.

            Nói chuyện gần hơn. Không ít nhà báo trẻ ở TTXVN dù được phân công làm việc ở những vị trí khá tốt nhưng không vì thế mà tự bằng lòng, vẫn liên tục tự tìm kiếm những cơ hội để học tập, vươn lên. Có nữ nhà báo con còn nhỏ, nhưng tìm kiếm được học bổng, vẫn quyết tâm gửi con cho ông bà chăm sóc, đi nước ngoài tu nghiệp thêm nghề nghiệp. Có bạn vừa đi làm vừa tranh thủ học thêm buổi tối, chỉ mới 5 năm làm việc, đã tự trang bị cho mình được hai tấm bằng đại học các chuyên ngành khác: "Em đi học không phải lấy tấm bằng để khoe mẽ hay là để đánh bóng tên tuổi đâu. Quan trọng là bây giờ em đã hiểu khá kỹ càng về lĩnh vực kinh tế-tài chính-chứng khoán. Em cảm thấy tự tin rất nhiều khi được ban biên tập phân công theo dõi lĩnh vực này", một bạn trẻ tâm sự.

            Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đã mở khá nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo lại về nhiều lĩnh vực khác nhau cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức trong ngành. Có những lớp để phục vụ cho tiêu chuẩn ngạch bậc, có lớp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực (lớp cao cấp chính trị tại chức, lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính); có lớp lại là thực hiện các yêu cầu đa dạng của các đơn vị trong ngành... Trong đó, việc mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại về nghiệp vụ cho đội ngũ PV, BTV-lực lượng nòng cốt của TTXVN luôn được Trung tâm chú trọng nhất.

            Nhưng, quan sát về sự học của các công chức trẻ thông tấn mới thấy còn nhiều điều phải suy ngẫm. Có những lớp (mà chúng tôi biết), Trung tâm đã cân nhắc rất kỹ về nội dung, chương trình học tập, mời giảng viên thuộc tốp đầu trong làng báo Việt Nam giảng dạy. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan cũng duyệt rất cặn kẽ nội dung, chương trình, giảng viên... của các lớp rèn luyện, nâng cao về kỹ năng nghề báo. Rất tiếc vẫn có những đơn vị, những PV, BTV không mấy mặn mà hợp tác: Cử cán bộ đi học không đúng đối tượng và vẫn giao việc, phân công trực cho người đi học; học viên thái độ học tập chểnh mảng, thiếu tập trung... Tất nhiên đây không phải là số nhiều. Nhưng những chuyện tưởng chừng như nhỏ ấy lại có tác động rất lớn đến chất lượng của một khoá học.

            Hiệu quả của sự học đâu có đến ngay tắp lự. Mỗi ngày một chút, một chút, kiến thức ngấm vào trong ta, như phù sa bồi đắp dần thành bãi. Mỗi nhà báo chúng ta phải luôn ý thức được rằng học nghề, luyện nghề và rèn nghề sẽ không bao giờ là đủ trong hành trình tác nghiệp của mình, nhất là trong thời điểm hiện nay, TTXVN đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa các loại hình thông tin, càng đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ viết giỏi mà còn cần chụp ảnh tốt, làm tin truyền hình, tin âm thanh nhanh và hấp dẫn.

            Muốn làm tốt, tất nhiên phải học!

Đức Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phát động cuộc thi viết "Người Việt yêu hàng Việt" (15/10/2009 16:40:54)

Văn hóa công sở (15/10/2009 16:24:37)

Là phụ nữ có thiệt thòi chăng? (15/10/2009 16:22:37)

Bản tiếng Nhật, một trong các bản báo được truy cập nhiều nhất (15/10/2009 16:19:11)

Chất xúc tác giao lưu văn hóa và gắn kết các dân tộc trên thế giới (15/10/2009 16:17:11)

Viết cho độc giả nước ngoài còn khó hơn (15/10/2009 16:15:24)

Một chuyến Tây Giang (15/10/2009 16:10:42)

"ThÃƠng tin ẢỔáỪỔi ngoáỨắi cáỨận mang hẳắi tháỪỲ cuáỪỎc sáỪỔng ẢỔẳồẳắng ẢỔáỨắi" (15/10/2009 16:01:03)

Báo Thể thao&Văn hoá: "Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ hai" (05/10/2009 11:03:04)

Sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí (05/10/2009 10:30:37)