Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Là phụ nữ có thiệt thòi chăng?


(15/10/2009 16:22:37)

Sắp qua 15 năm làm việc trong một tập thể với gần 80% là nữ, tham gia công tác đoàn thanh niên, mỗi ngày tôi càng hiểu thêm rằng để làm được những công việc ở cơ quan, tham gia các hoạt động xã hội thì phụ nữ phải có sự nỗ lực hơn rất nhiều.

            Tay xách nách mang một lô những túi đựng hàng, chị H.G nhễ nhại mồ hôi đi bộ từ Cung Hữu Nghị về cơ quan, rồi cặm cụi xếp sắp vào chiếc xe máy để trong hầm xe cơ quan. Thấy tôi, giữa trưa mùa hè nắng chói chang mà chị cười rạng rỡ: "Tranh thủ giờ nghỉ trưa đi mua ít đồ cho cả nhà ở Triển lãm hàng Thái Lan, mải làm triển lãm đóng cửa lúc nào không hay thì tiếc lắm. Hàng ở đây vừa rẻ lại vừa đẹp!".

            Rồi vẫn chị đồng nghiệp ấy, một biên tập viên của Ban Biên tập tin Đối ngoại, cuối giờ làm buổi chiều tôi gặp lại, thấy duyên dáng trong tà áo dài, chị cười, giải thích: "Tranh thủ đi tập văn nghệ một lúc bên 11 Trần Hưng Đạo để chuẩn bị cho ngày 20/10 đấy". Tôi đùa: "Về cơm cháo cho chồng con đi, đừng có trốn việc nhà đi văn nghệ văn gừng nhé". "Sáng dậy sớm hơn mọi ngày nửa tiếng rồi, tranh thủ chuẩn bị luôn cả bữa tối, lát về nấu một loáng là xong thôi", chị  thanh minh.

            Sắp qua 15 năm làm việc trong một tập thể với gần 80% là nữ, tham gia công tác đoàn thanh niên, rồi được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý (cấp phòng thôi), mỗi ngày tôi càng hiểu thêm rằng để làm được những công việc ở cơ quan, tham gia các hoạt động xã hội thì phụ nữ phải có sự nỗ lực hơn rất nhiều.

            Cũng như các đơn vị thông tin chủ chốt khác của cơ quan, yêu cầu về tính thời sự của thông tin khiến Ban tôi luôn phải làm việc theo ca, phải làm đêm, làm cả ngày nghỉ. Đây luôn là điều để mang ra cân nhắc khi một người, ngay cả nam giới, có ý định lựa chọn công việc hay được phân công về Ban tôi. Đối với phụ nữ thì điều này gần như là trở ngại đầu tiên, nhiều khi không phải đối với bản thân họ mà đối với người thân của họ.

            Còn nhớ một cô bạn đồng nghiệp trẻ hơn tôi gần 10 tuổi, khi được tuyển làm BTV của Phòng tiếng Anh, đã rất vui và yêu thích công việc của mình. Rồi một đêm đi làm khuya, cô bị cướp giật túi và ngã xe trên đường về nhà ở Hà Đông. Dù không xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng sự nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào này khiến người chồng sắp cưới một mực đòi cô phải chuyển công việc khác.

            Cũng may, nhờ mọi người thuyết phục, trong đó cả chị Trưởng ban của chúng tôi lúc đó, và trên hết là lòng yêu nghề của cô, nên gia đình và vị hôn phu cuối cùng cũng bằng lòng để cô làm công việc mình yêu thích. Giờ thì họ đã cưới nhau và cô đã là một phóng viên, biên tập viên tiếng Anh vững vàng.

            Hay câu chuyện của chị D. cũng khiến nhiều người xúc động. Có một cô con gái mang bệnh tim bẩm sinh và thường trong trạng thái tâm thần không ổn định, bình thường chị đã vất vả hơn những người phụ nữ khác, lại thêm gánh nặng công việc của một cán bộ phụ trách Phòng phóng viên và hiệu đính bản tin tiếng Anh. Vậy mà không chỉ làm ca tối như những cán bộ hiệu đính khác, chị còn phải sẵn sàng có mặt bất kỳ giờ nào, ngày thường hay ngày nghỉ, để xử lý tin, bài khi cần thiết.

            Nhiều buổi chị làm việc đến quá 12 giờ trưa, rồi tất tưởi về qua nhà chỉ để ôn bài cùng cô con gái tính nết thất thường, đưa con đến trường, kẻo "không thấy mẹ là nó giận, nổi khùng lên, không đi học nữa".

            Làm việc và gắn bó trong một tập thể phần lớn là nữ bạn sẽ thấy rất nhiều chuyện khác buồn có, vui có. Chẳng hạn như chị em Ban tôi thường hay có cảnh "giao ban chớp nhoáng" với người thân khi đang trong ca làm việc buổi tối. Đó thường là vào các ngày lễ tết, khi các gia đình đoàn tụ cùng nhau đi chơi, thì chị em lại miệt mài ở cơ quan với "núi" tin, bài thời sự "không thể để đến ngày mai". Vậy là "cô con gái đòi bằng được qua chỗ mẹ" hay "cậu con trai muốn khoe mẹ quả bóng bố vừa mua"... khiến cho các ông bố đành phải qua cổng cơ quan để "gặp mẹ nó một tẹo". Đôi khi họ ở lại chờ nhau cùng về cho dù có muộn.

            Còn có cô biên tập viên trẻ, sau đêm Noel đi làm ca muộn, hôm sau đến cơ quan với vẻ mặt tươi rói, lí lắc khoe đôi giày và chiếc túi xách mới "đồ xịn, mua được giá sale trên đường về nhà đêm qua". "Không đi làm về muộn thì sao kiếm được "món hời" vào đêm Noel thế chứ!"

            Tôi hiểu, những cuộc "giao ban chớp nhoáng", những buổi cả gia đình đi chơi vào dịp lễ tết sau khi người mẹ kết thúc ca làm hay những niềm vui "rất phụ nữ" kia dường như là một chất xúc tác nho nhỏ khiến việc làm ca đêm, làm việc vào ngày nghỉ không còn là trở ngại lớn đối với chị em, vì họ biết tìm niềm vui, sự thú vị qua công việc và trên hết họ được người thân cảm thông, chia sẻ.

            Tất nhiên, để có được sự cảm thông và sẻ chia ấy, ngoài sự nỗ lực vun vén cho gia đình, dành hết thời gian rảnh rỗi chăm lo chồng con của mỗi chị em, không thể không kể đến vai trò của những hoạt động tập thể mà Ban tôi thường xuyên duy trì. Những buổi gặp mặt nhân dịp ngày 8/3, ngày 20/10, những buổi dã ngoại, du thuyền hồ Tây, vãn cảnh sông Hồng... có sự tham gia của tất cả gia đình các thành viên trong Ban với nhiều trò chơi tập thể vui nhộn đã khiến mọi người xích lại gần nhau, đặc biệt là những ông chồng thêm hiểu và cảm thông với công việc của vợ mình. Sau những lần như thế, lại có thêm những ông chồng chờ đón vợ ở cổng cơ quan, thêm những cuộc điện thoại gọi đến các phòng làm việc vào buổi tối để hỏi "Mẹ đã có áo mưa chưa? Trời đang mưa đấy!"....

            Cũng bởi vậy mà gần 15 năm ở Ban Biên tập tin Đối ngoại - nơi mà ngày đầu tiên đến làm việc tôi đã thốt lên "sao mà nhiều phụ nữ thế!" - đã khiến tôi dần xoá đi thành kiến mà người đời thường có, rằng "nơi đông phụ nữ là phức tạp lắm". Người ta hay mang cái đặc điểm "phần lớn cán bộ nhân viên là nữ" ra để kêu khó khăn, để lý giải vì sao năng suất công việc chưa cao.... Ô hô, nếu mà thế thì Ban tôi lấy đâu ra nhiều thành tích thế?! Nào là Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2001, rồi Cờ thi đua của Chính phủ năm 2002, 2005, 2006; hay Cờ thi đua Ngành năm 2007, 2008...

            Nói thế thôi chứ mỗi buổi chiều tất tưởi từ cơ quan về nhà với lỉnh kỉnh các túi thực phẩm treo quanh chiếc xe máy, đi qua những hàng ghế san sát phủ kín nhiều đoạn vỉa hè với cơ man nào là đàn ông đang ngồi hỉ hả trong các quán bia hơi, tôi chợt chạnh lòng "sao đàn ông sướng thế nhỉ?" Họ tan giờ làm là háo hức tụ tập với đủ lý do, rồi thản nhiên bắc máy: "Anh về muộn không ăn cơm nhé!" hay "Mấy mẹ con ăn cơm trước, để phần cho anh, uống bia nhưng không bỏ được cơm của vợ đâu"... Thế không biết ai đón con ở trường về, ai nấu nướng để có bữa cơm mà dù ăn nhậu ở ngoài họ vẫn "không thể bỏ được" nhỉ?

            Ô, nhưng tôi lại nghĩ, là đàn ông thì làm gì có ngày 8/3, ngày 20/10 để được xã hội tôn vinh, được tặng quà, tặng hoa, để được chồng hay bạn trai cưng nịnh, dù chỉ trong một ngày? Rồi lại còn những thú vui "tranh thủ" đi mua sắm vào buổi trưa, "tranh thủ" dậy thật sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà để chiều có chút thời gian tung tẩy áo dài tập văn nghệ, "tranh thủ" chạy xuống cổng cơ quan gặp chồng con vào ca trực tối... Xem ra, là phụ nữ vẫn hơn!

Hà Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bản tiếng Nhật, một trong các bản báo được truy cập nhiều nhất (15/10/2009 16:19:11)

Chất xúc tác giao lưu văn hóa và gắn kết các dân tộc trên thế giới (15/10/2009 16:17:11)

Viết cho độc giả nước ngoài còn khó hơn (15/10/2009 16:15:24)

Một chuyến Tây Giang (15/10/2009 16:10:42)

"ThÃƠng tin ẢỔáỪỔi ngoáỨắi cáỨận mang hẳắi tháỪỲ cuáỪỎc sáỪỔng ẢỔẳồẳắng ẢỔáỨắi" (15/10/2009 16:01:03)

Báo Thể thao&Văn hoá: "Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ hai" (05/10/2009 11:03:04)

Sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí (05/10/2009 10:30:37)

Tôi đi phát hành báo Tin Tức (05/10/2009 10:25:36)

Nghệ thuật nhiếp ảnh và cơ chế thị trường  (05/10/2009 10:22:53)

Giải báo chí TTXVN năm 2009 Có giải cao, nhưng... (05/10/2009 10:08:17)