Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí


(05/10/2009 10:30:37)

Khi nói về mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết giữa văn học và báo chí, ta không thể bỏ qua một khía cạnh rằng: văn học chính là nguồn chất liệu dồi dào và quí giá cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

            Trong các tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau, chúng ta thường xuyên bắt gặp vô số chất liệu văn học. Các chất liệu này, nếu được dùng đúng chỗ và đúng liều lượng, luôn mang lại giá trị to lớn: đó là làm cho bài báo trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ lĩnh hội, hay nói một cách ngắn gọn là đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, việc sử dụng chất liệu văn học trong báo chí thường được thực hiện theo một số kiểu cơ bản sau đây:

            Mượn cốt truyện hoặc tình tiết từ tác phẩm văn học

            Ở đây, xảy ra hai khuynh hướng:

            a, Kể lại (thường là ở dạng tóm tắt) toàn bộ cốt truyện hay chỉ là một tình tiết của tác phẩm văn học, để tạo cơ sở liên hệ, so sánh. Rồi từ đó, nói về một vấn đề, một sự kiện hiện tại có những nét tương tự. Ví dụ:

            - "Lại nói Quan Công trên đường trở về với Lưu Bị, qua 4 cửa ải đã giết 5 tướng Tào. Bây giờ đang đi đến cửa sông Hoàng Hà, Tân Kỳ ra chặn đường, Quan Công bảo: "Ta đã giết những đứa ngăn trở ta giữa đường, mi có biết không?". Kỳ đáp: "Mi chỉ giết được các tướng hèn, vô danh, chứ mi dám đụng đến ta à?". Quan Công hỏi: "Mày đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa?". Tân Kỳ cả giận, tế ngựa lại đánh. Chưa được một hiệp, đao Quan Công vừa giơ lên, đầu Tân Kỳ đã rơi xuống lăn long lóc dưới mặt đất...

            Nay trở lại với VCK U.16 châu Á vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Tuyển U.16 Việt Nam đã vượt qua các cửa ải của bảng A để lọt vào vòng bán kết gặp Iran. Nhưng hỡi ôi!..."

                         (Lao động, 22/ 9/2000)

            Trong các bài viết thuộc loại này, chính sự chuyển đổi bất ngờ từ quá khứ sang hiện tại và sắc màu tương phản giữa cổ và kim đã tạo nên sự thú vị cho độc giả. Họ vừa được "gợi nhắc" về tích cũ, vừa được tiếp nhận thông tin mới liên quan tới một vấn đề bức xúc nào đó trong xã hội.

            b, Đưa vào cốt truyện (chủ yếu là của các tác phẩm văn học cổ) những tình tiết, dữ liệu hiện đại.

            Nói cách khác, trên cái khung của cốt truyện cổ, người ta đã đắp vào những mảng hiện thực thời nay. Ví dụ:

            - "Roãn Tháu lúc nhỏ học ông Trịnh Duân, cốt là theo nghề khoa cử. Khoa thi nọ, đến bộ môn văn đầu bài ra câu luận "Chu Nguyên Hựu chư thần", tức là luận về sự giết bầy tôi đời Nguyên Hựu, ý sâu xa là muốn nâng cao vai trò của ông vua lúc đó là Tịnh Khang lên, dìm đời vua trước đã lâu là Triết Tôn xuống.

            Roãn Tháu đỗ điểm cao, loanh quanh được bổ về làm giám đốc một nông trường.

            Tự dưng có mấy gia đình nghèo từ xa đến khai phá đất hoang ở cạnh nông trường của Roãn Tháu, loanh quanh chỉ mấy năm mà vùng đất hoang vu, khô cằn nọ trở nên xanh tốt. Thấy vậy, Roãn Tháu nổi tà tâm,  mang bản đồ đến doạ những người ít chữ, bảo là họ đã chiếm đất của nông trường, mấy người dân cày không biết hư thật đành dọn đến vùng hoang vu gần đó. Roãn Tháu chiếm vườn tược của họ làm đất riêng của mình.

            Như cái kim trong bọc, đến ngày nọ nó phải lòi ra....

                        Lao động, 29/ 9/2000)

            Ở bài viết kiểu trên, sự đan xen giữa tích cũ và chuyện mới không chỉ làm gia tăng sức biểu cảm của ngôn từ, mà còn làm cho sự phê phán hay mỉa mai, châm biếm trở nên thâm thuý mà vẫn nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận hơn...

            Nhìn chung, việc mượn cốt truyện hay tình tiết từ tác phẩm văn học thường được dùng trong các dạng bài như bình luận, phóng sự, ghi chép, bút ký và tiểu phẩm.    

 

            Mượn hình ảnh các nhân vật văn học

            Đây là hình ảnh của các nhân vật văn học vốn từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với quảng đại quần chúng, tới mức người viết báo có thể viện dẫn chúng như là biểu tượng của những đặc điểm, tính chất nào đó mà không cần chú giải. Chẳng hạn: Sở Khanh là hiện thân của sự lừa lọc, xảo trá trong tình yêu; Chí Phèo tiêu biểu cho những kẻ lưu manh, côn đồ, luôn sẵn sàng "gào làng ăn vạ "; Tú Bà là tên gọi chung cho những kẻ buôn bán thân xác phụ nữ....Ví dụ:

            - "Người đàn ông ấy, nổi tiếng là một Don Juan (Đông Gioăng), đã cưới vợ tới lần thứ ba, và cũng như tổ tiên ông ta, có một hậu cung chứa toàn gái đẹp trong lâu đài của mình ở Bom bay".                           (An ninh thế giới, 7/9/2000)

            - "Nhưng cứ sống như cô bé 22 tuổi đầu người Sơn La, bị mụ Hoạn Thư người Nam Định thuê người tạt axit đến mù một mắt, rúm ró khuôn mặt cũng cầm bằng như đã chết".

                        (Văn nghệ trẻ, 8/6/2000)

            - "Làng tôi thay đổi nhanh quá. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiến An như con cá vàng người làng tôi vừa bắt được".

                         (Văn nghệ, 16/9/2000)

            - "...Keegan cũng có thể gọi trở lại Lesaux, tiền vệ trái đang hồi phục phong độ của Chelsea, để quán xuyến hành lang bên trái vốn là "gót chân A- sin " của đội tuyển Anh.

                        (Gia đình và Xã hội, số 89/2000)

            Những trường hợp vay mượn kiểu này không chỉ gặp trong các bài viết thuộc thể ký và bình luận, mà còn có mặt ở cả thể loại tin. Chúng giúp tác giả kiệm lời tới mức tối đa mà vẫn khắc hoạ được chân xác và đầy gợi cảm một con người hay một sự việc nào đó.

 

            Mượn từ ngữ, lối nói từ các tác phẩm văn học

            Các chất liệu văn học thuộc loại này được sử dụng hết sức rộng rãi và linh hoạt. Chúng có thể đứng ở bất kỳ chỗ nào trong kết cấu của bài viết, từ tiêu đề cho đến các câu trong đoạn văn.

            Ở tiêu đề, ví dụ: " Hôm qua em đi tỉnh về..."(Công an Thành phố HCM, 26/12/2000); "Quê hương nếu ai không nhớ..." (Hà Nội mới, Tết Mậu Dần ); "Tình trong như đã... " (Gia đình, số 5/2001)...

            Ở các vị trí khác, ví dụ: "Mải miết đi hoài, ngoảnh trông lại, bất giác đoạn "Đà Giang độc bắc lưu" vụt hiện ra ngang tầm mắt, ấy là lúc chúng tôi gặp bản người Dao lấp ló trên các sườn đồi". (Quân đội Nhân dân, 5/3/2000); "Về Đông Hồ bây giờ thấy Phà Hồ nhộn nhạo, những "cát trắng phẳng lì" của thi sĩ Hoàng Cầm xưa đã bị đào bới bởi đội quân gánh cát thuê" (Văn nghệ trẻ, 6/1/2000); "...vườn tược là một khái niệm xa xỉ ở "mảnh đất lắm người nhiều xe" này..." (Sinh viên, số17/2000); "Bên cạnh đó, căn bệnh "thương nhớ đồng quê" của người xa xứ cũng đã len lỏi vào bảng hiệu, hàng loạt nhà hàng, quán bar có những cái tên như: Miền quê, Mái lá, Làng tôi, Tao ngộ..." (Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, số 90/ 2000)...

            Các từ ngữ, lối nói được vay mượn từ các tác phẩm văn học, như đã thấy, có thể là thơ mà cũng có thể là văn xuôi (và tuỳ từng tình huống cụ thể mà chúng được giữ nguyên dạng hoặc cải biên chút ít). Tuy nhiên, thơ có vẻ chiếm ưu thế, vì giữa những dòng chữ khô khan bề bộn thông tin, sự xuất hiện của những vần thơ làm cho giọng văn trở nên mềm mại, nhẹ nhàng và có sức truyền cảm lớn hơn so với văn xuôi.

Giá trị của thơ còn được bộc lộ rõ nét và đầy đủ hơn, khi trong một số tác phẩm (đặc biệt là phóng sự, ghi chép) có những tác giả đã trích dẫn không phải chỉ một câu thơ (hay từ ngữ nằm trong phạm vi một câu thơ), mà hẳn cả một đoạn thơ. Ví dụ:

            "Côn Sơn ngút ngàn trong sương khói mưa bay và trùng điệp núi non đầy chất thơ, cái chất thơ đầy ngọt ngào sâu lắng lãng mạn của Côn Sơn đã làm một Nguyễn Trãi mê đắm:

"Côn Sơn có suối nước trong

Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm     

Côn Sơn có đá tần vần

Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi

Côn Sơn thông tốt ngất trời

Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do..."

(Phóng sự Thái Minh Châu, Hà Nội, 1999)

            Những đoạn thơ như trên nhờ khả năng biểu cảm của mình, đã minh hoạ một cách sống động và hình ảnh các ý tưởng của tác giả. Thêm vào đó, chúng lại chiếm những vị trí độc lập trong bố cục của bài viết, nên đã tạo điều kiện cho độc giả được nghỉ ngơi thư giãn, giải toả bớt căng thẳng trong quá trình đọc, và điều này có nghĩa là hiệu quả tiếp nhận thông tin sẽ cao hơn.

TS. Hồng Anh
Theo Nội san Thông tấn số 9/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tôi đi phát hành báo Tin Tức (05/10/2009 10:25:36)

Nghệ thuật nhiếp ảnh và cơ chế thị trường  (05/10/2009 10:22:53)

Giải báo chí TTXVN năm 2009 Có giải cao, nhưng... (05/10/2009 10:08:17)

Một tác phẩm mang đậm tính nhân văn (05/10/2009 09:57:36)

Thời cơ và thách thức! (05/10/2009 09:44:09)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Kiến thức thông thường giúp bạn phòng chống cúm A(H1N1) (31/08/2009 15:34:52)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Làm báo, đừng ngại hỏi! (31/08/2009 15:18:46)

Phối hợp để nâng cao chất lượng và cạnh tranh thông tin (31/08/2009 15:04:54)