Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Kiến thức thông thường giúp bạn phòng chống cúm A(H1N1)


(31/08/2009 15:34:52)

Hiện nay, bệnh cúm A (H1N1) đang có xu hướng lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo phòng bệnh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với các biện pháp như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh (sốt, ho, đau họng).... Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sử dụng những biện pháp đó, nhất với với các phóng viên phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Sau đây, xin giới thiệu một số giải pháp giúp bạn tăng sức đề kháng, phòng tránh được dịch bệnh.

          Phải thường xuyên có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập thể dục hợp lý. Không để cơ thể thường xuyên mệt mỏi. Khi mệt mỏi là lúc cơ thể nhắc ta cần nghỉ ngơi để bảo vệ sức khoẻ. Có thể lựa chọn những hình thức nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp vớ sở thích và điều kiện của bạn như: đọc báo, xem phim, nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè, ngủ, ăn thức ăn bổ dưỡng, dễ tiêu...

          - Nên mang theo 1-2 củ tỏi. Đối với các phóng viên hay phải đi công tác xa: ngoài thuốc phòng bệnh thông thường, nên mang theo khẩu trang để phòng những tình huống bất ngờ phải vào vùng dịch và đặc biệt nhớ nên mang theo 1-2 củ tỏi. Vì tỏi là vị thuốc kháng vi rút rất tốt, đã được kiểm nghiệm trong thực tế và được nhiều hãng thuốc sản xuất dưới dạng viên. Nhưng tỏi tươi vẫn là tốt nhất vì cấu trúc, thành phần các chất kháng vi rút được giữ ở dạng nguyên chất nhất. Bên cạnh đó, củ tỏi tươi không bị bốc mùi hắc (mùi tỏi) như viên thuốc tỏi. Để củ tỏi trong túi áo hoặc túi xách thì mặc dù không có mùi nhưng vẫn có tác dụng phòng bệnh, lại không chảy nước như viên thuốc để trần ngoài không khí. Dân gian đã dùng tỏi tươi cho vào túi vải đeo ở cổ trẻ em để tránh gió (ngày xưa, các trường hợp nhiễm cảm cúm đều bị cho là trúng gió). Trong thời kỳ dịch bệnh, trong bữa ăn nên có tỏi làm gia vị. Đối với những ai không ăn được tỏi có thể dùng viên thuốc tỏi (ví dụ Dogalic ...).

          - Bên cạnh tỏi, bồ kết cũng là vị thuốc kháng vi rút. Bạn có thể xông họng, mũi bằng bồ kết để phòng bệnh trong các trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với người mang vi rút cúm. Cách xông: bạn đốt 1 hoặc 2 quả bồ kết cho bốc khói lên, sau đó há miệng để khói bay vào miệng mũi. Cách khác: đốt bồ kết lên sau đó cho vào cốc nước sôi, dùng giấy quấn quanh cốc thành hình phễu để khói bay vào miệng, mũi.

          - Đối với các tình huống giao tiếp không thể đeo khẩu trang, thì  khi ngồi hoặc đứng, mặt nên để chếch với người đối diện để nước bọt của hai người không bắn vào nhau và giữ được khoảng cách từ 1m trở lên là tốt nhất. Trước và sau các buổi làm việc nên tra mắt mũi bằng dung dịch Cloramphenicol 0.4%, súc miệng bằng nước súc họng sát khuẩn.

          - Nên rửa tay bằng xà phòng, trà thật kỹ dưới vòi nước chảy sau mỗi buổi làm việc sẽ giúp loại trừ vi rút, vi khuẩn dính trên tay.

          - Uống đủ nước sẽ giúp phòng bệnh và bảo vệ sức khoẻ. Đối với các phóng viên phải tác nghiệp ngoài trời, hiện tượng mất nước do mồ hôi là dễ xảy ra. Vì vậy, trong hành lý nên mang theo chai nước lọc và gói muối nhỏ. Khi uống nước có pha vài hạt muối ăn sẽ giúp bạn đỡ mệt (vì bù lại một phần lượng muối mất qua mồ hôi). Mỗi ngày, nên uống từ 1,5 lít đến 2 lít nước.

            Và cuối cùng, bạn hãy nhớ, nếu bản thân thấy các biểu hiện của cúm (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau mỏi cơ bắp) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Bác sĩ Phạm Thu Hà (Phòng y tế)
Theo NSTT số 8/2009