Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Cần nuôi dưỡng và nhân rộng những tài năng


(11/08/2009 08:31:49)

Cách đây tròn một năm, trong bài viết "Công tác thông tấn nhìn nhận qua Giải báo chí quốc gia", đăng trong Nội san Thông tấn số ra tháng 6/2008, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN đã đặt câu hỏi:

        Vì sao TTXVN không đoạt giải cao trong các giải báo chí lớn trong nước và quốc tế? Tại sao các tác phẩm báo chí của TTXVN chưa một lần đoạt giải cao trong hai lần trao Giải báo chí quốc gia, trong khi chúng ta có nhiều thế mạnh không thể phủ nhận? Ngay lập tức, nỗi niềm băn khoăn đó trở thành chủ đề của một diễn đàn trao đổi sôi nổi trên NSTT, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong ngành.   
       Tất cả các ý kiến đều thể hiện sự trăn trở, tâm huyết với ngành, với nghề; luận bàn một cách nghiêm túc nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, đồng thời mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp với mong muốn TTXVN không chỉ được vinh danh ở Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí lớn trong và ngoài nước mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu TTXVN.

            Tròn một năm diễn đàn "Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí" đứng tên trên NSTT, chúng tôi đã nhận được trên 30 bài viết và ý kiến tham gia, trong đó có hơn 20 bài viết đã được đăng tải.

           

            Vấn đề là chất lượng

            Trăn trở vì chất lượng thông tin chung của ngành và báo động về số lượng giải thưởng của TTXVN đang ngày càng vơi trong giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí lớn là ý kiến trong rất nhiều bài viết gửi tới tòa soạn.

            Trong hai lần trao Giải báo chí quốc gia, các tác phẩm của TTXVN dự thi chưa một lần đoạt giải cao nhất ở cả 8 thể loại giải. Tại Giải quốc gia lần thứ hai năm 2007, trong số 9 tác phẩm lọt vào chung khảo thì có 4 tác phẩm đoạt giải C, 4 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích và tác phẩm còn lại được tặng Bằng chứng nhận của Hội đồng giải. Ở Giải báo chí năm 2008, số lượng các tác phẩm dự thi của TTXVN đoạt giải còn ít hơn với vẻn vẹn chỉ có 3 giải C và 1 giải Khuyến khích.

            Ở khối thông tin trong nước, Phó Tổng Giám đốc Hà Minh Huệ, với tư cách là thành viên Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia năm 2007, cho biết: Sở dĩ chúng ta khó đoạt giải cao vì các tác phẩm dự thi của các báo bạn chất lượng hơn. Còn theo quan điểm của Phó Tổng biên tập báo Tin Tức Bùi Văn Doanh, "không ít các tin bài của ta còn thiếu "lửa" và thiếu chiều sâu". Tuy đã có một số bài viết đề cập được những vấn đề lớn mà xã hội, dư luận đang quan tâm nhưng tác giả lại chỉ phản ánh thông tin ban đầu rồi buông hoặc mới chỉ dừng ở mức nêu vấn đề mà không đi sâu phân tích, lý giải để từ đó đề xuất giải pháp xử lý vấn đề. Đáng tiếc hơn, có những loạt bài viết nhiều kỳ, đề cập những vấn đề mang tính thời sự cao nhưng lại thiếu sự liên kết, xâu chuỗi các bài viết và nâng lên một tầm mới.

            Khối thông tin các vấn đề quốc tế vốn là thế mạnh của TTXVN với hai lần đoạt giải A giải báo chí toàn quốc (trước khi có Giải báo chí quốc gia) cũng khiến nhiều tác giả băn khoăn. Trong ba đợt trao Giải báo chí quốc gia vừa qua, chưa một tác phẩm nào TTXVN được vinh danh.

            Khối thông tin đối ngoại vốn luôn bị coi là "yếm thế" ở những đấu trường rộng lớn và đầy quyền uy như Giải báo chí quốc gia. Kể từ giải A đầu tiên ở Giải báo chí toàn quốc năm 2003 với chùm tin, bài "Vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam" (báo Le Courrier du Vietnam), con đường đến với một giải cao thứ hai cho thể loại tin, bài đối ngoại với chúng ta vẫn còn xa vời. Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Biên tập tin (BTT) Đối ngoại, không khỏi băn khoăn: "Tiêu chí quan trọng nhất của báo chí là phục vụ độc giả, nhưng hầu như các thông tin đối ngoại của chúng ta chưa cung cấp cái mà độc giả cần mà chỉ là cái chúng ta muốn nói".

            Mảng thông tin ảnh báo chí, nói như ông Hà Minh Huệ, gần như một mình ta một sân. Nhưng ở giải lần thứ hai ta lại đạt mức thấp hơn giải thứ nhất (từ giải B xuống giải C). Có nhiều ý kiến cho rằng, những tác phẩm ảnh TTXVN chọn dự thi chưa hẳn là những tác phẩm xuất sắc nhất. Do vậy không có tác phẩm nào đáng được trao giải cao trong khi có cơ hội rất lớn.

           

            Chúng ta chưa chuyên nghiệp

            Có rất nhiều lý do được viện dẫn, có rất nhiều yếu tố được đưa ra bàn luận, phân tích để tìm căn nguyên của vấn đề, trong đó yếu tố phóng viên - chủ thể sáng tạo được đề cập đến nhiều nhất.

            Theo ông Vũ Xuân Bân, Trưởng Ban BTT Trong nước, thì với cách thức phóng viên "công chức", thụ động trong tác nghiệp, tư duy và cách thể hiện  thông tin vẫn theo lối mòn... thì rất khó có tác phẩm báo chí xứng tầm để đem dự thi.

            Ở mảng ảnh thông tấn, dường như đề tài nào chúng ta cũng có, sự kiện nào cũng không bỏ qua, song vẫn thiếu một cái gì đó thật quyết liệt, bứt phá. Lý giải vấn đề này, ông Phạm Đình Quyền, Phó Trưởng ban BT-SX ảnh báo chí, cho rằng: Ống kính của phóng viên hình như mới chỉ lướt qua những sự kiện và "chạm nhẹ" vào những vấn đề của cuộc sống. Chúng ta chưa thật sự "đào sâu, lật xới" sự kiện. Theo ông, đa phần phóng viên ảnh vẫn bám theo những nguyên tắc bố cục được hình thành từ cách đây gần trăm năm để dồn ép hiện thực vào những công thức gò bó đã định hình từ trước. Chúng ta thường chụp khi sự kiện ở điểm "lặng" nhất, vì thế ảnh "đèm đẹp" song vô hồn.

            Rất thẳng thắn, phóng viên ảnh Xuân Trường (Ban BT-SX ảnh báo chí) thừa nhận, nguyên nhân chính là do "phóng viên ảnh còn nghiệp dư". Và chính sự nghiệp dư này đã đẻ ra những bức ảnh thiếu sự tìm tòi, thiếu một chút "quái" để hút người xem vào bức ảnh, "buộc" người xem phải "nghe" mình "nói", qua đó truyền được cái ái, ố, hỉ, nộ về một sự kiện, một vấn đề xã hội đang quan tâm.

            Riêng phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh (báo Việt Nam News), người đoạt khá nhiều giải thưởng ảnh quốc tế, thì một điểm yếu của phóng viên thông tấn là trình độ ngoại ngữ kém, nên khó tiếp thu kiến thức khi tham gia các khóa đào tạo chất lượng cao do nước ngoài tổ chức và cũng không đủ tự tin để tham gia vào các "đấu trường" lớn, đẳng cấp quốc tế. Vì thế, trong rất nhiều cuộc thi ảnh báo chí quốc tế cấp khu vực và thế giới vẫn còn vắng bóng các phóng viên ảnh TTXVN nói riêng và của Việt Nam nói chung, cho dù rất nhiều người có ảnh đẹp.

            Ở mảng tin đối ngoại, một nguyên nhân được nhiều tác giả tán đồng là trình độ hạn chế của các biên tập viên - cả về ngữ và kỹ năng báo chí. Việc thể hiện bằng tiếng nước ngoài chưa phù hợp, thậm chí nhiều khi đơn điệu và chỉ giống như những bản dịch thô.

            Cơ chế thẩm định, chấm điểm sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng tác phẩm, với công sức, tiền của mà phóng viên bỏ ra trong quá trình tác nghiệp cũng là nguyên nhân được rất nhiều tác giả đề cập đến.

            Theo Phó Tổng biên tập báo Tin Tức Bùi Văn Doanh, cách chấm điểm như hiện nay đã vô tình khiến phóng viên chỉ quan tâm đến việc hoàn thành định mức mà ít chú trọng đến hiệu quả, tác dụng của những tin, bài. Ông tính rằng, phải mất hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là nhiều tháng lăn lộn với thực tế, nhiều khi rất gian khổ, thậm chí tốn kém và nguy hiểm nữa, nhưng điểm một bài viết như thế cùng lắm cũng chỉ gấp ba lần một cái tin ngồi hội nghị hay viết từ báo cáo ra thì thử hỏi sẽ có mấy phóng viên dám "hy sinh" vì nghề nghiệp!

            Tác giả Giáng Thăng (PX TP. Hồ Chí Minh) trong bài viết với đầu đề "Giấc mơ khó thành vì... điểm định mức", đã đem đến cho độc giả những câu chuyện rất thật và day dứt về việc phóng viên bỏ nhiều công sức để hoàn thành một tin phát hiện nhưng chỉ được ban biên tập chấm 25 điểm. "Biết làm gì bây giờ khi ước mong những tin bài đủ tầm, có thể đoạt giải báo chí hàng năm vẫn chỉ là giấc mơ khó... thành nếu mỗi ngày, vì sự ràng buộc vô hình, tôi cứ phải ngồi gõ tin có nội dung vo tròn, để kiếm điểm". Phóng viên Xuân Trường thì chia sẻ: Phóng viên chúng tôi, cái quan tâm nhất bây giờ là cuốn sổ ghi điểm định mức. Làm ảnh tốt ư, không ai chê đâu nhưng cũng chỉ là... vui vui thôi, hoa lá cành, phù phiếm lắm. Có tìm tòi, đi sâu, đi xa làm cho thỏa mãn cái gọi là lương tâm nghề nghiệp, về nhìn vào cái sổ điểm mà lặng buồn.

            Đồng quan điểm, phóng viên Phan Văn Đông (PX Lâm Đồng) cho rằng: Định mức là cái bắt buộc phải thực hiện của mỗi phóng viên (vì nghĩa vụ, trách nhiệm, danh dự... và nỗi lo canh cánh cuộc sống hằng ngày), còn giải báo chí cao là việc "được càng tốt mà không được cũng chẳng sao", thì rõ ràng không mấy phóng viên lại đi "bỏ hình bắt bóng" cả. Trong khi TTXVN lại không thể "đầu tư có trọng tâm, trọng điểm" cho một vài phóng viên một khoản kinh phí nhất định trong thời gian vài tháng, một năm... để theo đuổi một đề tài nặng ký như các báo khác.

            Buồn về cơ chế định mức, phóng viên Trần Quang Vinh, từng công tác ở PX Mát-xcơ-va nói: Cố cho đủ điểm sau bao nhiêu công việc "trời ơi" ở phân xã đã mệt lắm rồi. Mục tiêu là đủ định mức, làm càng nhiều, càng nhanh càng tốt bởi Ban BTT Thế giới không có hệ thống điểm chất lượng. Mà làm nhiều, làm nhanh thường không tỷ lệ thuận với "làm hay".

            Gác vấn đề phóng viên và nỗi lo "cơm áo gạo tiền" sang một bên, các bài viết dành khá nhiều tâm huyết cho việc phân tích, luận bàn về cấp cơ sở - các tòa soạn, ban biên tập - nơi lên kế hoạch, đặt hàng, tổ chức thông tin, sử dụng, thẩm định và đánh giá chất lượng tin, bài, ảnh, cũng như giới thiệu tác phẩm đi dự thi trong và ngoài nước.

            Rất quả quyết: "Không có bó đũa, lấy gì để chọn cột cờ!", ông Bùi Văn Doanh nhắc đến việc trong một thời gian dài chúng ta không khuyến khích viết bài, trong khi các giải cao và tạo được ấn tượng hầu như đều thuộc về "bài".

            Nhà báo Ninh Hồng Nga, Trưởng phòng tin Kinh tế Xã hội - báo Tin Tức, lại cho rằng chúng ta còn chưa chuyên nghiệp trong công tác lựa chọn, xác định đề tài và tổ chức triển khai đề tài đó mà chúng ta vẫn còn thói quen cứ đến kỳ thi mới "tua" lại các tác phẩm để lựa chọn, rồi ghép các tác phẩm cùng đề tài vào thành một chùm tin, bài để đi thi.

            Đề cập đến khái niệm "biên độ mềm" trong tác nghiệp, tác giả Trần Sơn Tùng (PX Lâm Đồng) cho rằng: Sự phối hợp giữa các PX để thực hiện các vấn đề thông tin mang tính chất vùng, miền hầu như chưa được phát huy. Điều này dẫn đến việc những chùm tin, bài viết về các sự kiện nóng, dù đã được Tổng xã chỉ đạo, nhưng vẫn thiếu sự thống nhất từ sự tổng hợp những sản phẩm độc lập. Nhiều tác phẩm có kỹ thuật thể hiện tốt, tính phát hiện cao nhưng nội dung phản ánh "tầm của những chuyện địa phương" rất khó tạo nên sự chú ý của dư luận cả nước.

            "Đất rộng mà hóa hẹp" là nhận định của nhà báo Nguyễn Thị Thắng, Trưởng phòng tin Quốc tế - báo Tin Tức, khi nói về cơ chế sử dụng tin, bài thông tin các vấn đề quốc tế. Với các tờ báo in, trang quốc tế nhiều nhất cũng chỉ dành được 20% diện tích của tờ báo. Đất đai ít đương nhiên thu hoạch không thể được nhiều.

            Đề cập đến việc cải thiện chất lượng thông tin đối ngoại, Phó Trưởng ban phụ trách Ban BTT Đối ngoại Lê Quốc Minh gọi đó là "một con đường còn dài" vì chúng ta chưa có những chương trình cụ thể đặc biệt nhấn mạnh vào việc tuyên truyền đối ngoại mà chỉ chú trọng vào những sự kiện cụ thể, thiếu một chiến lược tuyên truyền đối ngoại đa dạng và uyển chuyển. Tư duy thích "tô hồng", "định hướng khen" trong thông tin đối ngoại hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu của bạn đọc.

            Mặc dù khá nhạy cảm nhưng có không ít ý kiến đề cập đến yếu tố Ban giám khảo và cách thức chấm giải. Trước việc Hội đồng giải không dành giải cao cho thể loại ảnh báo chí (giải cao nhất chỉ là giải B hoặc giải C), phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh đặt câu hỏi: Ban giám khảo của các cuộc thi này chấm ảnh theo tiêu chí nào, có sát với thực tế báo chí Việt Nam hay không và thành phần trong ban giám khảo gồm những ai? Tất cả họ có là những người trực tiếp làm báo không, có đồng cảm được với sự vất vả của phóng viên ảnh hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, việc chấm tin, bài dự thi hiện nay cũng chưa thật khoa học, chặt chẽ. Khi chấm chung khảo thể loại tin, bài đối ngoại, nhiều thành viên Ban giám khảo tuy đều là những người có trình độ, nhưng cũng chỉ xem được các bài dự thi đã dịch sang tiếng Việt mà không thể đọc được bài "gốc" gửi kèm.

 

           

"Đoàn B30 huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt" - tác phẩm được trao Bằng khen tại Giải báo chí Quốc gia 2008

Hãy làm bằng cả trái tim

            Bàn về yếu tố phóng viên, ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, cho rằng phóng viên về cơ bản cần phải có: phương tiện kỹ thuật tốt, chắc về kỹ thuật thể hiện, kỹ năng tác nghiệp, nhạy cảm với những vấn đề xã hội, năng động, đam mê, lăn lộn và hết lòng với nghề.

            Đồng quan điểm, nhà báo Phạm Đình Quyền cho rằng: Một tác phẩm thông tấn đạt đỉnh cao đòi hỏi người phóng viên phải hội tụ được trong đó những yếu tố tưởng chừng khó kết hợp: Nhanh và đẹp, chuẩn mực và hấp dẫn, sinh động.

            Riêng với phóng viên Xuân Trường, để có một tác phẩm ảnh tốt phóng viên cần có trình độ, kinh nghiệm, một chút năng khiếu trời cho và quan trọng hơn cả là mồ hôi, rất nhiều mồ hôi.

            Để vươn tới đoạt giải cao nhất của Giải báo chí quốc gia, tự mỗi phóng viên, biên tập viên phải đổi mới tư duy thông tin. Theo ông Vũ Xuân Bân, chính sự năng động "săn tin", lăn lộn với thực tế kết hợp với sự nhạy bén của phóng viên mới có thể phát hiện, tìm ra cái mới hoặc từ bức xúc của dư luận xã hội quan tâm tìm ra lời giải đúng định hướng.

           Trưởng PX Ninh Bình Nguyễn Văn Cảnh cho rằng: Bản thân phóng viên phải nỗ lực với nghề, tự tìm tòi, phát hiện chủ đề, rồi xử lý vấn đề. Những tác phẩm hay là những tác phẩm mang đậm dấu ấn và hơi thở của cuộc sống đời thường mà phóng viên tìm được và biến hơi thở đấy thành nhịp đập của riêng mình và toàn xã hội.

            Các ban biên tập, tòa soạn báo, người sử dụng, xử lý tin, bài, ảnh là yếu tố quyết định thứ hai đến chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí sau lao động của phóng viên. Theo ông Nguyễn Vinh Quang, nhiều tác phẩm được hoàn chỉnh, tôn lên rất nhiều qua khâu xử lý của những con mắt tinh đời từ việc lựa chọn hình ảnh, cắt cúp đến dàn dựng, trình bày.

            Đồng tình với quan điểm này, phóng viên Xuân Trường cho rằng ban biên tập đóng vai trò rất lớn trong việc giúp phóng viên có những tác phẩm tốt. Từ việc thẩm định đánh giá, định hướng đề tài đến hỗ trợ trực tiếp cho phóng viên... Trong những vấn đề lớn, ban biên tập lại càng có vị trí đặc biệt khi tổ chức cho phóng viên, nhóm phóng viên đeo bám sự kiện và là chỗ dựa pháp lý khi phóng viên thực hiện những bài điều tra nóng bỏng.

            Bàn về vấn đề làm thế nào để phát hiện, tổ chức được các đề tài báo chí trúng, đúng và hay, tác giả Ninh Hồng Nga khẳng định: Điều này phụ thuộc trước hết vào "cái đầu" và độ nhạy bén của các phóng viên. Nhưng, định hướng của các cấp lãnh đạo cũng vô cùng quan trọng. Đôi khi phóng viên chỉ định triển khai để tài mình phát hiện thành một cái tin, nhưng độ hiểu biết và dự cảm chính trị của lãnh đạo cho thấy đó là một đề tài thuộc loại "quý hiếm", nên phát triển thành bài, thậm chí loạt tin bài, thậm chí, xác định luôn đây là loạt tin, bài để "thi thố". Nếu làm được như vậy, chắc chắc sẽ có những loạt tác phẩm có sức nặng hơn.

            Là phóng viên khá lâu năm thường trú phân xã, tác giả Phan Văn Đông thừa nhận: Việc thay đổi cách thể hiện tin bài là điều bức thiết để phù hợp với nhu cầu độc giả và cũng chính là để tạo năng lực cạnh tranh. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về các phóng viên. Tuy nhiên, chủ thể mang tính quyết định lại là các ban biên tập, tòa soạn ở Tổng xã. Gu viết của ban biên tập thế nào thì phóng viên tất phải chạy theo thế đó. Vấn đề ở đây là Ban biên tập phải làm cho phóng viên "tâm phục khẩu phục" về cách biên tập của mình, xóa bỏ tình trạng "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay".

            Ở mảng tin bài quốc tế đối nội, Phó Trưởng ban Biên tập tin Thế giới Vũ Duy Hưng đưa ra hai giải pháp: Chọn đề tài lớn và bao quát; Tổ chức bài bản, đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả đề tài đã chọn. Tác giả gợi ý: Hiếm khi giải báo chí tầm cỡ quốc gia lại trao cho tin, bài quốc tế đơn lẻ, đứng độc lập. Vì thế, khi tổ chức chùm tin bài đòi hỏi phóng viên phải phân bố nội dung dài hơi, đa dạng, kết hợp nhiều nguồn tin, kết nối nhiều địa danh, ảnh minh họa phong phú. Thực hiện công việc này đòi hỏi sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, phối hợp giữa phóng viên thường trú nước ngoài, biên tập viên trong nước, báo in, bản tin.

            Bàn giải pháp cho cơ chế, định mức, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế thoáng để phóng viên, tòa soạn yên tâm đầu tư cho những chủ đề lớn, tạo ra những tác phẩm đủ sức đi thi đấu, tung hoành. Nếu trình độ tay nghề, lòng yêu nghề được nuôi dưỡng bằng vật chất thì có lẽ phóng viên nào mà không yêu và say nghề. Nếu đẳng cấp, chất lượng được khẳng định bằng những bậc thang dài về thu nhập có lẽ chuyện chẻ chủ đề, vơ bèo vạt tép sẽ tự biến mất không cần phải nhắc.

            Các tác giả Phan Văn Đông, Nguyễn Văn Cảnh, Trần Sơn Tùng đề xuất: Đẩy điểm đứng "chất lượng tin bài" tiến nhanh về phía Giải bằng cách kiên quyết khắc phục những hạn chế đã thấy, tạo môi trường làm việc thoải mái hơn cho phóng viên phân xã, cần thiết có thể đầu tư trọng điểm cho một số cây bút tập trung vào sự kiện, vấn đề cụ thể nào đó khi thấy có triển vọng đoạt  giải cao trong các cuộc thi. Mạnh dạn chấm định mức cao cho những bài viết phóng viên bỏ nhiều công sức và những mảng đề tài mà lâu nay chúng ta chưa mạnh như: phóng sự điều tra, ký sự, bình luận; đầu tư vào công tác đào tạo và đào tạo nâng cao cán bộ trẻ, cán bộ tài năng; đối với những sự kiện nóng hoặc những chủ đề cần tuyên truyền đậm nét, chúng ta nên tổ chức tổ phóng viên tác nghiệp gắn kết. Tổ phóng viên cơ động này có thể tổ chức ở hình thức "động", nghĩa là chỉ điều động tập trung khi có sự kiện cần tuyên truyền đậm nét.

           Diễn đàn "Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí" xuất hiện vừa tròn 12 số NSTT. Thật bất ngờ khi những ý kiến, bài viết không chỉ phân tích nhiều khía cạnh của vấn đề, bàn thảo đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thông tin và vị thế của TTXVN tại các giải báo chí lớn mà còn là nơi các tác giả tâm sự, trăn trở, lo lắng về ngành, về nghề, về bao lo toan, bộn bề của cuộc mưu sinh đang hàng ngày, hàng giờ tác động lên từng dòng tin, tấm ảnh.

            Xin được lấy lời tâm sự của ông Phạm Đình Quyền làm đoạn kết cho diễn đàn: Công bằng mà nói, chúng ta đang có những phóng viên mà trình độ tay nghề không thua kém bất cứ phóng viên báo chí bên ngoài nào. Họ hết lòng và sẵn sàng xả thân với nghề, đam mê, trăn trở với từng "góc hình","con chữ"... Họ cũng từng đoạt không ít giải ở các cuộc thi có tiếng tăm (mặc dù chưa đạt đến giải cao nhất của cuộc thi báo chí quốc gia). Song họ chưa phải là số đông. Sự nỗ lực của riêng họ chưa đủ để tạo ra một diện mạo mới, một sự bừng khởi mới cho tin, bài, ảnh thông tấn. Để thực sự nâng cao chất lượng thông tin, để tên tuổi của TTXVN được khẳng định ở vị trí cao nhất trong các cuộc thi báo chí quốc gia, điều cấp thiết là phải biết "nuôi dưỡng" và "nhân rộng" những con người như vậy.

 

 

NSTT
Theo NSTT số 7/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc (01/06/2009 09:27:11)

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay (01/06/2009 09:27:03)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

Bao máu mắt để làm ra tác phẩm! (19/01/2009 09:52:15)

Tác phẩm hay là tác phẩm Dễ Nhớ và Khó Quên (19/01/2009 09:47:20)

Tin đối ngoại chưa trúng cũng chưa hay (30/12/2008 15:19:30)

Đất rộng mà hóa hẹp (03/12/2008 12:38:19)

Cần có chiếu riêng cho Thông tấn! (03/12/2008 12:35:55)

Đi tìm những tác phẩm đặc thù Thông tấn (03/12/2008 12:34:21)