Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Trò chuyện với nhà báo

Kênh truyền hình Thông tấn ước mơ và hiện thực


(10/07/2009 09:20:54)

Ngày 6/9/1999, Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn được thành lập. Gần 10 năm qua, những người hoạt động trong lĩnh vực nghe nhìn thông tấn luôn ấp ủ một ước mơ, đau đáu một dự định mà hiện thực của nó có thể là một tương lai không còn xa; đó là được lên sóng trên một kênh truyền hình của riêng mình - kênh truyền hình mang tên TTXVN. Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Nội san Thông tấn có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Trung tâm.

           - PV: Xin ông cho biết đôi nét về Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn?

    

            - Ông Nguyễn Hoài Dương (NHD): Đến tháng 9 này, Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập. Gọi là 10 năm nhưng trên thực tế chỉ sau khi tách khỏi Toà soạn bản tin ảnh Dân tộc&Miền núi hồi đầu năm 2004, rồi tổ chức tuyển nhân lực và được trang bị các thiết bị công nghệ chuyên dụng, Trung tâm mới chính thức đi vào hoạt động như một đơn vị thông tin độc lập.

            Hiện nay, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung cấp tin phát thanh và truyền hình cho các đài PT-TH trung ương và địa phương; thực hiện phim, phóng sự tài liệu, đĩa hình quảng bá hình ảnh đất nước phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành 15/9/2005, Bản tin thời sự âm thanh do Trung tâm sản xuất đã được chính thức phát lên mạng. Bẩy tháng sau, ngày 18/4/2006, vào dịp Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, Trung tâm bắt đầu phát và cung cấp tin video hàng ngày cho các đài truyền hình.

            Hiện với 40 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên, Trung tâm sản xuất mỗi ngày khoảng 70-80 phút thông tin âm thanh và truyền hình dưới hai hình thức: Tin nguồn thông tấn và thông tin thành phẩm (các bản tin thời sự, kinh tế; các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự..v..v). Ngoài ra, mỗi năm, Trung tâm tổ chức thực hiện khoảng 10 phim tài liệu và xuất bản theo đặt hàng từ 10 đến 15 nghìn đĩa hình đa ngôn ngữ.  

 

            - PV: Sản phẩm của Trung tâm dạo này lên sóng ở rất nhiều kênh truyền hình trung ương và địa phương?

 

            - NHD: Đúng là hiện Trung tâm đang cung cấp tin truyền hình dưới cả hai hình thức tin nguồn và thành phẩm cho chừng 20 đài PT-TH trung ương và địa phương ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, cũng như cho một số công ty truyền thông (là chủ hoặc đồng sở hữu kênh hoặc chương trình truyền hình "xã hội hoá" riêng).

            Trong bối cảnh bùng nổ số lượng kênh truyền hình và xu hướng đa dạng hoá phương thức truyền dẫn phát sóng nhằm mở rộng vùng phủ sóng của các đài hiện nay thì nội dung chương trình truyền hình, trong đó có mảng thông tin chính thống và phổ biến, đang là nhu cầu cấp thiết của hầu hết các đài, kênh nếu muốn thu hút được khán giả. Tuy nhiên, do lực lượng lao động mỏng và chưa có nhiều người giỏi về chuyên môn, nên Trung tâm vẫn đành rơi vào cảnh "bó tay.com", dù rằng có nhiều ý tưởng chương trình, chuyên đề rất hay, nếu thực hiện được thì chắc chắn nhiều đài sẽ mua để phát sóng.

      

             - PV: Không phải mấy ai cũng am hiểu về hoạt động nghe - nhìn. Ông có thể tiết lộ với bạn đọc chu trình sản xuất một sản phẩm thông tin nghe nhìn của Trung tâm?

 

            - NHD: Thông tin nghe nhìn thường được thể hiện trên ba, bốn "kênh" khác nhau: hình ảnh, âm thanh hiện trường, lời bình, và nếu là phóng sự hay phim tài liệu, còn cả nhạc nền. Do vậy, lao động truyền hình là lao động nhóm, từ phóng viên, quay phim, biên tập hình ảnh và âm thanh, rồi kỹ thuật dựng hậu kỳ v.v.  

            Đối với tin tức thông thường, hiện Trung tâm áp dụng mô hình "3 trong 1", tức là phóng viên trực tiếp tác nghiệp hoặc khai thác tin, sau đó tự biên tập, đọc lời bình và dựng tin. Cuối cùng, chỉ còn khâu hậu kỳ và duyệt phát là xong.

            Riêng đối với các phóng sự, chuyên đề, phim tài liệu thì trước tiên phải có đề tài; rồi vạch ý đồ thể hiện; sau đó viết kịch bản nội dung hay còn gọi là kịch bản văn học; rồi lập ra kịch bản phân cảnh, có nghĩa là phải tư duy nội dung định thực hiện bằng hình ảnh, âm thanh, lời bình, nhạc nền... sao cho tác phẩm có thể chuyển tải một cách hấp dẫn những thông điệp mà tác giả muốn gửi tới khán giả. Rồi lập kế hoạch thực hiện (liên hệ nhân vật, tạo dựng bối cảnh, tổ chức quay...). Sau đó biên tập âm thanh, nhạc nền, dựng và cuối cùng là thực hiện một số kỹ sảo hậu kỳ và duyệt phát. Tóm lại cũng khá phức tạp để có được một sản phẩm nghe nhìn chất lượng.

 

           - PV: Là đơn vị có những đặc thù riêng so với hoạt động thông tin chung của Ngành, vậy để có thể phối hợp tốt với Trung tâm Nghe nhìn, các đơn vị khác trong ngành nên làm gì?

 

           - NHD: Chúng tôi luôn cho rằng Trung tâm chỉ nên là đơn vị tổ chức sản xuất, còn thông tin nguồn phải do chính các phóng viên TTXVN ở các đơn vị thông tin, các phân xã trong và ngoài nước thực hiện. Có thế thông tin mới sâu về nội dung và rộng về địa bàn phản ánh. Mà đây cũng chính là lợi thế của TTXVN so với các cơ quan báo chí khác trong nước. Do vậy, Trung tâm rất cần và coi trọng sự phối hợp của các đơn vị thông tin trong ngành.

            Hiện chúng tôi đang hợp tác khá hiệu quả với Ban Biên tập tin Trong nước trong mảng thông tin nội chính, ngoại giao và y tế; với Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu trong chuyên mục "Khoảnh khắc & Sự kiện" hàng ngày; với hệ thống phân xã ngoài nước trong việc phản ánh hoạt động liên quan tới Việt Nam ở nước ngoài và xây dựng nội dung cho tạp chí truyền hình "Nhịp cầu Cộng đồng" hàng tuần. Nhiều cán bộ Ban Biên tập tin Thế giới hiện là những bình luận viên thời sự quốc tế cho chuyên mục "Sự kiện và Nhân chứng" của Trung tâm. Gần đây, báo Thể thao & Văn hoá đang phối hợp với chúng tôi sản xuất chuyên đề "Khám phá Hà Nội" hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trung tâm cũng đang có kế hoạch phối hợp với báo Tin Tức sản xuất chuyên mục "Hồ sơ mật", hay với báo Khoa học và Công nghệ xây dựng chuyên đề "Dinh dưỡng và Cuộc sống", vv...

            Bất cứ đơn vị thông tin nào trong ngành thấy có thể hợp tác và nhất là có ý chí hợp tác với Trung tâm thì chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp để cùng nhau đưa ra những sản phẩm mới nhằm đa dạng hoá hình thức thể hiện cũng như khai thác giá trị gia tăng của thông tin mà các đơn vị đang thực hiện.

 

           - PV: Các sản phẩm nghe nhìn thông tấn hiện đang đi theo hướng đa dạng hóa và chuyên nghiệp hóa song chúng ta vẫn chưa có một kênh truyền hình riêng. Theo ông, TTXVN cần có một kênh truyền hình riêng không?

 

           - NHD: Nếu TTXVN chỉ hoạt động như một hãng thông tấn, tức là chỉ cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan báo chí, thì có lẽ cũng không cần đến một kênh truyền hình riêng. Song để xây dựng TTXVN thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh thì ngoài các sản phẩm báo chí truyền thống như tin, bài, ảnh thông tấn; các báo và tạp chí in, báo điện tử, thì rất cần có một kênh truyền hình nhằm chuyển tải một cách chính xác, nhanh chóng, đúng định hướng nguồn tài nguyên thông tin dồi dào và đa dạng của ngành.

            Kênh truyền hình của TTXVN sẽ là một kênh thông tin thời sự và phổ biến kiến thức, giống mô hình CNN, BBC World News hay Channel News Asia, cập nhật và cung cấp liên tục thông tin mọi mặt của đời sống xã hội trong nước và quốc tế tới khán giả và hoàn toàn không tham gia vào lĩnh vực giải trí. Có một kênh truyền hình thông tấn tức là có thêm một giao diện thông tin đa phương tiện để chúng ta có thể chuyển tải tất cả các loại hình thông tin từ tin hình, tin âm thanh, tin chữ, tin ảnh, tin đồ họa, tin teletext và các loại hình thông tin mới khác, chứ không chỉ đơn thuần là một kênh hình ảnh động. Kênh truyền hình thông tấn cũng sẽ là cơ hội để chúng ta khai thác lợi thế cạnh tranh của ngành với hệ thống 63 phân xã trong nước và 27 phân xã ngoài nước, đồng thời thay đổi phong cách tác nghiệp và phát huy hết năng lực của đội ngũ phóng viên TTXVN, bởi tác nghiệp truyền hình đòi hỏi phóng viên ngoài phải có bản lĩnh chính trị, có kiến thức rộng, thì nhất thiết phải hiện diện tại nơi diễn ra sự kiện thông tin. 

 

           - PV: Sắp tới, TTXVN sẽ được cấp một kênh truyền hình. Theo ông, ngay từ bây giờ, TTXVN nói chung và Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn nói riêng cần phải chuẩn bị những gì?

 

           - NHD: Ngay sau khi được Thủ tướng cho phép ra kênh và được Tổng Giám đốc chỉ thị khẩn trương trình Đề án xây dựng Kênh truyền hình Thông tấn, đồng thời lập kế hoạch chi tiết về nhân lực, đấu tư trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp truyền hình cho phóng viên TTXVN ở cả tổng xã lẫn các phân xã trong và ngoài nước, v..v. chúng tôi đã lập một lộ trình tính từng ngày để phấn đấu có thể phát sóng truyền hình thông tấn vào đầu năm 2010 tới.

            Về phía Trung tâm, hiện chúng tôi vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin nghe nhìn cho các đài truyền hình, vừa tập trung thực hiện công tác chuẩn bị ra kênh.

            Đối với ngành thì như tôi đã nói, Ban Biên tập Truyền hình tương lai sẽ hoạt động chủ yếu như một đơn vị tổ chức sản xuất, còn nội dung phát sóng sẽ do các đơn vị thông tin cung cấp là chính, do vậy ngay từ bây giờ, mỗi phóng viên, biên tập viên, mỗi đơn vị thông tin hãy cùng chúng tôi chuẩn bị các chương trình, các chuyên đề, chuyên mục liên quan tới nội dung thông tin của đơn vị mình.

            Ngoài ra, chúng tôi mong muốn cùng các đồng nghiệp trong toàn ngành xây dựng Trung tâm Nghe nhìn trong tương lai thành một đơn vị thông tin đa phương tiện để cung cấp sản phẩm không chỉ cho các đài truyền hình, đài phát thanh mà cho cả các thiết bị di động, các báo điện tử, cho hệ thống màn hình công cộng và các loại hình thông tin báo chí mới trong kỷ nguyên số hoá và hội tụ số hiện nay.

 

            - PV: Rất cảm ơn ông về buổi trò chuyện. Chúc cho những dự định của ông và Trung tâm Nghe nhìn trong tương lai sẽ sớm trở thành hiện thực.

Hiền Anh (thực hiện)
Theo NSTT số 6/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ỷªu cầu dá»± kiến thông tin hằng ngày - Đôi Ä‘iều trăn trở (10/07/2009 08:39:57)

Rèn luyện kỹ năng làm báo hiện đại để khắc phục độ vênh giữa dạy & học, học & hành (10/07/2009 08:33:26)

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)

Vinh dự và trách nhiệm (10/07/2009 08:08:13)

Không nên "nhảy cóc" lập luận kinh tế (02/06/2009 09:23:31)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Gương sáng ở quanh ta (01/06/2009 09:27:24)

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc (01/06/2009 09:27:11)

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay (01/06/2009 09:27:03)

Ảnh báo chí Sức căng và sự hấp dẫn (01/06/2009 09:26:31)