Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ỷªu cầu dá»± kiến thông tin hằng ngày - Đôi Ä‘iều trăn trở


(10/07/2009 08:39:57)

Sau một thời gian bị "lãng quên", từ tháng 5/2009, các phân xã trong nước lại tiếp tục đẩy mạnh thực hiện yêu cầu dự kiến thông tin hằng ngày cho Ban Biên tập tin Trong nước (Ban BTT TN). Việc thực hiện nhiệm vụ này đang là chuyện " nóng" của các phân xã (PX) với những ý kiến "thuận và không thuận".

            Theo thông báo của phòng Quản lý phân xã địa phương (phòng QLPXĐP), tuy vẫn còn một số PX không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, song đến nay, hằng ngày, đã có trên 50 PX gửi dự kiến thông tin (có tin hoặc không có tin); nhờ việc dự kiến thông tin đang dần đi vào nề nếp nên công tác thông tin trong nước của TTXVN đã được nâng lên cả về nhiều mặt và đặc biệt là số lượt khách hàng truy cập tăng. Nhưng một trưởng phân xã ở miền Tây Nam bộ bộc bạch: Việc yêu cầu gửi dự kiến thông tin hằng ngày và buộc gửi trước 8 giờ sáng đã vô tình "công chức hóa" phóng viên, không phù hợp với đặc trưng nghề báo và điều này đồng nghĩa với việc phóng viên sẽ gặp khó khăn trong công việc. Một số trưởng PX, phóng viên ở các PX còn cho rằng phóng viên không thể sáng đến cơ quan làm dự kiến thông tin, sau đó ngồi chờ đến sau 9 giờ để nhận sự chỉ đạo của Ban BTT TN (trong số tin dự kiến, tin nào được viết, tin nào không cần viết, viết tin như thế nào...) rồi mới viết tin hoặc đi ra ngoài tác nghiệp. Một số người cũng phân vân với việc Phòng QLPXĐP liên tục nhắc nhở một cách "kiên quyết": Những PX không đăng ký tin trong ngày nếu gởi về không phải là tin thời sự, đột xuất... thì không được sử dụng. Ở đây có một giả thuyết được đưa ra: sáng không đăng ký tin nhưng trong ngày (qua các cuộc họp, hội nghị hay làm việc trong ngày) phóng viên lại chớp được những thông tin hay (có vấn đề) nhưng không phải là tin thời sự, đột xuất vậy có được viết hay không? Nếu không viết ngay, các báo đài  khác viết liền trong ngày thì PX sẽ như thế nào trong tình huống này? (mất tin hay, bỏ sót thông tin khi các báo khác đưa tin, bị xử phạt khi không thông tin hoặc thông tin chậm... ).

             Nhìn từ chủ trương của Tổng xã và thực tế thực thi chủ trương này ở PX cũng như qua ý kiến được nghe từ nhiều PX, tôi xin được mạn phép trao đổi đôi điều về yêu cầu dự kiến thông tin.

             Theo tôi, việc Tổng xã yêu cầu các PX dự kiến thông tin hằng ngày là một chủ trương đúng và cần thiết. Thông tin báo chí là những gì xảy ra "nóng" hằng ngày ở các địa phương, đơn vị... nên đội ngũ phóng viên các PX là lực lượng nắm bắt nhanh, đầy đủ nhất. Vì vậy việc dự kiến thông tin hằng ngày sẽ giúp cho Tổng xã nắm bắt được những thông tin cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thông tấn, báo chí của Ngành, đồng thời giúp cho Ban BTT TN có điều kiện tổ chức thông tin tốt hơn, chủ động trong biên tập và sản xuất thông tin, giới thiệu cho khách hàng những thông tin quan trọng, tin hay... Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, uy tín thông tin của TTXVN.

            Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của tất cả các PX, việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất... thì Phòng QLPXĐP không nên cứng nhắc, máy móc và cần nắm rõ những đặc điểm của mỗi PX (nhân sự, đặc trưng vùng miền...). Qua ý kiến của nhiều phóng viên các PXõ khu vực miền Nam, tôi thấy có một số điều cần quan tâm như sau:

            1- Thứ nhất là nên giãn thời gian gửi dự kiến thông tin trong ngày đến 8 giờ 30 hoặc có thể chậm hơn nữa để các PX có thời gian thực hiện. Do đặc trưng nghề nghiệp, nhiều khi trưởng PX, phóng viên không thể đến PX ngay đầu giờ buổi sáng. Hơn nữa, PX cũng cần có thời gian để nắm bắt những vấn đề đáng quan tâm, những sự kiện cần thông tin... trên địa bàn trong ngày. Giãn thời gian cũng giúp cho Ban BTT TN giảm áp lực trong việc tổng hợp tin gấp rút vào mỗi buổi sáng. Việc chỉ đạo viết hay không viết, viết như thế nào sau khi xem dự kiến thông tin nên thông báo nhanh qua điện thoại cho trưởng PX chứ không nên yêu cầu PX phải có người ngồi chờ chỉ đạo.

           2- Thứ hai là không nhất thiết hằng ngày mọi PX đều phải làm dự kiến thông tin - nhất là việc không có tin gì cũng phải đến cơ quan viết mấy chữ "hôm nay phân xã không có tin" gửi cho  phòng QLPXĐP rồi mới đi đến các địa phương, đơn vị "săn thông tin". Nhiều lúc, cả trưởng PX lẫn phóng viên (thường phân xã chỉ hai người và cá biệt có phân xã chỉ có một người ) đi cơ sở ở những vùng sâu vùng xa, mỗi người một nơi thì cũng không thể làm dự kiến thông tin. Vì vậy, hằng ngày, những PX có thông tin quan trọng, thông tin thời sự... buộc phải làm dự kiến thông tin vào đầu giờ sáng để Ban BTT TN biết phân công biên tập, giới thiệu với khách hàng... Đối với những thông tin bình thường và đặc biệt khi PX không có tin bài trong ngày thì không phải làm dự kiến.

            3- Thứ ba là nên xem lại việc "không sử dụng tin nếu không phải là tin thời sự, đột xuất" nếu buổi sáng PX không gởi dự kiến thông tin với lý do đã được trao đổi ở trên. Bên cạnh đó, cũng không nên buộc PX phải phát luôn trong ngày những tin bài đã dự kiến bởi lẽ có trường hợp tuy đã dự kiến nhưng vì lý do nào đó (chẳng hạn như không làm việc được với người cung cấp thông tin dù đã có lịch hẹn) thì không thể có tin để phát (trừ những tin thời sự, tin sự kiện...).

            4- Một vấn đề nữa đó là chế tài để thực hiện việc dự kiến thông tin là cần thiết song không nên thường xuyên "đe" trừ điểm trách nhiệm của trưởng PX nếu không dự kiến thông tin, bởi làm như thế nhiều trưởng PX cảm thấy áp lực nặng, thấy mình bị "siết". Thiết nghĩ ở đây, việc phối hợp trên ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng "bền vững và đạt hiệu quả cao" hơn là lúc nào cũng dùng chế tài để xử lý.

             5- Và cuối cùng, rất quan trọng đó là việc tuân thủ của các PX trong dự kiến thông tin hằng ngày. Tuy có những khó khăn nhất định song thiết nghĩ chủ trương của Ban lãnh đạo TTXVN là đúng, việc dự kiến các thông tin quan trọng, thời sự lớn... hằng ngày là việc cần làm; đồng thời việc thực hiện này còn mang tính nguyên tắc, tính tổ chức... và hơn hết là vì sự lớn mạnh của TTXVN (cũng chính là sự lớn mạnh của mỗi người làm báo Thông tấn) nên các PX cần "xắn tay vào việc". Sự đồng thuận của các PX cùng sự điều chỉnh phù hợp từ Ban BTT TN được nhận diện qua thực tế trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ giúp cho việc dự kiến thông tin hằng ngày đạt được mục tiêu đề ra và từ đó góp phần giúp mảng thông tin trong nước của TTXVN có sức bật mới, thành tựu mới.

Phan Văn Đông, Trưởng phân xã Lâm Đồng
Theo NSTT số 6/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Rèn luyện kỹ năng làm báo hiện đại để khắc phục độ vênh giữa dạy & học, học & hành (10/07/2009 08:33:26)

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)

Vinh dự và trách nhiệm (10/07/2009 08:08:13)

Không nên "nhảy cóc" lập luận kinh tế (02/06/2009 09:23:31)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Gương sáng ở quanh ta (01/06/2009 09:27:24)

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc (01/06/2009 09:27:11)

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay (01/06/2009 09:27:03)

Ảnh báo chí Sức căng và sự hấp dẫn (01/06/2009 09:26:31)

Phát hành báo chí - việc không mới nhưng khó (01/06/2009 09:26:24)