Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Phát hành báo chí - việc không mới nhưng khó


(01/06/2009 09:26:24)

Việc phát hành các ấn phẩm của TTXVN tại địa phương gặp khó khăn do chúng ta chưa biết quảng bá một cách chuyên nghiệp. Hiện nay, việc bán báo phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ giữa phóng viên phân xã với các sở, ban, ngành vốn có "truyền thống" chỉ mua báo bằng tiền ngân sách.

       Không phải ngẫu nhiên mà các trường đào tạo báo chí đưa môn phát hành báo chí hoặc kinh doanh doanh báo chí vào giảng dạy cho sinh viên. Điều đó có nghĩa phát hành là một mắt xích quan trọng trong chu trình xuất bản mỗi tờ báo. Nói một cách đơn giản, tác phẩm báo chí hay nhưng không được đưa đến đông đảo công chúng thì tác động xã hội của bài báo đó cũng không lớn, thậm chí không có. Điều đó đồng nghĩa với việc vị thế, uy tín của tờ báo hoặc cơ quan báo chí sẽ bị giảm sút, kéo theo thu nhập cũng "hẻo".

       Đối với cơ quan ta, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một hãng thông tấn nhà nước, thì công tác phát hành cũng rất được chú trọng. Thời gian qua, Ban Lãnh đạo cơ quan, các toà soạn, ban biên tập, Trung tâm Tiếp thị, Phát hành và Dịch vụ quảng cáo, các phân xã... đều "vật vã" với việc phát hành nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Chúng ta không tự mãn, nhưng phải khẳng định rằng, nội dung các ấn phẩm của TTXVN hay, đa dạng, chuẩn mực và có tính định hướng cao. Tuy nhiên, số lượng phát hành lại chưa tỷ lệ thuận với chất lượng thông tin của TTXVN.

       Thực hiện chỉ đạo của cơ quan, vừa qua phân xã Phú Thọ đã phát hành được một số ấn phẩm của TTXVN trên địa bàn. Có lẽ đó là sự may mắn, bởi so với một số phân xã "đàn anh" thì số lượng chưa thấm tháp gì. Tuy nhiên, qua việc phát hành tại địa phương, chúng tôi gặp phải một số khó khăn như sau:

       Trước hết, tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân việc trang bị máy vi tính và kết nối internet đã trở nên phổ biến. Với ưu thế về công nghệ, các báo điện tử cập nhật thông tin nhanh hơn, không bị phụ thuộc vào thời điểm phát hành nên thu hút một lượng đáng kể độc giả. Do đó, việc phát hành báo in nói chung và các ấn phẩm của TTXVN nói riêng gặp khó khăn, đồng thời đó cũng là lý do các đơn vị vin vào để từ chối việc đặt báo.

       Mua báo do nể nang

      Hiện nay, các sở, ngành thực hiện việc khoán kinh phí nên các đơn vị này chỉ đặt những báo "phải mua" hoặc báo ngành, ví dụ Sở Tài nguyên - Môi trường mua báo Tài nguyên&Môi trường, Sở Tài chính mua Thời báo Tài chính... Vì thế các báo khác chỉ còn lại chỗ đứng khá nhỏ ở các cơ quan này, việc mua hay không phần lớn phụ thuộc vào mối quan hệ. Tại Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ, sau lần chào xã giao đồng chí Giám đốc Sở (khi tôi mới lên nhận nhiệm vụ) và một vài lần làm việc, thấy không khí khá vui vẻ và gần gũi nên sau đó tôi quyết định sang "nhận họ" (vì Giám đốc Sở cùng họ với tôi) đồng thời đề nghị mua báo. Kết quả khá bất ngờ, Giám đốc sở "OK" và yêu cầu văn phòng ký hợp đồng mua mỗi ngày 7 tờ Tin Tức trong vòng một năm.

       Trên địa bàn Phú Thọ hiện nay phân xã chỉ phát hành được ở các cơ quan, còn cá nhân tự bỏ tiền mua thì chỉ có duy nhất một hợp đồng. Như vậy chỉ bán được ở những đơn vị dùng tiền ngân sách. Trong khi các báo khác, ngoài việc các cơ quan đặt mua, thì một lượng đáng kể vẫn được các cá nhân mua (có thể ký hợp đồng trực tiếp với bưu điện hoặc mua lẻ) tại bưu điện. Mặc dù thành phố Việt Trì cách Hà Nội khoảng 80km, nhưng khoảng 10 giờ sáng báo mới đến tay người đọc, còn ở các huyện thì muộn hơn. Việc công chức hay người dân muốn đọc báo vào đầu giờ sáng trở thành nhu cầu "xa xỉ". Thêm nữa, ở thành phố này không có sạp bán báo nào ngoài hè phố, mọi giao dịch ở lĩnh vực này thực hiện ở bưu điện. Có lẽ đây cũng là lý do nữa khiến các ấn phẩm của TTXVN ít có dịp đến được với độc giả trên địa bàn. Thậm chí có trường hợp thường xuyên đọc Thể thao&Văn hoá nhưng không biết đó là ấn phẩm của TTXVN.

       Việc phóng viên đi làm công tác phát hành có lẽ cũng là hình ảnh chưa quen ở địa phương. Vì thế việc giới thiệu, quảng bá ấn phẩm thiếu chuyên nghiệp nên khó thuyết phục được khách hàng tự "móc túi" mua báo. Chính vì vậy có tình trạng nể thì mua mà phân xã đã từng gặp. Ở một huyện, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đến làm việc với tư thế khá "đĩnh đạc", nhưng hôm giới thiệu các ấn phẩm mang tính "làm hàng" thì lại ấp úng khiến anh Chánh văn phòng nói vui "anh nể chú nên mua đấy nhé". Đó là chưa nói đến việc khi phóng viên liên hệ bán báo sẽ bị khách hàng (ở một vài cơ quan) có cách nhìn khác hơn khi đi làm tin (dù hiện tượng này không phổ biến). Thêm nữa, hiện nay, không chỉ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng... mà một số toà báo có đội ngũ PR khá chuyên nghiệp giúp cho việc quảng bá, tạo dựng hình ảnh đối với công chúng. Đó cũng là một trong những lý do giải thích vì sao một số báo chưa hẳn đã thực sự hay nhưng lại có lượng độc giả lớn. Trong khi đó, phân xã chủ yếu thực hiện nhiệm vụ thông tin, khi tham gia vào lĩnh vực phát hành sẽ rất thiếu kỹ năng trong việc giới thiệu sản phẩm để thuyết phục khách hàng.

           Để các ấn phẩm của cơ quan liên tục có thêm những độc giả mới ở địa phương thì việc "nuôi" những độc giả "chung thuỷ" là việc khá khó khăn trong thời đại cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay. Do đó, để làm tốt việc này, cùng với sự ủng hộ của Lãnh đạo cơ quan, thì mối quan hệ 3 bên: Toà soạn (Ban biên tập) - Trung tâm Tiếp thị, Phát hành và Dịch vụ quảng cáo - Phân xã cần được phối hợp chặt chẽ. Cụ thể hoá mối quan hệ này, toà soạn (ban biên tập) thường xuyên nâng cao chất lượng (nội dung và hình thức) tờ báo (bản tin) - Trung tâm tiếp thị phát hành chăm sóc khách hàng chu đáo để người mua báo thấy mình được là "thượng đế" - phân xã duy trì và phát huy mối quan hệ nhằm phát triển độc giả mới. Từ đó, chính độc giả là một trong những "kênh" tuyên truyền tạo cho ấn phẩm của chúng ta có sức lan toả rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, các hình thức khác như động viên kịp thời, tỷ lệ phần trăm (%) phát hành phí phù hợp hơn, phát hành đúng giờ... cũng cần được tính đến.

Trương Văn Quân
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những bất cập trong việc phát hành ảnh TTXVN (01/06/2009 09:26:12)

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (01/06/2009 09:24:48)

Giao lưu trực tuyến giữa Ban lãnh đạo với tuổi trẻ TTXVN (14/05/2009 10:37:50)

Nhận cờ Thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam (11/05/2009 15:38:24)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Những điểm đáng chú ý của ảnh báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập (11/05/2009 10:43:44)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

"CÃỠ máỪỎt tháỪŨi phÃỠng viÃến nhẳồ tháỨƯ!"(*) (11/05/2009 09:55:28)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Phát động cuộc thi viết "Một chuyến đi" (08/04/2009 10:27:25)