Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Những điểm đáng chú ý của ảnh báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập


(11/05/2009 10:43:44)

Những người lãnh đạo tòa báo, trong đó có thư ký tòa soạn, thường có những đòi hỏi vô lý đối với phóng viên ảnh là tại sao không chụp thế này, thế nọ cho đẹp. Để có một thông tin chân thực, đôi khi chúng ta phải xét cái đẹp của ảnh từ góc độ báo chí. Những bức ảnh yếu tính thông tin không nên đưa lên báo. Tính thời sự của ảnh báo chí làm nó hấp dẫn chứ không phải là phương tiện tạo hình ra nó.

      Phóng viên ảnh phải sống trong sự kiện

      Phóng viên ảnh làm cho các báo thường có cái khó riêng. Nội dung ảnh như thế nào để hấp dẫn bạn đọc? Xã hội có vô vàn điều cần đưa lên trang báo, nhưng điều gì là quan trọng nhất?

      Cho đến hôm nay chúng ta cũng không thể xa rời nguyên lý chủ yếu của báo chí: Đó là tính thời sự. Nếu không có tính thời sự thì bất cứ bức ảnh báo chí nào cũng khó có chỗ đứng thực sự trên báo. Thường thì các toà soạn rất khao khát những bức ảnh thời sự, nhưng thực tế ảnh thời sự vẫn không nhiều trên mặt báo.

      Có thể ngày nay tình hình đã có chút thay đổi. Một số ảnh trang nhất đã chú trọng tới tính thời sự hơn, nhưng về cơ bản thói quen sử dụng ảnh vẫn chưa thay đổi. Các báo vẫn hay dùng ảnh theo định kỳ, mang tính lễ nghi như vào ngày kỷ niệm thì ảnh này, ảnh kia. Thói quen đó phần nào đã nhiễm vào nếp của xã hội. Điều này cũng không khác gì các bài xã luận kỷ niệm, năm này, năm khác đều na ná như nhau.

       Bởi vậy, kênh hình phải hết sức mạnh mẽ mới có thể cuốn hút độc giả. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, máy ảnh số trở nên thông dụng, khả năng có được những hình ảnh từ trong sự kiện là rất lớn.

       Một trong những nguyên tắc cơ bản của ảnh báo chí là phóng viên ảnh phải sống trong sự kiện. Điều này không dễ. Đối với người làm nghề thì đó là một nguyên tắc bất di, bất dịch. Có nhiều phóng viên ảnh thích sự dàn dựng. Bố cục đẹp, hình ảnh rõ nét, dễ in ấn, không có nghĩa là tính báo chí của hình ảnh cao. Bởi lẽ khi sự thật không xảy ra trước mắt phóng viên, thì sự dàn dựng chỉ là những thủ thuật để có ảnh dùng tạm mà thôi. Chân lý giản đơn ấy nhiều người không tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Họ không biết rằng sự nói dối dù nhỏ nhất có thể phá hỏng lòng tin vào một sự nghiệp nhiếp ảnh. Phiên bản thứ hai sau khi sự kiện xảy ra dù nói gì thì nói vẫn chỉ là phiên bản thôi. Trong nhiều trường hợp nó được dùng như một tư liệu lịch sử để nhắc lại một thời đại, nhưng tính báo chí của nó thì bị mất đi. Và sẽ là bi kịch với tác giả nếu nó bị phát hiện vào thời điểm công bố tác phẩm, và tiếp tục là bi kịch nhiều năm sau nếu ngay từ đầu tác giả có thái độ không trung thực.

       Cho đến hôm nay chúng ta khi xem lại những bức ảnh của Isica Bundô chụp về chiến tranh Việt Nam vẫn phải sửng sốt về những hình ảnh được ghi nhận lại. Không hề có một chút giả dối nào trong những khuôn hình, ở đây sức mạnh lớn lao của nhiếp ảnh được thể hiện.

       Cuộc sống thời bình cũng đẩy các phóng viên liên tục vào các sự kiện lớn nhỏ khác nhau, họ không thiếu cơ hội để ghi nhận lại những hình ảnh ấn tượng và chân thực. Nhưng rõ ràng chúng ta còn chưa đủ một quan niệm đúng về nghề nhiếp ảnh như những người phải ở trung tâm của sự kiện, phải nhanh nhất và nhạy bén về cơ hội ghi hình.

Quan niệm sử dụng ảnh báo chí còn nhiều khiếm khuyết

     Các toà soạn báo có nhu cầu về ảnh rất lớn, nhưng cách sử dụng ít theo nguyên tắc và vẫn còn tùy tiện. Chúng ta thường gặp những bức ảnh bìa sử dụng kỹ thuật photoshop chỉnh sửa, cũng như những câu ghi chú: "ẢNH chỉ có tính chất minh họa". Sự nghèo nàn và dễ dãi của các tờ báo như vậy khiến cho những phóng viên ảnh kinh nghiệm lắc đầu buồn bã. Xu hướng đi tìm một bức ảnh trang trí cho bắt mắt mạnh hơn là đòi hỏi phóng viên phải có những tác phẩm ảnh báo chí thực sự.

      Phần lớn ảnh dùng trên các trang báo hiện nay vẫn ở vị trí minh họa. Những thông tin độc lập trên báo chí không nhiều. Để minh họa, cách biến một hình ảnh báo chí thành một hình ảnh đồ họa đôi khi cũng cần thiết, nhưng lúc đó vai trò của hình ảnh bị biến đổi, khi lạm dụng sẽ bị độc giả tẩy chay.

      Sự đa dạng cũng cần được chú ý. Trong một số tập san chuyên tuần, hoặc báo ảnh hàng tháng, có sử dụng ảnh ở dạng phóng sự và ký sự, nhưng chất lượng chung còn ở mức thấp. Nhiều phóng sự ảnh mới ở mức giới thiệu, ít chuyên đề hay và lôi cuốn. Cuộc thi ảnh báo chí "Khoảnh Khắc Vàng" là một sự minh chứng cho vai trò của phóng sự. Thể loại này hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh báo chí và có những người sẵn sàng mê mải vì nó.

      Trong những năm gần đây, chất lượng ảnh đã tăng lên nhiều. Nhưng những bức ảnh báo chí thực sự vẫn còn hiếm và luôn luôn thiếu. Sự phong phú và đa dạng về ảnh báo chí không nhiều. Kênh hình trên báo vẫn còn rất nhiều hạn chế và chưa được chú ý đúng mức.

       Mỗi tờ báo thường chỉ có một đến hai phóng viên chịu trách nhiệm về ảnh. Và mọi lỗi về hình ảnh thường đổ lên đầu anh ta. Nhưng người ta ít để ý rằng chính thư ký toà soạn mới là người quyết định số phận các bức ảnh. Đương nhiên còn tổng biên tập nữa, nhưng tổng biên tập là con người của tất cả, vị này thường chấp nhận "thức ăn" sẵn do thư ký toà soạn trình bày. Gửi gắm việc chọn ảnh cho thư ký toà soạn là phương án dễ được chấp nhận nhất. Như vậy, then chốt ở đây là cần có những thư ký toà soạn và những tổng biên tập hiểu biết về hình ảnh. Họ sẽ tự học hỏi nếu thấy cần thiết. Nhưng sẽ coi nhẹ khi "dị ứng" với nhiếp ảnh. Tốt nhất, nên coi trọng cả kênh viết và kênh hình, vì chúng không thể thay thế nhau được.

       Các hãng ảnh lớn ngày nay đưa thông tin ảnh theo từng phút. Thú thực tôi chưa rõ với những tờ báo mạng thì một hình ảnh chụp ngày hôm qua có nhiều ý nghĩa không?! Cuộc sống của thông tin trên mạng quả cũng có khía cạnh tiếp cận hơi khác so với báo viết. Ví dụ, như với một phóng sự thì yếu tố trang trí, trình bày không còn là một ưu thế, ảnh phóng sự được co cụm lại thành một nhóm ảnh kèm chú thích. Với sự phát triển của báo mạng, nhu cầu những bức ảnh sinh động, mang tính báo chí cao ngày càng lớn. Một tổng biên tập báo mạng, một thư ký toà soạn báo mạng cũng khó "trốn" được việc xử lý hình ảnh. Bởi thế, chúng ta phải có hướng lựa chọn những người, ngoài hiểu biết về tin, bài, còn phải có hiểu biết ảnh vào các vị trí này.

       Có thể nói, chúng ta chưa có văn hoá dùng ảnh cao. Đã đến lúc phải có những biên tập viên ảnh giỏi cho các báo. Nghề ảnh không thực quá khó, nhưng phải thực sự yêu thích và tâm huyết.

       Trong lĩnh vực này, Hội Nhà báo có vai trò khá quan trọng. Bằng các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề, ra những ấn phẩm về ảnh báo chí hay việc thành lập những website ảnh báo chí riêng cho giới nghề...  chắc chắn sẽ thu hút đông người tham gia.

       Tính tư tưởng của ảnh và vấn đề hội nhập

       Chúng ta còn cần nhiều thời gian nữa để hội nhập. Khi hội nhập, dù ảnh có thể mang tính khách quan và có ưu thế riêng trong các cuộc thi ảnh quốc tế, nhưng để có những giải thưởng ảnh báo chí quốc tế về Việt Nam là điều không hề đơn giản. Sau thời chiến tranh lạnh, hình ảnh Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong mắt quốc tế. Nhưng cách họ đánh giá Việt Nam cũng không phải là hoàn toàn không có vấn đề. Tính nhất nguyên của xã hội ta cũng có người hiểu lạc sang một hướng khác. Vì vậy, họ dễ nhìn theo hướng khai thác những mặt đối lập. Với tiêu chí ấy về tư tưởng, ảnh báo chí ta thật khó đạt được những giải ảnh báo chí cao.

       Tiêu chuẩn của FIAP cần tới sự hòa đồng, hữu nghị giữa các dân tộc. Bởi vậy, trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật, ảnh của Việt Nam có sự thuyết phục nhất định.

       Còn trong ảnh báo chí, tính thời sự và tính tư tưởng của nó được coi trọng rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu ấy, ngoài thói quen săn tin một cách chuyên nghiệp, phóng viên còn phải đưa ra những bức ảnh mang tính thời sự cao, rơi vào những luồng thông tin đang được chú ý nhất, hoặc đại diện cho một xu hướng tư tưởng thế giới quan tâm. Ta đang còn hạn chế trong những thao tác và quan niệm nghề nghiệp, lại chưa thật sự chú trọng đến tính thời sự của ảnh, chưa có sự độc đáo về tư tưởng, thì thật khó giành được những giải có chất lượng, có truyền thống theo đa nguyên. Điều ta hy vọng nhất là thông tin chất lượng và hoàn hảo về một sự kiện nào đó. Cộng thêm vào đó là tính nhân văn lớn lao của hình ảnh. Có thể dần dần thế giới sẽ quen với sự hiện diện của ảnh Việt Nam. Và Việt Nam cũng quen với cách dùng ảnh của thế giới.

       Tôi nghĩ rằng ba điểm nêu trên ít nhiều giải thích vì sao ảnh của ta chưa được những giải thưởng lớn về ảnh báo chí. Rồi cũng sẽ có thôi. Tuy nhiên đó không phải là chuyện ngày một ngày hai.

Vũ Đức Tân
Theo NSTT số 4/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

"CÃỠ máỪỎt tháỪŨi phÃỠng viÃến nhẳồ tháỨƯ!"(*) (11/05/2009 09:55:28)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Phát động cuộc thi viết "Một chuyến đi" (08/04/2009 10:27:25)

Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Liên chi Hội nhà báo (08/04/2009 10:00:27)

Sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (08/04/2009 09:41:03)

Thắp nén tâm nhang tiễn nhà báo Ba Đỗ - Nguyễn Văn Hạng (08/04/2009 09:37:07)

Giải cao vẫn xa vì ta... chưa chuyên nghiệp (08/04/2009 09:34:47)

Tăng lượt truy cập (08/04/2009 09:28:17)

Khi thông tin y tế lên ngôi (19/01/2009 10:33:07)