Thứ năm, ngày 25/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn


(11/05/2009 10:08:21)

Bạn đã bao giờ tự suy ngẫm, trải lòng và đặt cho mình câu hỏi: Mình có phải là người tự tin hay không? Và mình có khả năng làm được các tác phẩm lớn để có thể tham gia dự thi và đoạt Giải báo chí Quốc gia? Những câu hỏi trên, thiết nghĩ, có muôn trạng lời giải đáp, nhưng trong đó chắc chắn vẫn có những câu trả lời đại loại rằng: Do cơ chế nên các tác phẩm báo chí khó có cơ hội đoạt giải. Và cũng rất ít người dám "phong" cho mình là người tài, có đủ tự tin. Đấy, quả thật là lối đánh giá "không chết ai" mà lại giải thoát bản thân ra khỏi vòng vây áp lực.

     Theo tôi, sự tâm huyết nghề nghiệp, cộng với tài năng và tinh thông nghiệp vụ mới hội tụ thành "người tài" trong làng báo. Nhưng người tài chưa hẳn đã có tác phẩm báo chí lớn - có thể đoạt giải cao Giải báo chí Quốc gia. Và ngược lại, một tác phẩm báo chí lớn thì trong đó gồm có nhiều yếu tố. Nói gọn lại, muốn đoạt giải, còn cần có sự may mắn và bản lĩnh của nhà báo. Sự may mắn thường hay trao cho những người say mê công việc. Đó là những người tâm huyết với nghề, thường đi cơ sở, chịu khó lắng nghe dư luận, nắm bắt những vấn đề nhạy cảm. Còn "bản lĩnh" không phải ai cũng có. Người nào không thắng nổi chính mình, cũng như không vượt qua được nhiều áp lực các mối quan hệ xã hội thì khó lòng đoạt giải, nhất là thực hiện các tác phẩm điều tra.

       Nhiều người vẫn nghĩ rằng, đối với một sự kiện nào đấy, nếu giao cho mình làm ắt hẳn sẽ thành công và thậm chí rất xuất sắc. Tuy nhiên, giữa suy nghĩ và hành động khác nhau rất xa, thậm chí trái ngược hoàn toàn. Khi nhà báo đứng trước nhiều cám dỗ, hiểm nguy về tính mạng, lung lay về sự nghiệp, nếu không có đủ lòng tin, vững tâm bảo vệ những giá trị pháp lý đúng đắn thì e rằng sự việc sẽ không cho kết quả mỹ mãn. Với trải nghiệm thực tế của bản thân, tôi muốn nói rằng, để có tác phẩm lớn, đoạt giải thì trước tiên phải giải quyết được cái tôi: Mình đã tâm huyết và bản lĩnh thực sự hay chưa? Còn chuyện cơ chế bất cập là chuyện bàn sau.

        Tôi có thể được coi là người may mắn khi có các tác phẩm đoạt giải báo chí như: Giải C Giải báo chí Quốc gia năm 2006; Giải A Giải báo chí TTXVN và hai giải C Giải báo chí Trẻ TTXVN... Tuy nhiên, có lúc tôi thấy chưa hài lòng vì giá như mình có thêm tý tài năng nữa, ắt hẳn những tác phẩm, những chủ đề mình theo đuổi dễ đoạt giải cao hơn. Ví dụ, chùm tin bài viết về những vấn đề tiêu cực ở làng vạn đò tỉnh Thừa Thiên - Huế đoạt Giải báo chí Quốc gia. Nhưng theo đánh giá của các bậc tiền bối thì loạt bài mới chỉ đạt tiêu chuẩn "Nhanh -  Đúng - Trúng" chứ chưa "Hay". Nhưng cái "hay" đấy cũng không dễ gì giải quyết, vì còn liên quan đến vấn đề tài năng, sự đầu tư thời gian, công sức, thù lao... Nhưng tôi cũng tiếc cho loạt bài này vì vào thời điểm nộp bài dự thi, sự kiện vẫn chưa kết thúc. Sau này, phiên tòa phúc thẩm cuối cùng xử tù gần 10 cán bộ với tổng cộng 21 năm tù, thu hàng tỷ đồng cho ngân sách và bà con vạn đò.

      Với những vấn đề nêu trên, để có một tác phẩm hay, đoạt giải báo chí, theo tôi cần thiết phải có mối quan hệ "đa chiều". Tựu trung lại đó là 5 vấn đề mà tuổi trẻ chúng tôi mong và cần Ngành sớm giải quyết đồng bộ, hợp lý. Thực lòng, tôi chỉ muốn được chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp và đi tìm lời giải đáp mà thậm chí chính tôi đang còn "thiếu, yếu và cần".

        Thứ nhất, phải giải quyết "cái tôi". Có nghĩa tự bản thân phóng viên nỗ lực, phấn đấu, đam mê với nghề, tự tìm tòi chủ đề, phát hiện chủ đề, rồi xử lý vấn đề. Đặc biệt khi có chủ đề nên chọn hướng phát triển thời điểm đăng tải phù hợp... Những tác phẩm hay là những tác phẩm mang đậm dấu ấn và hơi thở của cuộc sống đời thường mà phóng viên tìm được và biến hơi thở đấy thành nhịp đập của riêng mình và toàn xã hội. Hơn thế phóng viên cần phải tinh, nhận định được đấy là vấn đề nóng hổi, Đảng và Nhà nước và toàn xã hội đang quan tâm. Chứ chúng ta không thể ngồi đợi sự kiện đến mới làm tin, bởi không một người quản lý nào "trăm tay, nghìn mắt" chỉ cho chúng ta từng chủ đề, rồi phân công chúng ta đi làm giống hệt như một cái máy. Khi đã có chủ đề, có hồ sơ, tài liệu đầy đủ, nếu quyết định làm thì phải "vững tâm", thậm chí là phải biết chấp nhận và đón trước rủi ro cho bản thân. Có phóng viên làm điều tra quá cẩn thận, sự việc gì cũng tìm gặp cho được lãnh đạo chính quyền thì mới dám phản ánh. Trong khi đấy, những vấn đề nhạy cảm họ thường né tránh phát ngôn. Cái cần nhất của người phóng viên là phản ánh đúng thực tế, khách quan ở cơ sở để từ đó giúp cho Đảng và Nhà nước chỉ đạo kịp thời. Làm được như thế thì chính quyền sở tại cũng nể phục và không dám có thái độ coi thường phóng viên, phớt lờ nhân dân và dư luận. Không phải tôi đề cao các báo bạn, mà có một thực tế khách quan, phóng viên trẻ một số tờ báo lớn tác nghiệp rất nhanh, phát hiện được nhiều chủ đề hay và thể hiện tác phẩm cũng sinh động, táo bạo!

       Thứ hai, với mô hình mỗi địa bàn một người phụ trách của TTXVN hiện nay thì vai trò trưởng phân xã rất quan trọng, vì tin bài "đi" hay "ở" đều nằm trong tầm kiểm soát ở cơ sở. Vấn đề phóng viên trẻ cho là hay và đã điều tra công phu đến bao nhiêu nhưng "trưởng xã" cho là "không vấn đề" thì coi như là công cốc. Chưa nói đến chuyện trưởng xã còn nhiều mối quan hệ, quen biết, ràng buộc, nể nang... Việc này không ám chỉ phân xã nào nhưng thực tế hiện nay vẫn đang diễn ra. Các phóng viên trẻ thông thường ngại thể hiện quan điểm, chính kiến và hơn nữa là sợ mâu thuẫn với "sếp". Vì vậy, khi phát hiện ra chủ đề gai góc không dám dấn thân vào làm, dẫn tới thời gian qua dường như phần lớn các phóng viên trẻ mới vào ngành, nhất là phóng viên hợp đồng thì lại càng hiếm có những tác phẩm hay. Và rồi cuối cùng bị đánh giá là tuổi trẻ còn non kinh nghiệm!

       Hiện nay, ngành ta đã có tiêu chí để đánh giá trưởng phân xã và phóng viên, trong đó có một điểm đáng lưu ý là: "Mối quan hệ với tỉnh". Đây là quy định rất đúng, giúp cho phóng viên có phong cách làm việc đúng đắn, chuẩn mực ở cơ sở. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn có đôi lúc, đôi nơi, phân xã còn e ngại đăng tải các bài điều tra, tiêu cực ở tỉnh, vì như vậy sẽ bị cô lập, lãnh đạo tỉnh ghét bỏ theo kiểu "luật bất thành văn". Và như vậy, cấp trên trong ngành cũng dễ hiểu nhầm phóng viên không quan hệ tốt. Vô hình trung, thông tin của ta có lúc vẫn mang tính "cân đối hài hoà" vừa được tác phẩm, vừa được lòng lãnh đạo, dẫn tới tác phẩm không quyết liệt, không đến nơi đến chốn và khó lòng đoạt giải cao.

      Sự hậu thuẫn của toà soạn, các ban biên tập (gọi chung là toà soạn) là vấn đề thứ ba đóng vai trò then chốt. Nếu phát hiện bài nào hay thì toà soạn cần định hướng, phát triển chủ đề, thậm chí động viên cả vật chất lẫn tinh thần. Từ đó phóng viên cảm nhận được sự vững chắc của "hậu phương" để lao vào làm. Bởi vì, khi một phóng viên làm điều tra bao giờ họ cũng đặt giả thiết rằng: Nếu sự việc mình nêu lên bị đối tượng kiện lại thì đâu là đúng, đâu là sai và ai sẽ bảo vệ quan điểm cho mình. Thực tế thời gian qua, chủ yếu phóng viên gửi bài viết nào thì toà soạn dùng bài đấy, có lúc toà soạn bỏ bài dù chưa trao đổi, giải thích rõ với phóng viên.

      Thứ tư, cơ chế, chính sách cần khuyến khích người tài, người lao động hiệu quả. Đặc biệt là những thể loại mà lâu nay chúng ta chưa mạnh như: phóng sự điều tra, ký sự, bình luận, cần cho thang điểm cao hơn vì để viết được những thể loại này, người viết phải bỏ rất nhiều công sức. Đây là vấn đề được bàn thảo nhiều trong các lần hội nghị, hội thảo, nhưng vẫn chưa có bước đột phá. Đối với các đồng nghiệp, việc thực hiện một bài điều tra kỳ công như thế nào tôi chưa có dịp biết kỹ. Nhưng về phần mình, để viết được một bài điều tra thông thường (chưa nói dài kỳ, gai góc), tôi phải tốn rất nhiều thời gian vì phải thực hiện các công đoạn: đọc qua đơn thư phản ánh; thẩm định vấn đề bước đầu; sau đấy xuống cơ sở rồi tìm gặp các cơ quan chức năng... Nhưng những bài này thời gian qua mới chỉ được chấm từ 40 - 60 điểm, gấp khoảng hai lần so với tin thông thường. Trong lúc phóng viên còn phải thực hiện định mức, chưa nói đến chuyện thu nhập, lo công việc gia đình ở xa...

        Cuối cùng là vấn đề phát hiện, đào tạo và đào tạo nâng cao cán bộ trẻ, cán bộ tài năng. Ví dụ như tôi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, được ngành ưu ái tuyển dụng làm phóng viên. Quả thật ngày đầu quá bỡ ngỡ khi viết báo, bởi không biết chút gì về chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy rất vất vả trong việc thể hiện tác phẩm. Có chăng mình chỉ nhanh nhậy trong việc phát hiện chủ đề và thu thập chứng cứ. Có lúc, ước muốn viết một bài gì đấy ra tấm ra món, nhưng "lực bất tòng tâm". Có lúc thì ngẫu hứng viết xong rồi, nhưng không dám phát vì sợ rằng tác phẩm của mình viết lộn xộn, sợ đồng nghiệp đánh giá thấp... Sự tự ti ấy dường như tôi phải chịu đựng thời gian khá dài (chắc chắn không chỉ là riêng tôi). Như vậy, ngoài sự non trẻ tất yếu, thì sự đào tạo muộn cũng làm cho thế hệ trẻ chúng tôi phát triển chậm, có phần lãng phí nhân lực. Sau khi vào biên chế, tôi đã được tham gia khóa đào tạo phóng viên, biên tập viên của TTXVN. Từ đấy các bài viết của tôi có đường nét hơn, và những bài được giải đều ở sau giai đoạn này.

Vậy nên, có rất nhiều yếu tố để hình thành một tác phẩm hay trong đó tôi luôn tâm đắc và muốn nhấn mạnh: Vấn đề phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài vẫn là quan trọng nhất. Vì qua đó, người cán bộ, phóng viên cảm thấy được cơ quan trọng dụng, tự tin phát triển khả năng. Còn chuyện cơ chế, tôi nghĩ quan trọng nhưng chưa hẳn là mấu chốt, mà chỉ là bổ trợ. Vì rằng thu nhập của chúng tôi so ở cơ sở và mặt bằng chung của xã hội chưa phải là cao nhưng cũng không thấp. Nếu thu nhập được trả đúng theo trí và lực của phóng viên đã bỏ ra thì thật tuyệt vời!

Nguyễn Văn Cảnh
Theo NSTT số 4/2009